Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

“Quyền tự do tôn giáo” của nhà cầm quyền Việt Nam ===> Thánh thất Cao Đài ở Long An bị lại bị công an bao vây, sách nhiễu và đòi trục xuất. ----------- Đà Nẵng: Giáo dân Cồn Dầu tiếp tục bị uy hiếp, phải sống trong lo âu, sợ hãi. Sẽ xóa sổ nghĩa trang Cồn Dầu?

Giáo dân Cồn Dầu tiếp tục bị uy hiếp


hanhhuonglavang-305.jpg
Ảnh minh họa.
RFA file
Nghe bài này

Tải xuống - download

Theo giáo dân Cồn Dầu đang trong nguy cơ bị cưỡng chế, thì lệnh cưỡng chế mới nhất ấy sẽ diễn ra vào thứ Sáu, 22 tháng 3 này, thay vì thứ Ba, 12 tháng 3 vừa rồi:


"Tôi mới xem TV vừa xong, nó công bố ngày 22 tháng Ba này là thời hạn chót bắt buộc 5 hộ Cồn Dầu ấy phải chấp hành chủ trương di dời. Hôm trước thì thời hạn chót là ngày 12 tháng Ba."


Sống trong lo âu, sợ hãi

Các giáo dân nạn nhân kể lại rằng trong mấy ngày qua, họ đã lên phường, lên quận ra sức xin được ở lại nơi chôn nhau cắt rốn và gần Giáo Đường, nhưng giới cầm quyền “bắt buộc chừng đó thì hay chừng đó thôi”. Tức là, theo các giáo dân này, từ hôm nay cho tới thứ Sáu ngày 22 tháng Ba, họ lo ngại nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế; và các giáo dân khẳng định “đành cho cưỡng chế chứ không bao giờ đồng ý di dời”. Một giáo dân khác cũng thuộc trong 5 hộ sắp bị cưỡng chế cho biết:

"Nếu họ làm thì cứ làm thôi chứ chúng tôi đâu biết đối phó thế nào. Bây giờ họ cưỡng chế thì cưỡng chế, chớ chúng tôi không thể làm gì mà chống, đối phó với chính quyền được ! Bây giờ họ chụp mũ nhiều lắm. Họ lợi dụng lời nói sơ hở của mình là chụp mũ liền. Họ ngày nay gởi giấy cưỡng chế, ngày mai gởi giấy cưỡng chế, cưỡng chế mãi mãi nên người dân bây giờ rất lo âu; lo âu không biết phải sống như thế nào, sống ra sao ! Rồi ngày mai sẽ ra sao đây ? Bị cưỡng chế rồi biết ở nơi đâu ? Không biết thế nào ! Chúng tôi cứ lo âu, sợ sệt !"

Tình cảnh “kẻ ở người đi” ngoài ý muốn của giáo dân Cồn Dầu được một dân oan khác trong cuộc mô tả:
"Cảnh mà chính quyền làm quá, cứ mời lên mời xuống, uy hiếp giáo dân, chứ thực ra, những người còn ở lại Cồn Dầu đây muốn ở lại 100%. Xóm Đạo này từ nguyên thủy cho đến giờ đã một trăm mấy chục năm rồi; thấy buồn ghê ! Tự nhiên giáo dân lâm vào tình trạng tan rã, kẻ đi đây người đi đó. Vì sự bắt buộc nên họ mới ra đi, chứ không phải họ muốn đi đâu."

Hành động của giới cầm quyền, theo các giáo dân, không đúng như những gì được tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông khi quyền lợi chính đáng của người dân bị cưỡng bức:

"Trong khi trên truyền thanh, truyền hình thì nói là quyền lợi của mỗi người dân nhưng thấy thực tế không có đúng. Đất đai của người dân ở đây, nếu như giới cầm quyền làm đúng, thì sao lại họ không đi ? Còn bây giờ giới cầm quyền nói thì được, nhưng vấn đề là không có đúng."

Trước tình cảnh của giáo dân  - và cả Xóm đạo Cồn Dầu - như vậy, các giáo dân Cồn Dầu ở Hoa Kỳ hiện phản ứng ra sao, nhất là liên quan đến tài sản và mồ mả thân nhân của họ tại xóm Đạo Cồn Dầu ? Trước hết, về vấn đề tài sản, được biết trong số hơn 100 giáo dân Cồn Dầu tại Hoa Kỳ, có khoảng 6 gia đình có chủ quyền tài sản ở Cồn Dầu và hiện là công dân Mỹ. Chủ quyền này của họ thể hiện qua di chúc hoặc giấy chủ quyền từ xưa còn lại. Ông Trần Thanh Tùng, cư ngụ tại North Carolina và là đại diện các gia đình Cồn Dầu tại Hoa Kỳ cho biết kế hoạch đòi lại tài sản của các giáo dân như sau:

"Họ đã gởi đơn đến các vị dân biểu hoặc nghị sĩ tại các tiểu bang nơi họ ở, cũng như gởi thư lên Bộ Thương Mại Hoa Kỳ - lên ông Ron Kirk, viên chức Mỹ chuyên về thương trường của VN trong GSB, tức Quy chế Ưu đãi Thuế quan Tổng quát, mà VN muốn Hoa Kỳ chấp thuận để được bớt hoặc miễn thuế. Chúng tôi đã nêu vấn đề này lên trong chiến dịch đòi tài sản của công dân Mỹ. Và chúng tôi đã nhận được thư trả lời của ông Ron Kirk, cho biết rằng ông quan tâm; ông cũng cho biết là hiện giờ việc chấp thuận cho VN được quy chế GSB vẫn còn để mở. Họ không xúc tiến hồ sơ này, và họ nói rằng khi nào họ quyết định mở lại hồ sơ đó thì họ sẽ liên lạc với chúng tôi, những gia đình công dân Mỹ có tài sản tại VN để mà nêu lên sự quan tâm đó. Đồng thời chúng tôi cũng nhận được những thư của các vị dân biểu, nghị sĩ Hoa Kỳ, trả lời chúng tôi rằng họ dã đưa vấn đề đó lên Bộ Ngoại Giao và bộ phận thương lượng ở VN trong vấn đề GSB. Và họ sẽ thông báo cho chúng tôi bất cứ lúc nào có trả lời từ Bộ Thương Mại Hoa Kỳ."

Xóa sổ nghĩa trang Cồn Dầu?


anh-ngia-trang-con-dau_nuvuongcongly-250.jpg
Nghĩa trang Cồn Dầu. Photo courtesy of nuvuongcongly


Và vấn đề có lẽ quan trọng hơn, liên quan Nghĩa Trang Cồn Dầu, ông Trần Thanh Tùng cho biết:

"Hơn 100 giáo dân từ Cồn Dầu hiện ở rải rác tại 8 tiểu bang Mỹ. Chúng tôi vận động để trước hết là họ xác định quyền trưởng tộc của họ. Bởi vì hầu hết những gia đình Cồn Dầu này là những người con trưởng trong gia đình. Do đó họ đã làm một văn bản gởi về bên VN, xác định quyền trường tộc, là họ có quyền quyết định về vấn đề mồ mả của thân nhân họ trong gia tộc.

Và không có ai có quyền quyết định về những mồ mả này nếu không có sự đồng ý của họ. Đồng thời, họ đã gởi văn thư lên các vị dân biểu và nghị sĩ tại những tiểu bang nơi họ cư trú, đồng thời gởi lên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo rằng họ có quyền quyết định trong vấn đề nghĩa trang, vấn đề mồ mả của cha ông của họ, vì đó là di sản tinh thần và cũng là máu mủ ruột thịt của họ còn lại bên quê nhà vốn đang bị chính quyền Đà Nẵng muốn di dời đi mà không có sự đồng ý của họ. Họ yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ can thiệp để chính quyền Đà Nẵng không xoá số Nghĩa Trang Cồn Dầu."

Nhắc tới Nghĩa Trang Cồn Dầu, có một điểm quan trọng cần nêu lên ở đây, theo ông Trần Thanh Tùng, thì lý do mà giới cầm quyền muốn di dời, muốn “thanh toán, xoá sổ” nghĩa trang này là họ nói rằng trong chương trình đô thị hoá, họ không muốn có một nghĩa trang ở giữa thành phố vì gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường. Trong khi đó, cũng ngay tại khu đô thị này, họ lại có nghĩa trang liệt sĩ của những người gọi là “có công với cách mạng”. Như vậy, câu hỏi được nêu lên là tại sao nghĩa trang liệt sĩ thì giới cầm quyền xây dựng, bồi đắp khang trang trong khi họ muốn xoá sổ một nghĩa trang lịch sử hơn 100 năm của Giáo Xứ Cồn Dầu ?

Thanh Quang, phóng viên RFA
2013-03-18

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/an-update-condau-families-evicted-03182013160215.html

_____________________________



Thánh thất Cao Đài ở Long An bị bao vây

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2013-03-17

Đồng đạo Cao Đài đang cử hành lễ, ảnh minh họa.
Đồng đạo Cao Đài đang cử hành lễ, ảnh minh họa.
Wikipedia


Sáng hôm nay, Chúa Nhật, thánh thất An Ninh Tây của đạo Cao Đài tại Long An vẫn còn hàng chục công an địa phương án ngữ vừa quay phim vừa chụp hình tất cả mọi người ra vào.

Thánh Thất An Ninh Tây ở Đức Hòa, Long An, của các tín đồ Cao Đài chơn truyền, nghĩa là không thuộc Hội Đồng Chưởng Quản ở Tòa Thánh Tây Ninh do nhà nước lập ra sau 1975 hiện dưới sự kiểm soát của ông Nguyễn Thành Tám.

Đó là lý do mâu thuẫn và xung khắc bao năm qua giữa các vị chánh trị sự trong Cao Đài chơn truyền đối với Hội Đồng Chưởng Quản Tòa Thánh Tây Ninh, vào khi ông Nguyễn Thành Tám nhiều lần bày tỏ ý định giải tỏa các thánh thất địa phương để sát nhập vào Tòa Thánh Tây Ninh do ông phụ trách.

Quay phim, chụp hình

Về tin thánh thất An Ninh Tây ở Long An bị bao vây, ông chánh trị sự Trần Ngọc Sương cho biết từ lâu Hội Đồng Chưởng Quản chi phái Nguyễn Thành Tám vẫn loan báo muốn cử người về để cai quản thánh thất An Ninh Tây ở Đức Hòa, Long An. Tuy nhiên chánh trị sự Lê Minh Châu ở An Ninh Tây không đồng ý với quyết định của ông Nguyễn Thành Tám:

“Đến hôm nay cũng vậy, được tin cho hay thì chúng tôi cũng có mặt hồi qua nay. Sáng này chúng tôi thấy có năm chiếc xe, trong đó người đi không mặc sắc phục đạo mà mặc đồ ngắn, khoảng năm sáu chục người đến quay phim và chụp hình thánh thất. Bà con đồng đạo ở đây với dân cho biết đó là những anh em thuộc chính quyền huyện Đức Hòa cũng như xã An Ninh Tây. Chúng tôi bên trong cũng đang chờ đợi diễn tiến.

Sáng nay lúc ra thì tôi nhìn thấy có bốn máy quay phim chĩa vào thánh thất, có một số máy chụp hình. Họ thay nhau quay phim từ qua đến nay, và cho đến bây giờ thì vẫn đang ở trước cửa thánh thất An Ninh Tây đây.”
Trưa ngày thứ Sáu là đã có rồi, đồng đạo vô là có quay phim chụp hình hết. Rồi hôm qua là thứ Bảy, bữa nay Chủ Nhật cũng có, ba ngày là đã có lực lượng công an quay phim rồi.
Chánh trị sự Lê Minh Châu
Người chịu trách nhiệm chính tại thánh thất An Ninh Tây, chánh trị sự Lê Minh Châu, nói rằng không phải từ sáng nay mà từ trưa thứ Sáu thì thánh thất đã bị quay phim và chụp hình rồi:

“Trưa ngày thứ Sáu là đã có rồi, đồng đạo vô là có quay phim chụp hình hết. Rồi hôm qua là thứ Bảy, bữa nay Chủ Nhật cũng có, ba ngày là đã có lực lượng công an quay phim rồi.

Chúng tôi là những người bảo thủ luật pháp chơn truyền của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ do Đức Chí Tôn chủ quản chứ không theo Hội Đồng Chưởng Quản. Hội Đồng Chưởng Quản muốn chiếm cứ thánh thất và hiện thời Hội Đồng Chưởng Quản được chính quyền bảo hộ tới để chiếm cứ thành thất An Ninh Tây và đuổi chúng tôi ra.

Hôm nay, từ sáng tới giờ là đồng đạo các nơi về ủng hộ thánh thất An Ninh Tây. Ở ngoài thì có lực lượng công an huyện, tỉnh, xã bao vây, đồng đạo về ủng hộ là quay phim chụp hình. Diễn biến tới giờ cũng chưa thấy động tịnh gì hết mà Hội Đồng Chưởng Quản cũng chưa tới thánh thất, mà điều bên ngoài thì lực lượng công an bảo vệ chính trị huyện tỉnh này kia là cũng đông lắm. Chúng tôi ở trong thánh thất cũng đang không biết là cái hướng như thế nào.”

Trục xuất

Được hỏi vì sao ông biết Hội Đồng Chưởng Quản ở Tòa Thánh Tây Ninh sẽ cho người xuống chiếm thánh thất An Ninh Tây hôm nay cũng như những người quay phim chụp hình bên ngoài là người của chính quyền, chánh trị sự Nguyễn Minh Châu khẳng định:

“Ngày hôm qua lực lượng công an chụp hình trước cửa thánh thất, tôi đi qua thì công an có mời tôi và có hỏi tôi là, ngày mai ban đại diện tỉnh Long An và Hội Thánh xuống thánh thất thì trong đó có chuẩn bị gì không. Tôi trả lời chúng tôi chỉ biết tu hành cúng kiến một ngày bốn thời, còn lực lượng của Hội Đồng Chưởng Quản hay ban đại diện gì tới là chúng tôi không biết. Nhưng mà điều cái phương hướng thì bữa nay là Hội Đồng Chưởng Quản của Tòa Thánh Tây Ninh tới để mà đọc lịnh trục xuất chúng tôi ra và đưa người của họ vào.

Từ hồi sáng tới giờ thì không thấy người của Hội Đồng Chưởng Quản tới đây mà toàn thấy công an. Họ mặc thường phục nhưng mà những người này toàn là mời tôi làm việc từ hồi mà Hội Đồng Chưởng Quản tới đây để xua đuổi chúng tôi ra, thì những người công an này đã mời tôi làm việc rồi, thành ra tôi nhìn mặt tôi biết. Hôm nay, từ sáng tới giờ là đồng đạo các nơi về ủng hộ thánh thất An Ninh Tây. Ở ngoài thì công an huyện, tỉnh, xã bao vây, đồng đạo về ủng hộ là quay phim chụp hình.”
Nhưng mà điều cái phương hướng thì bữa nay là Hội Đồng Chưởng Quản của Tòa Thánh Tây Ninh tới để mà đọc lịnh trục xuất chúng tôi ra và đưa người của họ vào.
Chánh trị sự Lê Minh Châu
Trong bốn năm qua, kể từ lúc có quyết định tiếp thu thánh thất An Ninh Tây, Hội Đồng Chưởng Quản Tòa Thánh Tây Ninh đã mười một lần ra lệnh cho người ở thánh thất An Ninh Tây phải dọn ra ngoài.

Theo ông Lê Minh Châu, có hai nguyên nhân chính khiến thánh thất An Ninh Tây, vốn trung thành với lề luật của đạo Cao Đài chơn truyền, gặp nhiều trở ngại:

“Vì sau này Hội Đồng Chưởng Quản thay đổi những luật lệ của Hội Thánh, cải sửa theo ông Nguyễn Thành Tám hiện giờ, thì chúng tôi nhân sanh và nhân dân ở đây không đồng ý. Từ chỗ đó ông Nguyễn Thành Tám ra quyết định trục xuất hết những người trong thánh thất và đưa người của ông Nguyễn Thành Tám vô, kêu gọi chính quyền hỗ trợ cho ông.

Về mặt chính quyền, người ta nói người ta ủng hộ ông Nguyễn Thành Tám vì ông Nguyễn Thành Tám có tư cách pháp nhân còn chúng tôi là không có tư cách pháp nhân.

Thánh thất An Ninh Tây này là do Đức Tôn Sư Hộ Pháp, giáo chủ đạo Cao Đài, mua miếng đất này và để lại cho chúng tôi sau này tu hành và nhơn sanh ở đây cúng kiến. Từ chỗ đó thì tín đồ nhơn sanh các nơi tề tựu về đây bái lễ rất nhiều. Vì chỗ đó mà Hội Đồng Chưởng Quản quyết định phải chiếm cho được thánh thất An Ninh Tây, đến ngày hôm nay cũng như vậy.”

Trái với sự lo sợ hoang mang của mọi người, đến gần trưa nay công an bên ngoài đã rút khỏi thánh thất An Ninh Tây. Vẫn chánh trị sự Lê Minh Châu báo cho biết:

“Trong khi đó bà con ở ngoài họ vô trong thánh thất họ nói giờ nghe cái tin là Hội Đồng Chưởng Quản tới đây với số ít hơn người trong thánh thất cho nên dời lại ngày mai để tập trung củng cố lực lượng cho đông để tới và tiếp tục tiến hành chiếm thánh thất như ngày hôm nay nữa. Nghe bà con nhân dân nói vậy thôi chứ mình cũng chưa chính xác là có phải như vậy hay không.”

Thanh Trúc, từ Thái Lan, tiếp tục theo dõi vụ việc này để tường trình đến quí vị.




http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/caodai-temple-in-longan-cordoned-ttruc-03172013103306.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét