Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

Hồi chuông cảnh báo về tình hình an ninh học đường không được đảm bảo trong thời điểm hiện nay. "Mất bò mới lo làm chuồng". Cứ phải đợi đến khi có sự cố xảy ra, báo chí, truyền thông, dư luận vào cuộc thì các trường, các cơ quan chức năng mới rục rịch vào cuộc sửa sai, xin lỗi. ( Học sinh đang biến trường học thành… 'võ đường'? )


Học sinh đang biến trường học thành… 'võ đường'?

Hiệu trưởng một trường THPT tại Hà Nội đã khẳng định: "Để quản lý học sinh, nhà trường phải nắm cả thông tin "mật báo" của những chủ quán nước.                      



   Liên tiếp những vụ việc như: Vụ nổ mìn khiến tám học sinh bị thương vong ở sân chơi gần trường, học sinh bị thanh niên từ bên ngoài lao vào trường học dùng dao đâm trọng thương, hay bé gái của trường tiểu học bị kẻ xấu giở trò đồi bại trong nhà vệ sinh... Và mới đây nhất là vụ một xe ô tô "điên" rồ ga đâm liên tiếp vào nhiều ô tô khác tại trường THCS Ba Đình (Hà Nội) khi sân trường biến thành bãi trông giữ ô tô, rất may là trong giờ học nên không có thương vong nào. Tất cả những vụ việc này đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về tình hình an ninh học đường không được đảm bảo trong thời điểm hiện nay.


Hiệu trưởng một trường THPT tại Hà Nội đã khẳng định: "Để quản lý học sinh, nhà trường phải nắm cả thông tin "mật báo" của những chủ quán nước. Tại đây, những em nào chuẩn bị đánh nhau, hay mang dao, kiếm đi học là chúng tôi phát hiện ra ngay". Cũng theo vị này, tình trạng học sinh mang dao, kiếm, thước kẻ biến tấu (là những thanh gỗ nặng có khả năng sát thương) vẫn khá phổ biến.

Vụ việc học sinh cầm dao "truy sát" thầy giáo khiến những người làm trong ngành giáo dục phải lo ngại. Ngày 12/1/2012, trong lúc thầy Bùi Văn Toàn là giáo viên chủ nhiệm lớp 12B7, trường THPT Phan Bội Châu (Lâm Đồng) trao đổi với phụ huynh em Đỗ Thế Hoà về việc con mình tự ý nghỉ học liên tiếp hai ngày, không học bài cũ thì em Hoà  đã về nhà lấy dao mang đến trường để trả thù thầy giáo chủ nhiệm. Ngay sau khi cuộc trao đổi kết thúc, Hoà đã núp ở phía sau, vung dao chém thầy giáo chủ nhiệm. Thầy giáo tránh được, bỏ chạy, Hoà tiếp tục vác dao "truy sát".

Ẩu đả trong trường học. (Ảnh nguồn Internet)

Việc học sinh hư "dằn mặt" thầy cô giáo vì bị nhắc nhở tuy không phải là phổ biến, nhưng cũng không phải là cá biệt. Trường hợp học sinh Đinh Văn Sỹ lớp 11A7  trường THPT Minh Hoá (huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình) trong giờ học  không ghi chép bài nên bị thầy giáo dạy toán Nguyễn Văn Tiến (SN 1982) nhắc nhở. Cũng là một ví dụ Sỹ bỏ ra khỏi lớp, thủ sẵn dao chờ cơ hội dằn mặt thầy. Khi thầy Tiến đi từ cầu thang để vào lớp dạy thì Sỹ lao đến dùng dao chém vào đầu sượt xuống gáy làm thầy bị thương.

Một trường hợp khác ở trường THPT Tuy Phước 1 (huyện Tuy Phước, Bình Định) hai học sinh của trường khác mang theo hung khí xông vào trường truy đuổi cũng là một điển hình của tình trạng học sinh mang hung khí tới học đường đánh bạn. Quá sợ hãi, học sinh bị đuổi đánh liền chạy vào phòng hội đồng để trốn. Thấy học sinh của trường bị  đánh, hai thầy giáo đứng ra can ngăn liền bị một trong hai thanh niên nói trên rút dao đâm khiến một thầy giáo bị thương. Một vụ việc đau lòng khác xảy ra trên địa bàn Hà Nội ngày 22/12/2012, ba đối tượng xông vào giảng đường trường ĐH Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội, đâm chết sinh viên Vũ Ngọc Cương (20 tuổi) chỉ vì "nhìn đểu" và mâu thuẫn tình ái đã khiến dư luận bàng hoàng.

Tình trạng một số học sinh, sinh viên mang vũ khí đến trường học không còn là "hiếm có, khó tìm" trong thời gian gần đây. Theo một điều tra viên thuộc phòng cảnh sát hình sự, công an tỉnh Thanh Hoá cho biết, trong nhiều năm theo dõi tình hình các trường trung học trong địa bàn thì thấy nhiều trường phải có một tủ ở phòng giám thị để đựng các loại vũ khí như dao, kiếm, gậy, mã tấu...thu được từ học sinh. Không loại trừ các trường tư thục, cả những trường công lập có tiếng, hiện tượng này vẫn khiến cho các điều tra viên và ban giám hiệu trường lúc nào cũng trong tình trạng đề cao cảnh giác.

Số đối tượng phạm tội ở tuổi vị thành niên ngày càng cao, cùng với những vụ việc cụ thể khiến nhiều phụ huynh học sinh cảm thấy e ngại khi mà nguy cơ biến trường học thành võ đường, làm mất an toàn, an ninh học đường. Ông Đào Trọng Thi- Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: "Thực trạng này đã đến mức báo động. Nếu như trường hợp nổ mìn gây tử vong cho tám học sinh còn liên quan đến các cơ quan an ninh quốc phòng, nhưng chuyện học sinh mang dao, kiếm vào trường học thì nhà trường cần có biện pháp ngăn chặn. Ở đây, bảo vệ nhà trường hoặc các thầy cô giáo có quyền thu giữ, nhắc nhở học sinh, báo về cho phụ huynh của các em để phối hợp giáo dục".

Ảnh minh họa.

Kẻ xấu lẻn cả vào trường giở trò đồi bại

Chị Bùi Thị Thanh Vân (Hà Đông- Hà Nội) lo ngại thực sự về an ninh học đường hiện nay. Chị chia sẻ: "Trường con gái tôi học, có lần kẻ xấu lẻn vào khu vệ sinh của bé gái và giở trò đồi bại với cháu học lớp 3. Cháu bé vùng vẫy, thấy có cô lao công đi vào, nên kẻ xấu vượt tường rào bỏ chạy.
Sau sự việc ầm ĩ bé gái bị xâm hại trong nhà trường, phòng giáo dục quận, nơi có ngôi trường cháu bé bị xâm hại mới ra quy chế: "Yêu cầu phụ huynh học sinh không được lên lớp đón con. Tất cả phải chờ con tan học ở sân trường hoặc cổng trường". Tuy nhiên, điều khiến phụ huynh vẫn lo ngại là cả trường chỉ có bốn bác bảo vệ già thay nhau gác cổng trường, thực chất chỉ làm nhiệm vụ giữ xe, trông tài sản nhiều hơn là đảm bảo an ninh cho học sinh. Còn quy chế đưa đón học sinh, sau một thời gian đâu lại vào đó, vẫn là sự lộn xộn, phụ huynh lên tận cửa lớp chờ con tan học. Đây lại là cơ hội cho kẻ xấu trà trộn, tạo mối nguy hại cho học sinh".

Vụ việc cô giáo Ong Kim Thanh Thuý, giáo viên trường mầm non Nụ Cười, thuộc địa bàn quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh tự ý bỏ thuốc ngủ vào sữa cho trẻ uống khiến những phụ huynh có con em trong độ tuổi này bàng hoàng. Khi được báo chí chất vấn, câu trả lời của ông Trần Hữu Vĩnh, trưởng phòng giáo dục và đào tạo quận Bình Tân lại khiến phụ huynh học sinh "sốt" hơn nhiều: "Chuyện bỏ thuốc cho học sinh ngủ trường mầm non có hoài, không có vấn đề gì lớn".

Không chỉ ở các trường tư, vấn đề vệ sinh an toàn của các em ở trường mầm non công lập cũng khiến nhiều phụ huynh quan ngại. Quan sát một trường mầm non công lập ở khu đô thị Việt Hưng, Hà Nội, PV cũng phải rùng mình vì một lớp có tới mấy chục học sinh trong khi đó chỉ có 2-3 cô đứng lớp. Quanh bốn bức tường của lớp học có đặt sẵn các bô, chậu, khi cháu nào có nhu cầu, các cô liền dẫn ra cho các cháu tự đi vệ sinh vào ngay đó. Chất thải không được xử lý ngay, tạo mùi hôi thối và mất thẩm mỹ. Chị Thu Trang, một phụ huynh đang có ý định gửi con đến học lắc đầu ngao ngán: "Liệu với một môi trường đặc quánh mùi xú uế như thế, sức khoẻ của các cháu có được đảm bảo không?".

"Mất bò mới lo làm chuồng". Thiết nghĩ, việc đảm bảo vệ sinh, an toàn học đường cho các cháu là việc quan trọng, phải được đặt lên hàng đầu. Tiếc thay cứ phải đợi đến khi có sự cố xảy ra, báo chí, truyền thông, dư luận vào cuộc thì các trường, các cơ quan chức năng mới rục rịch vào cuộc sửa sai, xin lỗi.    

Sân trường biến thành bãi trông xe ô tô
Một điều đáng phải lưu tâm hiện nay, do nhu cầu về bãi đỗ ô tô không được đáp ứng mà sân chơi trong hầu hết các trường học trong địa bàn các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã bị biến thành các bãi giữ xe để kiếm thêm một nguồn phụ thu cho trường. Vụ việc sáng ngày 25/4, một phụ nữ lái xe Audi Q5 mất lái lao thẳng vào bãi đỗ xe trong khuôn viên trường THCS Ba Đình (Hà Nội) đâm liên tiếp 5 chiếc xe khác đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các nhà trường. Địa điểm xảy ra tai nạn vào giờ tan trường thường tập trung rất nhiều học sinh chờ cha mẹ đến đón. Rất may vụ việc không có thương vong nào do học sinh đang trong giờ học, nếu không hậu quả sẽ rất khó lường.

Minh Khánh- Đỗ Huệ - Nguoiduatin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét