Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

Những điều cần phải làm. Dám làm không anh Tư? ( Trong tầm tay của Chủ tịch nước / Sửa Hiến pháp: Chủ tịch nước giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và an ninh )


Trong tầm tay của Chủ tịch nước


Từ trái: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (trái), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (giữa) và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang


Hai ngày sau khi Hội nghị Trung ương 6 bế mạc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc với cử tri thành phố Sài Gòn. Ông không dấu nổi nỗi buồn do thất bại nặng nề trong ý định hạ bệ đối thủ công khai của mình là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Hiệp đầu trong cuộc tranh chấp được các blogger trong nước gọi là «trận chiến tay đôi giữa 2 võ sĩ Ba Dũng - Tư Sang» đã kết thúc với thắng lợi nghiêng về phía Ba Dũng. Trước đó phần đông khán giả đều phỏng đoán và cá cược là Ba Dũng sẽ bị đo ván. Nhưng Ba Dũng đã trụ vững, trước sự ngỡ ngàng của không ít khán giả. Dư luận cho rằng sở dĩ Ba Dũng trụ được là nhờ có Bắc triều ủng hộ, sau khi chạy sang Bắc Kinh để gặp Tập Cận Bình, tạo nên thế trội về chính trị, cộng thêm thế mạnh về túi tiền riêng để mua từng lá phiếu của các ủy viên Trung ương Đảng. Tiền, điều anh Ba không thiếu, đã thao túng cuộc bỏ phiếu này.

Nhưng xem ra võ sĩ Tư Sang chưa chịu tháo găng. Ông còn tỏ ra hăng máu. Trong cuộc họp trên ông gọi đối thủ sống mái của ông là “đồng chí X”. Ông nhấn mạnh: Đồng chí X không bị thi hành kỷ luật không có nghĩa là vô tội. Ông hứa sẽ tiếp tục đấu tranh chống tham nhũng, chống lũng đoạn kinh tế và lũng đoạn chính trị mạnh mẽ hơn, bằng việc làm, bằng hành động, chứ không nói suông.

Ông Tư Sang còn tỏ ra đặc biệt hăng hái khi hứa với cử tri rằng phen này ông mà không làm tròn trách nhiệm của người đại biểu Quốc hội, của người đứng đầu nhà nước - nguyên thủ quốc gia, thì ông sẽ xin rũ áo từ quan, về quê, trả nhà lại cho nhà nước. Một lời hứa danh dự đáng ghi nhận. Ông cho biết nhà của công hiện ông ở chỉ có 51 mét vuông.

Nhân có lời hứa danh dự trên đây của Chủ tịch nước, xin có lời chân thành gợi ý về một số việc trong tầm tay của ông mà ông nên làm ngay trong kỳ họp Quốc hội sẽ khai mạc trong tuần tới.

Chủ tịch nước có quyền hiến định đặc biệt ân xá cho những người bị án oan, bị kết tội quá đáng, hay đang bị ốm đau nặng trong trại giam. Vậy thì trước hết, ông Trương Tấn Sang rất nên xét ân xá ngay cho các ông Nguyễn Văn Hải - Điếu Cày, Phan Thanh Hải, bà Tạ Phong Tần vì họ đã bị phe nhóm của ông Nguyễn Tấn Dũng tuyên án không có cơ sở pháp lý, khi họ chỉ tỏ thái độ yêu nước, chống bành trướng. Ông Sang cũng nên ra lệnh trả ngay tự do cho luật sư Cù Huy Hà Vũ vì rõ ràng ông Vũ đã bị ông Ba Dũng trả thù cá nhân, vì ông Vũ đã dám phát đơn kiện Thủ tướng Dũng về việc ông này đã ký duyệt việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên, gây tác hại ghê gớm cho môi trường sống cũng như cho an ninh và chủ quyền quốc gia. Thay vì mở tòa án xem xét tội chủ trương khai thác beauxite, ông lại lôi ra tòa người đã dám phát đơn kiện mình.

Ông Chủ tịch nước cũng nên xét ân xá ngay cho nhóm trí thức yêu nước Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, nhóm trẻ Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đỗ Thị Minh Hạnh đòi lập công đoàn tự do cho lao động nước ta, cũng như ân xá ngay cho ông Nguyễn Hữu Cầu - người tù của Thế kỷ, đã nằm trong tù 34 năm, nay đang bị nhiều bệnh hiểm nghèo.

Chỉ cần làm ngay vài việc trên đây nằm trong quyền hạn hiến định của mình, ông Trương Tấn Sang sẽ lập tức nổi lên là con người có công tâm và quyết đoán, có bản lĩnh lãnh đạo công bằng, nghiêm cách, quần chúng sẽ xuống đường hoan nghênh ông đông đảo, khuyến khích ông đi tiếp trên con đường cải cách cần thiết. Cuộc sống đang thử thách bản lĩnh chính trị của ông Tư Sang. Cờ trong tay, sao ông không dám phất? Ông còn sợ gì, sợ ai?

Một vài việc làm trên đây có ý nghĩa tượng trưng lớn khi Quốc hội đang họp, chắc chắn sẽ được cơ quan lập pháp hoan nghênh đông đảo, xóa bỏ ấn tượng vô hồn vô cảm của Hội nghị Trung ương 6, mở ra một thời kỳ mới, Quốc hội tự chứng tỏ là cơ quan quyền lực thực sự cao nhất của đất nước, như được ghi rõ trong Hiến pháp.

Bùi Tín
29.10.2012
http://www.voatiengviet.com/content/trong-tam-tay-cua-chu-tich-nuoc/1535651.html

____________


Sửa Hiến pháp: Chủ tịch nước giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và an ninh



Theo dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội sáng nay, 29-10, Chủ tịch nước có nhiệm vụ và quyền hạn như thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ...

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày tại Quốc hội sáng 29-10.

Trong Chương VI quy định về Chủ tịch nước quy định rõ: Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Trong đó, Điều 94 sửa đổi, bổ sung Điều 103 của Hiến pháp hiện hành quy định Chủ tịch nước có những nhiệm vụ và quyền hạn: Công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh; đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét lại pháp lệnh trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày pháp lệnh được thông qua; nếu pháp lệnh đó vẫn được Uỷ ban thường vụ Quốc hội tán thành mà Chủ tịch nước vẫn không nhất trí thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất.

Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ trái với lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.

Đáng chú ý theo dự thảo, Chủ tịch nước có nhiệm vụ và quyền hạn: Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp tướng, đô đốc, phó đô đốc, chuẩn đô đốc hải quân; bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, công bố quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh. Căn cứ vào nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể họp được, công bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương;

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước có quyền tham dự các phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Khi cần thiết, Chủ tịch nước yêu cầu Chính phủ họp bàn về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước.

Còn tại Chương VII quy định về Chính phủ, tại Điều 100 (sửa đổi, bổ sung Điều 109) quy địnhChính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước. Điều 101 (sửa đổi, bổ sung Điều 110) nói rõ cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ do Quốc hội quyết định; Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số; Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Đặc biệt, thành viên Chính phủ chịu trách nhiệm cá nhân trước Chính phủ, Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, cùng các thành viên khác chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ.

Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) cũng sửa đổi, bổ sung Thủ tướng Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn đề nghị Quốc hội thành lập hoặc bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ; trình Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thứ trưởng và chức vụ tương đương trong bộ máy hành chính nhà nước ở trung ương; phê chuẩn việc bầu, miễn nhiệm, điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, thành phố trực thuộc trung ương...

Về quy định đối với Quốc hội, dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) cũng đề xuất, Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn: Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, các Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán Nhà nước; phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh; phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán TAND tối cao.

Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ; thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thành lập hoặc giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; thành lập, bãi bỏ cơ quan khác theo quy định của Hiến pháp và luật...

Đặc biệt, Quốc hội quyết định việc tuyên bố tình trạng chiến tranh và phê chuẩn việc ký kết hiệp ước hoà bình; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia; quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; phê chuẩn hoặc bãi bỏ điều ước quốc tế về chiến tranh và hòa bình, các vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tư cách thành viên của Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực, thương mại quốc tế và các nội dung được quy định trong luật. Quyết định việc trưng cầu ý dân...

T.Dũng - N.Duy
nld
danlambaovn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét