Có mặt tại hiện trường thi công chiều 16-5, chúng tôi
chứng kiến nhiều công nhân bốc vác đang hì hục đưa hàng chục tấm đan lên
xe tải chở đi. Các công nhân này cho biết họ được thuê bốc vác và chở
đi càng nhanh càng tốt chứ không biết chuyện gì.
Tuy nhiên, trong lúc khiêng lên xe thì một số tấm đan
tiếp tục vỡ, lộ ra bên trong là cốt tre, một số khác có bốn cọng sắt 8
li mỏng manh, hai cọng nằm dọc và hai cọng nằm ngang.
Một người dân sống tại hiện trường cho biết sự việc bị
phát hiện ngày 14-5 khi công nhân lái xe thi công làm bể một tấm đan.
Ngay sau khi phát hiện, các công nhân này không dám thi công tiếp, biến
mất khỏi hiện trường, mọi hoạt động bị đình trệ.
Đơn vị giám sát thi công là người nước ngoài lập biên bản, chủ đầu tư dự án cũng có mặt tại hiện trường để chỉ đạo xử lý.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các tấm đan này dùng để
lót gối cống. Trước khi bị phát hiện, đơn vị thi công đã lắp đặt hoàn
thành vài chục mét cống phi 1.200.
Chiều tối 16-5, trao đổi qua điện thoại, bà Võ Thị Hồng
Ánh - phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ - cho biết đang đi công tác ngoài
TP, chưa nghe báo cáo vụ việc này. Bà nói sẽ chỉ đạo Sở Xây dựng kiểm
tra vụ việc và buộc chủ đầu tư báo cáo gấp việc này. Quan điểm của bà
Ánh là không thể chấp nhận việc làm ăn gian dối như trên, đơn vị, cá
nhân nào làm sai sẽ bị xử lý.
Chiều cùng ngày, bà Phan Thị Thiên - phó giám đốc Công
ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Cần Thơ - cho biết trong quá trình
nghiệm thu, đơn vị tư vấn đập ra thì phát hiện bêtông cốt tre nên cho
lập biên bản. “Chủ đầu tư lập tức yêu cầu đơn vị thi công trả lại, đơn
vị thi công là đội xây lắp thuộc công ty và cũng là đơn vị cung ứng vật
tư” - bà Thiên nói.
Theo bà Thiên, đây chỉ là bêtông lót gối cống, đúng ra
nguyên tắc bêtông lót chỉ là đá 4x6 nếu đúc tại chỗ. Quá trình thiết kế
có để sắt vô để đảm bảo quá trình vận chuyển không bị bể.
Công trình xây dựng hệ thống cống trên thuộc dự án gom
và xử lý nước thải sinh hoạt TP Cần Thơ có công suất xử lý 30.000
m³/ngày đêm, xử lý nước thải cho Q.Ninh Kiều. Đây là dự án do Công ty
TNHH một thành viên Cấp thoát nước Cần Thơ làm chủ đầu tư, ký hiệp định
vay vốn từ Ngân hàng Tái thiết của CHLB Đức.
Theo hiệp định vay vốn, dự án có vốn đầu tư 14,3 triệu
euro (220 tỉ đồng), trong đó vốn đối ứng của TP chiếm 30%. Tuy nhiên do
thi công chậm chạp, đến năm 2006 dự án được điều chỉnh tăng vốn lên 363
tỉ đồng, tăng hơn 140 tỉ đồng so với mức phê duyệt ban đầu.
PHƯƠNG NGUYÊN - LÊ DÂN - TTO
'Tham nhũng trong xây dựng cơ bản là nhức nhối nhất!'
Theo Đại biểu Lê Thanh Vân vấn đề xây dựng cơ bản đang là lĩnh
vực nhạy cảm, nhức nhối nhất hiện nay. Tham nhũng có thể xuất hiện qua
việc ký kết hợp đồng, qua đấu thầu và qua thi công. Như vậy, chúng ta có
thể nhìn thấy cả 3 công đoạn từ chạy vốn, chạy Dự án; đến “quân xanh,
quân đỏ” trong mở thầu và cuối cùng là gian lận, bớt xét khi thi công,
giám sát thi công.
Với công đoạn thứ nhất, anh phải đánh giá một cách công khai,
minh bạch trong việc lựa chọn công trình nào mang lại hiệu quả xã hội
cao nhất, phục vụ một bộ dân cư nhất định để phân bổ vốn. Lâu nay, chúng
ta “có vẻ” như đang khép kín quy trình này. Người có thẩm quyền quyết
định và phân bổ vốn với người đề xuất công trình, Dự án dường như chưa
được công khai, minh bạch. Vấn đề là công trình, Dự án đó nằm trong
chuỗi phát triển nào của một vùng, địa phương, và ai quyết định nó, là
tập
thể hay cá nhân cũng phải chịu trách nhiệm trước cơ quan giám
sát mình hoặc cao hơn là pháp luật. Phải có cam kết rõ ràng, tác động
đến đâu, chất lượng đến đâu, hiệu quả đến đâu? Thậm chí khi Dự án triển
khai không hiệu quả, trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm tài chính và trách
nhiệm hành chính... chứ không phải trách nhiệm chung chung.
Ông Lê Thanh Vân, ủy viên thường trực UB Tài chính – Ngân sách Quốc hội.
Ở công đoạn đấu thầu, lâu nay chúng ta cũng chỉ... có vẻ công
khai. Có bên nọ, bên kia, quân xanh – quân đỏ, nhưng ở sau cánh gà, tất
cả đã thỏa thuận, đi đêm với nhau chia chác một phần lợi nhuận mất rồi.
Để hạn chế, chúng ta nên nghiên cứu đưa đấu thầu điện tử vào thực hiện,
để loại bớt tiêu cực ra khỏi công đoạn này. Đến “vòng chung kết”, một
Hội đồng phản biện được giấu kín đến phút cuối, bất ngờ xuất hiện để
“chất vấn” nhà thầu xung quanh thiết kế, phương án thi công, phân loại
vật liệu xây dựng...
Tổ chức thi công trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là các công
trình sử dụng vốn Nhà nước thì họ có thể ăn bớt khối lượng, cơ cấu vật
liệu... tác động trực tiếp đến chất lượng cuối cùng.
- Vấn đề thi công từng gây bức xúc trong dư luận, bởi chất
lượng công trình dân dụng kém, nếu suy rộng ra còn có thể nguy hiểm đến
tính mạng của nhân dân. Ông nghĩ sao về công đoạn này?
Chỉ bằng cách giao cho 2 đối tượng: doanh nghiệp đứng ra tổ
chức thi công và giám sát thi công (ràng buộc pháp lý và chịu trách
nhiệm chính-PV). Thậm chí giám sát thi công phải chịu trách nhiệm cao
hơn trước pháp luật, và trách nhiệm đó có thể bị truy cứu trong một thời
gian nhất định, chứ không phải chỉ sau khi nghiệm thu là phủi tay. Có
thể 5 -10 năm sau, tùy chất lượng công trình mà có thể truy cứu trách
nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự hoặc thậm chí trách nhiệm hình sự
với đơn
vị giám sát sai qui trình.
Việc san lấp nền đường cũng là một nội dung nhậy cảm trong thi
công xây dựng cơ bản. Lập dự án khả thi cho một cung đường, đặc biệt là
với những cung đường trên địa bàn phức tạp, đòi hỏi có rào cản chặt chẽ
về kỹ thuật. Đây hoàn toàn là vấn đề chuyên môn của các nhà khoa học.
Tôi có đi khảo sát thi công đường vành đai biên giới (Đường Trường Sơn
Đông), có những đoạn địa hình vô cùng hiểm trở, tà âm cực kỳ phức tạp.
Việc xác định khối lượng thi công, vận chuyển vật liệu xây dựng và
trang thiết bị lên tới đó đều vô cùng khó khăn, vất vả. Do đó,
bên cạnh những biện pháp cụ thể, một vài tình huống đặc biệt cũng cần
phải có cơ chế đặc biệt để tháo gỡ cho nhà thầu.
Theo Petrotimes.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét