Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

Người Nữ biệt động năm xưa và chiêu thức "vắt chanh bỏ vỏ" của Đảng ta . ===> Chuyện đời một nữ Biệt động Sài Gòn


Chuyện đời một nữ Biệt động Sài Gòn

biệt động Sài Gòn, chiến tranh, chợ Lớn, khách sạn Caravelle, Nguyễn Thị Minh Nguyệt
Từ rất lâu rồi, tôi đi tìm chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt. Chị biệt tăm trong những ngày họp mặt Biệt động Sài Gòn, những ngày lễ trọng đại của đất nước.

Những nơi ấy không có bóng dáng chị, nhưng những chiến công của Biệt động Sài Gòn gắn với tên tuổi chị thì còn lưu lại trong "Lịch sử Sài Gòn Chợ Lớn Gia Định kháng chiến". Khi tôi gặp lại chị, người nữ anh hùng với những chiến công thầm lặng ấy giờ đang sống đạm bạc trong căn nhà nhỏ với những người con...


Từ những ký ức oai hùng

Tháng 6.1966, Bảy Bê, người chỉ huy của nhóm biệt động bị bắt. Ông bị tra tấn dã man, bị đày đến các nhà tù ở Tổng nha, Chí Hoà, Côn Đảo... Cũng kể từ đó, chị Minh Nguyệt không còn người chỉ huy, cũng là đồng đội dũng cảm, để thực hiện những trận đánh xuất quỷ nhập thần. Đau khổ là vậy, lo lắng là vậy cho người chỉ huy bị giam cầm trong nhà tù nhưng nhan sắc chị vẫn rực rỡ chốn phồn hoa. Với nhan sắc ấy, chị tiếp tục là những "nhân tình" của sĩ quan Mỹ, là "người yêu" của ngài đại tá nguỵ, hay một tên tuổi khét tiếng chống cộng sản nào đó ở chốn đô thành.

Cũng từ ngày Bảy Bê bị bắt, cuộc đời của chị Nguyệt rẽ sang một trang khác. Ngay cả cái tên của chị cũng bị sách sử ghi sai. Chị nói: "Tôi tên Trần Thị Nguyệt, nhưng anh Bảy Bê đặt cho tôi là Trần Minh Nguyệt. Không biết vì sao trong sách biệt động lại ghi tên tôi là Nguyễn Thị Minh Nguyệt. Mà thôi, cuộc đời có bao nhiêu thứ lớn lao còn bị nhầm lẫn, cái họ bị ghi sai cũng chẳng có ý nghĩa gì!" Nhưng sau nhiều năm âm thầm nhận lấy trọng trách của một giao liên, chuyển thư từ, súng đạn phục vụ những trận đánh, không lúc nào hình ảnh Bảy Bê - người đội trưởng biệt động dũng cảm phai mờ trong chị. Ông không đẹp trai, dáng vẻ bên ngoài không có gì đặc biệt nhưng tài đánh giặc xuất quỷ nhập thần, gan lì của ông để lại trong lòng chị sự kính phục, ngưỡng mộ.

biệt động Sài Gòn, chiến tranh, chợ Lớn, khách sạn Caravelle, Nguyễn Thị Minh Nguyệt
Trần Minh Nguyệt thời tham gia Biệt động Sài Gòn, năm 20 tuổi.
Làm sao chị có thể quên những ngày anh tìm đến nhà chị, được mẹ chị - một cơ sở biệt động - cưu mang, che chở. Làm sao chị có thể quên, trận đánh vào khách sạn Caravelle, chị cùng người đội trưởng trên chiếc xe chở khối thuốc nổ đến khách sạn, trong lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết. Khi trận đánh thành công, anh thoát ra khỏi khách sạn, "đôi nhân tình" gặp lại nhau trong nghẹn ngào, nước mắt... Làm sao chị có thể quên trận đánh vào cư xá Brink, chị có nhiệm vụ trinh sát dẫn đường, đón Bảy Bê rút lui an toàn. Lúc anh thoát ra khỏi mục tiêu, xuất hiện trước mặt chị, trong một quán càphê cách mục tiêu chỉ 100m, chị có cảm giác mình vừa sống lại.


Làm sao chị có thể quên trận đánh vào đại sứ quán Mỹ, chị làm nhiệm vụ bảo vệ xe chất nổ và đón các chiến sĩ rút từ mục tiêu ra. Vào trận, chị ăn mặc sang trọng như một "mệnh phụ", đi chiếc Mobylette có nhiệm vụ coi chừng "cái đuôi" cho Bảy Bê lái chiếc Frégate sang trọng, lao vào toà đại sứ, sau khi Tư Việt đã rút súng bắn hai quân cảnh đứng trước toà nhà, tập trung sự chú ý về phía mình cho Bảy Bê hoàn thành nhiệm vụ. Chị và anh đã cùng chia sẻ cảm giác hạnh phúc tuyệt vời, khi ngồi bên nhau, như đôi tình nhân, cùng đọc tờ báo đưa tin "Nhà trắng phương Đông sụp đổ"...

Và những ngày sau giải phóng

Một ngày mùa hè năm 1975, Bảy Bê xuất hiện trước cánh cửa ngôi nhà chị. Chị đứng như hoá đá, lặng nhìn anh. Rồi những giọt nước mắt lăn dài trên má. Khi ấy, chị đã là một goá phụ, với hai đứa con thơ dại. Chồng chị là một cán bộ lãnh đạo của ban Tuyên huấn Sài Gòn Gia Định, hy sinh trong căn cứ. Ngọn lửa tình yêu của hai người chiến sĩ biệt động sau những đè nén vì nhiệm vụ, những ngày cách xa đằng đẵng được thổi bùng lên, thăng hoa, mãnh liệt.

Mẹ chị vui mừng tác hợp con gái cho Bảy Bê, vì bà tin rằng: "Nó chân chất, thật thà, đánh giặc giỏi!" Hạnh phúc của chị được nhân lên nhiều lần khi hai cô con gái của chị và Bảy Bê - Nguyễn Thị Thanh Thảo, Nguyễn Thị Thanh Nga lần lượt ra đời. Nhưng rồi sóng ngầm bắt đầu trỗi dậy dữ dội khi chị biết trước chị, Bảy Bê đã có hai người phụ nữ khác, có bốn đứa con trong thời gian ông được phóng thích sau khi bị bắt. Chị thấy đất dưới chân mình như đổ sụp. Từ đó, chị một mình tần tảo nuôi con, đối mặt với nhân tình ấm lạnh của cuộc đời. Rời khỏi ngôi nhà của người mẹ, tay dắt bốn đứa con thơ, chị đi giữa Sài Gòn vô định. Một người bạn của Bảy Bê thấy chị quá khổ, tìm cách giúp chị xin ruộng rau muống ở quận Bình Thạnh. Không đủ tiền cất nhà, chị dựng tạm mái nhà tranh, làm chỗ che mưa che nắng cho mấy mẹ con. Lần hồi, chị nuôi các con lớn lên.

biệt động Sài Gòn, chiến tranh, chợ Lớn, khách sạn Caravelle, Nguyễn Thị Minh Nguyệt
Chị Trần Minh Nguyệt (ngồi, trái) gặp lại đồng đội

Đằng đẵng mấy mươi năm trôi qua, chị chôn vào lòng kỷ niệm của mối tình duy nhất cuộc đời, chôn cả nhan sắc rực rỡ, chôn những năm tháng thanh xuân, hào hùng. Thời gian không làm lành những vết thương trong lòng chị, nhưng kịp biến ruộng rau muống đầy rắn năm xưa thành lô đất nằm trong dự án đô thị hoá vùng nông thôn quận Bình Thạnh. Mấy ngàn mét vuông đất ruộng đổi thành hai nền đất. Chị bán đi một nền để lấy tiền xây nhà. Mấy đứa con chị lớn lên, có gia đình, vẫn ở chung với chị. Ngôi nhà trở nên quá chật chội cho bốn hộ gia đình.

Có người khuyên chị bán căn nhà mặt tiền đường Đinh Bộ Lĩnh - nơi chị từng sống với anh Bảy Bê - để chia cho các con. Trong đáy lòng, chị không muốn bán, bởi dẫu sao chị vẫn muốn lưu lại chút gì đó hình bóng những ngày đầu hạnh phúc. Với chị, hạnh phúc như một tấm chăn quá chật, ấm với những người đàn bà khác, phần chị, đã kiêu hãnh khước từ vì không muốn mình bị tổn thương. Trong khi những người con khác của người hùng Bảy Bê sống trong sự đầy đủ, thì hai đứa con của chị với ông đã lớn lên trong đói nghèo, phải bươn chải kiếm sống từ nhỏ.

Em Nguyễn Thị Thanh Nga, con gái út của người hùng Bảy Bê giờ đã làm mẹ, nói trong nước mắt: "Gần chết, ba mới về thăm mẹ và tụi con. Lúc ba nằm bệnh viện, mẹ và tụi con đến thăm ba. Ba định nói gì với con, nhưng con không nghe được! Con rất buồn vì ba mất mà không ai báo cho tụi con. Tụi con cũng là con của ba sao bị đối xử tệ bạc như vậy?"

Còn chị, giải thích sự im lặng của mình sau những chiến công và sau từng ấy năm: "Đi là dân, trở về cũng là dân. Hồi đó, đi làm biệt động là một chân đặt vào cái chết, một chân đặt vào nhà tù. Tôi may mắn không chết, cũng không ở tù thì hạnh phúc quá rồi. Thương là thương cho đồng đội đã ngã xuống. Một chiến công của biệt động được làm nên bằng đường dây phối hợp của nhiều người. Nhiều người chết đi như anh Việt, anh Trỗi, người bị bắt vào tù tra tấn cho đến chết. Họ có được gì đâu!" Nghĩ vậy nên trong ngôi nhà, chị không treo bất cứ tấm huân chương nào, chỉ còn bức ảnh thời thanh xuân, một vẻ đẹp sầu muộn và kiêu hãnh. Khi tôi đến thăm, chị vừa trải qua đợt phẫu thuật ung thư vú. Người đàn bà ngồi trước mặt tôi, giúp con cháu bán hàng, hoà lẫn trong những người lao động Sài Gòn, trong chiếc áo sờn rách mà lòng kiêu hãnh cao vời vợi.

Theo Trầm Hương/ SGTT
*Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt


XEM THÊM


Thứ năm, ngày 02 tháng năm năm 2013 Từ trường hợp tai nạn thảm khốc của Thể thao VN: Còn ai thương phận Huệ . "Vắt chanh bỏ vỏ" là kiểu trọng dụng nhân tài của Đảng và nhà nước ta . 
http://bietkichxaxu.blogspot.com/2013/05/con-ai-thuong-phan-hue-vat-chanh-bo-vo.html




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét