Thứ Tư, 3 tháng 10, 2012

Bạn của chúng ta lại ra đi. Tác giả tập thơ nổi tiếng Hoa Ðịa Ngục, vừa qua đời / Ngọn lửa tâm can Nguyễn Chí Thiện / Chút kỷ niệm với nhà thơ, ngục sĩ.



Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện qua đời, thọ 73 tuổi
Tuesday, October 02, 2012 8:53:34 AM


Bài liên quan



QUẬN CAM, CA (NV) - Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, tác giả tập thơ “Hoa Ðịa Ngục,” qua đời lúc 7 giờ 17 phút sáng Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012, tại một bệnh viện ở thành phố Santa Ana, quận Cam, California, thọ 73 tuổi.

Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện (bên phải) gặp dịch giả Huỳnh Sanh Thông (bên trái) tại thành phố New Haven, Connecticut, hồi Tháng Tư 2005. (Hình: Quang Phu Van - Vietnam Literature Project)

Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện nhập viện vào sáng sớm ngày 26 Tháng Chín, 2012. Tại đây, bệnh viện điều trị chứng nhiễm trùng đường phổi nhưng ông vẫn thấy đau ở ngực. Một số xét nghiệm cả về tim mạch, chụp phim và lấy mẫu phổi (biopsy) truy tìm ung thư cũng đã được thực hiện.

Tuy nhiên, cho đến sáng ngày Thứ Hai, 1 Tháng Mười, 2012 thì bệnh trở nặng. 10 giờ sáng Thứ Hai, Linh Mục Cao Phương Kỷ đã làm các nghi thức cần thiết để ông trở thành một tín đồ Công Giáo theo ước nguyện trước sự chứng kiến của ông bà Bác Sĩ Trần Văn Cảo, Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Trang, bà Lâm Thiên Hương, và nhà văn Trần Phong Vũ.

Nhà văn Trần Phong Vũ, một trong một ít người kề cận, chăm sóc nhà thơ Nguyễn Chí Thiện trong những ngày ở bệnh viện, đã vuốt mắt cho nhà thơ sau khi ông qua đời.

Ông Nguyễn Công Giân, anh của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, đáp máy bay từ Virginia tới Quận Cam sáng nay cũng không kịp gặp mặt em trước khi mất.

Nhà văn Trần Phong Vũ, người rất gần gũi với thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, nói với Người Việt: “Sáng hôm nay, tôi có nói với các bạn hữu của tôi, rằng: xin anh nếu hồn thiêng của anh còn phảng phất đâu đó và được Thiên Chúa đưa về với Người, xin anh dạy cho chúng tôi bài học sống lương thiện như anh, sống ngay thẳng tròn đầy như anh với con người, bởi vì anh đã sống trọn vẹn cái ân tình của người yêu thương trọn đời.”

Từ Washington D.C., Giáo Sư Ðoàn Viết Hoạt bày tỏ: “Tôi ở xa nên không gần anh được những ngày cuối cùng của anh. Tôi hy vọng sẽ có một nấm mồ cho anh để những anh em ở xa mỗi lần có dịp về sẽ đến thăm anh.”

Cũng từ Washington, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích phát biểu về sự ra đi của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện: “Tôi quen ông đến mức như anh em trong gia đình. Mà không chỉ là anh em mà còn như một người đồng chí trong cuộc chiến đấu cho đất nước quê hương, cho tự do nhân quyền.”

“Sự ra đi của ông Nguyễn Chí Thiện đối với tôi giống như người bạn đi ra chiến trường mất một người đứng bên cạnh mình.”



* Người tù 27 năm



Ông Nguyễn Chí Thiện sinh năm 1939 tại Hà Nội. Ông có một người anh là sĩ quan cao cấp VNCH, sống ở tiểu bang Virginia, và hai người chị ở Việt Nam.

Ông bị tù cộng sản tổng cộng 27 năm qua nhiều nhà tù miền Bắc, đặc biệt là nhà tù nổi tiếng Cổng Trời (Hà Giang).

Cuối năm 1960, một người bạn nhờ ông dạy thế hai giờ môn sử địa tại một trường trung học. Cuốn sách dùng làm tài liệu giảng dạy là “Cách mạng Tháng Tám 1945” do nhà xuất bản Sự Thật phát hành. Sách này xuyên tạc sự thật khi nói Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt là nhờ Liên Xô chiến thắng quân đội Nhật bản. Tôn trọng sự thật, ông đã giảng cho học sinh biết là Thế Chiến II chấm dứt nhờ Hoa Kỳ thả hai trái bom nguyên tử lên 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki buộc Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện.

Nhà cầm quyền CSVN bắt đưa ông ra tòa, kết án 2 năm tù với tội danh phản tuyên truyền, nhưng ông bị giam giữ tổng cộng tới 3 năm rưỡi.

Ông bắt đầu làm thơ trong giai đoạn tù tội này, lột tả cảnh tù tội và sự giả dối, tàn ác của cộng sản.

Ra tù năm 1964, đến năm 1966 ông bị bắt lại vì những bài thơ chống chế độ thật độc đáo được nhiều người truyền nhau. Ông bị giam giữ không có án qua nhiều nhà tù, từ Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai cho đến năm 1977 mới được thả.

Năm 1979 ông chạy vào Tòa Ðại Sứ Anh Quốc ở Hà Nội đưa tập thơ gồm 400 bài do ông nhớ lại những gì đã làm ở trong tù và xin tị nạn chính trị. Viên chức tòa đại sứ chỉ nhận tập thơ để chuyển ra ngoại quốc và cho biết họ không giúp ông tỵ nạn chính trị được. Bước ra khỏi trụ sở Tòa Ðại Sứ Anh thì ông bị công an CSVN bắt giữ liền, đưa đi tù cho đến ngày 28 tháng 10, 1991, không có bản án.

Một bà chị ông, bà Nguyễn Thị Hảo, đã qua đời năm 2004, gửi hình ảnh, tài liệu về ông ra ngoại quốc kêu cứu. Nhờ sự can thiệp đặc biệt của nhiều nhân vật và tổ chức quốc tế, ông được chế độ Hà Nội thả cho đi Mỹ định cư tháng 1, 1995.

Ông đã đem kinh nghiệm về chế độ Cộng Sản, kinh nghiệm tù đày trình bày với các cộng đồng người Việt khắp nơi, từ Hoa Kỳ, Canada, Âu Châu và Úc Châu. Tập thơ Hoa Ðịa Ngục đã được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Ðức và Hòa Lan.

Sau khi đến Mỹ, năm 2001 ông cho xuất bản tập truyện Hỏa Lò. Tập truyện Hai Chuyện Tù được ông xuất bản năm 2008.

*
Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện (Hình tư liệu Người Việt)



“Hoa Ðịa Ngục”



Vào năm 1980, người ta thấy xuất hiện ở hải ngoại một tập thơ không có tên tác giả, xuất bản bởi “Ủy Ban Tranh Ðấu cho Tù Nhân Chính Trị tại Việt Nam.” Tập thơ mang tựa đề “Tiếng Vọng Từ Ðáy Vực,” mà tác giả là “Ngục Sĩ” hay khuyết danh. Ít tuần lễ sau, tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong đưa ra một ấn bản cùng một nội dung nhưng với tựa đề “Bản Chúc Thư Của Một Người Việt Nam.”

Tựa đề tập thơ Hoa Ðịa Ngục có từ khi “Yale Center for International & Area Studies” ấn hành bản Anh ngữ “Flowers From Hell” do ông Huỳnh Sanh Thông dịch. Sau người ta mới biết tác giả tập thơ là Nguyễn Chí Thiện.

Những bài thơ của ông trong tập Hoa Ðịa Ngục gây xúc động sâu xa trong tâm thức người đọc về cái đói, sự đày đọa ác độc, sự gian ác của chế độ Cộng Sản đối với con người.

Tập thơ thoát ra khỏi Việt Nam khi nhà thơ lén mang tới Tòa Ðại Sứ Anh tại Hà Nội và được Giáo Sư Patrick J. Honey thuộc Ðại Học London sang Việt Nam tháng 7 năm 1979 và mang về. Kèm trong tập thơ 400 trang viết tay này là lá thư mở đầu với lời ngỏ:

“Nhân danh hàng triệu nạn nhân vô tội của chế độ độc tài, đã ngã gục hay còn đang phải chịu đựng một cái chết dần mòn và đau đớn trong gông cùm cộng sản, tôi xin ông vui lòng cho phổ biến những bài thơ này trên mảnh đất tự do của quý quốc. Ðó là kết quả 20 năm làm việc của tôi, phần lớn được sáng tác trong những năm tôi bị giam cầm.” (TN)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=155802&zoneid=1#.UG2ZIU3A-up

____________


Tác giả Hoa Địa Ngục qua đời


Ngọc Lan, thông tín viên RFA
2012-10-02


Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, tác giả tập thơ nổi tiếng Hoa Ðịa Ngục, vừa qua đời lúc 7 giờ 17 phút sáng Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012, tại một bệnh viện ở thành phố Santa Ana, quận Cam, California, thọ 73 tuổi.
Photo courtesy of chinhnghia
Cố nhà thơ Nguyễn Chí Thiện (giữa)


Ông Nguyễn Chí Thiện sinh năm 1939 tại Hà Nội. Ông bị tù cộng sản tổng cộng 27 năm. Lần ra khỏi tù sau cùng của ông là ngày 28 Tháng Mười 1991.

Năm 1979, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện mang tập thơ tới Tòa Ðại Sứ Anh tại Hà Nội xin tị nạn chính trị. Nhưng viên chức tòa đại sứ chỉ nhận tập thơ để chuyển ra ngoại quốc. Kèm trong tập thơ 400 trang viết tay này là lá thư mở đầu với lời ngỏ:

“Nhân danh hàng triệu nạn nhân vô tội của chế độ độc tài, đã ngã gục hay còn đang phải chịu đựng một cái chết dần mòn và đau đớn trong gông cùm cộng sản, tôi xin ông vui lòng cho phổ biến những bài thơ này trên mảnh đất tự do của quý quốc. Ðó là kết quả 20 năm làm việc của tôi, phần lớn được sáng tác trong những năm tôi bị giam cầm.”

Vào năm 1980, “Ủy Ban Tranh Ðấu cho Tù Nhân Chính Trị tại Việt Nam” xuất bản tập thơ mang tựa đề “Tiếng Vọng Từ Ðáy Vực” mà tác giả được ghi là là “Ngục sĩ” hay khuyết danh. Ít tuần lễ sau, tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong đưa ra một ấn bản cùng một nội dung nhưng với tựa đề “Bản Chúc Thư Của Một Người Việt Nam”.

Tựa đề tập thơ Hoa Ðịa Ngục có từ khi Yale Center for International & Area Studies ấn hành bản Anh ngữ Flowers From Hell do ông Huỳnh Sanh Thông dịch. Sau người ta mới biết tác giả tập thơ là Nguyễn Chí Thiện.
Nhà thơ đã bị công an Việt Nam bắt giữ ngay sau khi ra khỏi tòa đại sứ. Nhờ sự can thiệp đặc biệt của nhiều nhân vật quốc tế, ông đã được chế độ Hà Nội thả cho đi Mỹ định cư Tháng Giêng 1995.

Thông tín viên Ngọc Lan của đài Á Châu Tự Do đã có cuộc phỏng vấn nhà văn Trần Phong Vũ, người kề cận, chăm sóc nhà thơ Nguyễn Chí Thiện trong những ngày ở bệnh viện, về sự ra đi của nhà thơ.

Ngọc Lan: Được biết nhà văn Trần Phong Vũ là người đã ở bên cạnh nhà thơ Nguyễn Chí Thiện trong những ngày vừa qua, xin chú cho biết về tình trạng hiện tại của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện.

Nhà văn Trần Phong Vũ: Tôi rất lấy làm đau buồn để thưa rằng giây phút này thì người bạn của cộng đồng Việt Nam tị nạn, người bạn riêng của cá nhân tôi cũng như một số anh em quý mến, anh Nguyễn Chí Thiện đã ra đi thực sự vào lúc 17 giờ 17 phút sáng hôm nay. Cá nhân tôi sau khi trao đổi với bác sĩ mấy lời trước khi vội vã ra xe chạy lên đây nhưng tôi vẫn không kịp gặp anh lần cuối. Nhưng anh vẫn còn mở mắt. Tôi đưa tay vuốt mắt anh thì anh  khép mắt lại. Đấy là niềm đau chung cho tất cả mọi người. Đó là điều chúng tôi muốn được thông báo đến tất cả quý vị thính giả, đặc biệt đến những anh em từng có quen biết với nhà thơ Nguyễn Chí Thiện.

Ngọc Lan: Là người ở bên cạnh nhà thơ Nguyễn Chí Thiện trong những ngày cuối đời của ông, xin chú tóm tắt lại diễn biến tình trạng sức khỏe cũng như những ý nguyện của nhà thơ trong thời gian vừa rồi.

Nhà văn Trần Phong Vũ: Thực sự nhà thơ Nguyễn Chí Thiện là một người rất gan dạ, can trường về nhiều mặt, ngay cả cái chết đối với anh cũng coi thường. Ở anh có một sự quyết liệt, kể cả sự quyết liệt trong những ngày cuối. Khi mà Thứ Tư tuần vừa qua khi anh được đưa vào cấp cứu ở trong này, thì anh gọi tôi vào và nhắc nhở với tôi vài điều là anh muốn được theo về với đạo Công Giáo. Anh nhắc tới cha Nguyễn Văn Lý là người đã dạy cho anh rất nhiều những bài học về giáo lý. Về người mà anh kính phục nhất là cha Chính Vinh là một linh mục đã bị chết ở trong nhà tù Cổng Trời. Anh cũng nhắc tới người bạn thân thiết của anh là anh Kiều Duy Vĩnh, người cùng ở tù với anh một thời gian, cũng là người đi trước anh theo về với niềm tin Công Giáo. Tâm nguyện của anh đã được thực hiện khi mà cách đây mấy ngày, theo yêu cầu của anh, Linh Mục Cao Phương Kỷ, linh hướng của Diễn Dàn Giáo Dân, đã tới để cử hành nghi thức bí tích cho anh và xức dầu lần cuối cho anh.

Ngọc Lan: Là một người bạn của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, chú có suy nghĩ như thế nào về con người nhà thơ Nguyễn Chí Thiện?

Trần Phong Vũ: Những suy nghĩ của tôi về Nguyễn Chí Thiện có lẽ đã gói ghém đầy đủ trong hai bài tôi viết vào những giây phút, những năm tháng mà anh bị người ta dùng những lời lẽ để mạt sát, miệt thị anh, tôi đã thẳng thắng trình bày những suy nghĩ của tôi rồi. Riêng trong giây phút này, tôi chỉ muốn nói một điều thôi: anh tên Nguyễn Chí Thiện, tôi nghĩ anh đã không hổ với song thân anh khi các ngài đã đặt cái tên đó cho anh. Anh là người chí thiện. Sáng hôm nay, tôi có nhắc lại điều này trước các bạn hữu của tôi và nói rằng: xin anh nếu hồn thiêng của anh còn phảng phất đâu đó và được Thiên Chúa đưa về với Người thì xin anh dạy cho chúng tôi bài học sống lương thiện như anh, sống ngay thẳng tròn đầy như anh với con người bởi vì anh đã sống trọn vẹn cái ân tình của người yêu thương trọn đời.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/ngchthien-passed-away-nl-10022012141507.html

__________________


Ngọn lửa tâm can Nguyễn Chí Thiện
Tuesday, October 02, 2012 6:15:13 PM

Bài liên quan


Ngô Nhân Dụng

Nguyễn Chí Thiện đã nhìn thấy Cái Ác. Và anh đã gọi thẳng tên nó ra. Có lẽ vì tên anh là Chí Thiện, cho nên suốt đời anh lo vạch mặt Cái Ác.

 Không bao giờ nghỉ. Anh là người chững chạc. Một người thành thật, hồn nhiên, có tư cách, đáng kính trọng. Anh luôn luôn khích lệ, góp ý kiến, không chờ được hỏi, không khách sáo.

Gặp nhau hôm hội Bắc Ninh ở đây, anh chỉ cho mấy chỗ sai chính tả trong bài tôi viết về quá trình “Hán hóa miền Nam Trung Quốc.” Tôi nói với anh đó là một bài trong cuốn sách đang viết giở về thời Bắc thuộc; với câu hỏi chính là vì sao dân Việt Nam bị đô hộ một ngàn năm vẫn không mất nước; anh đề nghị ngay: Nếu vậy thì anh phải đề cập đến những thắc mắc như thế này, thế này...

Lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau là ngày giỗ Ðỗ Ngọc Yến vừa qua, tôi đã nhờ anh đọc hộ hơn trăm trang bản thảo cuốn sách; như anh đã hứa. Năm 1995, Ðỗ Ngọc Yến gõ cửa phòng, báo tin “Có khách;” mở cửa ra, không ngờ thấy anh Nguyễn Chí Thiện đang cười tươi, đưa tay ra bắt: “Tôi muốn gặp ông vì tuần trước mới ngồi ở Hà Nội với mấy anh ấy, nghe ông nói trên đài BBC.” Anh kể tên mấy người bạn cùng nghe đài, những người tôi đã nghe tên mà chưa bao giờ gặp. Gặp anh, giống như gặp một người từ thế giới bên kia. Từ đó, chúng tôi là bạn.

Một lần Giáo Sư Trần Quốc Vượng đã hỏi tôi và bạn Nguyễn Hữu Chung: “Các cậu có biết tại sao những người đồng canh, đồng tuế lại dễ thân nhau hơn không?” Và ông trả lời: “Vì họ cùng chịu những hoạn nạn giống nhau. Cùng trải qua những cuộc cách mạng, những cuộc chiến tranh, những nạn đói như nhau ...” Tôi cùng tuổi với anh Nguyễn Chí Thiện. Nhưng quả thật, chúng tôi trải qua những kinh nghiệm cuộc đời khác hẳn nhau. Năm 1954, mẹ tôi đã dẫn các con vào Nam. Sau cuộc di cư, cuộc đời của anh và tôi đã đi theo những con đường khác.

Năm chúng tôi sống ở tuổi 20 thì nhiều thanh niên ở miền Nam và miền Bắc cũng nuôi những hy vọng giống nhau. Trong bài thơ Ðồng Lầy, anh viết:

“Ngày ấy, tuy xa mà như còn đấy
Tuổi hai mươi, tuổi bước vào đời
Hồn lộng cao, gió thổi chơi vơi
Bốn phía bao la chỉ thấy
Chân mây, rộng mới tuyệt vời!
... Tuổi hai mươi tuổi của không ngờ.
Không sợ!
Viển vông đẹp tựa bài thơ
Mơ ước
Ðợi chờ
Vĩ đại.”

Nhưng sau đó, Nguyễn Chí Thiện đã gặp Cái Ác. Ðã nhìn thấy rõ mặt Cái Ác. Anh gọi đích danh Cái Ác. Từ đó, định mệnh của anh là vạch mặt chỉ tên Cái Ác. Nguyễn Chí Thiện đã vạch tội Cái Ác trong những trò giáo giở:

Tuổi hai mươi mắt nhìn đời trẻ dại
Ngỡ cờ sao rực rỡ.
Tô thắm màu xứ sở yêu thương
Có ngờ đâu giáo giở đã lên đường.

Năm 22 tuổi tôi làm nghề dạy học, vẫn làm thơ, mơ mộng yêu đương, còn anh đã vào tù vì vạch mặt chỉ tên Cái Ác. Năm 25 tuổi ở miền Nam chúng tôi đang đi biểu tình đả đảo Hiến Chương Vũng Tàu, nuôi hy vọng xây dựng một chế độ tự do dân chủ; còn anh được tự do chưa đầy một năm thì lại bị bắt giam hơn 11 năm nữa. Năm 1965 chúng tôi đi làm trại công tác xã hội, cùng các sinh viên, học sinh đi giúp đồng bào nông thôn; còn anh đã nhìn thấy, như trong bài thơ Ðất Này:

Ðất này chẳng có niềm vui
Ngày quệt mồ hôi, đêm chùi lệ ướt
Trại lính, trại tù người đi không ngớt
Người về thưa thớt dăm ba...
Trẻ con đói xanh như tàu lá
... Buồn tất cả
Chỉ cái loa là vui!”

Ở một nơi mà cả nước phải suy tôn “Cha Già Dân Tộc,” Nguyễn Chí Thiện vạch ra:

Mi ngu si, mi chăng biết gì!
Cha mẹ mi là dân tộc Việt
Anh chị mi là dân tộc Việt
Mi ngủ với ai mà là cha già của họ, hỡi Hồ Ly!

Cái Ác không phải chỉ hiện hình trong một con người gian trá, mà trong cả một chế độ, một chủ nghĩa, một guồng máy. Cái Ác lớn đẻ ra nhiều Cái Ác nhỏ.

Ðạo lý tối cao của xứ đồng lầy.
Là lừa thầy phản bạn
Và tuyệt đối trung thành vô hạn.
Với Ðảng, với Ðoàn, với lãnh tụ thiêng liêng.
Hạt thóc, hạt ngô phút hóa xích xiềng.
Họa phúc toàn quyền của đảng.
Chúng trưởng sinh trong đêm tối nhiều năm.
Nên chúng tưởng màu đen là ánh sáng!
Ếch nhái vẫn đồng thanh đểu cáng
Chửi bới mặt trời, ca ngợi đêm đen.

Năm 1980 Nguyễn Chí Thiện đã viết những lời phê phán mà ngày nay các nhà tranh đấu cho dân chủ ở nước ta cũng lên tiếng tố giác. Vì sau hơn 30 năm cuộc sống đất trước mặt vẫn như vậy:

“Mấy cái đầu
Mấy cái đầu bé tẹo
Quản lý nước, nước nghèo
Cai trị dân, dân khổ
Chỉ được cái lỳ ra, không xấu hổ!”

Nguyễn Chí Thiện đã chỉ rõ mặt Cái Ác. Anh đã dùng cả cuộc đời anh để vạch trần Cái Ác. Cái Ác của Lê Nin đã được nhập khẩu vào nước ta. Một bài thơ viết năm 1983, khi cả nước bị nạn đói, ở Thanh Hóa có người đã chết đói:

“Ðể mãi mãi được làm chúa tể
Ðể đánh bật đào tung gốc rễ
Giá trị tinh thần đạo lý bền sâu
Ðể bắt dân đen quỵ gối, cúi đầu
Ngậm đắng, nuốt sầu
Chịu trói!
Biện pháp hàng đầu: cái đói!
Biện pháp nhiệm mầu: cái đói!
Khi người ta đói
Xin đừng có nói văn hoa
Cùng đạo lý cao xa!
Vì những lời hay ý đẹp
Cái dạ dầy lép kẹp không nghe!
Ðể bắt nó nghe
Ðể bắt nó làm
Phải có trại giam, cái cùm, khẩu súng
Cùng muôn thủ đoạn gian hùng
Dồn ép nó lâm vào thế kiệt cùng
Không thể cựa!
Bắt nó phục tùng, hóa thành trâu ngựa
Phải tuân theo
Mọi yêu cầu của chế độ hùm beo!
Lúc đó, ăn uống mới ban cho một tí!
Tem phiếu mới phân chia từng tí!
Lê nin nói vô cùng có lý
Khi căn dặn bọn tay chân đồng chí:
“Không kỷ luật nào bằng kỷ luật đói, chớ nên quên”
Còn chúng ta cũng chớ nên quên
Phải ghi nhớ điều này:
Khống chế dạ dầy là chiến lược dài lâu
Chiến lược hàng đầu của đảng!”

Nguyễn Chí Thiện dùng thơ như một vũ khí chiến đấu với Cái Ác:

Thơ của tôi không phải là thơ
Mà là tiếng cuộc đời nức nở

Nhưng anh cũng ca ngợi công dụng của thơ. Anh Nguyễn Thanh Hải, mới bị kết án tù 12 năm, chắc sẽ thích thú những câu thơ viết năm 1972, Nguyễn Chí Thiện đã tiên tri, nhắc đến biệt hiệu Ðiếu Cầy của anh:

Nhà thơ có khả năng biến chiếc điếu cày thành bất tử
Biến đám cầm quyền nghiêng ngả non sông
Thành lũ hề nhố nhế lông bông

Phải sống với Cái Ác một nửa cuộc đời, nhưng Nguyễn Chí Thiện vẫn nói lên những tiếng của hy vọng:

Dù thể xác lao tù héo khô muốn đổ
Dù đau lòng dưới năm tháng vùi chôn
Ta đã sống và không xấu hổ
Vì ta cứu giữ được linh hồn

Nguyễn Chí Thiện đã ra đi. Một nạn nhân của Cái Ác nhưng vẫn giữ được tâm hồn Thiện. Những ai gần gũi anh chắc đều thấy anh tính tình hồn nhiên, giản dị. Tôi chưa nghe anh nói xấu về một người nào bao giờ, trừ Cái Ác. Tôi rất mừng trước khi qua đời anh đã tìm thấy một tôn giáo. Ðứng trước ngưỡng cửa giữa sự sống và sự chết, một niềm tin sẽ giúp anh ra đi trong bình an. Nguyễn Chí Thiện từ nay sẽ không còn bị Cái Ác quấn lấy nữa. Nhưng Ngọn Lửa Tim Gan của anh sẽ còn cháy mãi trong lòng chúng ta:

Vang mãi vô hạn
Tiếng lòng chứa chan!
Sáng mãi vô hạn
Ngọn lửa tâm can!

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=155841&zoneid=7#.UG68-k3A-up




_________________


Đăng bởi: J.B Nguyễn Hữu Vinh | 03/10/2012

Chút kỷ niệm với nhà thơ, ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện



Nghe tin ông Nguyễn Chí Thiện từ trần, mình thấy thảng thốt. Vậy là một cuộc đời kết thúc, một con người đã ra đi. Ðơn giản, nhẹ nhàng nhưng đau xót.
J.B Nguyễn Hữu Vinh và “ngục sĩ” Thomas More Nguyễn Chí Thiện, California 6/2011


Một buổi chiều ở Nam California nắng vàng rực rỡ, cái nắng không gắt gao như ở quê mình, bởi không khí vẫn cứ lạnh nếu bạn đứng vào trong bóng râm. Mình đang ngồi ở nhà một người bạn, bỗng một chiếc xe đậu ở cửa, một người đàn ông gầy gò ăn mặc theo lối mùa Ðông, đầu đội mũ phớt bước vào, người đi cùng giới thiệu: “Ðây là anh Nguyễn Chí Thiện.”

Mình giật mình, quả là không bao giờ nghĩ rằng mình có thể gặp “Ngục sĩ” ở đây. Ở Hà Nội, vài lần ngồi với anh bạn quê Hải Phòng, anh say sưa nói về Nguyễn Chí Thiện, một con người đã đi vào huyền thoại vì những năm tháng tù đày của một thời khắc nghiệt. Thỉnh thoảng đọc những bài thơ trong tập thơ Hoa Ðịa Ngục, mình thấy chí khí một con người khá mạnh mẽ vào thời buổi đầy sắt và máu. Nghĩ vậy, đọc vậy và biết vậy chứ chưa bao giờ mình nghĩ có thể gặp được ngục sĩ bằng xương, bằng thịt hẳn hoi. Mình chào hỏi và ngồi nghe ông nói chuyện.

Ông nói nhỏ nhẹ, bình thản về những năm tháng tù đày của mình ở Việt Nam, những trại giam nào ông đã đi qua, những ai ông đã từng gặp… nhiều thứ mình không thể nhớ nổi. Nhưng nhớ nhất là thái độ của ông khi nói về những chuyện đó, cứ nhẹ nhàng kể lại những sự việc khủng khiếp mà như kể câu chuyện nào đó xảy ra bình thường trong cuộc sống. Không có hận thù, không có căm giận, ông điềm tĩnh và bình thản lạ thường khi giải thích những điều mà mình lần đầu tiên được nghe và tự rùng mình.

Kể về những năm tháng trong tù ngục của ông, mình nhớ nhất câu chuyện về những ngày sau khi cuốn Hoa Ðịa Ngục của ông được xuất bản tại nước ngoài. Khi đó, ông vẫn cứ sống trong trại giam, mà ở trại giam khi đó, điều kiện để tiếp tế đồ ăn, thức uống từ gia đình là điều không thể có đối với ông, cuộc sống hết sức khốn khổ. Nhiều khi chỉ một điếu thuốc lá, một cốc nước chè là cả một mơ ước của tù nhân.

Ông kể lại rằng: Kể từ khi đưa cuốn sổ thơ vào Ðại Sứ Quán Anh trở ra để bị bắt vào nhà ngục, mọi thông tin về tập thơ hầu như không có phản hồi, không hề biết tập thơ của mình đã đi đến đâu và số phận mình sẽ ra sao.

Một hôm, có cán bộ đến hỏi ông về tập thơ Hoa Ðịa Ngục. Trong thâm tâm, ông sung sướng khi biết rằng: Như vậy, tiếng nói của ông đã vang lên từ bên ngoài biên giới.

Khi cán bộ hỏi ông về tập thơ, ông công nhận rằng đó là tập thơ của mình, nhưng làm đã lâu. Cán bộ hỏi ông có thể nhớ được những bài thơ trong đó và có thể chép lại không? Ông bảo: “Có thể, nhưng cần có thời gian và điều kiện như ở nhà tù này thì không thể nào nhớ được.”

Thế là từ đó trở đi, hàng ngày ông được đưa về một nơi khá tươm tất, được phục vụ nước, thuốc, ăn uống đầy đủ để… chép lại thơ mình. Ông mỉm cười nhỏ nhẹ: “Nhiều khi, cuộc sống tù đày khắc nghiệt cũng làm cho mình có vài chút mẹo vặt. Khi đó cho dù có thuộc nằm lòng từng bài thơ, thì mình vẫn cứ mỗi ngày chép ra một vài bài mà thôi, vì nếu đã chép hết thì lại trở về những ngày đói khát và giam cầm trong trại.
Nhờ đó, mình được một thời gian khá dài không đến nỗi vất vả.”

Thời gian gặp nhau không dài, ngồi nghe những câu chuyện của ông nhiều khi cười ra nước mắt. Biết ông vẫn sống một mình kể từ khi sang Mỹ đến nay, mình hỏi ông chuyện gia đình, ông nói: Có lẽ cuộc sống của ông gắn với nhà tù và chính vì thế ông không có thời gian để lấy vợ, khi ra khỏi nhà tù thì đã 53 tuổi, thân hình ốm yếu lại cuộc sống bơ vơ rồi sang Mỹ mấy năm sau đó, chấp nhận một cuộc sống một mình. Vậy là cuộc đời của ngục sĩ đơn côi cho đến hôm nay khi nhắm mắt lìa đời.

Chia tay ông, biết mình từ Việt Nam sang, ông nhờ một việc: Năm 1991, trước khi ra tù, ông được điều trị tại bệnh viện 198 của Bộ Công An. Ở đó, có một gia đình làm ông nhớ đến nay nhưng không thể có tin tức, nay muốn tìm lại thông tin từ họ. Ðó là gia đình một sĩ quan phục vụ trong bệnh viện 198, khi đó giám đốc bệnh viện là Hoàng Tuấn. Gia đình viên sĩ quan này có một cô gái là Mai Thanh Hà mới 14 tuổi, ông đã dạy học cho cô bé một thời gian. Sự tận tình của ông đã được gia đình cô bé trân trọng và quý mến. Thế rồi ông ra tù đến nay đã 20 năm không có tin tức từ họ nay nếu có thể thì tìm thông tin cho ông. Mình cứ nghĩ là có thời gian để tìm hộ ông những thông tin đó, đã cố gắng hỏi vài ba người nhưng thế hệ sau này họ không biết được. Tưởng còn thời gian, nào ngờ ông đã ra đi.

Người bạn cho tôi biết, ông sống trong một căn hộ nhỏ ở Quận Cam với cuộc sống đơn giản, đạm bạc vì ông không ăn uống được nhiều. Bạn bè ông quý mến lo lắng cho ông nhiều thứ. Nhưng ông luôn nhớ về quê hương, về những người đã cùng cảnh ngộ với ông, nên thỉnh thoảng với những đồng lương còn lại, ông dành dụm gửi về giúp đỡ những người đó. Thật khó có thể nói hết tấm lòng của ông nếu chứng kiến ông với thân hình gầy gò và hoàn cảnh đơn độc ở một đất nước xa xôi vẫn nhớ về những người tâm huyết ở trong nước.

Thế rồi chia tay nước Mỹ, chia tay ông đã hơn 1 năm.

Hôm trước, nhận được tin ông ốm nặng chưa kịp hỏi thăm, nhưng mừng cho ông đã chính thức trở thành người con của Chúa. Ông đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy để trở nên con cái Chúa. Ông đã đáp lại lời Chúa mời gọi ông từ mấy chục năm qua. Lời mời gọi đó thông qua cuộc sống và cảm nghiệm của ông với các chứng nhân, qua những tấm gương của những linh mục, tu sĩ và giáo dân ở các trại giam ông đã từng nếm trải.

Hôm nay ông rời bỏ trần thế, nơi ông đã có cuộc sống nhọc nhằn và đầy vất vả. Cuộc sống đó không đem lại cho ông sung sướng về vật chất, về cơm ăn, áo mặc hoặc danh vị, tiền tài… Nhưng ở đó, sau 73 năm trên đời, ông để lại một tấm gương, nghĩa khí của một CON NGƯỜI.

Vĩnh biệt ông, cuộc gặp gỡ giữa chúng ta dù ngắn ngủi, giữa hai con người thuộc hai thế hệ khác nhau, nhưng qua đó, đã thấy đậm tình người và một chí khí cao cả, đầy nhân ái.

Xin Chúa đón nhận linh hồn Thomas More Nguyễn Chí Thiện được sớm về nơi thanh nhàn sau những năm tháng đớn đau nơi trần thế.

Là những tín hữu Công Giáo, chúng ta tin tưởng và xin hẹn gặp lại nhé, ngục sĩ Thomas More Nguyễn Chí Thiện.

Hà Nội, đêm 2 tháng 10, 2012

J.B Nguyễn Hữu Vinh
https://jbnguyenhuuvinh1962.wordpress.com/2012/10/03/ky-niem-nct/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét