Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

William Pesek : 'Việt Nam, ngôi sao sắp vụt tắt' -- Trung ương thảo luận kỹ quy hoạch cán bộ cấp chiến lược .


Nền kinh tế Việt Nam èo uột khó nuôi...Đảng đã thề với lòng rằng dù nền kinh tế Việt Nam có thất bại và sụp đổ, thậm chí có trở lại thời kỳ đồ đá, ăn lông ở lỗ đi chăng nữa thì Đảng và nhà nước ta vẫn cương quyết áp dụng "nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN", không từ bỏ điều 4 Hiến Pháp, vì Đảng biết "từ bỏ điều 4 Hiến Pháp là tự sát" như lời tiên tri của "Thánh Gióng" Nguyễn Minh Triết trước khi lui về biệt thự nguy nga đồ sộ vui thú điền viên . Và Đảng vẫn phải tiếp tục tìm đủ mọi cách cơ cấu cho con cháu và giòng họ "Sâu" của mình , thay nhau nắm quyền bính theo "ý Đảng lòng dân" với phương châm " Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, 'nhăn răng' làm chủ " . "Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy sẽ không bao giờ thay đổi".  


'Việt Nam, ngôi sao sắp vụt tắt'


Cập nhật: 15:40 GMT - thứ sáu, 10 tháng 5, 2013


Dự đoán tăng trưởng của VN cho năm 2014 đã bị giảm bớt xuống 5,2%

William Pesek, người phụ trách cột báo thường xuyên Bloomberg View của hãng tin tài chính Bloomberg, vừa có bài nhận định riêng về kinh tế Việt Nam với tựa đề "Việt Nam, Ngôi sao sắp tắt" (Vietnam’s Star Is Dimming). BBC Tiếng Việt xin giới thiệu cùng quý vị:


Giống như các nên kinh tế có thể thành cọp, Việt Nam đang phải đối diện với những mối đe dọa mới: một cuộc khủng hoảng đang làm tê liệt châu Âu, một nước Mỹ đang sa sút, và một nước Nhật đang bị vung tay quá trán.

Thế nhưng, mối rủi ro lớn nhất cho tương lai Việt Nam có lẽ chính là sự hoài cổ.

Đã 27 năm trôi qua kể từ khi Hà Nội bắt đầu công cuộc Đổi Mới, theo đó các công ty tư nhân được tham gia vào nền kinh tế, các lĩnh vực then chốt được mở cửa, chẳng hạn như nông nghiệp.

Sự phát triển nhanh chóng sau đó đã đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình, biến đổi vùng đất từng là vùng chiến sự trở thành một điển hình cho sự phát triển và giảm đói nghèo.

Tuy nhiên, nay hướng đi hồi 1986 của Việt Nam nhằm có một "nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" đang trở nên cũ kỹ.

Các số liệu gần đây cho thấy chiến lược từng đưa Việt Nam tiến xa - sự phụ thuộc nặng nề giống như mô hình Trung Quốc vào các doanh nghiệp quốc doanh và kế hoạch hóa tập trung - nay đang khiến đất nước bị trì trệ.

Việt Nam đang hụt hơi trong bảng cạnh tranh toàn cầu, trong lúc mức tăng trưởng đã chững lại ở mức chừng 5%, thấp nhất kể từ 1999 trở lại nay.

Để phục hồi, đất nước cần phải làm chính xác là những gì họ đã từ chối làm cho tới nay: xây dựng một lĩnh vực tư nhân thực sự mạnh mẽ và sáng tạo, có thể tạo đa dạng hóa cho sự tăng trưởng và đem lại sự thịnh vượng.


Không được đảm bảo

"Việc điều chỉnh toàn bộ nền kinh tế sẽ là việc cần thiết nhằm đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ trở lại," Vaninder Singh, một kinh tế gia thuộc tập đoàn ngân hàng Royal Bank of Scotland Group Plc, làm việc tại Singapore nói. "Điều này không được đảm bảo bởi nó sẽ đòi hỏi sự thay đổi to lớn trong cấu trúc công ty và những cải thiện về hiệu quả sản xuất."


Tác giả William Pesek nói tham nhũng đang xói mòn tính chính danh của Đảng Cộng sản


Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liệu có mong muốn chính trị nhằm hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam trị giá 124 tỷ đô la hay không? Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tỏ ra nghi ngờ điều này.

IMF gần đây đã giảm dự đoán phát triển của Việt Nam năm 2014 nhiều hơn mức giảm đưa ra đối với bất kỳ quốc gia châu Á nào khác, xuống mức 5,2%.

Tỷ lệ đó có thể là ghê gớm trên thế giới, khi mà nhóm các nước hùng mạnh nhất về kinh tế, G7 đã hầu như không phát triển được thêm.

Nhưng với nền kinh tế 90 triệu dân đang ở giai đoạn phát triển của Việt Nam, điều đó trở thành đưa đất nước vào một cuộc khủng hoảng.

Khi tiến hành cải tổ, các lãnh đạo Hà Nội tin rằng họ đang đi theo mô hình Trung Quốc, vốn đã rất thành công. Cách tiếp cận của Việt Nam còn từ từ, thận trọng hơn cả Đặng Tiểu Bình.

Nhưng những khó khăn nói chung là giống nhau, và cả hai nay bắt đầu vấp phải những vấn đề giống nhau.


Mô hình Trung Quốc

Giống Trung Quốc, Việt Nam đang phải gánh chịu một hệ thống phân phối tín dụng bị méo mó, với sự thống trị của các doanh nghiệp nhà nước. Các quyết định cho vay cẩu thả đã gây ra những bong bóng bất động sản và chôn vùi các ngân hàng dưới hàng núi nợ không có khả năng xử lý.
Khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng nhanh chóng. Căng thăng giữa người lao động muốn được trả lương cao hơn và giữa các ngành công nghiệp muốn có lao động rẻ cũng gia tăng nhanh chóng.

Các vụ thu hồi và tư hữu hóa đất khuất tất vốn làm giàu cho những ai có quan hệ chính trị đến nay đã khiến cho công chúng giận dữ. Nạn tham nhũng tràn lan đang làm xói mòn tính chính danh của Đảng Cộng sản cầm quyền.

Đất nước không thể tiến lên nếu không tái cơ cấu các doanh nghiệp quốc doanh, vốn chiếm tới gần 40% tổng sản phẩm quốc nội GDP.

Các kinh tế gia tại McKinsey & Co ước tính rằng Việt Nam cần phải nâng hiệu suất làm việc lên hơn 50% mới có thể duy trì được mức tăng trưởng lành mạnh.

Người ta không cần phải xuất chúng gì cũng có thể thấy rằng chỉ có mảng tư nhân mới có thể làm được điều này.


Nguyên nhân gây lo lắng

Hồi tháng Hai, Thứ trưởng Tài chính Trương Chí Trung hứa hẹn chính phủ sẽ đưa ra một kế hoạch rà soát kỹ càng toàn bộ 52 tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước, chậm nhất là đến tháng Sáu.

Việc cho vay bừa bãi đã tạo những bong bóng bất động sản


Nhưng dựa vào những kinh nghiệm trước đây, có lý do khiến người ta tin rằng việc cải tổ là thiếu cụ thể.

Chính phủ đã lỡ mất mục tiêu thành lập một công ty quản lý tài sản nhằm xử lý nợ ngân hàng. Các cam kết kiềm chế các khoản đầu tư công, các hoạt động cho vay và các doanh nghiệp nhà nước thì không chỉ tương tự vậy mà chúng còn trở thành tệ hơn thế.

Câu hỏi là liệu chính phủ của ông Dũng có thể triển khai một cách đáng tin cậy bất kỳ sự cải thiện nào hay không, chứ đừng nói là cả ba cùng lúc.

Chớ ai coi nhẹ vai trò của tham nhũng ở đây.

Giống như Tập Cận Bình ở Bắc Kinh, ông Dũng đang phải đối diện với một vấn đề chỉ có ở đất nước cộng sản: quá nhiều quan to trở nên giàu có trong mô hình hiện nay của Việt Nam. Điều đó khiến người ta không có động lực phải thay đổi.

Nạn ăn hối lộ đã tăng tỷ lệ nghịch với tình hình kinh tế.

Trong Chỉ số về tình trạng tham nhũng năm 2012 do tổ chức Minh bạch Quốc tế đưa ra, Việt Nam tụt xuống vị trí 123 trên tổng số 176 nước, so với vị trí 112 hồi năm 2011, tệ hơn cả Sierra Leone và Belarus.

Thế còn trong Chỉ số mức cạnh tranh toàn cầu mới nhất do Diễn đàn Kinh tế Thế giới đưa ra, Việt Nam tụt 10 bậc, xuống vị trị thứ 75, sau cả Uruguay và Ukraine.


Hướng tới tương lai

Thách thức đối với Việt Nam dẫu sao cũng nằm trong tầm kiểm soát hơn so với Trung Quốc: các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam nhỏ hơn, đầu tư bớt dàn trải hơn.

Nhưng nay không còn là lúc có thể làm từng bước được nữa.

Nay là lúc đất nước phải phát triển mô hình riêng của mình, một mô hình phải xóa bỏ nạn tham nhũng, đầu tư nhiều hơn nữa vào giáo dục và các lĩnh vực phát triển then chốt như sản xuất công nghệ, và trao quyền lực cho các doanh nghiệp để bước tới bậc thang tạo giá trị gia tăng.

Trong nhiều năm, các quốc gia nhỏ khác ở Đông Nam Á, như Miến Điện và Campuchia, đã nhìn vào Việt Nam để tìm ý tưởng cải tổ kinh tế. Việt Nam có thể sẽ lại trở thành điển hình mẫu. Chỉ cần Việt Nam hướng tới tương lai, thay vì hoài niệm quá khứ.

Các bài liên quan


_____________________





Trung ương thảo luận kỹ quy hoạch cán bộ cấp chiến lược

10/05/2013 15:18 (GMT + 7)

Tại Hội nghị Trung ương 7 (Khoá XI) (từ ngày 2 đến 11-5), công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là một nội dung quan trọng, có ý nghĩa lâu dài, được T.Ư thảo luận kỹ nhằm chuẩn bị nhân sự dự


Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI xác định thực hiện quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp chiến lược của đất nước là một trọng tâm và vô cùng cần thiết. Từng bước trong chương trình hoạt động của Đảng cũng như từng cấp, từng ngành, từng địa phương đều phải xúc tiến việc quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp chiến lược cho phù hợp.

Có nhiều biện pháp để thực hiện công tác quy hoạch cán bộ chiến lược đạt kết quả, có tính khả thi, song trong điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay cần tập trung những vấn đề chủ yếu sau.

Xác định rõ thế nào là cán bộ cấp chiến lược

Cán bộ cấp chiến lược là cán bộ đủ tầm cỡ, đủ phẩm chất, năng lực, trí  tuệ đảm đương và giải quyết được những vấn đề chiến lược của quốc gia, của đất nước.

Người cán bộ cấp chiến lược phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhãn quan chính trị, tầm hiểu biết sâu rộng và khả năng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chiến lược bằng những hình thức, biện pháp, bước đi thích hợp trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử, cụ thể của đất nước.

Cán bộ cấp chiến lược là những người có tố chất tầm chiến lược của quốc gia chứ không phải là người có điều kiện tuổi tác tham gia, nắm giữ công việc ấy dài lâu hoặc vì những lý do nào đấy.

Việc đảm bảo kết hợp ba độ tuổi và cơ cấu là cần thiết song vấn đề quyết định, cốt lõi, bản chất của cán bộ cấp chiến lược là những tố chất tầm chiến lược.

Từ đấy sẽ gạt bỏ những sai trái lệch lạc, phiếm diện, cơ hội, cá nhân, chủ quan trong công tác cán bộ nói chung, trong việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nói riêng. Đây thực sự là vấn đề hệ trọng liên quan đến vận mệnh của quốc gia, liên quan đến sự phát triển của đất nước.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược

Việc quy hoạch cán bộ nói chung, quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nói riêng xưa nay chúng ta đã đề cập, song việc thực hiện còn khá hình thức, tùy tiện, thiếu thường xuyên liên tục và bài bản. Vì thế có tình trạng hẫng hụt, bị động, lúng túng trong công tác bố trí, sắp xếp cán bộ, nhất là khi tổ chức đại hội các cấp.

Công tác quy hoạch cán bộ chiến lược được tiến hành theo quy trình cơ bản. Trước hết, xác định rõ yêu cầu chiến lược đối với loại cán bộ mà đất nước đang cần.

Thứ hai, thật sự khách quan, công tâm, trong sáng vì việc mà chọn người.

Thứ ba, phát hiện sớm những người có tố chất của người cán bộ cấp chiến lược.

Thứ tư, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách.

Thứ năm, bố trí sau khi xác định, đánh giá đúng thực chất đối với họ qua các khâu đã tiến hành nêu trên.

Như vậy sẽ tránh tình trạng quy hoạch hình thức, quy hoạch một đằng, làm một nẻo, vừa tốn công sức, tiền của, thời gian, vừa ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân, sự trong sáng lành mạnh của công tác cán bộ.

Bố trí cán bộ cấp chiến lược

Việc bố trí, sắp xếp cán bộ cấp chiến lược là vô cùng hệ trọng. Nó đòi hỏi người cán bộ được bố trí thể hiện toàn bộ phẩm chất, năng lực, trình độ tầm chiến lược trong cuộc sống, là những cơ sở bảo đảm cho họ hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến lược được giao.

Công việc ấy của họ liên quan đến chiến lược quốc gia, đến sự vận động phát triển của đất nước. Bố trí đúng cán bộ chiến lược thì đất nước sẽ ổn định, phát triển.

Ngược lại bố trí sai cán bộ chiến lược thì đất nước lúng túng, quẩn quanh, thụt lùi, tụt hậu so với khu vực và thế giới…

Có quan điểm đúng và trách nhiệm cao trong công tác cán bộ chiến lược

Quan điểm đúng và trách nhiệm cao của những cá nhân, tổ chức làm công tác cán bộ chiến lược có ý nghĩa, tầm quan trọng vô cùng lớn vì nó liên quan đến đường lối, chất lượng, hình thức, bước đi của quá trình phát triển đất nước thông qua thực tế hoạt động của những cán bộ cấp chiến lược này.

Đó là sự thống nhất tư tưởng, có quan điểm rõ ràng về mục đích, yêu cầu chọn, bố trí cán bộ cấp chiến lược. Sự thống nhất này từ yêu cầu khách quan của những đòi hỏi của cuộc sống, tuyệt nhiên không để những quan điểm, tình cảm, ý thức thiếu trách nhiệm với nhân dân, với đất nước chi phối.

Quan điểm đúng và trách nhiệm cao của cá nhân và tổ chức làm công tác cán bộ cấp chiến lược thể hiện ở nhiều điểm, song có thể khái quát ở các điểm chính sau:

Thứ nhất, phải khách quan, công tâm, thật sự vì dân, vì Đảng, vì nước, trong các khâu của quy trình làm công tác cán bộ chiến lược.

Thứ hai, xác định rõ các tiêu chuẩn của người cán bộ cấp chiến lược. Trong đó tiêu chuẩn trung thành với lợi ích của nhân dân, của đất nước, của dân tộc được đặt lên hàng đầu cùng với các tiêu chuẩn đức và tài.

Thứ ba, có cơ chế khách quan, khoa học thường xuyên theo dõi, kiểm tra, kiểm soát, đánh giá cán bộ cấp chiến lược và có biện pháp đúng đắn, nghiêm minh, công khai, dân chủ với cán bộ chiến lược trên cơ sở kiểm tra, giám sát của Đảng, các cơ quan chức năng và của nhân dân.

Thứ tư, bố trí tăng số dư và có tranh cử của những cán bộ dự kiến bố trí ở cấp chiến lược để có cơ sở lựa chọn đúng người, đúng việc một cách công khai, dân chủ, minh bạch. 

Thứ năm, thực hiện có lên, có xuống trên cơ sở thực chất chất lượng, hiệu quả công việc mà trách nhiệm người cán bộ cấp chiến lược đảm nhiệm.

PGS. TS. Trần Quang Nhiếp
(Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ) , TTO 





BÀI ĐÃ ĐĂNG :



- Thông báo của Chúng Ta - Công Dân Tự Do về việc tiếp tục công khai phổ biến Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền tại những nơi công cộng vào Chủ Nhật ngày 12 tháng 5, năm 2013. Mời gọi các bạn trẻ cùng các bác, các cô, chú, anh chị tiếp tay để tất cả Chúng Ta đem những ý tưởng về Quyền Làm Người đến với đồng bào . http://bietkichxaxu.blogspot.com/2013/05/thong-bao-cua-chung-ta-cong-dan-tu-do.html


- Quyết định chính thức về thời gian phiên tòa xét xử 2 sinh viên yêu nước Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên. Mời bà con đến tham dự phiên tòa XÉT XỬ CÔNG KHAI để ủng hộ tinh thần cho các em vào lúc 7h30 sáng ngày 16 tháng 05 năm 2013, tại Tòa Án Tỉnh Long An. 116 , Trương Định, Phường 1 , TP. Tân An, Tỉnh Long An.


- TỔNG HỢP : TÀI LIỆU LỊCH SỬ VỀ ĐẢNG TA , HỒ CHÍ MINH , VIỆT NAM VS. TRUNG QUỐC, VIỆT NAM CỘNG HÒA, NHỮNG SỰ THẬT KHÔNG THỂ CHỐI BỎ, ... http://bietkichxaxu.blogspot.com/2013/04/tong-hop-tai-lieu-lich-su-va-ang-ta.html


- TỔNG HỢP : TÌNH HÌNH GẦN ĐÂY VỀ SỰ XÂM LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI VIỆT NAM TRƯỚC SỰ CUỐI ĐẦU HÈN NHÁT, NHU NHƯỢC CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA , CHỈ CÓ VÕ MỒM LÀ GIỎI http://bietkichxaxu.blogspot.com/2013/04/tong-hop-trung-quoc-xam-luoc-va-su-cuoi.html



....................................

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét