Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Triệu tập chỉ để bàn chuyện cá lòng tong trong Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa 11. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không còn được Đảng tín nhiệm?


XEM THÊM

- Thứ sáu, ngày 12 tháng mười năm 2012
Thủ tướng "3 Dũng" khinh trí tuệ, trọng bạo lực, dối trá. Người dân bị khinh rẻ, quyền công dân không được nhìn nhận. Cuộc sống bất an, tính mạng mong manh. http://bietkichxaxu.blogspot.com/2012/10/thu-tuong-3-dung-khinh-tri-tue-trong.html

______________


Hội nghị Trung ương để bàn chuyện cá lòng tong?




Tin Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 6 Đảng CSVN phải khai mạc ngay ngày 1/10/12, chứ không chờ nổi thêm 2 tuần nữa như dự định, đã lập tức tạo nhiều xôn xao, phân tích.

Có người chỉ ngay ra rằng việc dời ngày chỉ để các “cán bộ giao liên thường trực” như Hoàng Trung Hải, Nguyễn Chí Vịnh báo cáo với Bắc Kinh rằng toàn thể Trung ương đảng CSVN mừng Ngày Quốc Khánh Trung Quốc, 1 tháng 10, nhưng không để “các thế lực phản động bản địa” xuyên tạc. Tuy nhiên, phân tích được nhiều người đồng ý hơn là nhu cầu của phía Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phải chận đứng gấp rút loạt đòn phản công của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mà quyết định 7169 và dùng tội “dính líu tới Quan Làm Báo” để bắt nhiều người, chỉ là bước khởi đầu. Cũng có nguồn tin từ bên trong nội bộ cho biết phải họp Trung ương vì Bộ Chính trị và ông Nguyễn Phú Trọng không giật được cái ghế Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng ra khỏi tay ông Dũng, và vì thế không khởi động được chiến dịch chỉnh đốn đã tuyên bố rầm rộ từ lâu, tức không mở màn tấn công qui mô nhắm vào ông Dũng được.

Chính những tin tức và phân tích như trên đã dấy lên cả một cơn thủy triều với vô số câu hỏi dồn dập: Phiếu kín của 175 ủy viên Trung ương lần này có thực sự “kín” và là quyết định tối hậu không? Nếu đúng như vậy, thì các phe quyền lực đã vận động, sắp xếp, thương lượng tới đâu rồi? Ai đã ngả theo phía nào? Ai sẽ bỏ chủ chạy lấy người? Có phải phe ông Trương Tấn Sang và Nguyễn Phú Trọng đã thuyết phục được đa số nên mới triệu tập hội nghị? Và phải triệu tập gấp kẻo các ủy viên lại bị cánh ông Nguyễn Tấn Dũng “mua” trở lại chăng? Như thế có phải Đại tướng quân đội Phùng Quang Thanh và đại tướng công an Trần Đại Quang nay đã dứt khoát chọn theo hẳn một phe không?......

Nhưng giữa biển nao nức chờ đợi đó, người ta chỉ nghe ông Nguyễn Phú Trọng, trong bài phát biểu khai mạc cuộc hội nghị kéo dài 2 tuần này, yêu cầu Trung ương thảo luận, cho ý kiến về các báo cáo và đề án liên quan đến ba nội dung chính: Kinh tế và xã hội – Phát triển giáo dục và đào tạo - Một số vấn đề xây dựng đảng. Mọi người, mọi nơi, mọi phía đều thất vọng. Cho dù ông Trọng có khai triển 3 nội dung trên và cộng thêm phần nghe các bản phê và tự phê của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Văn phòng chính phủ cho thêm hấp dẫn, nhưng đa số người quan tâm vẫn thấy nếu chỉ có thế thì hội nghị được triệu tập chỉ để bàn chuyện cá lòng tong.

Trong vấn đề thay đổi nhân sự mà đa số dư luận đang chực chờ lắng nghe, ông Trọng lại nói trước luôn: “Trung ương chưa thể bàn về nhân sự quy hoạch cụ thể, mà chủ yếu tập trung cho ý kiến”. Nếu chỉ tập trung cho ý kiến thì có cần 175 ủy viên phải vác xác về Hà Nội không?

Còn đối với “vấn đề xây dựng đảng” mà chỉ ngồi nghe các bản phê và tự phê -- đã qua kiểm duyệt -- của các bộ phận đầu não thì có giúp gì không? Và một lần nữa, có cần 175 ủy viên phải vác xác về Hà Nội để ngồi nghe 2 tuần liền không? Chắc chắn họ là những người biết đọc và có thể đọc các “tài liệu mật” này ở các địa phương.

Hơn thế nữa, vấn đề chuẩn bị, sắp xếp lên danh sách các “cán bộ chiến lược” xưa nay vẫn là trách nhiệm của Ban tổ chức Trung ương và Bộ chính trị. Các ủy viên Trung ương thường chỉ đóng vai trò bỏ phiếu tại các đại hội chứ không dính vào khâu chuẩn bị. Và từ nay đến đại hội đảng kế tiếp, dù là đại hội giữa nhiệm kỳ, vẫn là một khoảng thời gian rất dài.

Vì vậy, chẳng có ai, từ dân chúng đến tập thể cán bộ đảng viên, tin vào những gì ông Trọng nói trong bài diễn văn khai mạc là những mục tiêu thực sự của hội nghị. Đặc biệt với câu nói úp mở của ông Trọng: “Hầu hết các vấn đề chúng ta sẽ bàn và quyết định đều rất quan trọng, khó và nhạy cảm”.

Hiện nay có 2 luận điểm được nhiều người đồng ý là mục tiêu thật của cuộc họp. Thứ nhất, việc khẩn cấp triệu tập hội nghị trung ương dài đằng đẳng này là để tùng xẻo ông Nguyễn Tấn Dũng sau khi đã mài xong con dao “phê và tự phê” tại Bộ Chính trị trong tháng 8/2012. Lý do phải cần đến 2 tuần là vì phe đối thủ phải tùng xẻo trước các vòng ủy viên trung ương đảng còn đang bao quanh ông Dũng. Những ủy viên này hoặc phải “bỏ chủ chạy lấy người” hoặc bị chính thức cột vào một số tội trạng. Những tội trạng đó được dùng để sau cùng kết tội một ông Dũng đứng chơ vơ. Kịch bản này gần như khúc phim chiếu lại cảnh tùng xẻo ông Nguyễn Hà Phan năm 1996. Lúc đó, ủy viên Bộ chính trị kiêm Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hà Phan bị đem ra phê phán và cách chức vì tội trạng “phản bội” trong thời chiến tranh. Sau bao nhiêu năm tháng, tội trạng này chỉ đột nhiên xuất hiện trong cuộc chạy đua giành ghế trước đại hội đảng.

Tuy nhiên, luận điểm thứ hai được nhiều người hơn cho là lý do thật của hội nghị. Đó là thực tế về tương quan lực lượng giữa các phe phái hiện nay. Mặc dù trong mấy năm gần đây những tập đoàn kinh tế và tổng công ty do ông Dũng nắm giữ đổ bể hàng loạt, nhưng với ưu thế của một người nắm giữ hầu hết quyền lực kinh tế, và bộ máy công an, ông Dũng vẫn còn quá mạnh và có quá nhiều phương tiện để luồn lách, khỏa lấp, mua thời gian. Hiện nay, không có ai hay nhóm quan chức nào, kể cả Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có đủ sức mạnh có thể đè bẹp hẳn phe cánh của ông Dũng. Nỗ lực đầu tiên được thử tại cuộc họp kéo dài 5 ngày của Bộ chính trị gồm 14 ủy viên, đã không thành công và không đưa ra được một kết luận nào ở cuối cuộc họp. Và vì thế, lần này phải triệu tập hội nghị Trung ương đảng với 175 ủy viên, để có “thêm thịt đè người”.

Hiển nhiên, cánh của 2 ông Sang và Trọng không nắm hết cả 175 ủy viên, nên cho dù có thêm “thịt” họ cũng chỉ mong tiến lên mức “hiệp thương ở thế mạnh” mà thôi, chứ không mong đập dẹp hẳn nổi đối thủ. Nghĩa là họ ráng cạy được bao nhiêu mảng quyền lực và quyền lợi ra khỏi tay ông Dũng thì tốt bấy nhiêu. Và 2 tuần là thời gian hợp lý, tạm đủ để chia lại các vùng quyền lực và quyền lợi quá rộng lớn dưới trướng thủ tướng. Ít nhất các vùng sau đây sẽ nằm trong những chủ đề “hiệp thương” gay gắt:

Trước hết, các bộ Quốc phòng, Ngoại giao và Công an sẽ đi về đâu, trực thuộc văn phòng chủ tịch nước để nâng cao vị thế của ông Trương Tấn Sang cũng như cắt bớt vây cánh của ông Dũng, hay sẽ tiếp tục làm công cụ kinh tế và vũ khí đấu đá nội bộ của thủ tướng. Trong 3 bộ nêu trên, có lẽ bộ Công an sẽ được 2 phe giành nhau kịch liệt nhất. Nhưng trong thực tế, vẫn có ít là 2 cách “nắm” công an -- hoặc nắm chính thức qua thẩm quyền pháp qui hoặc nắm bằng tiền và các cơ hội kiếm tiền. Ngay ở hiện tại, các cánh đang kình địch nhau đều nắm trong tay một mảng công an để làm vũ khí tấn công. Thực tế này biểu hiện qua các vụ một nhóm công an này truy lùng, lục soát, bắt bớ các quan chức của phe cánh bên kia và ngược lại. Nó cũng biểu hiện qua các bản tin trái ngược nhau mà công an chỉ thị cho báo chí phải đăng, cụ thể như tin ông Trần Xuân Giá bị bắt.

Khu vực thứ nhì được “hiệp thương” gay gắt là các thẩm quyền kiểm soát kinh tế nói chung và những lĩnh vực béo bở nói riêng. Ngoài việc lập lại Ban Kinh tế trung ương và giành ghế Chủ tịch ủy ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, phe ông Sang và Trọng còn muốn giật các lĩnh vực kinh tế quan trọng như dầu khí, xây dựng, ngân hàng ra khỏi tay ông Dũng. Dĩ nhiên, phía thủ tướng biết rõ nếu để mất các lĩnh vực kinh tế đó, ông sẽ mất rất nhiều vây cánh. Việc mất vây cánh lớn luôn kéo theo hệ quả co rút bắp thịt chính trị và lại dẫn tiếp đến đợt tấn công kế tiếp từ các đối thủ. Vòng xoáy qua lại này cứ tiếp tục cho đến khi ông mất hẳn ghế thủ tướng. Với bao năm kinh nghiệm đấu tranh nội bộ, ông Dũng dư biết ông phải tìm mọi cách chống đỡ lại đợt tấn công đầu tiên vô cùng nguy hiểm này. Phía ông Sang nay tố cáo ông Dũng đang dùng cựu tướng công an Nguyễn Văn Hưởng để cầu cứu Bắc Kinh can thiệp và tạo áp lực lên các đối thủ của ông.

Và khu vực thứ ba cần chia lại là các lĩnh vực làm ăn của các “công ty tư doanh” do con em các quan chức nắm giữ. Các công ty này, còn được gọi là “sân sau” của các lãnh đạo ở thượng tầng, có uy thế tuyệt đối trong thương trường Việt Nam, được ưu đãi về vay vốn, và luôn luôn trúng thầu lại từ các công ty quốc doanh. Đây là vùng có thu lợi cao nhưng trách nhiệm tương đối thấp so với loại tập đoàn kinh tế quốc doanh hay tổng công ty nêu trên. Do đó đây cũng là vùng tranh chấp kịch liệt giữa 2 phe tại hội nghị.

Xét như vậy thì sau cùng nỗ lực chính yếu tại hội nghị Trung ương đảng CSVN lần này vẫn chỉ là chuyện hiệp thương chia lại quyền và lợi giữa tập thể các quan chức thượng tầng của đảng Cộng sản Việt Nam mà thôi. Những tranh cãi nẩy lửa suốt 2 tuần này sẽ chẳng giúp gì cho nền kinh tế đang tiếp tục tuột dốc, doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt, vật giá leo thang, và cảnh sống ngày càng thêm cùng cực của mọi tầng lớp người dân.

Và cũng giữa cơn đấu đá chia sân càng lúc càng ác liệt đó, rõ ràng giới lãnh đạo Việt Nam chẳng còn lòng dạ nào nghĩ đến chuyện bảo vệ đất nước, mặc dù Trung Quốc đang xâm lược Việt Nam trên nhiều lĩnh vực từng ngày từng giờ, ngay trên mặt truyền thông văn hóa, ngay trong các ngõ ngách kinh tế hàng ngày, và ngay trên đất liền chứ không chỉ ngoài biển đảo xa xôi. (Khổ nỗi, cứ hễ dân chúng đứng lên đòi góp phần bảo vệ đất nước thì lãnh đạo đảng lại đạp xuống với lời khinh miệt: “Biết gì mà lo. Hãy để nhà nước lo.”)

Chính vì thế mà hiện nay, trước làn sóng xâm lược liên tục và cực kỳ nguy hiểm của Bắc Kinh, chỉ còn mỗi tiếng nói duy nhất của Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh: “Việt Nam không còn bất cứ băn khoăn gì khi hợp tác với Trung Quốc trên mọi lĩnh vực, giải quyết với Trung Quốc mọi bất đồng.”


01:18 - 12/10/2012
Phạm Nhật Bình - DienDanCTM

http://diendanctm.blogspot.com/2012/10/hoi-nghi-trung-uong-e-ban-chuyen-ca.html


______

TT Nguyễn Tấn Dũng không còn được Đảng tín nhiệm?


Chỉ có 40 trong số 175 đại biểu chính thức, tham dự Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa 11, bỏ phiếu tán thành việc TT Nguyễn Tấn Dũng có thể tiếp tục đảm nhiệm vai trò Thủ tướng.
AFP PHOTO
Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa 11, diễn ra tại Hà Nội ngày 1 tháng 10 năm 2012.

Tin vừa kể hiện là dữ kiện mới nhất về diễn biến Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa 11. Tin này xuất hiện vào chiều ngày 11 tháng 10 và được vài nguồn tin thân cận với đội ngũ cán bộ, đảng viên cao cấp xác nhận là mới nghe. Tuy nhiên, không ai có thể kiểm chứng về độ chính xác của nó. Cũng cần phải nói thêm là bên cạnh thông tin được cho là mới nhất đó, một vài nguồn tin khác, cũng được cho là thân cận với đội ngũ cán bộ, đảng viên cao cấp, lại khẳng định sẽ không có bất kỳ thay đổi nào ở vị trí Thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn sẽ là người tiếp tục đảm nhiệm vai trò Thủ tướng của Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tin đồn giữ vai trò dẫn dắt dư luận đang là điều càng ngày càng bình thường trong sinh hoạt chính trị - xã hội tại Việt Nam. Sự kiện Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa 11 không phải là ngoại lệ.

Hội nghị này khai mạc hôm 1 tháng 10 và được cho biết là sẽ kéo dài cho đến hết ngày 15 tháng 10.

Mâu thuẫn quyền lực?



Trong khi các nguồn chính thức chỉ dẫn ý kiến của ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Đảng CSVN – xác nhận hôm khai mạc, ít hội nghị nào có nhiều nội dung và thời gian họp  kéo dài như Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa 11 (quen được gọi tắt là Hội nghị Trung ương 6) và: “Tất cả vấn đề được bàn và quyết định đều rất quan trọng và phức tạp”, thì nhiều tin đồn loang rộng lại rất giống nhau ở yếu tố, Hội nghị Trung ương 6 chỉ nhằm giải quyết mâu thuẫn quyền lực giữa những cá nhân lãnh đạo Bộ Chính trị Đảng CSVN. Theo đó, cả ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư, ông Trương Tấn Sang – Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đều cùng muốn chặn ông Nguyễn Tấn Dũng – Thủ tướng của Chính phủ Việt Nam gây thêm các hậu quả nghiêm trọng cho chính trị - kinh tế - văn hóa – xã hội Việt Nam, do những hậu quả này đe dọa gây nguy hại cho sự tồn tại của Đảng CSVN.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị TW6 hôm 01-10-2012 tại Hà Nội. Courtesy chinhphu.vn

Tuy ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Hội nghị Trung ương 6 là dịp để Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa 11 bàn, quyết định các “vấn đề rất quan trọng”, tất nhiên, tầm quan trọng của các vấn đề được bàn và quyết định, chắc chắn không chỉ ảnh hưởng tới nội bộ Đảng, mà còn tác động đến tương lai của Việt Nam, lẫn đời sống dân chúng Việt Nam nhưng trong suốt 10 ngày đầu của tháng 10, các nguồn chính thức không cho biết thêm bất kỳ thông tin nào về Hội nghị Trung ương 6. Đây cũng là lý do công chúng tìm đến các trang web, trang blog, trang cá nhân trong hệ thống facebook để tìm và chia sẻ thông tin với nhau. Những thông tin dưới dạng tin đồn, mô tả Hội nghị Trung ương 6 đã và đang diễn ra trong không khí hết sức ngột ngạt, căng thẳng. Các đại biểu (175 thành viên chính thức và 25 thành viên dự khuyết), bị giám sát chặt chẽ cả trong thời gian tham dự hội nghị lẫn những sinh hoạt bên ngoài hội trường. Mỗi đại biểu được phát một tập tài liệu khoảng 300 trang, trong đó có nhiều thông tin, hình ảnh, hệ thống hàng loạt sai phạm của Thủ tướng đương nhiệm. Những tin đồn còn loan báo các giải pháp về nhân sự, diễn biến trên hội trường… Đáng chú ý là bình luận của độc giả - những người dùng Internet tại Việt Nam – trên các trang web, trang blog và hệ thống facebook, thay đổi từng giờ theo tin đồn, họ hưng phấn trước tin đồn Thủ tướng sẽ thôi làm nhiệm vụ, tỏ ra chán nản – bi quan – thậm chí chửi đổng trước tin đồn rằng, mọi thứ vẫn như cũ.

Tin đồn gần đây, liên quan đến Hội nghị Trung ương 6, được nhiều trang web, trang blog và trang cá nhân trên hệ thống facebook dẫn lại, do một blog có tên “Quan làm báo” tung ra. Theo đó, tại một cuộc họp tuy là riêng biệt, chỉ dành cho các thành viên Bộ Chính trị nhưng vẫn trong khuôn khổ Hội nghị Trung ương 6, diễn ra vào tối Chủ nhật vừa qua, dẫu cho Thủ tướng đương nhiệm đã “nhũn”, không “tả xung, hữu đột”, chống lại các cáo buộc như trên hội trường, nơi diễn ra Hội nghị Trung ương 6, song ông vẫn  chỉ nhận được 4 phiếu tín nhiệm từ 14 thành viên Bộ Chính trị.  Cũng trong tin đồn vừa nêu, blog  “Quan làm báo” còn  đưa ra một chi tiết khác, đó là ông Nguyễn Minh Triết, thành viên Bộ Chính trị Khóa 10, cựu Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã dọa ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư hiện nay của Đảng CSVN – rằng: “Nếu các anh mà không làm đến nơi đến chốn thì chính tôi sẽ cầm đầu biểu tình chống lại các anh!”.

Có phải là tin đồn?



Đáng ngạc nhiên là trước hiện tượng dư luận đang bị tin đồn dẫn dắt, các nguồn tin chính thức không hề có bất kỳ động thái nào nhằm “định hướng dư luận”. Ngoài luận điểm quen thuộc, thường được lập đi, lập lại là tất cả tin đồn đều do những thế lực, thù địch, phản động tung ra, nhằm phá hoại niềm tin vào Đảng của cán bộ, đảng viên, dân chúng và gây mất ổn định chính trị, vẫn chưa thấy các nguồn tin chính thức cung cấp kịp thời những thông tin chính xác, trung thực để “củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng, tăng cường niềm tin trong nhân dân”.
Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa 11, hôm 02/10/2012. Photo courtesy of vinhphuc.gov

Tin mới nhất liên quan đến Hội nghị Trung ương 6, mà các nguồn chính thức vừa loan báo hôm qua, là “Hội nghị Trung ương 6 đã tiến hành xong phần quan trọng nhất của chương trình”. Phần quan trọng nhất đó được các nguồn chính thức mô tả là: “…nghe Bộ Chính trị báo cáo kết quả Kiểm điểm tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo Nghị quyết Trung ương 4… Sau đó, Ban Chấp hành Trung ương đã cho ý kiến để Bộ Chính trị thông qua các nội dung, đặc biệt là nội dung Kiểm điểm của một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị. Các tài liệu báo cáo được tổng hợp theo đúng những nguyên tắc của Đảng, tôn trọng sự thật đồng thời bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư và đã được đưa ra Trung ương phục vụ các đồng chí Ủy viên nghiên cứu, đánh giá, cho ý kiến…”.

Đối chiếu tin này với tin ban đầu, cũng do các nguồn chính thức loan báo vào hôm khai mạc Hội nghị Trung ương 6 thì điểm gây nhiều ngạc nhiên là tin khai mạc của các nguồn chính thức, không sát với nội dung và diễn biến thực sự Hội nghị Trung ương 6, bằng… các tin đồn. Trong tin khai mạc Hội nghị Trung ương 6, các nguồn chính thức chỉ cho biết, hội nghị này sẽ tập trung bàn về ba vấn đề: thứ nhất là kinh tế - xã hội năm 2012, thứ hai là  phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, thứ ba là một số vấn đề về xây dựng Đảng.

Tin đồn dẫu sao cũng chỉ là tin đồn. Người ta vẫn phải chờ các nguồn chính thức xác nhận ông Nguyễn Tấn Dũng có còn tiếp tục đảm nhận vai trò Thủ tướng của Chính phủ Việt Nam hay không (?). Tuy nhiên thực tế cho thấy, nhu cầu thông tin của công chúng và khả năng cung cấp thông tin của các nguồn tin chính thức luôn có khoảng cách rất lớn. Khoảng cách đó đang được các tin đồn lấp đầy. Ít nhất, những diễn biến thông tin liên quan đến Hội nghị trung ương 6, thêm một lẫn nữa cho thấy, hệ thống truyền thông chính thức khó mà có thể làm tròn nhiệm vụ “củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng, tăng cường niềm tin trong nhân dân, giữ vững sự ổn định chính trị”.

Theo dòng thời sự:


Phụng Việt, viết từ Singapore
2012-10-11
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-6th-central-conference-update-ph-10112012162731.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét