Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

Sau phiên tòa bỏ túi, bỗng chốc 4 thanh niên CG trở thành anh hùng cách mạng. / Phỏng vấn ba và em gái của các bị cáo : Các con và anh vô tội, hãy can đảm lên.


Làm tặng cho những người bạn trẻ biết dấn thân cho xã hội mà lại bị tù đày.


http://www.youtube.com/watch?v=0brz4QYbDIg






BÀI LIÊN QUAN : TIN TỔNG HỢP VỀ PHIÊN TÒA BỎ TÚI XỬ 4 THANH NIÊN CÔNG GIÁO YÊU NƯỚC.


Hôm qua: Toà án nhân dân Nghệ An tạo ra các anh hùng cách mạng

25 th. 5
(25.05.2012) – Cần Thơ – Với việc Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên án trưa ngày 24.05.2012, phong trào dân chủ ở Việt Nam có thêm bốn anh hùng, mà “các thế lực thù địch” chẳng phải mất đồng xu hay công sức đào tạo gì cả.


Theo đó, Đậu Văn Dương 42 tháng tù giam, 18 tháng quản chế; Trần Hữu Đức 39 tháng tù giam, quản chế 12 tháng; Chu Mạnh Sơn 36 tháng tù giam, quản chế 1 năm sau khi mãn hạn tù; Hoàng Phong 24 tháng tù treo, thử thách 36 tháng.


Trước đó, luận về những kết án do Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đưa ra, luật sư Lê Quốc Quân viết: “Họ bị cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa XHCNVN vì đã “rải truyền đơn” kêu gọi “đa nguyên đa đảng, dân chủ nhân quyền và phủ nhận cuộc bầu cử quốc hội khóa XIII”. Đối với Tổ chức theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch), thì những hành vi này không ai trên thế giới lại xem đó là tội. Việt Nam đưa các hành vi đó ra để xét xử cách nặng nề thì chứng tỏ nhà cầm quyền chẳng ra gì: “Thật cực kỳ xấu hổ khi chính quyền Việt Nam đưa những nhà vận động Công giáo ra tòa xử và có thể sẽ kết án tù chỉ vì họ bày tỏ quan điểm và phát truyền đơn,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Qua việc truy tố bốn nhà vận động nói trên, chính quyền Việt Nam cho thấy họ rất coi thường tự do tôn giáo và tự do ngôn luận”.

Theo dõi tường thuật trực tiếp từ bên ngoài về phiên toà xét xử trên các websites, chúng tôi nhận thấy bỗng chốc 4 thanh niên Công giáo hôm nay bị xét xử trở thành anh hùng.


Một thiếu nữ dơ cao quá đầu hình in màu 4 anh Dương, Sơn, Đức, Phong với dòng chữ “Bạn tôi vô tội”, vừa báo cho mọi người biết sự thật, vừa hãnh diện về những người mình quen biết. Các thanh thiếu nhi cầm các băng rôn công khai diễu hành trên các đường phố cũng với hình ảnh 4 anh này và những người khác nữa bị bắt cóc và giam giữ cách phi pháp, và những khẩu hiệu “Phản đối việc bách hại những người dân vô tội”. Các em bước đi trong niềm vui tiếng cười, không chút sợ sệt hay lo lắng. Đối với các em, 4 anh Dương, Đức, Sơn, Phong là những hình mẫu lý tưởng mất rồi. Những vị cao niên, trưởng thượng cũng tham gia khá đông tại trước cổng Toà án nhân dân (nhưng không phải của dân) Nghệ An với sự đòi hỏi quyết liệt hơn “Hãy trả tự do cho những nhà bất đồng chính kiến”.


Những ngày trước tháng 4 năm 1975, những chiến sĩ việt cộng nằm vùng phải cố gắng thí mạng đồng đội để dựng nên các biểu tượng Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Văn Trỗi, Võ Thị Sáu … gì gì nữa đó, để lôi kéo thanh niên, sinh viên, học sinh lao vào cuộc chiến huynh đệ tương tàn Bắc-Nam. Còn hôm nay, chẳng có ai làm vùng, chẳng có ai mang anh chị em, con cháu mình ra đốt để tạo ra những anh hùng gây nhiều tranh cãi trong suốt dòng lịch sử, mà chính Toà án nhân dân Nghệ An, với kịch bản tuyệt vời của Bộ công an và sự thông đồng của Viện Kiểm Sát đã tạo ra các anh hùng cho phong trào dân chủ ở Việt Nam. 


Các anh Đậu Văn Dương, Trần Hữu Đức, Chu mạnh Sơn và Hoàng Phong đâu có ngờ một chút dấn thân phục vụ xã hội của mình theo lẽ thật của tiếng nói lương tâm đã biến mình thành anh hùng như hôm nay? Làm sao các anh Dương, Đức, Sơn và Phong có thể nghĩ mình có thể chiếm trọn lòng nhiều thiếu nữ, rất đông các bạn cùng trang lứa, và biết bao vị trưởng thượng danh giá như sáng hôm qua (?)

Trong những ngày này câu chuyện của dân cư Nghệ An sẽ bàn về 4 thanh niên Công giáo. Họ là những nhân chứng trực tiếp tham gia đòi công lý cho những người trẻ này hay chỉ đơn giản là khách đi đường vô tình thấy đường xá và quang cảnh trước Toà án sáng qua. Chắc sẽ có người khen người chê, chắc sẽ có người bàn về tinh thần nhân dân thật xuất phát từ dân và tinh thần nhân dân giả hiệu xuất từ nhà cầm quyền. Những anh thanh niên xa lạ với các gia đình lương và giáo bỗng nhiên trở thành đối tượng thách thức những người trước đây tỏ ra là anh hùng, là đĩnh đạc, nhưng vẫn không thoát khỏi được sự sợ hãi, nhân danh “khôn ngoan”.


Từ nay, tên các anh Dương, Đức, Sơn, Phong trở nên cột mốc mới cho phong trào xã hội Việt Nam, không ai có thể nói họ là tàn dư của chế độ nguỵ quân nguỵ quyền, vì tất cả họ không có ai tuổi quá 27, và lại sinh ra ở ngoài vĩ tuyến 17. Những ông bà cô bác, anh chị lớn đã mỏi gối, chồn chân, vì thời gian dài bị hành hạ, đàn áp suốt gần 40 năm qua đã có thể thong dong trở thành những người ủng hộ giới trẻ. Nhìn những người trẻ hừng hực ngoài cổng Toà án và trên đường phố Nghệ An sáng qua, những người khát khao một xã hội dân chủ, công bằng và thượng tôn sự thật an tâm, vì không chỉ có 4 anh được Toà án phong anh hùng cách mạng, mà hàng trăm người trẻ khác đang rõ mồn một trước mặt họ.

Các linh mục ở Nghệ An đứng chung với giáo dân trước Toà án cầu nguyện cho những giáo dân của mình đang bị xét xử trong Toà là một lời cầu chúc mang lại bình an sâu xa và tức thời cho 4 bạn trẻ đang đối diện với những bất công càng ngày càng nhiều hơn. Bốn người bạn trẻ này biết họ không cô đơn, biết họ đã làm điều nên làm.


Bài này đêm qua, lúc 3:43 am đã được đưa lên trang VRNs, nhưng sau đó đã bị hack 90% nội dung bài viết. Tác giả viết ngay lúc phiên toà kết thúc trên email, mà không lưu vào máy, nên khi được BBT báo tin bài bị mất và xin gởi lại thì tác giả đành phải vội viết lại, nên nếu ai đã kịp đọc bài đã đăng và sống được trong hơn 1 tiếng thì sẽ thấy bài này có chút khác biệt.




+++++++++




Các con vô tội, các con hãy can đảm lên

25 th. 5
VRNs (25.05.2012) – Nghệ An – “Các con vô tội, các con hãy can đảm lên. Cha mẹ, anh em, bạn bè, luật sư, công luận và những người tiến bộ đang ủng hộ các con”. Đó là tuyên bố của ông Chu Văn Nghiêm trong phiên tòa xét xử con ông, Chu Mạnh Sơn, và ba thanh niên Công giáo khác tại thành phố Vinh, Nghệ An, sáng ngày 24.05.2012.

Một câu nói rất ngắn gọn nhưng tỏ rõ sự cương quyết cũng như bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối của ông và những người thân khác của bốn bạn trẻ đối với những việc mà con em họ đã làm. Hơn nữa, lời nói ấy còn mang nhiều ý nghĩa quan trọng khác đối với chính bốn bạn trẻ bị xét xử và tất cả những ai quan tâm đến ‘vụ án’ cũng như hiện tình đất nước nói chung.


‘Con tôi vô tội’


Đối với bất cứ gia đình nào, nếu con, anh, chị, em của mình rơi vào vòng lao lý đó là một điều đau buồn, bất hạnh và thậm chí tủi nhục vì tù tội thường gắn liền với những việc làm phi pháp, bất lương. Vất vả, hy sinh nuôi con khôn lớn, cho con học hành, ai cũng mong con mình trưởng thành, không ai lại muốn con mình phải đứng trước vành móng ngựa và chính mình bị người đời dèm pha, khinh bỉ.

Với gia đình ông Chu Văn Nghiêm và người thân của Đậu Văn Dương, Trần Hữu Đức và Hoàng Phong, chắc cuộc sống của họ cũng bị đã đảo lộn từ ngày con của họ bị bắt và thất vọng, đau buồn nhiều khi con mình phải đối diện với vòng lao lý.


Trả lời phỏng vấn đài RFI Tiếng Việt sau phiên tòa, Cô Đậu Thị Thúy, em gái của Đậu Văn Dương – một trong số ít thân nhân chen vào được trong phòng xử – cho hay khi thấy anh mình và ba bạn trẻ kia đứng trước vành móng ngựa và tay bị còng, thì cảm thấy thương.

Ai lại không thương, không rơi lệ khi chứng kiến người thân của mình trong tình trạng đó – đặc biệt khi biết rằng họ không làm gì nên tội.


Nhưng khác hẳn lệ thường, trước cảnh bắt bớ, xét tử, tù giam của con mình, họ không nhụt chí, họ vẫn vững vàng và cương quyết vì họ tin rằng con, anh mình “vô tội”.

“Vô tội hết! Hãy thừa nhận việc các anh làm, nhưng không nhận tội! Anh tôi vô tội! Trả tự do cho anh tôi!”. Cô Thúy đã hô lớn như vậy trong phòng xử.


Là những bậc làm cha, làm mẹ, hay làm em, và đặc biệt là những người Công giáo, họ không tin rằng con em, anh trai của họ – những người trẻ rất tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện, bác ái, như hiến máu nhân đạo, tìm kiếm và chôn cất chu đáo các thai nhi bỏ rơi – lại làm những điều phi pháp.

Có thể chỉ vì đầy nhiệt huyết, chỉ vì không bàng quan trước những bất công, vô lý của xã hội, chỉ vì muốn đất nước được tự do, giàu mạnh, những bạn trẻ này đã “rải truyền đơn” kêu gọi “đa nguyên đa đảng, dân chủ nhân quyền và phủ nhận cuộc bầu cử quốc hội khóa XIII”. Và cũng vì những việc làm đó, họ đã bị xét xử “về tội tuyên truyền chống nhà nước”.


Trước khi phiên tòa xảy ra, Luật sư Lê Quốc Quân đã có bài “Bàn về tội các thanh niên Công giáo yêu Nước”, trong đó Luật sư đã giải thích tại sao những việc làm của những bạn trẻ này “không phải là tội mà là sự lặp lại yêu cầu của đảng viên cộng sản cao cấp Trần Xuân Bách cách đây hơn 20 năm. Cao hơn nữa, đây là tiếng nói trung thực từ lương tâm con người, phù hợp với xu hướng phát triển của Việt Nam và nhân loại trên toàn thế giới”.

Và cũng hiểu rõ được việc con mình làm và cách con mình bị đối xử, ông Nghiêm đã nói rằng: “đây là một phiên tòa ô nhục”.


‘Hãy can đảm lên’



Với Chu Mạnh Sơn và ba bạn trẻ khác bị xét xử, câu nói đầy xác quyết ấy của ông Chu Văn Nghiêm là một nguồn động viên lớn vô cùng.

Là những thanh niên Công giáo, những người có niềm tin, dám dân thân phục vụ, chắc chắn bốn bạn trẻ này cũng những thanh niên Công giáo và Tin lành khác bị bắt trong thời gian qua đều suy nghĩ, cân nhắc và cầu nguyện nhiều trước những hành động, công việc nào của mình. Và ít hay nhiều chắc họ cũng ý thức được rủi ro cho những công việc, dấn thân của họ.


Nhưng sau khi bắt và nhiều tháng bị giam, bị tra hỏi, không được gặp gia đình trong nhiều tháng, chắc có lúc các bạn ấy cũng nao lòng khi nghĩ tới cảnh gia đình mình đau buồn hay bị dèm pha vì những việc mình đã làm hoặc thậm chí phản đối những hành động của mình. Do đó, có thể có lúc nào đó trong thời gian bị giam giữ, tra hỏi, các bạn cũng chùng lòng.

Giờ được nghe một câu nói rất quả quyết như vậy của cha mình ngay trong tòa, trước sự chứng kiến của bao người – trong đó có những người đã dàn dựng và tiến hành “phiên tòa ô nhục” này – những bạn trẻ ấy chắc chắn sẽ cảm thấy yên tâm và xác tín hơn vì biết rằng những việc mình làm là đúng và được tán thành, được khuyến khích.


Hơn nữa, câu nói đó chắc chắn sẽ tiếp sức và giúp những bạn trẻ này thêm can đảm, không chùn bước trước bất công, vô lý, bạo quyền vì không chỉ “cha mẹ, anh em, bạn bè, luật sư”, mà cả “công luận và những người tiến bộ đang ủng hộ các con”.

Kể từ khi những bạn Công giáo này bị bắt, nhiều tiếng nói, tổ chức trong và ngoài nước đã lên tiếng bênh vực và kêu gọi trả tự do cho họ. Trước khi phiên tòa diễn ra, tại Hà Nội, Vinh và một nơi khác đã có những buổi cầu nguyện cho họ, cho đất nước.

Và hôm nay, ngoài gia đình, đã có rất nhiều bạn bè (ước tính có hơn cả ngàn người), với nhiều băng rôn khác nhau đến Tòa án thành phố Vinh để ủng hộ bốn bạn trẻ.


Không còn đơn độc


Trong số những người tham dự, được biết có Cha Antôn Trần Văn Niên và Cha Phanxicô Xaviê Hoàng Sỹ Hướng, Linh mục quản hạt, chính xứ Cầu Rầm và Trưởng ban giới trẻ Giáo phận Vinh.

Là người Công giáo, chắc chắn những bạn trẻ này cũng như gia đình của họ cảm thấy được khuyến khích rất nhiều trước sự hiện diện của các linh mục tại tòa án vì sự hiện diện đó cũng đồng nghĩa là họ không bị bỏ rơi, không còn đơn độc và những việc họ làm không phải là những điều sai trái, phi pháp.


Mới đây, Ủy ban Công lý và Hòa Bình (CLHB) của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã có một bản “Nhận định về một số tình hình tại Việt Nam hiện nay”, trong đó ghi rõ: “nền kinh tế Việt Nam đang mất định hướng, thiếu tính bền vững và nhân bản, vì đổi mới kinh tế không song hành đổi mới chính trị, cũng như tăng trưởng kinh tế không nối kết với phát triển xã hội và phát triển con người toàn diện”.

Có thể nói việc các bạn trẻ này “rải truyền đơn” kêu gọi “đa nguyên đa đảng, dân chủ nhân quyền” cũng chỉ muốn Việt Nam có “đổi mới chính trị” để nền kinh tế Việt Nam khỏi bị “mất hướng”, thêm “bền vững”“nhân bản” hơn.


Và xa hơn nữa, việc làm của họ – cũng giống như lý do chính của UB CLHB khi làm bản Nhận định – đều “phát xuất từ niềm tin Kitô giáo và trách nhiệm công dân với ước nguyện góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng một đất nước phát triển vững bền, dân chủ và nhân ái”. 

Việc gia đình bốn thanh niên Công giáo ủng hộ việc chọn lựa, công việc của con em mình, và đặc biệt việc Linh mục phụ trách giới trẻ Giáo phận Vinh có mặt tại tòa án hôm nay chắc chắn sẽ làm nhiều người, nhiều thành phần trong Giáo hội cũng như ngoài xã hội mạnh dạn lên tiếng ủng hộ và đòi công lý cho những thanh niên Công giáo này.

Đòi công lý, tự do cho họ – những người mà Luật sư Lê Quốc Quân gọi là “những công dân tốt của đất nước và là những người con trung kiên của Giáo hội” – cũng là đòi tự do, dân chủ cho quê hương, đất nước. Vì chừng nào những vụ án tương tự vẫn còn xảy ra tại Việt Nam thì chừng đó Việt Nam vẫn chưa có tự do, công bằng, dân chủ.

Xuân Lộc




+++++++++


Việt Nam : 4 sinh viên Công giáo bị kết án tù với tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước »


 Cô Đậu Thị Thúy, em gái 1 bị cáo cho biết : "Vào được trong chỉ có 4 hoặc 5 người là dân, ngồi phía bên trái, còn bên tay phải toàn là công an. Khi vào thì tôi thấy bốn anh đứng trong vòng và tay bị còng, thấy rất thương. Tôi cảm thấy oan cho anh tôi. Khi vào ( phòng xử ) tôi đã hét : « Vô tội hết ! Hãy thừa nhận việc các anh làm, nhưng không nhận tội ! Anh tôi vô tội ! Trả tự do cho anh tôi ! ». Công an liền đến xô đẩy tôi và đánh đập tôi. Ngồi một lát, tôi lại lên án tiếp, kêu gọi trả tự do cho anh tôi và các anh khác, ( khẳng định ) công lý, hoà bình và sự thật sẽ thắng, thì họ đã đưa tôi ra ngoài."....

++++

Giới trẻ ủng hộ 4 thanh niên Công giáo đang bị xét xử- Ảnh chụp trên đường phố Nghệ An ngày 24/05/2012
Giới trẻ ủng hộ 4 thanh niên Công giáo đang bị xét xử- Ảnh chụp trên đường phố Nghệ An ngày 24/05/2012
chuacuuthe.com

Thanh Phương-RFI


Ngày 24/05/2012, Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên xử bốn thanh niên Công giáo và kết án họ từ 18 tháng tù treo đến 3 năm rưỡi tù giam với tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước ». Các luật sư  và gia đình cho biết sẽ kháng cáo.


Bốn sinh viên Trần Hữu Đức, Đậu Văn Dương, Chu Mạnh Sơn và Hoàng Phong là những thanh niên Công giáo thuộc giáo phận Vinh. Họ đã bị bắt vào năm 2011 sau khi rải các truyền đơn kêu gọi dân chủ đa đảng ở Việt Nam. Riêng các anh Đức, Dương và Sơn cũng đã từng tham gia các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông.




Mặc dù các luật sư nêu rõ sự vô tội của 4 bị cáo, đề nghị hủy hồ sơ, tiến hành điều tra lại, nhưng chỉ sau vài giờ xét xử, tòa đã tuyên án Chu Mạnh Sơn 36 tháng tù giam, 1 năm quản chế; Đậu Văn Dương 42 tháng tù giam, 18 tháng quản chế; Trần Hữu Đức 39 tháng tù giam, 12 tháng quản chế. Riêng chỉ có Hoàng Phong hưởng 24 tháng tù treo, cộng thêm thời gian thử thách 36 tháng. Gia đình và các luật sư cho biết sẽ nộp đơn kháng cáo ngay.




Hôm nay, hàng trăm giáo dân, học sinh từ các nơi trong giáo phận Vinh đã kéo đến theo dõi phiên tòa. Những hình ảnh được đăng trên Internet cho thấy là nhiều thanh niên Công giáo mang biểu ngữ khẳng định bạn mình vô tội. Một số người mang hoa đến để biểu lộ sự ủng hộ đối với các bị cáo và các luật sư bào chữa. Chính quyền đã huy động một lực lượng hùng hậu, gồm công an chìm lẫn công an nổi để đối phó với đám đông.




Trong phiên xử, Ông Chu Văn Nghiêm, bố của anh Chu Mạnh Sơn, một trong 4 bị cáo, đã bị áp giải khỏi tòa sau khi đứng dậy hô lớn là các thanh niên Công giáo vô tội. Cũng vì kêu gọi các thanh niên Công giáo đừng nhận tội, mà cô Đậu Thị Thúy, em gái của bị cáo Đậu Văn Dương, bị đưa ra khỏi tòa. Cô Đậu Thị Thúy là một trong số ít thân nhân phải chen lấn mới vào được trong phòng xử, khi phiên xử đã bắt đầu. Trả lời RFI hôm nay, cô Thúy cho biết về diễn tiến phiên tòa ngày 24/05/2012 : 




Đậu Thị Thúy
24/05/2012

Đậu Thị Thúy : Nói chung phiên toà sáng nay rất náo động. Gia đình không nhận được một giấy báo nào. Khi gia đình tập trung đến theo dõi phiên xử, thì các cửa đều đóng kín, công an thì bao vây. Tòa xử đến một phần ba rồi mới cho người nhà vào. Người nhà phải chen lấn mới vào được và không thể vào hết được. Chỉ một số vào được, những người ở ngoài chen vào thì bị công an đánh đập. Họ còn điều cảnh sát cơ động đến để hăm dọa.


RFI : Bên ngoài tòa án có đông người đến theo dõi phiên xử hay không ?


Đậu Thị Thúy : Rầt đông người, nhưng họ không cho vào và cũng không cho đến gần. Nếu ai đến gần thì công an dùng chân đá và dùng gậy đánh.


RFI : Khi cô vào được bên trong thì thấy phiên xử diễn ra như thế nào ?


Đậu Thị Thúy : Vào được trong chỉ có 4 hoặc 5 người là dân, ngồi phía bên trái, còn bên tay phải toàn là công an. Khi vào thì tôi thấy bốn anh đứng trong vòng và tay bị còng, thấy rất thương. Tôi cảm thấy oan cho anh tôi. Khi vào ( phòng xử ) tôi đã hét : « Vô tội hết ! Hãy thừa nhận việc các anh làm, nhưng không nhận tội ! Anh tôi vô tội ! Trả tự do cho anh tôi ! ». Công an liền đến xô đẩy tôi và đánh đập tôi. Ngồi một lát, tôi lại lên án tiếp, kêu gọi trả tự do cho anh tôi và các anh khác, ( khẳng định ) công lý, hoà bình và sự thật sẽ thắng, thì họ đã đưa tôi ra ngoài.


RFI: Gia đình có sẽ kháng cáo sau phiên xử này?


Đậu Thị Thúy : Chắc chúng tôi sẽ kháng cáo vì cảm thấy oan ức cho mấy anh quá. Sau vụ này tôi cảm thấy rõ hơn bản chất của xã hội Việt Nam. Dường như các nhà cầm quyền Việt Nam chỉ nói mà không hành động, chỉ làm những việc trái với pháp luật.


Tổ chức Human Righs Watch hôm nay đã chỉ trích phiên xử ở Tòa án Nhân dân Nghệ An. Phó giám đốc đặc trách châu Á, Phil Robertson, tuyên bố : « Thật đáng sỉ nhục là chính quyền Việt Nam đã xem thường các cam kết quốc tế về bảo vệ tự do ngôn luận và tự do tôn giáo. Các bản án mà những tòa án do chính quyền Việt Nam kiểm soát đã tuyên đối với bốn nhà hoạt động tôn giáo trẻ cần phải được hũy bỏ và những thanh niên này phải được trả tự do vô điều kiện. »

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét