Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

Hoa Địa Ngục đương nhiên phải chia tay trần thế nhưng chắc chắn không bao giờ phải đi về địa ngục. ( Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện: “Hoa địa ngục” và Đảng, Bác, Mác-Lê. ) / Video Tiễn Biệt Nhà Thơ NGUYỄN CHÍ THIỆN - Hoàng Hoa / Trần Trung Đạo


BÀI LIÊN QUAN

Thứ tư, ngày 03 tháng mười năm 2012
Bạn của chúng ta lại ra đi. Tác giả tập thơ nổi tiếng Hoa Ðịa Ngục, vừa qua đời / Ngọn lửa tâm can Nguyễn Chí Thiện / Chút kỷ niệm với nhà thơ, ngục sĩ.
http://bietkichxaxu.blogspot.com/2012/10/tac-gia-tap-tho-noi-tieng-hoa-ia-nguc.html



Tiễn Biệt Nhà Thơ NGUYỄN CHÍ THIỆN - Hoàng Hoa / Trần Trung Đạo





“Hoa địa ngục” và Đảng, Bác, Mác-Lê

Tháng 10 5, 2012
Phạm Hồng Sơn


Ông Nguyễn Chí Thiện, sinh năm 1939 tại Hà Nội, tác giả của tập thơ nổi tiếng Hoa địa ngục vừa qua đời ngày 02/10/2012 tại nước Mỹ. Những dòng sau đây xin được thay cho lời cầu nguyện tốt đẹp nhất tới linh hồn người quá cố và những bạn hữu, thân nhân và những người yêu quí ông.

Kể cả sau này khi thời thế đã thay đổi và Hoa địa ngục được xuất bản chính thức ở Việt Nam thì có thể vẫn có nhiều độc giả không thiện cảm với những từ ngữ thường quá bộc trực, cay đắng hay mang tính chửi thẳng của tác phẩm này. Nhưng nếu đặt những cảm xúc hoặc những hình thức thể hiện sang một bên thì không thể không thừa nhận Hoa địa ngục đã dám phê phán ba yếu tố – ba vấn đề – mà cho đến tận bây giờ không phải ai cũng nhận ra hoặc dám đụng đến, đó là: Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh thường được gọi là “Bác” và chủ nghĩa Marx-Lenin.

Ngay năm 1959, trước khi vào tù lần thứ nhất và khi mới chỉ chớm tuổi 20, Hoa địa ngục[i] đã chĩa sự phê phán không úp mở vào đúng Đảng:

“Tôi thường đi qua phố
Có anh chàng mù, mắt như hai cái lỗ
Kính chẳng đeo, mồm thời xệch méo
Ngậm vào tiêu, cổ nổi gân lên
Dốc tàn hơi thổi đứt đoạn như rên
Mấy bài hát lăng nhăng ca ngợi Đảng
Đã mang lại Ấm no và Ánh sáng!”

(“Tôi thường đi qua”, 1959)

và bản chất gieo rắc cái ác của Đảng:

“Trên mảnh đất, Đảng gieo mầm tội lỗi!
Trong lành cũng phải tanh hôi!
Trẻ con chưa nứt mắt đã tù rồi!
Bạo lực đi về rất vội! “

(“Trên mảnh đất”, 1964)

Càng về sau, qua những lần tù càng dài thêm, sự phê phán và nhận thức về bản chất Đảng lại càng sâu hơn và, dĩ nhiên, gay gắt hơn:

“Không ai kêu nổi một lời
Mồm dân Đảng khóa đã mười mấy năm!”

(“Gửi Bertrand Russel”, 1968)

“Đảng bắt câm, bắt nói, bắt khóc, bắt cười
Bắt đói, bắt làm, hé răng oán thán
Là tù ngục mục xương độc đoán
Phải chăng đó giá công lao huyết hãn
Mấy ngàn ngày đánh Pháp những năm xưa”

(“Đồng lầy”, 1972)

“Đảng thực chất chỉ là Đảng cướp
Dựng triều đình mông muội giữa Văn minh
Sống tạm thời nhờ thủ đoạn yêu tinh,
Nhờ súng đạn Tàu, Nga, bắt bớ.”

(“Đảng”, 1973)

Và đây, Hoa địa ngục phác lên một hình ảnh toàn trị thu nhỏ của Đảng, kiểm soát hết các nhân quyền cơ bản:

“Nhà văn nhà báo
Nhà giáo nhà thơ
Nhà thờ nhà chùa
Đều sợ đều thua
Nhà tù – nhà Vua!
Chớ đùa với Đảng!”

(“Nhà văn”, 1980)

Còn về “Bác”, Hoa địa ngục đã đề cập nhiều lần trong nhiều giai đoạn khác nhau nhưng có thể nói bài “Không có gì quí hơn độc lập tự do” là bài điển hình cho cái nhìn tổng quát nhưng xuyên thấu qua mọi lớp vỏ tuyên truyền về Hồ Chí Minh hay của chính Hồ Chí Minh. Tuy nhiên nếu vẫn thành kiến về những đại từ nhân xưng như “thằng”, “nó”, “con” thì có thể có hơi khó khăn để đồng cảm được với sự bộc trực, tinh ý của Hoa địa ngục lúc mới có 29 tuổi:

“Không có gì quý hơn độc lập tự do
Tôi biết nó, thằng nói câu nói đó
Tôi biết nó, đồng bào miền Bắc này biết nó
Việc nó làm, tội nó phạm ra sao
Nó đầu tiên đem râu nó bện vào
Hình xác lão Mao lông lá
Bàn tay Nga đầy băng tuyết giá
Cũng nhoài qua lục địa Trung Hoa
Không phải xoa đầu mà túm tóc nó từ xa
Nó đứng không yên, tất bật, điên đầu
Lúc rụi vào Tàu, lúc rúc vào Nga
Nó gọi Tàu Nga là cha anh nó
Và tình nguyện làm con chó nhỏ
Xông xáo giữ nhà gác ngõ cho cha anh
Nó tận thu từ quả trứng, quả chanh
Học lối hung tàn của cha anh nó
Cuộc chiến tranh chết vợi hết thanh niên
đương diễn ra triền miên ghê gớm đó
Cũng là do Nga giật Tàu co
Tiếp nhiên liệu gây mồi cho nó
Súng, Tăng, Tên lửa, Tàu bay
Nếu không, nó đánh bằng tay?
Ôi đó, thứ độc lập không có gì quý hơn của nó!
Tôi biết rõ, đồng bào miền Bắc này biết rõ
Việc nó làm, tội nó phạm ra sao
Nó là tên trùm đao phủ năm nào
Hồi cải cách đã đem tù, đem bắn
Độ nửa triệu nông dân, rồi bảo là nhầm lẫn!



Mọi tầng lớp nhân dân bị cầm chân trên đất nó
Tự do, không thời hạn đi tù!
Mắt nó nhìn ai cũng hóa kẻ thù
Vì ai cũng đói món nhục nhằn cắn răng tạm nuốt
Hiếm có gia đình không có người bị nó cho đi suốt.
Đất nó thầm câm cũng chẳng được tha
Tất cả phải thành loa
Sa sả đêm ngày ngợi ca nó và Đảng nó
Đó là thứ tự do không có gì quý hơn của nó !
Ôi, Độc lập, Tự do !
Xưa cũng chỉ vì quý hai thứ đó
Đất Bắc mắc lừa mất vào tay nó
Nhưng nay mà vẫn có người mơ hồ nghe nó…”

(“Không có gì quí hơn độc lập tự do”, 1968)

Và chỉ bằng hai câu thôi, Hoa địa ngục đã có thể tóm gọn “Bác”:

“Bác Hồ chúng ta
Kịch gia xuất sắc”

(“Tên hề”, 1971)

Về chủ nghĩa Marx-Lenin tức chủ nghĩ cộng sản, điều đáng ngạc nhiên nếu không muốn nói là kinh ngạc, trong một hoàn cảnh ngặt nghèo thông tin, tuổi đời còn rất trẻ và chắc chắn không có nhiều thời gian để đi học hay tự đọc, vì đã phải liên tục đi tù, nhưng Hoa địa ngục ngay lúc chưa đầy 25 tuổi đã nhận ra sai lầm rất chính trị:

“Cuộc đời tôi có nhiều lầm lẫn
Lầm nơi, lầm lúc, lầm người
Nhưng cái lầm to uổng phí cả đời
Là đã ngốc nghe và tin Cộng sản!”

(“Mỗi lầm lỡ”, 1963)

Dường như năm tháng tù đày triền miên lại làm cho Hoa địa ngục nhận thức sâu hơn chủ nghĩa Marx-Lenin về sự bất tương thích và hệ lụy của nó đối với dân tộc:

“Học thuyết Mác, một linh hồn u ám
Không gốc rễ gì trên mảnh đất ông cha
Mấy chục năm phá nước, phá nhà.”

(“Đồng lầy”, 1972)

Và đây Hoa địa ngục đã nói về chủ nghĩa Marx cách đây gần 40 năm mà lại gần giống như những gì ai đó mới lần đầu lên tiếng gần đây:

“Chủ nghĩa Mác chỉ là không tưởng
Trái với bản chất con người, reo rắc tai ương



Nếu cứ ngu si ôm mãi chủ nghĩa này
Nếu cứ thẳng tay bóp mãi dạ dầy
Đất nước nở mặt nở mày làm sao được nữa!
Dân tộc ta phải quăng ngay nó vào bếp lửa
Nồi cơm mới có thể mong đầy
Tự do, no ấm mới sum vầy”

(“Chủ nghĩa Mác”, 1984)

Có thể nói, so với tuổi đời của bản thân, Hoa địa ngục đã nhận thức được rất sớm và cũng dám phê phán bác bỏ rất sớm, mặc dù không hệ thống, về ba trụ cột chính của quyền lực cộng sản tại Việt Nam: Đảng, Bác, Marx-Lenin.

Nếu nhìn lại “Nhân văn-Giai phẩm” và “Xét lại chống Đảng”, những hoạt động và biến cố xảy ra gần trước và sau so với Hoa địa ngục, trong ánh sáng nhận thức về ba trụ cột đó thì lại thấy nhận thức của Hoa địa ngụccòn sớm cả so với thời đại nữa. Trong “Nhân văn-Giai phẩm” đã có những tiếng nói, bài viết và thái độ bất ưng, phê phán sâu sắc về sự chà đạp nhân quyền cơ bản hay vấn đề pháp trị của Đảng và có thể có cả những phê phán ẩn dụ về lãnh tụ nữa nhưng tất cả vẫn còn hoàn toàn trên tinh thần chấp nhận Đảng, tránh xa vấn đề “Bác” và không hề đề cập đến Marx-Lenin. Ở “Xét lại chống Đảng” cũng tương tự, chỉ là không đồng ý với chính sách của Đảng lúc đó, còn về chủ nghĩa Marx-Lenin, Hồ Chí Minh và Đảng đều vẫn được tôn trọng – tinh thần này gần như vẫn được các cựu thành viên của các biến cố đó giữ nguyên cho đến tận gần cuối những năm 1990.

Nhìn lại bối cảnh khắc nghiệt, tăm tối của Hoa địa ngục cách đây gần nửa thế kỷ và thực trạng hôm nay còn rất nhiều bậc trí giả vẫn tự coi Đảng, Bác là những thứ húy kỵ, lại càng thấy cái ghê gớm nhất, đáng kính phục nhất của Hoa địa ngục: không phải là bản lĩnh tù đày, kiên gan trong cô đơn hay trường thơ tố cáo in trong trí nhớ, mà là sự nhìn ra sớm, nhìn thấy triệt để nhưng lại không giấu mọi người về cái Ác rất to lớn – cái Ác ở tầm quốc gia, dân tộc.

Hoa địa ngục đương nhiên phải chia tay trần thế nhưng chắc chắn không bao giờ phải đi về địa ngục.

© 2012 pro&contra




[i] Các bài thơ trích dẫn ở đây đến từ hai nguồn: Hoa địa ngục, Thơ Nguyễn Chí Thiện



Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện 1939-2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét