Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

GS Nguyễn Lân Dũng: Rất nhiều người Việt ham tiền, vô cảm, hèn nhát . " Tự nhiên biến mình thành hèn hạ, chịu khuất phục, làm ngơ trước mọi sai trái, mọi diễn biến xấu trong xã hội (cái gọi là chủ nghĩa mackeno) "


GS Nguyễn Lân Dũng: Rất nhiều người Việt ham tiền, vô cảm, hèn nhát

13/05/2013 07:15

"Tham lam còn dẫn đến mất uy tín quốc tế..." - GS. Nguyễn Lân Dũng nói về tính xấu của người Việt.

GS.NGND Nguyễn Lân Dũng chỉ ra 5 tính xấu của không ít người Việt Nam đó là: Ham tiền, hiếu danh, coi thường danh dự, vô cảm và hèn nhát, coi nhẹ ý nghĩa "đồng bào".

Lời tòa soạn: PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng: Người Việt hiện đại xấu nhất là thói hám danh, chuộng lạ, sính ngoại, sính hình thức,... còn với GS Nguyễn Lân Dũng thì: "Tự nhiên biến mình thành hèn hạ, chịu khuất phục, làm ngơ trước mọi sai trái, mọi diễn biến xấu trong xã hội (cái gọi là chủ nghĩa mackeno) - Tôi cho đó là cái xấu nhất đang kìm hãm sự phát triển của xã hội ta, cản trở việc phát huy các thành tựu của sự nghiệp Đổi mới do Đảng ta khởi xướng. Báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với GS.Nguyễn Lân Dũng xung quanh vấn đề này.




Tự biến mình thành hèn hạ


- Là một Giáo sư - Tiến sỹ, Nhà giáo Nhân dân rất gần gũi với người Việt Nam, theo ông, người Việt có tính xấu nào cần phải thay đổi trong thế giới hiện đại?


GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Không có tính xấu nào là của mọi người Việt, nhưng có thể có những tính xấu của một bộ phận không nhỏ người Việt. Trong thế giới hiện đại mọi người đều tiếp nhận được không ít những nét đẹp văn hóa do cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đem lại. Chẳng hạn như thói quen thường xuyên theo dõi tin tức trong và ngoài nước thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là truyền thanh, truyền hình. Với giới trẻ là thông qua internet, điện thoại trực tuyến...

Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường bên cạnh các ưu việt rõ rệt so với nền kinh tế kế hoạch hóa trước đây, nhưng do tính tự phát vốn có, kinh tế thị trường có thể mang lại không chỉ có tiến bộ mà còn cả suy thoái, khủng hoảng và xung đột xã hội. Cái chính là việc chạy theo đồng tiền bằng mọi giá.

Trước đây trong các cuộc kháng chiến, mọi người sống giản dị, thân thiện với nhau, khoảng cách giàu nghèo thu hẹp, cán bộ gần gũi với dân và tôn trọng dân. Ngày này, bộ phận nhẽ ra phải là ưu tú nhất trong xã hội là cán bộ, đảng viên nhưng như nhận xét của Đảng trong Nghị quyết Trung ương 4 thì: 

"Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”. Chúng ta từng có khẩu hiệu "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Nay một bộ phận không nhỏ Đảng viên suy thoái, biến chất thì tránh sao khỏi sự suy thoái, biến chất của quần chúng? Người ta coi chuyện chạy chọt bằng phong bì là chuyện bình thường và thường được gọi là văn hóa phong bì. Từ vị trí chủ nhân ông của đất nước người dân mặc nhiên hạ thấp vị trí của mình xuống, việc gì cũng phải xin xỏ, cầu cạnh, không dám công khai tố cáo các hành động sai trái của những người có chức có quyền (một phần do pháp luật quy định người đưa hối lộ cũng có tội). Tự nhiên biến mình thành hèn hạ, chịu khuất phục, làm ngơ trước mọi sai trái, mọi diễn biến xấu trong xã hội. Tôi cho đó là cái xấu nhất đang kìm hãm sự phát triển của xã hội ta, cản trở việc phát huy các thành tựu của sự nghiệp Đổi mới do Đảng ta khởi xướng.


- GS Văn hóa nổi tiếng Trần Lâm Biền đã từng ví: Lòng tham như một chất ma túy, phá hoại nhân cách con người và có sức cám dỗ ghê ghớm. Theo ông, lòng tham khiến người Việt xấu xí và suy yếu thế nào trong quan hệ cộng đồng và thế giới?


GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Lòng tham đẩy lùi nhân cách sống giản dị, vị tha, thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách... những đức tính quý giá vốn là truyền thống của nhân dân ta. Lòng tham khiến mất đi sự quý trọng vốn có của nhân dân với những người cán bộ, nhẽ ra phải là công bộc của dân như lời dạy của Bác Hồ.

Lòng tham khiến mất đi sự chung thủy của không ít vợ chồng, kể cả những cặp vợ chồng trẻ biểu hiện qua tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng. Lòng tham khiến láng quê vốn yên lành nay trở nên náo loạn vì chuyện tịch thu bờ xôi ruộng mật một cách bừa bãi, thiếu cơ sở khoa học và pháp lý, còn vì cắt tóc thư giãn, karaoke, nhà nghỉ, game online... đã len lỏi tới tận các vùng quê.

Lòng tham khiến bố mẹ nhắm mắt chạy theo đồng tiền để các quý tử tự do phá phách, bỏ học, trở thành những anh hùng xa lộ hoặc những tên Đông Gioăng (Don Juan) chuyên hại đời các cô gái mới lớn...

Đạo lý đang bị thách thức, đơn từ khiếu nại, tố cáo xếp đầy các tủ hồ sơ mà không kịp giải quyết thỏa đáng. Hãy để mắt đến các trang mạng xã hội, trong đó có không ít những tiếng nói trung thực, thẳng thắn, chứ đâu phải toàn là những điều bị chụp mũ là "diễn biến hòa bình" hay bị lôi kéo bởi các thế lực thù địch.

Gần đây vang lên bài thơ thật buồn của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị phụ tách văn hóa- tư tưởng của Đảng ta:

"Đất nước những năm thật buồn
Nửa đêm ngồi dậy hút thuốc vặt
Lần mò trên trang mạng tìm một tin lành
Như kẻ khát nước qua sa mạc
Chung quanh yên ắng cả
Ngoài đường nhựa vắng tiếng xe lại qua
Người giàu, người nghèo đều ngủ
Cả bầy ve vừa lột xác
Sao mình thức?
Sao mình mải mê đeo đuổi một ngày mai tốt lành?
Bây giờ lá cờ trên Cột cờ Đại Nội
Có còn bay trong đêm
Sớm mai còn giữ được màu đỏ?
Bây giờ con cá hanh còn bơi trên sông vắng
Mong gặp một con cá hanh khác?
Bao giờ buổi sáng, buổi chiều nhìn ra đường
Thấy mọi người nhẹ nhàng, vui tươi
Ấm áp ly cà phê sớm
Các bà các cô khỏe mạnh yêu đời
Hớn hở tập thể dục
Bao giờ giọt nước mắt chảy xuống má
Không phải gạt vội vì xấu hổ
Ngước mắt, tin yêu mọi người
Ai sẽ nắm vận mệnh chúng ta
Trong không gian đầy sợ hãi?
Những cây thông trên núi Ngự Bình thấp thoáng ngọn nến xanh
Đời đời an ủi
Cho người đã khuất và người sống hôm nay …"



Ai có thể suy diễn nhà thơ - chiến sĩ này đang bị suy thoái chính trị, suy thoái đạo đức?


"Vĩ cuồng vì chút địa vị của mình thật là vô kể"


- Thói tham danh, bệnh sùng bái danh hiệu, chức vụ... trong giới trí thức đã được nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc xem như một quốc nạn. Còn Giáo sư Cao Xuân Hạo trong một bài viết ở cuốn Tâm lý người Việt nhìn từ nhiều góc độ gọi là bệnh vĩ cuồng (me’ganomanie). Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn bảo đó là căn bệnh nan y khó chữa. Theo ông, thói háo danh của người Việt hiện nay đã ở mức báo động ra sao?


GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Danh lợi có nghĩa là cái danh hiện nay đi liền với cái lợi. Hầu như ai có chút quyền hành gì đều cố hết sức tận dụng cái uy quyền ấy để làm giàu một cách bất chính. Vì vậy dân gian mới có câu "Nhà mặt phố, bố làm quan". Cũng còn có những ông quan thanh liêm, nhưng số đó quả không nhiều.

Theo GS Nguyễn Lân Dũng, chuyện mãi lộ của Cảnh sát giao thông ai cũng biết nhưng có lẽ không có cách gì khắc phục nổi.

Vĩ cuồng vì chút địa vị của mình thật là vô kể. Chuyện mãi lộ của Cảnh sát giao thông ai cũng biết mà có lẽ không có cách gì khắc phục nổi. Một lái xe taxi nói với tôi đưa bệnh nhân đến cổng bệnh viện, vì không được đỗ (?) nên đã cẩn thận hỏi anh CSGT là phải đỗ chỗ nào? Anh ấy trả lời là lên quá chỗ cầu vượt kia. Làm đúng như vậy thì lại đã có anh CSGT khác xông ra đòi phạt với số tiền cao ngất ngưởng. Đành phải đưa một nửa số tiền ấy mà không lấy biên bản (!).

Chuyện này tôi đã nói ở Diễn đàn Quốc hội nhiều lần mà hầu như chả có chuyển biến gì. Sao ta không học hỏi cảnh sát nước ngoài - Xe đỗ sai quy định họ gài giấy phạt lên cái gạt nước mưa, lái xe cứ việc nhanh chóng chuyển tiền qua ngân hàng, càng chậm số tiền phạt càng tăng. Đấy chỉ là một ví dụ trong muôn vàn ví dụ.

Một nữ doanh nhân rất thành đạt đã trả lời khi tôi hỏi sao không thấy xuất hiện trên TV trong các lần được lãnh đạo đeo cho vòng hoa và cổ: "Chú tưởng ngon lành thế à? Nộp nhiều tiền lắm đấy chú ạ!". Thật ngoài trí tưởng tượng của tôi!

Tham lam còn dẫn đến mất uy tín quốc tế. Nào là tôm bị trả lại vì có đinh đóng vào đầu tôm cho tăng cân (!), nào cà phê thì hái lẫn lộn cả quả xanh (vì nếu để chín hết sẽ mất trộm!), nào giầy vải lẫn cả loại vải có lẫn formalin (do nhập ẩu nguyên liệu rẻ), nào phạt gây ô nhiễm chỉ nắm "anh có tóc" trong khi hàng chục cơ sở cùng gây ô nhiễm tại cùng chỗ đó...

Ai cũng có thể kể ra hàng trăm ví dụ về việc lạm dụng chức quyền để gây tác hại cho xã hội. Học hàm, học vị là chuyện nghiêm túc với các quy định hết sức chặt chẽ. Vậy mà vẫn có những người có bằng Tiến sĩ nước ngoài trong khi tiếng Anh chỉ đủ ở mức biết vài câu chào hỏi (!). May mà báo chí chưa sờ đến hay không dám sờ đến đấy. Học hàm Giáo sư, Phó giáo sư trên toàn thế giới là chuyện chỉ dành riêng cho các trường Đại học và thường chỉ cần do Hiệu trưởng Đại học quyết định. Hơn nữa cần ghi rõ là Giáo sư của trường nào? Làm gì có chuyện dành cho vô số vụ trưởng, thứ trưởng, sĩ quan quân đội, công an... như ở nước ta?

Chuyện xưng danh Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học New York cũng thực nực cười. Chữ Academy còn có nghĩa là Học viện, Trường phái, Hội đoàn... Member chỉ có nghĩa là Thành viên, còn Academician mới là Viện sĩ!

Chuyện háo danh còn ở mức Nhà nước. Quốc hội đã từng thảo luận về việc đã nên thành lập Viện Hàn lâm chưa, ý kiến chung là "chưa". Vậy mà bỗng nhiên xuất hiện hai Viện hàn lâm trong khi không có Viện sĩ nào (?). Ai tham mưu làm chuyện này, phải chăng xuất phát từ việc có ba Viện từ lâu đã tự tiện đặt tên nước ngoài là Academy (?). Có lẽ ai cũng nên tìm xem trên YouTube sự hùng biện tài hoa và khá có lý trong trên 1 giờ liền của một học sinh lớp 12 với nhan đề "Sự trăn trở của một kẻ lười biếng".

Tôi cảm thấy nó có tính thuyết phục hơn nhiều tham luận của không ít học giả về những tồn tại kéo dài của nền giáo dục nước nhà. Nên chăng cần viết lại bài độc diễn này dưới dạng văn bản để nhiều người, nhất là những người chịu trách nhiệm, có điều kiện tham khảo. Trong các tồn tại được cậu học sinh này thẳng thắn nêu lên thì chính là bệnh thành tích và một chương trình học tập vừa nặng, vừa thấp (!) so với thế giới, hơn nữa khá xa lạ với nhu cầu của đời sống (!).


Coi nặng tiền tài hơn giáo dục


- Trong cuộc sống, nếu phải kể tên ra 5 tính xấu đáng sợ nhất của người Việt thì ông "dị ứng" nhất với những loại tham nào? Muốn thay đổi nó, người Việt phải làm gì?


GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Tôi nghĩ không nên nói của người Việt Nam mà nên nói của không ít người Việt Nam: Nếu cần chọn ra 5 điều thì tôi chọn là:

- Ham tiền
- Hiếu danh
- Coi thường danh dự
- Vô cảm và hèn nhát
- Coi nhẹ ý nghĩa "đồng bào"


- Theo ông, căn nguyên của những tính xấu mà ông kể trên là gì?


GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Thứ nhất, tôi cho là do chưa hiểu đúng mặt tích cực của kinh tế thị trường, nhưng lại chịu những ảnh hưởng xấu của kinh tế thị trường. Thứ hai là tính thiếu dân chủ trong đời sống xã hội, nhất là trên phương tiện truyền thông, khiến cái xấu không được chỉ đích danh, kể cả trong lĩnh vực khoa học như anh Dương Trung Quốc đã phải thốt lên là: một kiểu Lịch sử học vô nhân xưng.

Chính vì vậy mà không ít người đọc đã quay lưng lại với báo viết mà quay sang báo mạng (bên cạnh nhiều trang tốt còn có cả những trang xấu của một số ít người có ác ý).

Thứ ba là do thiếu duy trì truyền thống gia giáo, coi nặng tiền tài hơn giáo dục, chăm sóc con cái.

Thứ tư là sự thiếu gương mẫu của các quan phụ mẫu các cấp, những người coi chức vụ là cần câu cơm (đúng hơn là cần câu vàng bạc, ngoại tệ).

Và thứ năm là tình trạng thiếu tin tưởng và ít trọng dụng người tài, không có lý do gì mọi chức vụ từ cấp thôn xóm trở lên đều phải là đảng viên (trong khi tỷ lệ đảng viên chỉ là 3 triệu trong 90 triệu dân số).


- Nhà văn Vương Trí Nhàn đã từng viết rất nhiều sách về tính xấu của người Việt, và trao đổi với báo GDVN, vị này cũng nói: Người Việt chẳng có tính tốt nào. Với GS.Nguyễn Lân Dũng thì sao? Người Việt có thể tự hào về điều gì?


GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Tôi nghĩ chẳng có ai muốn "vơ đũa cả nắm" như vậy! Chúng ta cần tự hào về những truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Nếu không có những truyền thống tốt đẹp ấy thì làm sao giữ vững được nền độc lập quốc gia, làm sao có được những tiến bộ trông thấy trong đời sống kinh tế-xã hội, làm sao có được những bước bứt phá về Tổng thu nhập quốc nội (GDP) mà quốc tế cũng phải thừa nhận, làm sao có vị trí ngày càng được tôn trọng trên thế giới....

Hãy tiếp xúc với các cựu chiến binh, với lớp người cao tuổi, với đa số bà con ở nông thôn, ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa... Ta sẽ gặp biết bao những tấm gương tuy còn nghèo khổ nhưng vẫn nêu cao sự trong sáng về đạo đức, về lòng nhân ái và sự hy sinh hết mình dành cho việc học hành của con cái cũng như cho sự đóng góp theo quy định của Nhà nước (kể cả những quy định tuy tôi đã chất vấn nhiều lần tại Quốc hội mà đến nay nay tôi và rất nhiều người vẫn chưa thông được - chẳng hạn như chuyện phải bắt buộc trích đóng góp từ quỹ lương cho Công đoàn , chứ không phải cho Hội Nông dân, trong khi chưa chắc nơi nào cần hơn?).

Bản thân người Việt chúng ta có sẵn một truyền thống đạo đức tốt đẹp. Chỉ cần khắc phục những bất cập trong quản lý Nhà nước, trước hết hãy thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 Khóa XI, để loại hết mọi con sâu, dù là một đàn sâu như lời Chủ tịch Nước, thì xã hội sẽ sớm ổn định , điều tốt đẹp sẽ nầy nở và các tính xấu chắc chắn sẽ bị đẩy lùi. Tôi vững tin là như vậy.

Giaoduc


Ý kiến bạn đọc (12 ý kiến)

Sắp xếp theo:
1. lenhv - 13/05/2013 14:36
Danh dự của họ còn nhỏ hơn ly bia,ly rượụ. Họ chỉ nhìn vôly bia có đầy hay lưng thôi!!!Dúng sai mặt kệ!!!
2. trịnh dũng - 13/05/2013 14:18
bài viết của GS NLD nói lên nhiều điều đều đúng cả,nhưng phải nói rõ là trong thời gian gần đây căn bệnh này ngày càng phát tác dẫn tới trầm kha. câu hỏi ở đây là nguyên nhân nào & lý do từ đâu dẫn tới "thảm cảnh này" tôi cho đó là từ giáo dục nhận thức nhân cách trong các nhà trường, từ sự gương mẫu của người lớn tới các cấp lãnh đạo lời nói không đi đôi với việc làm, từ sự quản lý lỏng lẻo và bất cập của PL, sự di dân ồ ạt giữa các vùng miền không được kiểm soát...
3. Na 9 - 13/05/2013 13:40
"GS.Nguyễn Lân Dũng: Rất nhiều người Việt ham tiền, vô cảm, hèn nhát" . Không phải rất nhiều mà là đại bộ phận, số còn lại rất ít , cực kỳ ít, từ 1/1.000 đến 1/1.000.000
Ngoc Hoang - 13/05/2013 15:48
Theo tôi thấy, xã hội cũng có rất nhiều người tốt còn người xấu, người thiếu đạo đức, tham lam và ích kỷ có một phần nhỏ nhưng đáng buồn là đa số đó lại là lãnh đạo dù to hay nhỏ chính vì thế những kẻ tham lam và ích kỷ năng lực kém khác mới có cơ hội leo lên được những vị trí đó và những kẻ có năng lực và thực sự có tài thì mới bị vùi dập và không được trọng dụng. Còn cuộc sống thì vẫn phải sống, vẫn phải lo cho gia đình và vợ con thì làm sao có thể đối đầu với những con người tham lam ích kỷ đó được vì đối đầu chỉ thiệt vào thân lại ảnh hưởng đến gia đình. Nếu muốn khác thì chỉ có thể thay đổi ở chính những người đứng đầu thay đổi xuống còn không thi chung ta ai cũng biết và biết thì cũng chỉ để nói, cuộc sống vẫn thế xã hội vẫn thế và dần dần đi xuống. Ai cũng đều muốn có một môi trường sống lành mạnh không phải bon chen và mối quan hệ giữa người với người là mối quan hệ đầy tình thương, có sự thông cảm và giá trị đạo đức của con người được đặt lên hàng đầu. Tôi hi vọng Việt Nam ta sẽ sớm thay đổi để cuộc sống của chúng ta có giá trị hơn, chúng ta sống có tình thương, có sự chia xẻ và có đạo đức hơn.
4. Phạm Văn Diện - 13/05/2013 13:23
Qua bài viết của bác cháu thấy chẳng chỗ nào sai cả và chỉ có mình bác giám nói như vậy. Nhưng có một điều là bây giờ đầu như vậy hết bác ạ phải sống chung với lũ thôi bác, không tìm mọi cách để có tiền thì chỉ còn một con đường đó là phó mặc tất cả, có lẽ kẻ làm to thì kiếm nhiều kẻ làm nhỏ thì kiếm ít cứ theo quy luật bất thành văn đó. Như suy cho cùng là quy luật cuộc sông thôi không theo chỉ có một con đường chết. Chúc bác mạnh khỏe!
5. Lâm Anh - 13/05/2013 13:21
Cảm ơn GS đã dám nói. Trong XH ngày nay không thiếu những người tốt, những nghĩa cử, hành động đẹp nhưng bao trùm lên suy nghĩ của tất cả mọi người lại là sự nghi kỵ, nghi ngờ lẫn nhau. Điều đó thật nguy hiểm. Một điều dễ dàng nhìn thấy: Bản chất mỗi con người đều tốt nhưng vì sao họ phải "biến chất" đi, dễ hiểu thôi, để phù hợp với môi trường, hoàn cảnh họ đang sống
6. Nguyen Ky Nghia - 13/05/2013 13:17
Tôi nghĩ không riêng gì người Việt mà người nước nào cũng vậy. Trừ một thiểu số rất ít những người tu hành đạt đạo không màng danh lợi. Đa số con người còn lại đều nằm trong cái vòng lẫn quẫn lợi danh. Không nên trách con người hám lợi danh, vì có ham lợi danh thì mới thúc đẩy xã hội tiến bộ. Anh ra sức học tập, làm việc để làm gì? Không phải để kiếm chút lợi danh hay sao? Ta nên trách lối tổ chức xã hội nhiễu nhương để tạo ra những lợi danh bất chính, như nạn bằng cấp giả, CSGT nhũng nhiễu người đi đường, công chức gây khó khăn cho công dân khi đến cơ quan công quyền...Những tệ nạn này các nước văn minh rất ít xảy ra. Trong khi ở VN khá phổ biến. Có lẻ ta nên học tập nước ngoài để xây dựng xã hội tốt hơn, chứ không nên trách người VN hám danh lợi.
hhgh - 13/05/2013 13:51
noi rat hay


 7. nguyễn xuân trường - 13/05/2013 12:55
nói cho chuẩn không cần phải chỉnh đó là nhà dột từ nóc thưa ông giáo sư dũng .
8. Lương Bắc - 13/05/2013 11:51
Tôi thấy có mấy căn nguyên:
1. Trước hết đó là điểm buồn đã nêu trong từ điển Bách khoa Pháp Larousse “tính xấu của Annamese” hồi 100 năm trước. Các thước phim thời đó đã ghi lại cảnh quan Việt đi giật lùi trước đám úy tá Pháp, để tỏ rõ “đầu óc nô lệ nặng”. Nó khác với quan TQ hay Ấn Độ khi tiếp xúc với người Anh, rất ngang hàng, và về nhà phải tắm gội tẩy uế mùi “tây di”.
2. Nếu sang Lào, Căm pu chia, ta thấy thiếu niên được gửi lên chùa để học lễ và đạo. Vì thế người Lào, Miên cư xử với nhau không dữ dằn như người Việt. Tại Việt Nam, dường như giáo dục đã “chỉ có duy vật”, dạy điều cao xa nhưng thiếu phần cuộc sống cộng đồng. Nhờ đó, lối sống “lợi minh trước đã” phát triển. Ở mức cực đoan có thể nảy sinh các “sát thủ máu lạnh” tuổi ngày càng trẻ (thậm chí mới 11 tuổi), không sợ “quả báo cho kiếp sau”.
9. Sonkim - 13/05/2013 11:41
Đúng quá rồi Bác Dũng ơi. Muốn con người Việt Nam ta bỏ bớt tính xấu đi thì việc đầu tiên là Phải loại bỏ ngày "những con sâu' trong bộ máy quản lý nhà nước. Điều này là điều khó trong điều kiện XH hiện nay. Nhưng vẫn phải kiên quyết làm?
10. TRAN VAN TAN - 13/05/2013 11:34
Rất hay!!!
Lâu rồi tôi mới đọc được bài viết ý nghĩa và sâu sắc đến như vậy. Nội dung của bài viết rất thực, nó giống như bài thông kê về những diễn biến, những cái xấu của một số bộ phận người việc. Qua đây, bài viết còn có ý nghĩa cảnh tỉnh với những người đang lao theo tiền tài, danh vọng, bỏ quên đạo đức cuộc sống.
Cảm ơn giáo sư!





XEM THÊM :


- Quyết định chính thức về thời gian phiên tòa xét xử 2 sinh viên yêu nước Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên. Mời bà con đến tham dự phiên tòa XÉT XỬ CÔNG KHAI để ủng hộ tinh thần cho các em vào lúc 7h30 sáng ngày 16 tháng 05 năm 2013, tại Tòa Án Tỉnh Long An. 116 , Trương Định, Phường 1 , TP. Tân An, Tỉnh Long An.

- Thứ tư, ngày 08 tháng năm năm 2013 Thông báo của Chúng Ta - Công Dân Tự Do về việc tiếp tục công khai phổ biến Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền tại những nơi công cộng. Mời gọi các bạn trẻ cùng các bác, các cô, chú, anh chị tiếp tay để tất cả Chúng Ta đem những ý tưởng về Quyền Làm Người đến với đồng bào . -----------------------  Free Citizens: Dissemination of the Universal Declaration of Human Rights set to continue. WE - the Free Citizens (Translated by Doan Trang) ---------------- Tải xuống cuốn "Câu chuyện về Quyền Con Người" . http://bietkichxaxu.blogspot.com/2013/05/thong-bao-cua-chung-ta-cong-dan-tu-do.html

- TỔNG HỢP : TÀI LIỆU LỊCH SỬ CẦN PHẢI BIẾT VỀ ĐẢNG TA , HỒ CHÍ MINH , VIỆT NAM VS. TRUNG QUỐC, VIỆT NAM CỘNG HÒA, NHỮNG SỰ THẬT KHÔNG THỂ CHỐI BỎ, ... http://bietkichxaxu.blogspot.com/2013/04/tong-hop-tai-lieu-lich-su-va-ang-ta.html    

- TỔNG HỢP : TÌNH HÌNH GẦN ĐÂY VỀ SỰ XÂM LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI VIỆT NAM TRƯỚC SỰ CUỐI ĐẦU HÈN NHÁT, NHU NHƯỢC CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA , CHỈ CÓ VÕ MỒM LÀ GIỎI http://bietkichxaxu.blogspot.com/2013/04/tong-hop-trung-quoc-xam-luoc-va-su-cuoi.html

- TỔNG HỢP VỀ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP VÀ NHỮNG TRÒ BỊP BỢM, MỊ DÂN CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA http://bietkichxaxu.blogspot.com/2013/04/tong-hop-ve-sua-oi-hien-phap-va-nhung.html    

- TỔNG HỢP : BÓTAY.COM.VN - CHUYỆN DÀI NHIỀU TẬP CHỈ CÓ Ở “THIÊN ĐƯỜNG” XHCNVN . http://bietkichxaxu.blogspot.com/2013/04/xem-them-chuyen-dai-nhieu-tap-chi-co-o.html

....................................


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét