Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Sơn La: Dự án 'Điện mặt trời:' Vay tiền để vứt ------ Dân đói điện, xót tiền tỷ mua thiết bị điện về đắp chiếu .

Dự án 'Điện mặt trời:' Vay tiền để vứt
Sunday, May 05, 2013 3:41:16 PM  



HÀ NỘI 5-5 (NV) - Trang thiết bị “Ứng dụng Điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc” mà Phần Lan viện trợ cho Việt Nam hiện còn bỏ trong thùng và phơi mưa nắng suốt nhiều năm qua.

Các thùng chứa thiết bị của trạm thu – chuyển hóa năng lượng mặt trời thành điện năng, được đưa từ Phần Lan tới Háng Đồng để phơi mưa, nắng. Mỗi trạm trị giá 2.8 tỷ đồng. Hình: Blogger Nguyễn Tuấn Linh).

Mới đây, khi đến thăm xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, blogger Nguyễn Tuấn Linh phát giác, có nhiều thùng gỗ mà nhãn trên thùng cho biết, đó là những thiết bị do hãng NAPS sản xuất để thu – chuyển hóa năng lượng mặt trời thành điện năng, đang để chỏng chơ giữa trời.


Hỏi thăm một số viên chức trong xã và dân chúng địa phương, blogger Nguyễn Tuấn Linh được biết thêm, những thùng thiết bị đó, đã chuyển tới Háng Đồng từ năm 2009, nghe nói là để thực hiện dự án có tên là “Ứng dụng Điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam” nhưng không rõ vì sao lại bỏ dở từ đó tới nay.

Blogger Nguyễn Tuấn Linh tin rằng, những thiết bị đắt tiền này, chắc chắn đã trở thành vô dụng sau khi bị phơi giữa nắng, mưa suốt bốn năm qua.

 “Ứng dụng Điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam” là một dự án do chính quyền CSVN soạn thảo. Mục tiêu là tìm kiếm nguồn tài trợ quốc tế để chuyển năng lượng mặt trời thành điện năng, cung cấp cho dân chúng hàng trăm xã miền núi mà vì nhiều lý do chưa có điện để dùng.

Một số tài liệu, tin tức trên Internet cho biết, năm 2000, Phần Lan đồng ý viện trợ cho Việt Nam thực hiện dự án vừa kể. Việc thực hiện sẽ được chia thành nhiều giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2001 – 2010, phía Phần Lan giao cho Việt Nam 5.3 triệu Euro. Trong đó, 37% của khoản tiền 5.3 triệu Euro được xem là “hỗ trợ phát triển chính thức” (ODA). Việt Nam có trách nhiệm hoàn trả 63% còn lại (được xem là tín dụng ưu đãi, Việt Nam không phải trả lãi) sau 17 năm.

Cũng theo các nguồn trên Internet, Ủy ban Dân tộc của chính quyền CSVN được giao làm chủ đầu tư của dự án vừa kể. Phần Lan sẽ giao thiết bị và trợ giúp kỹ thuật để đến cuối năm 2010, Việt Nam hoàn tất việc lắp đặt 70 trạm cung cấp điện lấy từ năng lương mặt trời cho 34 xã thuộc các tỉnh miền Trung và 36 xã ở vùng núi phía Bắc Việt Nam.

Tính trung bình, mỗi trạm cung cấp điện lấy từ năng lượng mặt trời cho một xã, trị giá khoảng 2.8 tỷ đồng. Chưa biết việc thực hiện các trạm cung cấp điện lấy từ năng lượng mặt trời cho 69 xã còn lại của dự án “Ứng dụng Điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam” thế nào, riêng tại Háng Đồng, rõ ràng Ủy ban Dân tộc của chính quyền CSVN đã vứt đi 2.8 tỷ đồng.

Xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La đang được công chúng Việt Nam quan tâm đặc biệt sau khi Đài Truyền hình Việt Nam phát một phóng sự, cho thấy, dân chúng, đặc biệt là trẻ con trong xã hết sức, đói khổ, thiếu thốn đủ thứ.

Đây cũng là lý do khiến chính quyền CSVN xin tài trợ cho dự án “Ứng dụng Điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam”: Dự án là động lực thúc đẩy nâng cao mặt bằng trình độ dân trí, thúc đẩy phát triển nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần ổn định tình hình dân tộc, bảo vệ môi trường và thực hiện công bằng xã hội. Dự án tạo ra động lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số các xã đặc biệt khó khăn có thêm điều kiện thuận lợi trong tiến trình hoà nhập vào sự phát triển chung của cả nước…

Trong Thư ngỏ gửi Đại sứ Phần Lan, blogger Nguyễn Tuấn Linh viết: Háng Đồng là một xã rất nghèo và đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Yên, Sơn La, luôn cần đến sự quyên góp của những người hảo tâm có điều kiện ở đồng bằng. Trẻ em nơi đây phải sống trong điều kiện rất thiếu thốn cả về lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh cũng như điều kiện ăn, ở, học hành.

Việc dự án “Ứng dụng Điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam” đã triển khai tới đây nhưng không lắp đặt mà để mặc cho hư hỏng từ nhiều năm qua là một sự lãng phí không thể chấp nhận được…

Vì chính người Việt sẽ phải trả các khoản vay cho việc thực hiện dự án “Ứng dụng Điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam”, blogger Nguyễn Tuấn Linh, viết thêm: Tôi khẩn thiết đề nghị Ngài cho kiểm tra tình hình thực tế việc triển khai, chất lượng và hiệu quả của dự án này, tránh để xảy ra tình trạng lãng phí như ở xã Háng Đồng, gây tổn hại tới lợi ích kinh tế cho nhân dân Việt Nam và mất uy tín của nhà tại trợ là Cộng hòa Phần Lan… (G.Đ)

Nguoi-viet


____________________



 Dân đói điện, xót tiền tỷ mua thiết bị điện về đắp chiếu

Thứ bảy 04/05/2013 13:00

Trang thiết bị đầu tư điện mặt trời cung cấp cho các xã nghèo cùng cao bị bỏ mặc phơi mưa nắng, ông Nguyễn Hữu Giảng, Chánh thanh tra Ủy ban Dân tộc cho biết sẽ yêu cầu Ban quản lý dự án kiểm tra, xem xét nguyên nhân.

Linh kiện hàng tỷ đồng năm phơi sương gần 4 năm nay. Ảnh: Tuấn Linh.

Trao đổi với PV Infonet chiều 3/5 về phản ánh các trang thiết bị đầu tư điện mặt trời cung cấp cho các xã nghèo cùng cao bị bỏ mặc phơi sương lãng phí tại xã Háng Đồng, Sơn La, ông Nguyễn Hữu Giảng, Chánh thanh tra Ủy ban Dân tộc cho biết sẽ yêu cầu Ban quản lý dự án kiểm tra, xem xét nguyên nhân.

Theo ông Giảng, vấn đề này thuộc Ban quản lý dự án quản lý. Mọi vấn đề liên quan đến dự án này sẽ yêu cầu Ban quản lý kiểm tra xem xét đến nguyên nhân tại sao chưa lắp đặt và để nhanh chóng triển khai dự án này.

"Cụ thể xử lý việc này như thế nào thì anh nên liên hệ với Ban quản lý dự án này", ông Giảng nói.

Nhằm giúp các xã nghèo dân tộc miền núi khó khăn có điện sinh hoạt, Chính phủ đã đầu tư hàng tỷ đồng mua linh kiện triển khai “Dự án Ứng dụng điện năng lượng mặt trời” để phục vụ bà con, tuy nhiên, số linh kiện này chỉ để phơi sương từ 2009 đến nay.

Theo phản ánh của anh Nguyễn Tuấn Linh, người từng đi du lịch lên xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, Tỉnh Sơn La hồi tháng 3 vừa qua, anh Linh đã phát hiện nhiều thùng gỗ đang còn nguyên tem, nhãn mác, xuất xứ của các linh kiện thuộc Dự án ứng dụng điện năng lượng mặt trời bị bỏ mặc giữa mưa nắng, không được đưa vào sử dụng và cũng không có bất cứ vật dụng nào để che chắn, bảo quản.


Đống linh kiện đắt tiền không có bất cứ vật gì che chắn. Ảnh: Tuấn Linh.

“Khi tôi đi du lịch lên đây, thấy hàng đống thùng linh kiện của Dự án Ứng dụng điện năng lượng mặt trời được để phơi sương giữa trời, không được bảo quản, khi hỏi thì người dân ở đây cho biết là đã để như vậy suốt từ 2009 đến nay, trong khi đó người dân lại chưa có điện để sinh hoạt. Tôi cũng thấy tiếc quá”, anh Linh cho hay. 

Cũng theo anh Linh, ngày 2/5, anh đã gửi thư cho Đại sứ Cộng hòa Phần Lan, nước tài trợ nguồn vốn phát triển không chính thức ODA - phản ánh tình trạng lãng phí của dự án, Ban quản lý dự án cũng như những người tham gia vào việc giám sát, đánh giá chất lượng của dự án. Bên cạnh đó, bức thư cũng yêu cầu Ngài đại sứ cho kiểm tra tình hình thực tế việc triển khai, chất lượng và hiệu quả của dự án nhằm tránh gây tổn hại tới lợi ích kinh tế cho nhân dân Việt Nam và mất uy tín của nhà tài trợ là Cộng hòa Phần Lan.

Trao đổi với PV báo điện tử Infonet anh Nguyễn Tuấn Linh cho hay, sau khi tôi gửi thư cho Đại sứ quán Cộng hòa Phần Lan, họ đã có phản hồi mời tôi đến Đại sư quán để nói chuyện, dự kiến thứ 3 tuần tới tức ngày 7/5 tôi sẽ đến làm việc với người có thẩm quyền của Đại sứ quán về tình trạng lãng phí của Dự án ứng dụng điện năng lượng mặt trời. Cụ thể nội dung buổi làm việc như thế nào tôi sẽ thông tin sau.


Vỏ thùng linh kiện đã mọc rêu xanh. Ảnh. Tuấn Linh.

Theo thông tin đăng tải trên Tạp chí Lý luận UB Dân tộc, Dự án “Ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam” với sự hợp tác giữa Ủy ban Dân tộc với đơn vị cho vay vốn là chính phủ Phần Lan, đơn vị cung cấp thiết bị là Tập đoàn NAPS SYSTEMS. Dự án được triển khai từ quý II năm 2009 đến quý III năm 2010 với mục đích sẽ cung cấp điện mặt trời cho các xã (miền Bắc, miền Trung) đặc biệt khó khăn, chưa có điện lưới quốc gia.

Qua dự án này, triển vọng tốt đẹp là dự kiến trong 15 năm phát triển các xã nằm ngoài lưới điện quốc gia tại miền Bắc và miền Trung, Tây Nguyên sẽ có điện dùng. Tuy nhiên, thực trạng đang diễn ra tại Háng Đồng khiến dư luận không khỏi băn khoăn về tính hiệu quả của dự án này.
Đến bao giờ các em nhỏ này mới được xem ti vi nhờ có điện của dự án? Ảnh: Tuấn Linh.

Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc tìm kiếm, huy động nguồn đầu tư quốc tế nhằm hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn, tháng 5/2000 Uỷ ban Dân tộc và Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam cùng Tập đoàn NAPS SYSTEMS (Cộng hoà Phần Lan) đã thỏa thuận xây dựng Dự án cung cấp điện mặt trời cho 300 xã đặc biệt khó khăn thuộc địa bàn Chương trình 135 từ nguồn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Phần Lan.

Ngày 01/8/2003 tại Công văn số 1022/CP, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch mở rộng Dự án “ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam”, giao Uỷ ban Dân tộc là Chủ Dự án. Tổng vốn đầu tư của Dự án giai đoạn I là 6,0531 triệu euro; trong đó: 5,385 triệu euro thuộc nguồn tín dụng ưu đãi của Chính phủ Phần Lan với lãi suất 0%, thời hạn vay 17 năm. Nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam đóng góp phần ngân sách là 1 triệu euro.

Dự án “ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam” đầu tư cho 70 xã đặc biệt khó khăn thuộc địa bàn Chương trình 135, đồng thời là các xã mà theo quy hoạch điện lưới quốc gia không đáp ứng được sau năm 2010.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét