Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

Bản đồ Bưu điện Hà Nội không có hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam !!

Cập nhật lúc 14:49, 15/04/2013

Bản đồ Bưu điện Hà Nội không có Trường Sa, Hoàng Sa

Hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa không được đánh dấu trên bản đồ thế giới của Bưu điện trung tâm Hà Nội.
Tấm bản đồ rộng gần 10m2 được đặt ở trung tâm Bưu điện Hà Nội (số 75 Đinh Tiên Hoàng – Hoàn Kiếm – Hà Nội) cho mọi người đến làm việc và thăm quan. Tuy nhiên, trên tấm bản đồ này lại không in hình hai quần đảo của nước Việt Nam là Trường Sa và Hoàng Sa.


Theo quan sát của PV báo Đất Việt, tấm bản đồ được ghi đầy đủ địa danh và vùng lãnh thổ của tất cả các nước trên thế giới. Riêng lãnh thổ đất liền của nước Việt Nam được bài trí ánh điện màu đỏ xung quanh, khác hẳn với lãnh thổ của nước khác để tạo ra sự khác biệt. Khi tìm đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì nhìn mỏi mắt cũng chẳng thể tìm ra. Trong khi đó, đảo Hải Nam của Trung Quốc thì bản đồ thể hiện rất rõ.

“Nhiều lần tôi cũng ngồi nhìn và thắc mắc nhưng không biết lý do tại sao. Nhưng tôi thấy việc một bản đồ lớn, đặt ngay vị trí trung tâm của Bưu điện Hà Nội, nơi có nhiều người trong và ngoài nước qua lại làm việc và tham quan mà không đánh dấu hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là điều không thể chấp nhận được.


Gần đây, tôi thấy trên các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin nhiều cơ quan nhà nước của nước ta in bản đồ mà thiếu địa danh hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa khiến tôi rất bức xúc. Nhất là còn có cả cơ quan của ngành địa chất mà còn thiếu thì không hiểu nổi sự hiểu biết của người dân mình về lãnh thổ Việt Nam tới đâu?”- bác Phan Văn Hoàng, trú tại Hàng Bông (Hoàn Kiếm – Hà Nội) khi đến giao dịch tại Bưu điện Trung tâm Hà Nội bức xúc nói.
Tấm bản đồ được đặt ở vị trí trang trọng, ngay giữa đại sảnh của Bưu điện trung tâm Hà Nội.
Tấm bản đồ được đặt ở vị trí trang trọng, ngay giữa đại sảnh của Bưu điện trung tâm Hà Nội, người nước ngoài tới không thấy Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Trao đổi với PV, chị Lê Mai Hoa, nhân viên của Bưu điện Trung tâm Hà Nội cho biết: “Tấm bản đồ này đã được Ban lãnh đạo bưu điện làm từ gần 10 năm nay. Nó làm nổi bật cả không gian, tạo nên sự sang trọng, bắt mắt cho mọi người khi bước chân vào đây làm việc”.

Nhưng trước câu hỏi có thấy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của nước Việt Nam đâu không? Chị Hoa lắc đầu: “Chị cũng không để ý, chắc là do được đánh dấu nhỏ quá nên không nhìn ra!?”.

Nghe chị Hoa nói về tấm bản đồ không đánh dấu quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam ở Bưu điện Hà Nội:
Trao đổi với một nhân viên khác tên Hải làm ở quầy Chuyển phát nhanh của Bưu điện Trung tâm Hà Nội). Chị Hải cho biết: “Chiếc bản đồ được đặt ở đó lâu lắm rồi. Chị đi làm hơn chục năm nay đã thấy có nó ở đấy. Mục đích của tấm bản đồ là để thể hiện sự bao quát của ngành Bưu chính Viễn thông Việt Nam tới mọi quốc gia trên thế giới và để cho khách hàng đến tìm hiểu và tham quan. Nhưng không hiểu tại sao, trên tấm bản đồ ấy lại không đánh dấu 2 địa danh Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam”.
Nhìn
Những sinh viên nhìn "mỏi mắt" cũng không thể thấy hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Một chị nhân viên ngồi bên cạnh vừa chỉ tay về tấm bản đồ, vừa giải thích: "Bản đồ đấy chỉ thể hiện tượng trưng lãnh thổ, các quần đảo của các nước trên thế giới cũng không được thể hiện. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam bé tý, làm sao mà thể hiện trên bản đồ được".

Để chắc chắn, PV hỏi lại: Không có hai địa danh Hoàng Sa và Trường Sa trên bản đồ vì quá nhỏ đúng không ạ?

Nhân viên của Bưu điện Hà Nội khẳng định một lần nữa: "Vì hai quần đảo nhỏ như thế nên không được thể hiện trên bản đồ".

Nghe nhân viên Bưu điện Hà Nội giải thích tại sao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không được thể hiện trên bản đồ:

Bản đồ thiếu Hoàng Sa, Trường Sa sẽ bị phạt 50 triệu đồng

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố dự thảo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ. Bộ đề xuất phạt tiền từ 20 đến 50 triệu đồng đối với hành vi cung cấp tư liệu, dữ liệu bản đồ có liên quan đến vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam mà không thể hiện quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các đảo khác.
Hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa không được đánh dấu trên bản đồ thế giới của Bưu điện trung tâm Hà Nội.
Hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa không được đánh dấu trên bản đồ thế giới của Bưu điện trung tâm Hà Nội.
Hoặc cung cấp thông tin, tư liệu, dữ liệu sản phẩm đo đạc và bản đồ thể hiện không đúng đường biên giới quốc gia, chủ quyền, lãnh thổ, lãnh hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Còn theo Dự thảo nghị định mới quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia vừa được Bộ Quốc phòng trình Chính phủ ban hành, sẽ phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng với hành vi in ấn, nhân bản, phát hành tài liệu về đường biên giới quốc gia không được phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc thể hiện không đúng đường biên giới quốc gia.

Dự thảo này cũng nâng mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia đối với cá nhân là 50 triệu đồng (Nghị định hiện hành là 30 triệu đồng), đối với tổ chức là 100 triệu đồng.

Hành vi làm hư hại, xê dịch hoặc có bất cứ hành động gì khác có hại tới mốc quốc giới, dấu hiệu đường biên giới được nâng mức phạt lên 20-40 triệu đồng (Nghị định hiện hành từ 500.000 - 1 triệu đồng).

Quan điểm về việc bản đồ Việt Nam in thiếu hai địa danh Hoàng Sa, Trường Sa

Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng: Với những hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ quyền biển đảo, an ninh quốc gia, mức phạt về hành vi này không thể đo đếm được bằng tiền.

"Phát hành, phát tán những tài liệu, bản đồ ấn phẩm không có hình ảnh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa gây tác hại khôn lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề an ninh, chủ quyền quốc gia về biển đảo. Mức phạt về hành vi này không thể đo đếm được bằng tiền. Nếu xâu chuỗi toàn bộ các sự việc như dán cờ Trung Quốc lên nho ở BigC, đèn lồng có chữ Tam Sa, in cờ Trung Quốc lên sách giáo khoa, hay những tài liệu, bản đồ không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa... cơ quan nhà nước cần phải nghiêm khắc xử lý. Cần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong lĩnh vực trên", ông Lê Như Tiến nhận định.

Bà Đồng Thị Bích Phương - Trưởng phòng Nghiên cứu Bản đồ và GIS, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng: “Từ trước đến nay cũng có qui định, bản đồ do các cơ quan chính thức, xuất bản thì không được thiếu Trường Sa và Hoàng Sa… nếu là cơ quan nhà nước hay bên giáo dục thì sẽ phải rất nặng".

Ông Phạm Ngọc Mai – Phó Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh: “Tất cả bản đồ hình thể Việt Nam không có Hoàng Sa và Trường Sa đều là phi pháp”.

Th.S Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng phòng Phòng Pháp chế và Chính sách, Cục sở hữu trí tuệ cho rằng: “Những dấu hiệu người ta dùng làm nhãn hiệu không khẳng định chủ quyền lãnh thổ của đất nước nên không gắn vấn đề đó với nội dung của nhãn hiệu. Người ta có thể dùng bất kỳ dấu hiệu nào để phân biệt. Hình bản đồ Việt Nam không có hình nhiều tỉnh, thành phố không có nghĩa Việt Nam không có tỉnh thành phố đó. Người ta chỉ khái quát hình chữ S để thể hiện hình đất nước. Ngoài Trường Sa, Hoàng Sa, Việt Nam còn có các đảo khác, không lẽ đảo nào cũng phải vẽ chi tiết ra đó. Việt Nam còn rất nhiều thứ khác nữa. Bản đồ chỉ thể hiện nét khái quát là Việt Nam”.





(ĐVO) - Đông Tẩu - Nguyễn Giang



TÌNH HÌNH GẦN ĐÂY VỀ SỰ XÂM LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI VIỆT NAM 

http://bietkichxaxu.blogspot.com/2013/04/tong-hop-trung-quoc-xam-luoc-va-su-cuoi.html



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét