Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Tổ chức Freedom Now: "VN cần trả tự do cho những nhà hoạt động về quyền của NLĐ" / Thỉnh nguyện thư gởi LHQ về 3 nhà hoạt động công đoàn Việt Nam : Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng


"VN cần trả tự do cho những nhà hoạt động về quyền của NLĐ"



Hôm 11 tháng 10 vừa qua Tổ chức Nhân quyền có tên Freedom Now kết hợp với công ty luật Woodley McGillivary đã gửi một thỉnh nguyện thư lên Nhóm làm việc về bắt giữ người tùy tiện của Liên Hiệp Quốc.

 
Photo courtesy of baovelaodong.com
Từ trái qua: Anh Đoàn Huy Chương, anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và chị Đỗ Thị Minh Hạnh

Freedom Now can thiệp …




Thỉnh nguyện thư đề nghị xem xét trường hợp của ba nhà hoạt động xã hội, đó là anh Đoàn Huy Chương, chị Đỗ Thị Minh Hạnh và anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng. Những người này đã bị chính quyền Việt Nam bắt giữ vào đầu năm 2010 sau khi tổ chức đình công cho các công nhân nhà máy sản xuất giày Mỹ Phong. Những người này sau đó bị kết án tù từ 7 đến 9 năm tù giam với tội danh đe dọa an ninh quốc gia. Việt Hà phỏng vấn ông Patrick Griffith, luật sư đại diện của tổ chức Freedom Now về thỉnh nguyện thư này.

Việt Hà: Thưa ông, ba nhà hoạt động cho quyền của người lao động đã bị bắt và xử án từ năm 2010, xin ông cho biết lý do vì sao Freedom Now nộp thỉnh nguyện thư cho ba trường hợp vào lúc này?

Patrick Griffith: Thường phải mất một thời gian nhất định để Freedom Now có thể xem xét các trường hợp … chúng tôi thường xuyên được tiếp cận với các trường hợp hoặc tự bản thân chúng tôi cũng đi tìm  hiểu. Chúng tôi  chỉ là một tổ chức nhỏ với khả năng hạn chế. Chúng tôi lựa ba trường hợp này vì thấy rằng đây là đại diện cho một phần lớn các trường hợp bị hạn chế trong việc lập hội tại Việt Nam. Những cá nhân này đại diện cho tình hình chung ở Việt Nam. Rất tiếc đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp như vậy, khi quyền của người lao động không được tôn trọng. Và đó là lý do chúng tôi chọn 3 trường hợp này cho việc nộp đơn lần này.

Việt Hà: Ông có thể giải thích cho biết về quá trình xem xét hồ sơ của Nhóm làm việc. Đến khi nào chúng ta có thể có được quyết định từ Nhóm làm việc?

Patrick Griffith: Nhóm làm việc của Liên Hiệp Quốc về bắt giữ người tùy tiện là một nhóm bao gồm những chuyên gia về pháp lý. Họ gặp nhau định kỳ hàng năm để xem xét các trường hợp được nộp lên cho họ để xác định liệu việc bắt giữ các cá nhân đó có vi phạm luật pháp quốc tế. Chúng tôi nghĩ là 3 trường hợp này sẽ được xem xét vào cuối đông năm nay, đầu xuân sang năm.

Nhóm làm việc sẽ gặp nhau vào tháng 11 này và tôi không hy vọng là 3 trường hợp này sẽ được xem xét ngay lúc đó, mà có thể trong cuộc họp tiếp theo. Về quá trình tiếp theo, chúng tôi đã gửi thỉnh nguyện thư và các bạn có thể thấy trên website. Chính phủ Việt Nam có từ 60 đến 90 ngày để phản hồi với cách nhìn của họ về các trường hợp này theo luật pháp. Chúng tôi là những người gửi thình nguyện thư, sau đó sẽ có nhận xét về giải thích của chính phủ Việt Nam.

Cuối cùng, Nhóm làm việc sẽ có quyết định liệu việc bắt giữ những người này là sự vi phạm trách nhiệm của Việt nam trước quốc tế.

Chúng tôi hy vọng là họ sẽ xem xét trong mùa đông, sau đó có trả lời của chính phủ Việt Nam, và trao đổi với những người nộp thỉnh nguyện thư. Vì thế chúng tôi hy vọng là vào cuối mùa xuân chúng tôi sẽ có được quyết định từ Nhóm làm việc. Tôi hy vọng là thời gian mà chúng tôi tính toán là đúng và đó là tình huống tốt nhất có thể xảy ra. Chúng tôi cũng hy vọng là Nhóm làm việc sẽ thấy rằng đây là sự vi phạm nhân quyền trong việc bắt giữ 3 người này vì họ đã tập trung công nhân, sau đó buộc tội họ đe dọa an ninh quốc gia, trong khi không có những quá trình, thủ tục hợp lý. Vì vậy đây là một trường hợp vi phạm khá nghiêm trọng. Và tôi rất tin là Nhóm làm việc sẽ đồng ý với ý kiến của chúng tôi về các trường hợp này.


... và hy vọng thành công



Việt Hà: Liệu có thể xảy ra khả năng là chính phủ Việt Nam sẽ lờ đi mà không trả lời hay không?

Patrick Griffith: Hoàn toàn có thể xảy ra khả năng là chính phủ Việt Nam sẽ lờ đi không phúc đáp Nhóm làm việc. Việc trả lời hoàn toàn không mang tính bắt buộc. Tôi hiểu là trong quá khứ chính phủ Việt Nam đã có phản hồi với Nhóm làm việc về một trường hợp khác. Một số chính phủ chọn trả lời Nhóm làm việc, một số khác chọn không trả lời. Đó là lựa chọn của họ. Nhưng việc họ trả lời hay không là do quyền lợi của họ. Tôi nghĩ đây là một cơ hội tốt cho chính phủ để có thể giải thích về các trường hợp này.

Việt Hà: Nếu như quyết định của Nhóm làm việc cũng giống như ý kiến đưa ra trong thỉnh nguyện thư là chính phủ Việt Nam đã vi phạm quyền con người thì quyết định này có ý nghĩa gì với chính phủ Việt Nam?

Patrick Griffith: Quyết định của Nhóm làm việc không có ý nghĩa bắt buộc về pháp lý. Vì vậy nên không có những trừng phạt từ Nhóm làm việc lên Việt Nam vì những vi phạm nhân quyền hay tiếp tục vi phạm nhân quyền. Họ cũng không thể bắt chính phủ Việt Nam phải trả tự do cho những người này. Nhưng đây là một cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc, một cơ quan cần phải được tôn trọng.

Những người trong nhóm này là các chuyên gia độc lập trên toàn thế giới. ý kiến của họ có ý nghĩa quan trọng trên thế giới. Và nếu họ thấy là việc bắt giữ những người này là tùy tiện thì nó sẽ giúp cho Freedom Now và các tổ chức nhân quyền khác trên thế giới có thể gây sức ép lên chính phủ Việt Nam để khiến họ phải tuân thủ nghĩa vụ quốc tế của mình và tuân thủ những ý kiến được đưa ra bởi Nhóm làm việc.

Việt Hà: Freedom Now đã từng thành công trong các trường hợp gửi thỉnh nguyện thư nào trước kia với Việt Nam hay chưa?

Patrick Griffith: Chúng tôi cũng đã gửi thỉnh nguyện thư lên Nhóm làm việc cho trường hợp của linh mục Nguyễn  Văn Lý trong hai lần khác nhau. Chúng tôi chỉ ra trường hợp của cha Lý là thực tế việc xử án có vấn đề, linh mục không có luật sư bào chữa, không được phát biểu ý kiến của mình để bảo vệ mình. Mặc dù trường hợp của cha Lý khác với các trường hợp lần này nhưng thực tế là ông đã bị bắt vì thực hiện các quyền người dân của mình thì cũng giống như  các trường hợp lần này, và vì vậy tôi tin là lần này chúng tôi sẽ thắng.

Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi phỏng vấn này.

Theo dòng thời sự:


Việt Hà, phóng viên RFA
2012-10-15
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/freedom-submit-petition-to-un-vh-10152012125301.html


_________________


Thỉnh nguyện thư gởi LHQ về 3 nhà hoạt động công đoàn Việt Nam


Chia sẻ:

Tin liên hệ


Hình ảnh/Video

Video

Truyền hình vệ tinh VOA Asia 13/10/2012

Video

Truyền hình vệ tinh VOA Asia 12/10/2012

CỠ CHỮ
Trà Mi-VOA
15.10.2012

WASHINGTON, D.C. —


Một tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế cùng với một công ty luật chuyên bảo vệ quyền lợi cho người lao động và các tổ chức công đoàn có trụ sở tại Mỹ đại diện cho 3 nhà hoạt động công đoàn bị giam cầm tại Việt Nam gửi thư kêu gọi Liên hiệp quốc lưu tâm đến tình trạng chính quyền Hà Nội vi phạm nhân quyền và bắt giữ người tùy tiện.

Với tư cách là các nhà tư vấn pháp lý quốc tế miễn phí phục vụ lợi ích cộng đồng, tổ chức Freedom Now và công ty luật Woodley & McGillivary ngày 11/10 đã đại diện 3 nhà hoạt động trẻ Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương, và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng gửi thỉnh nguyện thư tới Nhóm công tác của Liên hiệp quốc chuyên điều tra về giam giữ tùy tiện (UNWGAD), yêu cầu các chuyên gia độc lập của Liên hiệp quốc điều tra và xác nhận rằng việc Hà Nội bỏ tù 3 nhân vật đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho công nhân là hành động tùy tiện và vi phạm luật pháp quốc tế.

Giám đốc điều hành tổ chức Freedom Now, Maran Turner, nói chính quyền Việt Nam tiếp tục vi phạm các quyền căn bản của công dân bao gồm quyền tự do lập hội và tự do bày tỏ quan điểm khi tống giam Hạnh, Chương, Dương vì các hoạt động hợp pháp của 3 nhà tổ chức công đoàn này.

Đối tác cao cấp của công ty luật Woodley & McGillivary, ông Gregory McGillivary

​​Đối tác cao cấp của công ty luật Woodley & McGillivary, ông Gregory McGillivary phát biểu với VOA Việt ngữ:

“Ba nhà hoạt động này bị tùy tiện kết tội ‘vi phạm an ninh quốc gia’, một điều hoàn toàn không có thật. Thật ra, họ bị kêu án từ 7 tới 9 năm tù dựa trên các hoạt động tổ chức công nhân. Chính quyền Việt Nam tuyên bố rằng ủng hộ quyền của công nhân, quyền được tổ chức hoạt động. Nhưng thực tế, họ lại dành các bản án về tội ‘vi phạm an ninh quốc gia’ cho các hoạt động tổ chức công nhân đình công đòi quyền lợi cho người lao động.”

Đại diện công ty luật Woodley & McGillivary cho biết sau khi Nhóm Công tác Liên hiệp quốc nhận được thỉnh nguyện thư, họ sẽ chuyển cho Việt Nam và Việt Nam có 90 ngày để hồi đáp. Sau 4-6 tháng, Nhóm Công tác Liên hiệp quốc sẽ ra phán quyết đối với một thỉnh nguyện thư.

Ông Gregory nói một khi Nhóm Công tác Liên hiệp quốc ra quyết định, áp lực quốc tế sẽ tăng lên rất nhiều hầu thúc đẩy Việt Nam phóng thích ba nhà hoạt động này:

“Nếu chính quyền Việt Nam không có phản hồi gì cả, chúng tôi sẽ làm việc với các tổ chức công đoàn trên thế giới cũng như Liên đoàn Lao động và Đại hội Tổ chức Công nghiệp Mỹ AFL-CIO để gia tăng áp lực lên Việt Nam, và nếu cần chúng tôi sẽ ủng hộ các phương pháp như tẩy chay v…v.. để kêu gọi phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện cho các nhà hoạt động công đoàn độc lập tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ tăng áp lực với Hà Nội và thúc đẩy sự lưu tâm của các doanh nghiệp làm ăn với Việt Nam càng nhiều càng tốt.”

Án tù Hà Nội đối với 3 nhà hoạt động này từng bị tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch lên án là hành động tàn nhẫn và vi phạm nhân quyền.

Ba nhà hoạt động trẻ Hạnh, Chương, Dương bị bắt từ đầu năm 2010 sau khi tổ chức cho các công nhân của nhà máy sản xuất giày Mỹ Phong ở Trà Vinh đình công, đòi bảo vệ quyền lợi người lao động. Họ bị biệt giam trong nhiều tháng trước khi bị đưa ra tòa vào tháng 10 năm 2010 với các bản án từ 7 đến 9 năm tù về tội danh “phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân”, theo điều 89 Bộ luật Hình sự.

Theo Freedom Now, tại phiên xử, cả ba đều không có người đại diện pháp lý, không được trình bày để tự bảo vệ mình, và trong suốt thời gian bị giam cầm họ bị đánh đập nhiều lần cũng như bị cưỡng bức lao động dù tình trạng sức khỏe có vấn đề nghiêm trọng.

Việt Nam cáo buộc ba thanh niên này “lợi dụng các vấn đề còn thiếu sót trong chế độ lao động và tiền lương của công nhân để tuyên truyền, kích động công nhân đình công, biểu tình”.

Trong số ba nhà hoạt động, anh Đoàn Huy Chương từng bị kết án 1 năm rưỡi tù giam về tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” hồi năm 2006. Anh là một trong những sáng lập viên của Hiệp hội Đoàn kết Công-Nông, một tổ chức độc lập không được nhà nước công nhận.

Video http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=-23h1-Ka0Xk

http://www.voatiengviet.com/content/thinh-nguyen-thu-goi-lhq-ve-ba-nha-hoat-dong-cong-doan-vietnam/1526692.html


_________________


BÀI LIÊN QUAN

Chủ nhật, ngày 14 tháng mười năm 2012
Phóng thích ngay lập tức: Thỉnh nguyện thư gởi Liên Hiệp Quốc kiện chính quyền VN cầm tù ba nhà tổ chức công đoàn lao động (Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng) là vi phạm luật quốc tế.  http://bietkichxaxu.blogspot.com/2012/10/phong-thich-ngay-lap-tuc-thinh-nguyen.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét