Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

TQ : "Đánh Việt Nam vừa để dạy bài học, vừa thu hồi lãnh thổ bị chiếm, vùng gần biên giói trên bộ bị Việt Nam chiếm giữ đã thu hồi hết cớ làm sao không thu hồi các đảo, bãi trên Biển Đông bị Việt Nam chiếm giữ?" . Và Chiến Cuộc Ngoại Giao qua buổi nói chuyện với cựu thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ

Cuộc chiến ngoại giao và Trung Quốc nói về chiến tranh biên giới Việt Trung 1979


Lính Trung Quốc tại Đài tưởng niệm liệt sỹ trong cuộc chiến 1979


Cuộc chiến 1979 gây tổn thất lớn cho cả hai bên

Nhân dịp 33 năm cuộc chiến biên giới Việt-Trung, mời quý vị cùng điểm qua nguồn tin Trung Quốc nói về sự kiện này.


Gần đây, các trang mạng kể cả chính thống của Trung Quốc đăng tải một số bài viết về cuộc chiến biên giới 1979. Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy gửi từ Hà Nội bản dịch của ông cho bài trên mạng China.com, tựa đề "Trong cuộc đánh trả tự vệ Việt Nam năm 1979: Vì sao không chia cắt Việt Nam, thương vong khi rút về lớn hơn khi tấn công?".


Bài viết nhận định: "Năm 1979, trong trận đánh trả tự vệ Việt Nam, quân đội Trung Quốc với thế nhanh chóng tấn công, quân Việt từng bước tan rã, quân đội Trung Quốc nhắm thẳng Hà Nội. Sau đó Trung Quốc tuyên bố trận đánh đã đạt mục đích, tự rút quân về nước".


Tuy nhiên, bài này cũng thừa nhận: "Lâu nay chúng ta luôn tuyên truyền và miêu tả rằng chúng ta đã thắng lợi và Việt Nam đã thất bại, nhưng cùng với thời gian những văn kiện của chính quyền và tư liệu của Việt Nam cho thấy, cuộc chiến này không lạc quan như tuyên truyền trước đây, trong đó có nhiều bài học nặng nề đau đớn khiến chúng ta không thể không phản tỉnh một cách sâu sắc".


Các bài học đó là: Thứ nhất, kỷ luật quân sự nghiêm túc đã làm "quân ta" phải trả giá trầm trọng.


"Ba kỷ luật lớn, tám điều chú ý mà quân đội ta giữ nghiêm đã phát huy tác dụng lớn trong cuộc nội chiến Quốc, Cộng; thế nhưng khi chúng ta vào Việt Nam đánh quân đội và chính quyền Việt Nam mà vẫn thực hiện ba kỷ luật lớn tám điều chú ý là tự trói chân trói tay mình lại, hy vọng dùng những cái đó để tranh thủ sự giúp đỡ và ủng hộ của nhân dân Việt Nam thì chẳng khác gì đàn gẩy tai trâu, tự chuốc lấy nhục."


"Nhân dân Việt Nam không phải là công dân Trung Quốc, làm sao họ có thể gần gũi quân đội nước ngoài đánh vào đất nước họ?"


"Chiến tranh là chiến tranh, nhất là chiến tranh giữa các quốc gia, anh không thể hy vọng nhân dân nước khác đánh trống khua chiêng hoan nghênh anh xâm chiếm người ta, đó chẳng qua chỉ là trò bịt tai đi ăn cắp chuông, tự lừa dối mình và lừa dối người."


Bài học thứ hai, theo bài trên China.com, là "không quân phát triển trì trệ, lạc hậu không có sức công kích".


"Thứ ba, hải quân Biển Đông lúc đó còn chưa phát triển. Cuộc chiến hoàn toàn diễn ra trên lục địa Việt Nam."

"Đánh Việt Nam vừa để dạy bài học, vừa thu hồi lãnh thổ bị chiếm, vùng gần biên giói trên bộ bị Việt Nam chiếm giữ đã thu hồi hết cớ làm sao không thu hồi các đảo, bãi trên Biển Đông bị Việt Nam chiếm giữ?"
Mạng China.com




Tác giả bài viết tỏ vẻ luyến tiếc về việc Trung Quốc không nhân cơ hội thu chiếm luôn các đảo ở Biển Đông.


"Đánh Việt Nam vừa để dạy bài học, vừa thu hồi lãnh thổ bị chiếm, vùng gần biên giói trên bộ bị Việt Nam chiếm giữ đã thu hồi hết cớ làm sao không thu hồi các đảo, bãi trên Biển Đông bị Việt Nam chiếm giữ?"


"Điều giải thích duy nhất là hải quân của chúng ta chưa đủ, không chỉ chưa đủ để đánh lùi hải quân Việt Nam chiếm giữ đảo bãi của ta mà còn khó có thể đóng giữ ở đó, đánh lùi được kẻ địch tới xâm phạm. Điều khiến người ta lấy làm tiếc là các đảo bãi trên Biển Đông dưòng như đã bị các nước láng giềng xung quanh chia nhau chiếm hết rồi."


Đặc biệt, bài viết còn cho rằng tới nay hải quân Trung Quốc "vẫn chưa dùng tới sức đã có của mình để giải phòng và bảo vệ các đảo, bãi thiêng liêng đó".


Lý do thứ tư gây ra tổn thất cho quân đội Trung Quốc được cho là vì "sức ép bên ngoài".


"Khi quân đội ta đã tiến gần Hà Nội, dưói sức ép của thế lực quốc tế đứng đầu là Liên Xô, chúng ta không chỉ tuyên bố đình chỉ tấn công, mà còn công khai tuyên bố lập tức rút quân."


"Đó là một sai lầm chính trị và quân sự to lớn, trước khi rút quân đã tuyên bố rút sẽ khiến kẻ thù dễ dàng có thời gian và không gian chuẩn bị phản kích, địch có chuẩn bị còn ta thì không, địch thong dong mà chúng ta vội vã, không bị thương vong lớn mới là chuyện lạ."


Tổn thất lớn



Cho tới nay, thống kê vẫn chưa đồng nhất về con số thương vong của hai bên trong cuộc chiến biên giới Việt-Trung, mà Trung Quốc khởi xướng với động cơ mà Bắc Kinh gọi là "đánh trả tự vệ".


Phía Trung Quốc nói quân lính Việt Nam chết và bị thương vào khoảng 50.000 - 70.000, lính Trung Quốc khoảng 20.000.


Cũng trên mạng China.com từng đưa ra con số được nói là theo ghi chép từ hồ sơ mật về Trận Phản kích Tự vệ với Việt Nam, rằng Trung Quốc "tiêu diệt gần 6 vạn quân Việt Nam, trong đó hơn 42.000 đã chết và hơn 10.000 người bị thương, hơn 2.000 người bắt làm tù binh".


Phía Việt Nam thì trong một số bản tin hiếm hoi nói tiêu diệt hơn 30.000 lính Trung Quốc.
Tạp chí Time của Mỹ lại đưa ra con số khá khác biệt: ít nhất 20.000 lính Trung Quốc thiệt mạng, trong khi số bộ đội Việt Nam chết chưa tới 10.000 .


Hàng nghìn dân thường Việt Nam cũng thiệt mạng và thương vong.





Bbc


Bài: TQ nói về chiến tranh biên giới 1979









+++++++++++++++++++++++++++++++








Chiến cuộc ngoại giao
Cựu thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ (ảnh VietnamNet)
Ông Trần Quang Cơ từng được trao trách nhiệm giải quyết vấn đề Campuchia




Các thập kỷ 1970-1980, trước khi chiến sự nổ ra trên biên giới Trung-Việt, là thời kỳ vô cùng khó khăn của ngành ngoại giao Việt Nam.


Vừa mới bước ra khỏi cuộc chiến chống Mỹ, Việt Nam lâm vào tình trạng ngày càng cô lập, thiếu vắng đồng minh.


Cựu thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ là người trực tiếp tham gia nỗ lực ngoại giao của Việt Nam trong suốt thời kỳ đó.


Đài BBC đã có cuộc nói chuyện với ông về bối cảnh cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung:






Ông Trần Quang Cơ: Căn nguyên (của cuộc chiến Việt - Trung) là xung quanh vấn đề quyền lợi nước lớn, liên quan tới vấn đề Đông Dương. Nói sát ra, thì nó dính tới cuộc chiến ở biên giới Tây Nam.


Tháng Giêng 1979, Việt Nam giải phóng Phnom Penh, thì sau đó xảy ra sự kiện tháng Hai 1979. Lúc đó Trung Quốc cũng tuyên bố rõ ràng là 'dạy cho Việt Nam một bài học', và cụ thể là hòng cứu nguy cho Pol Pot.


Khi Pol Pot vào các tỉnh biên giới phía Nam, giết hại nhiều người thì việc đầu tiên Việt Nam phải làm là bảo vệ biên giới, bảo vệ người dân của mình. Dân Việt Nam vừa mới hoàn hồn, vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh với Mỹ xâm lược, năm 1975 giải phóng đất nước, thì Pol Pot đã có chủ trương gây chiến và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam.


Nhất định hành động như vậy phải có tác động của nước lớn rồi. Thí dụ, vũ khí lấy đâu ra? Bao nhiêu vũ khí ta bắt được, đều là từ Trung Quốc.


BBC: Việt Nam và Trung Quốc là đồng minh trong cuộc chiến chống Mỹ. Vậy thưa ông, bắt đầu từ bao giờ quan hệ đó bắt đầu xấu đi?


Ông Trần Quang Cơ: Nói chung quan hệ hai bên cứ xấu đi dần dần. Thực tế, từ năm 1972, khi Kissinger và Nixon sang Trung Quốc, đàm phán với Bắc Kinh, thì quan hệ Mỹ - Trung đi vào hòa hoãn.


Thời bấy giờ thế giới tuy chỉ có hai cực, nhưng với ba siêu cường: Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô, tình thế bắt đầu hòa hoãn. Liên Xô dưới quyền Gorbachev chủ trương muốn hòa hoãn với Trung Quốc vì lợi ích của Liên Xô, để cải thiện tình hình trong nước.


 Các nước lớn họ có tính toán của riêng họ, nhưng tình hình quan hệ chiến lược giữa ba nước lớn bất lợi cho Việt Nam.


Các nước lớn họ có tính toán của riêng họ, nhưng tình hình quan hệ chiến lược giữa ba nước lớn bất lợi cho Việt Nam.
Liên Xô là đồng minh duy nhất còn sót lại của ta, với Trung Quốc thì quan hệ xấu đi, còn Mỹ thì chưa hết dư âm của chiến tranh, mà lần đầu Mỹ bị thua như vậy.


Đối với vấn đề Campuchia, thì các nước nhất là năm quốc gia thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thiên về lý luận là Việt Nam xâm lược Campuchia mà lờ đi cuộc diệt chủng của Pol Pot.






THÊM BẠN BỚT THÙ






BBC: Lúc đó chắc là một giai đoạn vô cùng khó khăn cho ngành ngoại giao Việt Nam, thưa ông?


Ông Trần Quang Cơ: Đúng là rất khó khăn. Bởi vì khi đó vừa xong chiến tranh chống Mỹ thì lại xảy ra cuộc chiến Campuchia, mà Việt Nam lại đang rất cần sớm khôi phục hòa bình, để phát triển kinh tế.


Tìm giải pháp rút khỏi Campuchia mà vẫn bảo vệ chính nghĩa của mình là một điều vô cùng khó.


Việt Nam chịu sức ép rất lớn từ các nước Hội đồng Bảo an, mà LHQ lúc ấy không như LHQ bây giờ, lúc ấy phụ thuộc nhiều vào các nước thường trực, nhất là Mỹ.


BBC: Bây giờ nghĩ lại, ông thấy lúc đó có những cơ hội gì bị bỏ lỡ, có những điều gì Việt Nam có thể làm khác không ạ?


Ông Trần Quang Cơ: Tôi thấy điều mình có thể làm khác, là phải đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế sớm. Trước Đại hội Đổi mới (năm 1986), Việt Nam đã quá phụ thuộc vào ý thức hệ mà không đa phương hóa được quan hệ.


Lính Trung Quốc vào Việt Nam
 Trong cái thế anh nằm ngay cạnh nước lớn, nước khổng lồ, mà không có bạn thì anh sẽ bị ép.


Lời Cụ Hồ nói là thêm bạn bớt thù, thời kỳ đó chúng ta không thực hiện được. Mà chúng ta lại bớt bạn thêm thù.


Một nước nhỏ hay trung bình như Việt Nam thì càng nhiều bạn càng tốt. Trong cái thế anh nằm ngay cạnh nước lớn, nước khổng lồ, mà không có bạn thì anh sẽ bị ép. Tôi mà là nước lớn tôi cũng ép.


Mình thì chỉ loanh quanh mấy nước xã hội chủ nghĩa, anh cả Liên Xô, anh hai Trung Quốc.


Khi đó Mỹ đã chìa tay với mình, đặt vấn đề bình thường hóa vô điều kiện thì Việt Nam lại đòi bình thường hóa có điều kiện. Sau đồng ý bình thường hóa vô điều kiện thì đã lỡ thời cơ. Họ đã bình thường hóa với Trung Quốc và quên Việt Nam rồi.


Một là không bình thường hóa với Mỹ sớm. Hai là không sớm gia nhập ASEAN. Lúc ấy ASEAN rất muốn Việt Nam vào khối vì họ nể sức mạnh mình đánh Mỹ. Nhưng mình lại không chơi...


Thành ra là chậm trễ tới cả mười năm.


Bên cạnh một nước lớn, Việt Nam phải chịu sức ép là vì ở khu vực thì anh lẻ loi, đối đầu, cứ khư khư ba nước Đông Dương bé xíu. Trên thế giới thì anh còn có mỗi Liên Xô thôi, mà Liên Xô lúc ấy cũng đã bắt đầu ngả cờ rồi.






ĐA DẠNG HÓA






BBC: Thưa ông, vào thời điểm tháng Hai 1979, ông đang ở đâu ạ?


Ông Trần Quang Cơ: Tôi vừa ở New York về, đàm phán với Mỹ hỏng và Đặng Tiểu Bình vừa sang Mỹ.


BBC: Khi nghe tin Trung Quốc tấn công Việt Nam, suy nghĩ của ông là gì ạ?


Ông Trần Quang Cơ:... (im lặng)... Bất lực. Nhưng không ngạc nhiên.


Điều đó là tất nhiên thôi, sống ở môi trường đó mình phải lường trước được. Đáng lẽ chiến lược của mình phải là thêm bạn bớt thù để mạnh lên. Mình mạnh lên thì họ mới nể mình.


Mình càng ít bạn thì họ càng bắt nạt, thế thôi. Cũng giống như trẻ con ngoài phố ấy.


BBC: Thưa bây giờ ông nghĩ Việt Nam đã theo được đường hướng đa phương hóa đó chưa ạ?


Ông Trần Quang Cơ: Tôi thấy Việt Nam đang theo đường hướng đó khá tốt, quan hệ được với nhiều nước và khá đa dạng. Ví dụ như là 'chơi' với cả Israel và cả Palestine.


BBC: Còn quan hệ với Trung Quốc thì sao ạ? Có đánh giá là quan hệ hai bên đang tốt nhất từ trước tới nay, ông có đồng ý với ý kiến đó không?


Ông Trần Quang Cơ: Cái đó thì tùy ở vị trí từng người mà đánh giá. Tôi thấy quan hệ hiện giờ... tạm được (cười).


Ông Trần Quang Cơ, sinh năm 1920, phục vụ trong ngành ngoại giao 44 năm cho tới khi ông về hưu năm 1997. Trong thời gian đó, ông từng là Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao.


Tháng Bảy 1991, ông xin không nhận chức bộ trưởng Ngoại giao thay thế ông Nguyễn Cơ Thạch và cuối năm 1993, ông tự ý xin rút khỏi Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam.


Năm 2001, ông cho ra hồi ký 'Hồi ức và Suy nghĩ' nói về các sự kiện ngoại giao thời hậu 
chiến. Tác phẩm này hiện được lưu truyền trên mạng internet.





Ý kiến: 




Vo Hoai Nam, TP HCM
Qua đài BBC, xin được cám ơn ông Trần Quang Cơ, nhà ngoại giao thông thái và sáng suốt. Rất tiếc rằng những người đứng đầu nhà nước Việt nam trong thời kỳ ấy đã quá kiêu căng và tự phụ, không nhìn xa trông rộng, để mất đi nhiều cơ hội quý báu khiến cho đất nước và nhân dân Việt Nam nhiều năm khốn khó điêu linh. Mong rằng những người đứng đầu nhà nước Việt Nam hôm nay và về sau hãy lấy đó làm bài học xương máu. Xin cám ơn đài BBC.
Vietnamese, Nga
Tôi thấy ngoại giao VN rất buồn cười, vừa muốn kết bạn với người ta lại vừa 'chửi' người ta, cách làm như vậy chỉ trở thành “bè” chứ không thành “bạn” được. Các nước bé khác như Đài loan, Hàn quốc, Nhật… có bao giờ họ chửi đồng minh của mình đâu? Cái sách thêm bạn bớt thù là sách của các nước lớn, mình là nước nhỏ cần xác định sẽ “quan hệ” với ai còn với ai chỉ là “hàng xóm” thôi. Là nước bé thì phải như vậy, người ta còn thương.
TQ sớm muộn cũng nuốt VN, một mình mình chẳng chống được, muốn TQ tôn trọng thì chỉ có cách “quan hệ” với một anh nào không thích TQ, nhưng xin các ông đừng nói xấu người ta.
Ẩn danh
Thể chế chính trị mà chỉ coi luận thuyết của mình là chân lý tuyệt đối và không chấp nhận các luận thuyết khác đó là thứ chính trị không có đạo đức. Các vị lãnh đạo vì quyền lợi cá nhân núp dưới chiêu bài chủ nghĩa mà làm tổn hại đến TỔ QUỐC sẽ bị LỊCH SỬ lên án. Chỉ sợ là họ đã bỏ quên lòng tự trọng và niềm tự hào dân tộc trước đó mất rồi.
Le Duong, Đức
Để hiểu tư tưởng bành trướng của Trung Quốc, tôi đã tìm đọc tài liệu 'Hồi ức và Suy nghĩ' của Bác Trần Quang Cơ. Đây là tài liệu quý cho ta cái nhìn khá rõ về tình trạng sau cuộc chiến biên giới 1979. Rõ ràng những người lãnh đạo cao nhất của ĐCS VIỆT NAM đã rất mù mờ và giao động:
- Nỗ lực kiên trì bảo vệ "hành trì XHCN“ là kết quả hoảng loạn sau khi khối XHCN tan vỡ. Trung Quốc rất rõ ràng: Họ nói thẳng là chỉ bảo vệ CNXH trong phạm vi đất nước họ. Như vậy có thể liên hệ với lời của Mao Trạch Đông trong một tác phẩm rất sớm của ông ta: Chúng ta (ĐCS TQ) nghiên cứu chủ nghĩa Mác để nhắm vào cái đích là cách mạng Trung Quốc... Chạy quanh tìm chỗ dựa để bảo vệ cái chẳng của ai thì đúng là ... mang cọc cho rêu!
- Chiến tranh với người Tàu đã xảy ra nhiều lần và cha ông ta đã rất sáng tỏ, minh bạch. Xin trích một đoạn lịch sử trong đó có lời Hoàng đế Quang Trung (Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim – II, 132): ... đến núi Tam Điệp... Vua Quang Trung cười mà nói rằng: “Chúng nó sang phen này là mua cái chết đó thôi. Ta ra chuyến này thân coi việc quân đánh giữ, đã định mẹo rồi, đuổi quân Tàu về chẳng qua 10 ngày là xong việc. Nhưng chỉ nghĩ chúng là nước lớn gấp 10 nước ta, sau khi chúng thua một trận rồi, tất chúng lấy làm xấu hổ, lại mưu báo thù, như thế thì đánh nhau mãi không thôi, dân ta hại nhiều, ta sao nỡ thế. Vậy đánh xong trận này, ta phải nhờ Thời Nhiệm dùng lời nói cho khéo để đình chỉ việc chiến tranh. Đợi mươi năm nữa, nước ta dưỡng được sức phú cường rồi, thì ta không cần phải sợ chúng nữa”.
Nghĩa là điều quan trọng phải có đường lối ngoại giao đúng đắn và cái chính là phải "dưỡng được sức phú cường“ – không làm việc này là không có đủ tầm nhìn và tài giữ vai trò lãnh đạo! "Không cần phải sợ chúng“ nghĩa là có lúc "cần phải sợ“ (chủ động biết lo). Đó là lúc "Mỹ đã chìa tay với mình“, "ASEAN rất muốn Việt Nam vào khối“. Còn bây giờ, muốn biết cái cần phải sợ thì chỉ việc đọc lại lời Nguyễn Trãi: Chở thuyền và cũng lật thuyền - Sức DÂN như NƯỚC!
Maida, Hoa Kỳ
Quan niệm “thêm bạn bớt thù” rất đúng trong giao tế. Nhưng mục đích “thêm bạn” mới là vấn đề nên bàn cãi! VN cần “thêm bạn” cho dân giàu nước mạnh hay cho giới lãnh đạo có nhiều cơ hội hơn để duy trì quyền lực và bổng lộc? Thời ông Cơ lo về ngoại giao, ông cho biêt VN đã có nhiều sai lầm nên bị cô lập và thế hệ trẻ VN thời đó phải bị hy sinh oan uổng. Số tử sĩ VN bên Campuchia và biên giới với TQ cần phải được xác minh.
Còn hiện tại? VN đang có nhiền “bạn”. Số “bạn” này đang giúp người dân giàu có và tự do hay họ đang giúp giới lãnh đạo tiếp tục thống trị để đôi bên chia nhau lợi tức? Tư bản là lợi nhuận, lãnh đạo là quyền lực và tham nhũng. Tôi e rằng lịch sử sẽ cho biết là giới lãnh đạo VN lại tiếp tục rơi vào sai lầm!
Bất công xã hội ngày càng tăng. Thế hệ tương lai VN phải đối diện với ô nhiễm môi trường trầm trọng, tài nguyên cạn kiệt, và nợ chồng chất! Theo tôi, hãy trả lại quyền cai trị đất nước cho dân! Hãy để người dân tự chọn người lãnh đạo đất nước. Ông Bush sai lầm thì dân Mỹ chọn ông Obama. Ông Obama sai lầm thì có người khác.. nhờ vậy nên nước Mỹ cứ tiếp tục dẫn đầu thế giới tự do. Còn dân Mỹ? Chẳng mấy ai “đào thoát” vì bị “xấu hổ khi cầm tờ hộ chiếu Hoa Kỳ”!
Phan Hoa, HN
Tôi không nghĩ BBC là diễn đàn tự do đúng nghĩa. Không kiểm duyệt thô bạo và trắng trợn giống ở Việt Nam, nhưng họ chọn lựa ý kiến đóng góp theo xu hướng tư tưởng của một vài cá nhân một cách rất bài bản mang tính hướng dẫn dư luận giống như bất cứ chế độ độc tài nào. Tuy nhiên, cũng nên khen BBC ở điểm có tinh thần dân tộc tốt. Bằng chứng là không kiểm duyệt ý kiến đóng góp của bạn đọc về vấn đề lãnh thổ, ví dụ Hoàng Sa - Trường Sa.
DT
Tôi là một người sống trong nước nên chứng kiến cuộc chiến Trung-Việt và tôi cũng có chính kiến của mình về cuộc chiến này! Mặc dù gia đình họ hàng đều sống ở miền Trung nhưng tôi có hai đứa cháu bị tổng động viên đi bộ đội, một đứa tham gia chiến trường K, một đứa ở biên giới phía Bắc! Nhờ ơn Trời Phật, nên đứa nào cũng lành lặn trở về!
Dù chỉ là người dân chứ không nhưng tôi không giống như một số người hễ lên diễn đàn là "chỉ biết nói là giỏi", hoặc "chỉ biết phê phán người khác"! Chiến tranh là một quyết định khó khăn đối với bất cứ nhà lãnh đạo nào có lương tri! Nhưng có những tình thế người Việt chúng ta buộc phải tham chiến! Cách đây 30 năm, dù ở biên giới Tây Nam hay biên giới phía Bắc thì chúng ta cũng phải tiến hành chiến tranh để "tự vệ"!
Chúng ta tự vệ trước "bọn qủi" Polpot, chúng ta tự vệ trước "đòn thù" của giới chóp bu lãnh đạo ở Bắc Kinh hồi đó! Trong lúc các chính trị gia Mỹ đang còn "thù dai" (như tự bạch mới đây của đạo diễn Oliver Stone về tính cách của người Mỹ), Liên Xô thì ở quá xa... nên chúng ta phải tự quyết định vận mệnh của mình! Giờ đây sau 30 năm, có lẽ các nhà lãnh đạo cần làm một cuộc tổng kết để có nhiều bài học rút ra từ cuộc chiến này.
Lang Tu
Xin đồng tình với ban Hungsg. VN có một diễn đàn như BBC!? Mong lắm thay! Rất mong ước nguyện đó sẽ là sự thật, tất nhiên nó vào thời điểm nào đó rất mơ hồ trong tương lai. Ước mơ đó không những là của tôi, tôi tin chắc cũng là ước mơ hàng triệu người yêu đất nước VN, với tình cảm và trái tim chân thành nhất.
Langbian
Theo tôi Bộ Chính trị VN ngày ấy hầu hết là những người giỏi, có tầm nhìn xa, chiến lược, nhưng khổ nỗi các cụ lại dưới quyền một vài nhân vật chỉ có tâm huyết nhưng thiếu trình độ lý luận. Lịch sử đã rơi vào tay những con người đó, và thảm họa thế nào cho Quốc gia thì ai cũng thấy.
Hoang, TP HCM
Cháu không những quý những tấm lòng như bác Cơ, bác Thạch mà còn những ai vì tình yêu thiết thực đối với quê hương , vận mệnh dân tộc. Hiện tượng của Nó đối với dân tộc ta ngàn đời nay vẫn vậy, dân ta còn xa lạ gì bản chất rõ của Nó. Các Bác trên hiểu rộng và đã cố hết sức xoay chuyển thế cờ mà có được đâu! Tại sao? Ngồi cùng thuyền mà mọi người cứ tìm cách chen lấn chỗ tốt, tránh sóng thì khi gặp bão tố càng lo cho mình hơn.
Trách sao được, con thuyền mỗi lúc càng chòng chành, ì ách vượt lên trên bão. Không khéo chèo, thì chỗ tốt cũng như chỗ xấu, đều ở dưới nước cả ! Diễn đàn có nhiều bài hay quá, tri thức và động vào tâm thức. Nhưng thế hệ tụi cháu, đọc xong thì phải đi làm: "Cuối tháng chỉ đủ trang trải tiền học cho con, chi tiêu gia đình. Vợ nhờ mua thêm lon sữa cho thằng bé, thì xem như tháng đó giảm dowload, giảm giải trí.
"Phải Chống diễn biến hoà bình trong mỗi một con người" và nó đang xảy ra một cách tự nhiên mà thôi . Ai giành được chỗ tốt thì phải có trách nhiệm cao nhất trong việc đưa con thuyền về ĐÍCH chứ ngồi sau đuôi thuyền không chịu chèo mà nói chuyện to tát, không khéo bị ném xuống thuyền. Đó là cái lo trước, thực tiễn sinh động hơn.
SV Bách khoa, TP HCM
Chúng ta đã mắc sai lầm trong quá khứ và sẽ tiếp tục mắc sai lầm khi những nhà lãnh đạo đất nước bảo thủ, tự cho những gì mình làm là đúng và tự áp đặt những suy nghĩ đó cho thế hệ trẻ và bịt miệng những tiếng nói đối lập. Rồi đất nước này sẽ đi về đâu?
Kindman
Xem bài trả lời phỏng vấn của ông Trần quang Cơ và bài phân tích của Trương thái Du về cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979, ta thấy hai quan điểm này giống nhau. Trong đó hai ông đều nhấn mạnh ở những điểm: VN quá kiêu căng sau 30-4-75 vì đánh thắng đế quốc Mỹ sừng sỏ; VN không kiêng nể anh bạn khổng lồ TQ từng giúp đỡ mình ngay bên cạnh; VN bỏ lỡ các cơ hội gia nhập Asean để thêm bạn, và bỏ lỡ thời cơ bình thường hóa quan hệ với Mỹ; VN lẽ ra cần thêm bạn bớt thù nhưng lại làm ngược lại; VN lại quá dựa vào Liên Xô và vài nước XHCN trong khi phe XHCN lúc bấy giờ đang chia rẽ trầm trọng nhất là giữa Nga-Hoa...
Theo ông, hậu quả của chính sách ngoại giao thiển cận như thế đã dẫn đến cuộc chiến năm 1979, sau khi VN xua quân qua đánh tan nát đàn em Polpot của TQ. Ông Cơ đã tiên đoán cuộc chiến nổ ra và không lấy làm lạ khi xảy đến.
Mai Nam, VN
Cụ Cơ có tầm nhìn xa, nhưng bộ chính trị lại thiển cận. Đây là người VN trong trung ương đảng dám khước từ chức bộ trưởng ngoại giao (sẽ vào bộ chính trị) và tự ý rút khỏi trung ương đảng.
Bonjour, Pháp
Cá nhân tôi rất kính trọng nhà ngoại giao kỳ cựu này. Tôi cũng đã đọc hồi ký của ông về thời kỳ này. Từ cổ chí kim người ta đã đúc kết rồi, ngoại giao cũng chỉ là hiện thực hóa sức mạnh trên bàn cờ quân sự và kinh tế. Hiệp định Paris năm 73 cũng không nằm ngoài quy luật đó. Điều mà tôi nghĩ là cải lương nhất, liên quan tới cơ hội bình thường hóa quan hệ với Mỹ và gia nhập Asean để tránh bị TQ bắt nạt (tức là có thể không xảy ra chiến tranh 79). Lịch sử không quên rằng, ngay khi Vn thống nhất, thì TQ đã điều khiển đàn em là PônPot điên cuồng chống phá nước ta, điều này cho thấy dã tâm của TQ là không muốn một Vn mạnh.
Sai lầm ở thời kỳ này là có, và khá nhiều, nhưng lấy miếng bánh vừa mới giơ ra của Mỹ và Asean (kẻ thù vào thời kỳ đó) để trách cứ liệu có phải cái nhìn khách quan lịch sử không? Chúng ta không có cơ hội để kiểm nghiệm tính nghiêm túc của Mỹ hay chỉ là đòn gió, nhưng rõ ràng là nó không thể giống như cái bắt tay mà 2 nước đã làm ở thập niên 90.
Giả thiết điều đó xảy ra, đối với TQ, dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình, cũng chỉ là một cái cười khẩy mà thôi. Khi cần thiết họ sẵn sàng đổi chác một số lợi ích với các nước này để giành lấy sự cô lập cho Việt nam. Suy cho cùng, nội lực của đất nước vẫn là yếu tố quyết định.
Paul, TP HCM
Nhìn lại lịch sử, tôi thấy tình hình đất nước ta cũng giống như thời kỳ nhà Nguyễn khi đối diện với Tây phương. Lúc đó, vua quan nhà Nguyễn đã quá thấm nhuần tư tưởng Nho giáo, và cho đó là chân lý rồi, nên đã không dám buông bỏ cái ý thức hệ lỗi thời ấy đi để tiếp thu cái mới. Ngày nay cũng vậy, các nhà lãnh đạo VN hiện nay cũng đã thấm nhuần ý thức hệ CS quá sâu nên cũng khó mà buông bỏ để có cái nhìn khách quan và sáng suốt. Tiếp thu tri thức thì khó, nhưng để buông bỏ nó đi lại khó hơn nhiều. Vì khi đã trở thành định kiện thì thật là khó bỏ vô cùng.
Trong nhà Phật có nói đến "Sở tri chướng", tức là cái biết của ta lại trở thành cái chướng ngại cho ta. Một nhà lãnh đạo giỏi phải là người không manh định kiến, không cố chấp vào một hệ tư tưởng nào cả, mà có lòng khoan dung, độ lượng,thật sự yêu thương con người,chớ không phải yêu thương cái "lý tưởng" của mình !
Tokyo
Đã lỡ rồi, xin đừng lỡ tiếp nữa. Đó là câu chuyện của 30 năm trước. Còn 30 năm nữa sẽ ra sao? Nếu vẫn giữ cách vận hành như hiện tại, 30 năm nữa chúng ta lại ngồi nuối tiếc, giá như ngày ấy... Rồi sẽ có một ngày chúng ta hồi tưởng lại và bật cười về một xã hội tham nhũng toàn diện, một xã hội người ngay sợ kẻ gian, một xã hội người dân chỉ cung cúc cúi đầu làm ăn, không được nói lên tiếng nói của mình, một xã hội mà báo chí được định hướng đưa tin. Đã lỡ nhiều chuyến tàu rồi nhưng sẽ còn nhỡ nhiều chuyến tàu khác nếu chúng ta tiếp tục sai lầm.
VV, Saigon
Lý do để Trung Quốc và Liên Xô không còn nhìn mặt nhau mặc dù cả hai cùng theo đường lối công sản theo tôi là những rạn nứt xảy ra trong chiến tranh Triều Tiên 1950 đến 1953. Khi đó, Liên Xô đã quay lưng lại với Trung Quốc chỉ chi viện rất ít mặc dù trước đó Stalin đã hứa sẽ chi viện hoàn toàn cho TQ nếu TQ tham chiến Triều Tiên. Theo đó còn một số nguyên nhân nữa xảy ra khiến mối liên hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc rạn nứt..
Nguyen Hong Long, Sai Gon
Vâng, sai lầm của CPVN sau 1975 là đã bị TQ chơi trò lá mặt lá trái trên xương máu của người VN. Bây giờ những phân tích của tác giả đã phơi bày. Trễ còn hơn không, rất mong các vị lãnh đạo VN nhận thức ra điều này. Và đây cũng là thời cơ, vì Mỹ đã có chính sách khắt khe đối với TQ, để điều chỉnh lại chính sách ngoại giao sao cho có lợi cho đất nước.
ABC, Đồng Nai
Trước tiên cháu xin chúc cụ Cơ luôn khỏe mạnh và minh mẫn. Những phân tích của cụ rất hay và rất thẳng thắn. Nhưng câu trả lời cuối cùng của cụ (xin lỗi cụ!) cháu thấy nó mang dáng vẻ của một câu trả lời "hòa cả làng". Theo cháu nghĩ quan hệ hiện nay với TQ chả tốt lành gì, người ta thì ép mình thì cố mà nhịn (chẳng hiểu vì lý do gì).
Minh, SG
Tôi đồng ý với quan điểm của bạn PTT. Rõ ràng trong Bộ Chính trị có nhóm thân TQ. Xưa kia các vua chúa suy vong hay cầu viện Trung Quốc hay ngoại bang, bài học Trần Ích Tắc, Mạc Đăng Dung, Nguyễn Ánh, Lê Chiêu Thống còn đó.
PPT, VN
Ngoại giao là một chiến thuật mà cũng là nghệ thuật. Người làm ngoại giao không có sự sáng tạo đúng lúc sẽ đem bàn cờ đổ đi. Vì vậy câu nói "Khi đó Mỹ đã chìa tay với mình, đặt vấn đề bình thường hóa vô điều kiện thì Việt Nam lại đòi bình thường hóa có điều kiện. Sau đồng ý bình thường hóa vô điều kiện thì đã lỡ thời cơ. Họ đã bình thường hóa với Trung Quốc và quên Việt Nam rồi" là sai lầm ngoại giao quan trọng nhất của VN trong thời hậu chiến dẫn đến việc trên bàn cờ quốc tế chúng ta không có quân cờ khắc chế TQ.
Tình thế hiện nay cũng đang như vậy. Thủ tường Nguyễn Tấn Dũng đã phải rút quân cờ ngoại giao của mình lại sau khi các người bảo thủ thách đố quyền lực của ông, đưa ông vào thế "chấp hành" khi ông chưa đủ bản lĩnh chính trị để vượt qua.
Nhiều người tin rằng với việc đưa Nguyễn Bình Minh, con của Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, lên làm thứ trưởng ngoại giao sẽ giúp Thủ tướng lấy lại "phong độ". Nhưng xem ra nhóm "tư tưởng Hồ Chí Minh" sẽ không để yên. Họ đã dính quá sâu vào tham nhũng và tìm sự hỗ trợ nước ngoài từ phía đảng CSTQ để duy trì quyền lực. Người dân chỉ biết trông chờ vào chính mình, nghĩa là vào "công cuộc" để từ đó xuất hiện con người bản lãnh đủ sức lèo lái con thuyền quốc gia qua cơn sóng gió mới mà mức độ nguy hiểm không thua các năm 1970.
Hung, Sai Gon
Một sự thật là ai cũng biết là chúng ta đã sai lầm ngay từ đầu khi chọn con đường hẹp CS để rồi xem bạn là thù tưởng thù là bạn. Tuy đã là quá khứ nhưng ta phải cần xét lại một số nguyên nhân nào mà ta không phá hiện ra dầu ta rất nhiều hiền tài. Bởi vì sự độc đoán và bóp chết dân chủ do đó không có ai dám đóng góp ý kiến, và cũng không có kênh để góp ý. Xin hỏi biết bao giờ VN có một diễn đàn như BBC này? Thử hỏi biết bao hiền tài phải mai một? Nếu không có thay đổi nữa thì trong tương lai ta lại mắc sai lầm khác.
Mai Viet Tu
VN mà có một nền dân chủ văn minh thì có bao nhiêu nước Tây phương làm bạn và sẽ giúp VN đi lên, chưa kể Mỹ sẽ xem VN như Đài Loan thứ hai và ưu tiên về kinh tế. Mỹ đã học bài học là cứ để TQ giàu thì dân chủ sẽ đến như họ đã từng nhìn Thượng Hải như một Arkansas và họ đã lầm và lầm to; và quan trọng nhất là họ biết họ lầm. VN phải lợi dụng lúc này thay đổi để có thế đứng vững chắc vì thế kỷ này sẽ là của TQ và Ấn Độ. Nói về bạn cũng nên kể mấy triệu người Việt sống ở nước ngoài sẽ là bạn chí cốt ngay, họ đến xứ người với hai bàn tay trắng và bây giờ họ làm giàu để cho ai, họ sẽ làm bất cứ gì cho đất nước vì tự do dân chủ thật sự đã đến với dân tộc của họ.
James, HCMC
Xin cảm ơn Bác Cơ về bài nói chuyện. Mặc dù thế hệ sau cuộc chiến nhưng tôi vẫn cảm nhận được tính chân thực của bài viết. Bác cũng rất thẳng thắn nói " nếu tôi là nước lớn thì tôi cũng ép" - rất hay vì nếu là cháu thì Cháu cũng "ép", quy luật sinh tồn muôn đời vẫn thế. Cái sai đã là quá muộn đấy là vấn đề bình thường hoá quan hệ với Mỹ và hợp tác khu vực với ASEAN. Cũng như Bác Cơ nói không có gì ngạc nhiên khi mà Trung Cộng tấn công Việt Nam (họ đã cảnh báo trước với Chính phủ Việt Nam và người dân dọc biên giới).
Chau, Cà Mau
Xin cho hỏi giữa Trung Quốc và Liên Xô đã xảy ra chuyện gì mà không nhìn mặt nhau được vậy? Dẫu sao thì họ cũng là những nước Cộng Sản anh em mà ??
Lang Tu
Người xưa có câu nói: "gần Vua được quyền, kế sông có nước". Giá như CPVN có cái nhìn thoáng hơn mở cửa sớm hơn, ít nhất hòa nhập ĐNA, trong khu vực 'hàng xóm' láng giềng thì có lẽ cha me tụi cháu nuôi tụi cháu sẽ đỡ vất vả hơn. Từ những năm 80-90, mãi đến năm 1992, Mỹ "nghĩa hiệp không kể thù xưa" thôi cấm vận thì VN mới 'được thở' tạo điều kiện phát triển kinh tế đến hôm nay. Đó là 1bài học rất sâu sắc cho sự kiêu ngạo thiếu suy nghĩ mà VN phải gánh chịu...
 
Tiến sĩ Alexander Vuving (Vũ Hồng Lâm) Làm sao chống trả?
Tìm hiểu các chiến lược an ninh trong quan hệ Việt Trung

Người Trung Quốc thăm nghĩa trang tử sỹ cuộc chiến 1979 Đêm 17 tháng Hai
Ông Dương Danh Dy nhớ lại đêm xảy ra sự kiện TQ tấn công VN

Bác sĩ Liêu Vĩnh Bình Bác sĩ người Hoa
Một người ở lại sau 1975 để phụng sự nhưng phải ''bỏ đi'' vì lý tưởng sụp đổ

Tiến sĩ Ang Cheng Guan Gần mà xa
Quan hệ Việt - Trung đã tốt đẹp hơn nhưng vẫn là 'công trình dang dở'

Lính TQ thăm nghĩa trang tử sĩ trong cuộc chiến biên giới 1979 30 năm nhìn lại
Chuyên đề đặc biệt đánh giá cuộc chiến biên giới Việt - Trung 1979

CÁC BÀI LIÊN QUAN
Xung đột 1979 là trách nhiệm của ai?
11 Tháng 2, 2009 | Chuyên đề
Về tên gọi cuộc chiến Việt - Trung 1979
11 Tháng 2, 2009 | Diễn đàn
Bài học từ hai cuộc xung đột
11 Tháng 2, 2009 | Chuyên đề
Từ đồng chí thành kẻ thù
06 Tháng 2, 2009 | Chuyên đề
Cuộc chiến mười năm
05 Tháng 2, 2009 | Chuyên đề
Vị đắng Đông Dương
30 Tháng 1, 2009 | Chuyên đề
Phnom Penh còn nhớ
07 Tháng 1, 2009 | Chuyên đề




http://www.bbc.co.uk/vietnamese/indepth/story/2009/02/090212_inv_tranquangco.shtml







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét