Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

Giải thưởng Hoa Kỳ tặng blogger Tạ Phong Tần là “đúng lúc”, “đúng người” . Phỏng vấn bà Dương Thị Tân, vợ cũ của blogger Điếu Cày, và cũng là một người gần gũi với blogger Tạ Phong Tần, đặc biệt trong thời gian nhà tranh đấu nhân quyền bị chính quyền truy bức.


Giải thưởng Hoa Kỳ tặng blogger Tạ Phong Tần là “đúng lúc”, “đúng người”

Bà Tạ Phong Tần
Bà Tạ Phong Tần
DR

Blogger Tạ Phong Tần, bị chính quyền Việt Nam kết án 10 năm tù, vì tội “tuyên truyền chống Nhà nước” hồi năm ngoái, vừa được bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trao tặng giải thưởng Người Phụ Nữ Can đảm/"International Women of Courage Award Winners" năm 2013. Nhân dịp này, RFI phỏng vấn bà Dương Thị Tân, một người gần gũi với blogger Tạ Phong Tần, đặc biệt trong thời gian nhà tranh đấu nhân quyền bị chính quyền truy bức.

Trang mạng cá nhân “Công lý và Sự thật” do blogger Tạ Phong Tần khởi xướng đã góp phần “thức tỉnh giới blogger và nhà báo ở Việt Nam, những người đang dấn thân vào việc truyền bá thông tin và những ý kiến khác cho người dân”, theo nhận định của ngoại trưởng Mỹ.

Về người vừa được bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tặng giải, RFI phỏng vấn bà Dương Thị Tân, người gần gũi với bà Tạ Phong Tần. Bà Dương Thị Tân là vợ cũ của blogger ‘‘Điếu Cày’’, tức ông Nguyễn Văn Hải, cũng bị chính quyền xét xử và kết tội trong cùng vụ án  với blogger Tạ Phong Tần năm 2012.



Bà Dương Thị Tân (Sài Gòn)
09/03/2013

RFI : Xin chào chị Dương Thị Tân. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mới trao một giải thưởng cho chị Tạ Phong Tần cùng 9 người phụ nữ khác trên thế giới. Được biết chị là người thân thiết với chị Tạ Phong Tần, xin chị cho biết cảm tưởng của chị trước sự kiện này.


Bà Dương Thị Tân : Khi được nghe cái thông tin cô Tần là một trong 10 người phụ nữ can đảm của thế giới, với danh nghĩa một người bạn và một người thân, thì tôi cảm thấy rất là vui. Và tôi thấy quả thật sự vinh danh này, nó kịp thời, đúng lúc và đúng chỗ.

Con người của Tạ Phong Tần, khi thấy rõ được sự bất công, phi lý, vô đạo và những việc làm, nhiều hành xử không thượng tôn luật pháp của những quan chức, của những người nhân danh chính quyền, đã mạnh dạn tố cáo những sự việc đó, nêu lên dư luận để dư luận quần chúng biết. Trước đó cô ấy vốn dĩ là một đảng viên, một cán bộ công an. Sau đó, khi nhận ra những sự việc đó, cô ấy dám từ bỏ tất cả, để tất cả vì lẽ phải, vì công bằng, vì quyền con người, đấu tranh cho những việc đó. Thì tôi nghĩ sự vinh danh này là đúng người, đúng thời điểm.

Và hơn như thế nữa, nó làm vơi đi những đau đớn mà gia đình cô phải gánh chịu. Như các anh và tất cả mọi người bạn bè gần xa đều biết, cô Tạ Phong Tần đã mất một người mẹ, cũng vì những cái bất công, những oan ức không thể giãi bày, những điều bị chèn ép không thể tố cáo, mà phải lấy cái chết của mình để cảnh tỉnh, thì tôi nghĩ đấy cũng là điều hết sức đau đớn. Tôi nghĩ rằng, chắc cô Tần và gia đình cũng vui khi nghe được cái tin này, và mẹ cũng phần nào ngậm cười nơi chín suối, khi biết mọi người đã biết đến việc làm của con bà.


RFI : Thưa chị, nhân dịp này, xin cho biết đầy đủ hơn về con người và những hành động của chị Tạ Phong Tần.


Bà Dương Thị Tân : Những điều tôi mới nói cũng một phần nói lên cái khí chất, cái con người của cô ấy. Đúng ra nếu là một con người, cứ ngậm miệng, cứ sống theo những gì có sẵn, thì cô ấy cũng là một người có thể sống một cuộc sống rất là thoải mái cho bản thân mình. Vì đa phần những người làm trong bộ máy công quyền này, thì luôn luôn là họ đầy đủ, ấm no, người ta chẳng chịu nghèo khó đâu. Nhưng mà cô không chịu sống cuộc sống như thế, và chấp nhận phần thiệt thòi về mình, mà một cái cụ thể nhất, đúng ra là, khi cô bị xô đẩy, săn đuổi, chèn ép đến bước đường cùng, thì cô ấy mới gặp tôi. Còn trước đó, khi cô ấy dấn thân vào phong trào đấu tranh dân chủ này, thì cô ấy là bạn của những người đấu tranh dân chủ, ví dụ như ông Nguyễn Văn Hải – Điếu Cày, chứ cũng không phải là bạn của tôi. Nhưng khi người ta xô đẩy đến bước đường cùng quẫn nhất thì cô ấy mới đến gặp tôi. Và tôi lúc bấy giớ, chỉ vì tình cảm của đồng loại, của những người phụ nữ với nhau, mà tôi cưu mang cô ấy, và kể từ đó cô ấy coi tôi như một người chị.

Vì lúc ấy, đi thuê một chỗ để ở, đối với họ, cũng không được. Nói như thế, để anh em, bạn bè gần xa biết được, cái cuộc sống bị xô đẩy đến bước đường cùng, không còn lối thoát luôn. Họ quyết tâm làm cho bằng được như thế, và chính bản thân tôi là người chịu thiệt thòi mất mát rất nhiều, khi mà cưu mang cô ấy. Một năm trời ròng rã, chỉ có lên đường xuống phủ, chỉ về việc Tạ Phong Tần. Điều duy nhất mà họ yêu cầu tôi là phải đuổi cô ấy đi, không cho ở nhà tôi. Dù cái nhỏ nhất, họ cũng gây khó, để tôi cảm thấy rằng là chứa chấp cô ấy là một gánh nặng. Thật sự, thì khi đấy, chị em mới thương nhau, mới thấy sự khổ, mới thương nhau.

Cho đến giờ này, thì thực sự không phải tôi mà rất nhiều người cho rằng cô ấy là một người phụ nữ can đảm và tôi thấy rằng suy nghĩ của mình là đúng. Tôi rất hiểu rằng, gia đình cô ấy cũng rất là vui, khi biết cái tin này. Tôi cũng mới nói chuyện với các em ngày hôm qua. Tôi cũng có nói với các em là, khi vào trong đó mà thăm gặp được, thì các em cứ nói rõ là ở ngoài này mọi người đang tưởng thưởng cho công việc của chị em làm, và mọi người đang nhớ đến chị, để chị thấy rằng không bao giờ mọi người ở bên ngoài bỏ rơi. Bây giờ không chỉ các anh, các chị, bạn bè trong nước, mà những người ở trên khắp thế giới người ta đã biết đến chị em.


RFI : Trong các hoạt động của chị Tần, thì ngoài những ý nghĩa như chị vừa nói, thì chị có hiểu cụ thể về những điều mà chị Tần đã làm hay không ?


Bà Dương Thị Tân : Một đôi bài cô ấy viết thì tôi có đọc được. Tôi chỉ biết là cô ấy làm cái công việc viết báo, công tác làm báo chí thôi. Có một đôi bài cô ấy viết về tôi, viết về gia đình tôi, vì cô ấy là người thân cận. Vì khi những sự việc xảy ra (với gia đình tôi), thì những ngày tiếp sau đó, tôi hay bị mất sức, và cô ấy là người giúp tôi công bố rộng rãi cho dư luận quần chúng những tình trạng đã và đang xảy ra với gia đình.

Thì tôi mới biết và tôi hiểu ra rằng : Những công việc cô ấy làm là phản ảnh những gì mà thể chế cầm quyền đang chà đạp, đang đè nén, bức hiếp người dân. Cái việc hiểu là hiểu như vậy thôi. Còn cụ thể là việc cô ấy làm như thế nào, cộng tác với ai, đó là việc riêng của cô Tần, tôi không có hỏi tới.

Kể từ sau ngày ông Hải bị bắt, thì tôi phải luôn sát cánh với các con, vì họ biết các con tôi là những con người rất dễ bị tổn thương, và họ nhằm vào các con tôi liên tục để gây sức ép lên ông Hải. Thì sau 21 tháng giam cầm không cho gặp gỡ, thì tôi biết chắc chắn một điều rằng họ không khuất phục được ông ấy. Và liên tục các con tôi bị sách nhiễu, làm khó làm dễ tôi. Bản thân tôi bị đánh đập mấy lần gây thương tích, và các con tôi cũng vậy. Con gái út thì không được đến trường, đến ngày thi cử cũng không được đi thi. Cháu thứ hai cũng vậy, thi đại học, mà cứ năm nào cứ đến ngày đi thi, thì họ mời ra công an ngồi. Ví dụ hôm xử án ông Hải cũng thế, tôi mở cánh cửa ra là tôi đã thấy hai, ba tên đứng trước cánh cửa, đưa cái máy quay phim vào mặt tôi rồi. Và tôi từ cầu thang bộ của chung cư, từ lầu ba đi xuống đúng đất một cái là họ xông vào họ bẻ quặt tay chân con tôi và tay chân tôi, và lôi mỗi người đi một phương. Và cứ thế họ đưa lên xe, đánh đấm cháu và đưa ra công an ngồi.

Khi ra tòa, cô Tạ Phong Tần cô ấy cũng lớn tiếng chỉ trích một phiên tòa toàn những đảng viên, thì không bao giờ có một sự công bằng ở trong đấy cả. Thì lập tức họ lôi cô ấy đi. Từ thư ký tòa, cho đến bồi thẩm đoàn, quan tòa, toàn là đảng viên cộng sản, thì làm gì có sự công bằng cho những tiếng nói tự do, dân chủ. Khi cô ấy lớn tiếng chỉ trích như vậy, thì lôi cô ấy đi, bịt miệng lôi đi và tuyên án không có mặt cô ấy luôn. (…)


RFI Việt ngữ xin chân thành cảm ơn bà Dương Thị Tân đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn hôm nay


Các tin bài liên quan


Blogger Việt Nam Tạ Phong Tần được Mỹ khen tặng nhân ngày Quốc tế Phụ nữ
Tòa án Việt Nam xử y án tù đối với hai blogger Điếu Cày và Tạ Phong Tần  (phỏng vấn Luật sư Hà Huy Sơn)
Vụ án 3 blogger CLB Nhà báo Tự do và sự mơ hồ của ''điều 88''  (phỏng vấn Luật sư Nguyễn Thanh Lương)
Việt Nam mở điều tra về vụ mẹ của blogger Tạ Phong Tần tự thiêu
Ba nhà báo độc lập Việt Nam bị kết án từ 4 đến 12 năm tù (phỏng vấn bà Dương Thị Tân)
Trấn áp không dập tắt được những tiếng nói yêu nước phản kháng (phỏng vấn Luật sư Lê Hiếu Đằng)
Việt Nam: Vi phạm pháp luật trong vụ bắt và xét xử các nhà báo độc lập (phỏng vấn ông Vũ Quốc Dụng - Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế)
Việt Nam hoãn phiên xử ba blogger sau vụ tự thiêu phản đối
Mẹ của blogger nổi tiếng Tạ Phong Tần qua đời vì tự thiêu (phỏng vấn bà Penelope Faulkner, phó chủ tịch Ủy ban Việt Nam vì nhân quyền)


Trọng Thành RFI

Bài đăng : Thứ bảy 09 Tháng Ba 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 09 Tháng Ba 2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét