Phá rừng phòng hộ làm nhà máy xi măng
10/10/2012 3:00Rừng phòng hộ Dầu Tiếng (Tây Ninh) có ý nghĩa rất quan trọng về sinh thái và môi trường không chỉ cho Tây Ninh mà còn nhiều địa phương khác như: TP.HCM, Long An, Bình Dương… Thế nhưng, nó đang từng ngày bị "xẻ thịt".
Vào năm 2006, có 238 ha rừng phòng hộ Dầu Tiếng đã phải "hy sinh" cho Nhà máy xi măng (NMXM) Fico Tây Ninh (giai đoạn 1). Giờ đây, NM này đang vào giai đoạn chuẩn bị “phá” thêm 365 ha rừng phòng hộ.
Theo tìm hiểu, giai đoạn 1 NMXM Fico Tây Ninh (xã Tân Hòa, H.Tân Châu) do Công ty CP xi măng Fico Tây Ninh làm chủ đầu tư được khởi công từ tháng 11.2006 và chính thức hoàn thành vào tháng 10.2009. Việc thực hiện dự án chia thành nhiều giai đoạn. Thực tế trước đó, năm 2004, UBND tỉnh có Quyết định 348 cho chuyển đổi trên 79 ha đất lâm nghiệp sang đất chuyên dùng để thực hiện dự án xây dựng NMXM Fico Tây Ninh. Tiếp đến, từ 2006 - 2009, UBND tỉnh Tây Ninh tiếp tục cho chuyển đổi và giao tổng cộng trên 238 ha đất rừng phòng hộ để triển khai xây dựng NM và khai thác mỏ đá. Hiện, NMXM Fico Tây Ninh đang tiến hành các hoạt động khai thác mỏ đá trên diện tích 80 ha (trong số 238 ha nêu trên) nằm trên khu vực rừng phòng hộ.
Ngoài ra, các diện tích còn lại được xây dựng hạ tầng cơ sở và khu NM. Một người dân xã Suối Ngô (H.Tân Châu) nói: "Lợi ích từ NM sản xuất xi măng đối với người dân chưa thấy đâu, nhưng trước mắt thì đường sá bị phá nát, tai nạn giao thông thường xuyên diễn ra do những đoàn xe chuyên chở nguyên vật liệu ra vào (ngang qua địa bàn xã Suối Ngô - PV) NM".
Chiều 9.10, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Thuần, Giám đốc Ban Quản lý (BQL) khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng (Sở NN-PTNT Tây Ninh) khẳng định, toàn bộ diện tích 238 ha rừng đã giao xây dựng NMXM Fico Tây Ninh chính là đất thuộc rừng phòng hộ Dầu Tiếng trước đây. Theo ông Thuần, rừng phòng hộ Dầu Tiếng có từ rất lâu đời và là rừng nguyên sinh, có giá trị về nhiều mặt: “Hiện khu rừng có diện tích hơn 29.000 ha vẫn đang giữ vai trò rất tốt trong việc đảm bảo chức năng phòng hộ đối với hồ thủy lợi Dầu Tiếng. Nếu mất rừng này thì sẽ ảnh hưởng rất xấu đến hoạt động của hồ Dầu Tiếng và dễ xảy ra nhiều nguy cơ khác đi kèm sau đó”.
Theo số liệu của BQL khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, thời điểm trước năm 2007, rừng ở đây có diện tích trên 34.359 ha. Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất (vào tháng 9.2012), quy hoạch rừng của UBND tỉnh Tây Ninh, rừng phòng hộ Dầu Tiếng giảm còn 29.555 ha.
* PV Thanh Niên trao đổi cùng BQL khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng ngay bên trong khu rừng sắp “xẻ thịt” làm dự án dây chuyền 2 nhà máy xi măng - Ảnh: Giang Phương |
Chuẩn bị “xẻ” thêm 365 ha rừng nguyên sinh
Việc bảo vệ rừng phòng hộ trở thành mục tiêu chung của quốc gia, nhưng mới đây UBND tỉnh Tây Ninh đã có Tờ trình số 1330 ngày 29.6.2012 trình HĐND tỉnh thông qua Báo cáo quy hoạch phát triển rừng tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011-2020. Tờ trình nêu rõ diện tích đưa ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp tổng cộng 468 ha, trong đó có đến 420 ha thuộc rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Trong số 420 ha này sẽ cắt 365 ha để thực hiện dây chuyền 2 NMXM Fico Tây Ninh (gồm khu khai thác mỏ, băng tải, băng chuyền, trạm đập, bãi chứa đất sét 1, 2 theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ). Sau tờ trình này, ngày 24.9.2012, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định 1837 về việc phê duyệt về quy hoạch và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020, trong đó sẽ "xóa sổ" thêm 420 ha đất rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Thông tin này như một cú sốc lớn đối với người dân và cán bộ tỉnh Tây Ninh. Ông Thuần cho biết thêm: “Chúng tôi là cơ quan cấp dưới thì phải thi hành quyết định của cấp trên. Nhưng thực sự trong thâm tâm tôi thấy rằng phá rừng nguyên sinh, nhất là rừng phòng hộ để phát triển công nghiệp thì hậu quả sẽ rất lớn và phải trả giá ngay trước mắt”.
Đúng như lời ông Thuần nói, ngay từ sáng sớm nhóm PV chúng tôi trên đường đến xã Suối Ngô (H.Tân Châu) đã thấy nơi đây đang bị ngập lụt, hàng trăm căn nhà dân bị chìm trong nước. Nhiều điểm trên đường ĐT785 bị ngập và sạt lở nghiêm trọng. Trường tiểu học Suối Ngô C phải cho học sinh nghỉ học vì bị ngập sâu trong nước trên 1 m do ảnh hưởng từ lượng nước hồ Dầu Tiếng tràn về. Ông Thuần nói: “Hàng chục năm nay ở đây chưa bị ngập như vậy bao giờ. Hậu quả trước mắt là đây, nước từ đầu nguồn đổ về, nếu không có rừng phòng hộ thì không những đầu nguồn bị ngập mà hạ nguồn sông Sài Gòn cũng bị ngập theo”.
Có mặt tại khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng nơi 365 ha rừng sắp biến mất, chúng tôi ghi nhận sự phong phú đa dạng của thảm thực vật tại đây. Hiện tại, trong khu rừng còn rất nhiều loài cổ thụ có giá trị như: giáng hương, sao, dầu… có tuổi đời đến gần trăm năm. Theo BQL, hiện 365 ha rừng dự kiến quy hoạch giao cho NMXM Fico Tây Ninh nằm hoàn toàn trong khu vực rừng phòng hộ, còn nguyên thủy. Trước đây, nhiều đơn vị đến khảo sát và thăm dò và đã phát hiện trong khu vực này (thuộc tiểu khu 40 và 41) có mỏ đá với trữ lượng lớn.
Để làm rõ hơn, chiều qua, chúng tôi đến NMXM Fico Tây Ninh để tìm gặp lãnh đạo, nhưng bảo vệ cho biết lãnh đạo không có trong NM.
Dự án NMXM Fico Tây Ninh thuộc nhóm A được Chính phủ thông qua và cho phép đầu tư theo Văn bản số 166 ngày 6.2.2004 với tổng vốn đầu tư trên 3.800 tỉ đồng. Ngày 29.4.2008, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về việc bổ sung dự án dây chuyền 2 xi măng Fico Tây Ninh vào quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam theo Văn bản số 2699 ngày 29.4.2008. Ngày 5.3.2010, Bộ Xây dựng cũng đã có Văn bản số 327 phê duyệt chủ trương đầu tư dây chuyền 2, nâng tổng công suất lên 3 triệu tấn/năm. Hiện dây chuyền này đang tiến hành khảo sát để đặt trong 365 ha rừng phòng hộ Dầu Tiếng. |
Đỗ Trường - Giang Phương
BẠN ĐỌC PHẢN HỒI - COMMENT (35)
Nguyen Hoa
Bây giờ lại phá rừng để làm nhà máy xi măng thì người dân chúng tôi biết nói sao đây. Liệu Nhà nước có cách gì cứu lại rừng không? Rồi thế hệ con cháu chúng ta sẽ sống ra sao khi mà lá phổi xanh cứ bị xẻo dần mãi thế này!
Ngô Hoàng Thiện
Xi măng đang dư thừa 3.000.000 tấn, nhà máy xi măng ở Việt Nam rất nhiều, vậy có nhất thiết phải bằng mọi giá phá rừng phòng hộ đầu nguồn để làm xi măng không, bao nhiêu nhà khoa học đã lên tiếng phản đối, kể cả VTV cũng đã có phóng sự về vấn đề này, xã hội đã phản đối sao nhất thiết phải làm
nguyen hieu loi
Vì sao phải hy sinh nguồn sống của tương lai, của thế hệ VN ngày mai, phải chăng đó là đặc quyền của một nhóm người được nhà nước, xã hội giao cho. Đã đến lúc phải loại bỏ đặc quyền đó để bảo vệ tương lai đất nước bằng cách đưa vào luật và chỉ có trưng cầu ý dân mới được xâm phạm và phải xử nghiêm với tội danh này thì mới triệt tiêu được " lợi ích nhóm " và hãy nhìn xem bao nhiêu nhà máy xi măng đang làm nghèo đất nước. Mong các vị hãy dừng ngay lại vì hành động đó ngàn đời bị xem là tội ác khi bức tử rừng, bức tử cuộc sống mai sau. Đồng tiền ta có thể kiếm được nhưng không vì đồng tiền mà bức tử tương lai con cháu các ông.
tuyet
Đọc báo thấy tin tức này rất đau lòng .Rừng nguyên sinh mà phá để xây nhà máy xi măng .Trong khi xi măng thừa mà đâu cũng xây nhà máy xi măng ,đập thủy điện ,gây ảnh hưởng đến người dân và rừng phòng hộ quốc gia chống lũ lụt và môi trường sống cho thành phố , tỉnh bạn .Trong khi nườc ngòai rừng nguyên sinh và hệ sinh thái người ta giữ gìn cho người dân được hưởng lợi ích .Còn chúng ta thì thế nào ?????? Các quan lớn ơi Vì lợi ích nhân dân và thế hệ mai sau ,đừng ......................... tội lắm .
Nguyễn Trung Duy
Cây xanh là mầm sống của Việt Nam và rộng lớn hơn là hành tinh này. Chúng ta cố gắng công nghiệp hóa phát triển đất nước, tạo ra những giá trị vật chất phục vụ đời sống con người. Nhưng lại lãng quên một GIÁ TRỊ QUAN TRỌNG NHẤT cho con người mà nếu như giá trị đó không "chết đi" thì tất cả những giá trị mà chúng ta đang tạo ra cũng không thể tồn tại. GIÁ TRỊ CỦA SỰ SỐNG - MỘT CÁNH RỪNG, MỘT CÂY XANH LÀ MẦM SỐNG CỦA NHÂN LOẠI. Bản thân tôi THA THIẾT mong cầu anh chị phóng viên, Ban biên tập nỗ lực ĐI ĐẾN CÙNG chủ đề " PHÁ RỪNG..." như thế này hơn nữa. Biết ơn Báo Thanh Niên.
Mr Dat
Tại sao nhà nước không có trách nhiệm với dân. Nếu xảy ra lũ lụt thì đổ trách nhiệm cho ai, có phải dân chịu trách nhiệm thay cho mấy ông không???
hong
Cần phải dừng dự án đó lại gấp kẻo sau này phải khổ, nhà máy xi măng nhà nước mình còn tồn đọng quá nhiều giờ mà sản xuất nữa kêu lỗ nữa thì kêu nhà nước bù lỗ , tiền đó là tiền của dân ! nên dừng lại và hãy dừng lại !
SKURD
Tại sao biết hại mà vẫn làm ? Phải chăng xây dựng NMXM để tạo ra dự án cho 1 số người hưởng lợi từ nó, còn kết quả , ảnh hưởng ra sao thì mặc kệ???
phạm thái bình
Đầu tư để chia tiền từ tổng nguồn vốn đầu tư, lên phải tiến hành bằng mọi giá. Còn ngày mai thế nào thì kệ nó
vicd100
Nói chung là mình có đăng báo nhiều thì cũng như không thôi.Vì được thông qua nhưng khi xảy ra vấn đề thì sẽ không ai chịu trách nhiệm đâu, tới lúc đó thì sẽ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau và sẽ không ai nhận lỗi về mình.
Trung Kiên
Xi măng cả nước thì thừa nhưng luôn trong tình trạng thừa bắc, thiếu nam nên vì sao xi măng thừa, ế ê hề nhưng phía nam vẫn "tiếp tục đầu tư"... xem ra đầu tư không lỗ như người ta tưởng hay cứ chết đến đâu chôn đến đấy
KENVIN VO
Nhà máy xi măng tràn lan, xi măng sản xuất ra dư hàng triệu tấn, nhà máy lỗ nằm đắp chiếu, thế mà vẫn cho xây dựng. Giờ phá cả rừng phòng hộ để xây, phá rừng là phá cả tương lai của chúng ta, của thế hệ con cháu của chúng ta.
Lâm Tặc Hữu
Theo tôi nghĩ thì cứ để FICO phá rừng để làm Nhà máy. Sau đó nếu Nhà máy không đạt hiệu quả kinh doanh do quá thừa nhà máy cement ở Việt Nam thì lại dẹp nhà máy bắt đầu trồng rừng lại. Việc trồng rừng này chỉ tốn khoảng 100 năm thì rừng trở lại nguyên sinh...
tuyvudinh
Các nhà máy xi măng nên xây dựng ở các tỉnh có mỏ đá vôi lộ thiên, không nên quy hoạch nhà máy xi măng đang nằm sâu dưới đất phải phá rừng phòng hộ hủy hoại môi trường - Xi măng đang dư thừa mà lại đi phá rừng xây nhà máy
Nguyễn Bá Thước
Các chủ đầu tư chỉ tính toán đến lợi ích cá nhân chứ không tính hiệu quả cộng đồng. Việc xây dựng nhà máy xi măng ở khu vực rừng phòng hộ đem lại cho họ nhiều lợi nhuận: chi phí thuê đất, giải phóng mặt bằng rẻ, cách xa khu dân cư nên tha hồ ô nhiễm môi trường mà không ai phản đối, đặc biệt với việc phá hàng trăm ha rừng sẽ thu nguồn lợi lớn khai thác gỗ. Bài học các các công trình thủy điện ở Miền Trung và Tây Nguyên còn đó, chắc ai cũng hiểu
kiet
Thật là không đúng khi phá rừng đầu nguồn để xây dựng dự án nhà máy xi măng. Đề nghị cấp trung ương xem xét và xử lý vi phạm những ai cố tình làm sai trái về môi trường. Mất rừng đem đến hậu quả không thể khắc phục ngày một ngày hai.
Võ Thanh Sang
Hết thủy điện rồi đến xi măng ai cũng muốn phá rừng. Đừng để một số lợi ích nhỏ mà đánh mất những lợi ích lớn đó là nguồn tài nguyên của quốc gia, là sự sống của con người. Xi măng hiện tại thì dư thừa bán không ai mua, vậy mà vẫn cứ xây dựng nhà máy. Đến một lúc nào đó sẽ không còn không khí sạch để thở. Đề nghị phải xem xét dừng ngay dự án này.
Nguyên
Lại một nhà máy xi măng. Nếu nhìn kỹ lại thấy các nhà máy xi măng bây giờ toàn từ lỗ đến lỗ. Nhà máy xi măng này hoàn thành liệu có tự nuôi bản thân được không. Hay lại lỗ rồi ngân sách nhà nước lại bù lỗ ? Đề nghị các phóng viên theo dõi sát vụ này vì tương lai con em chúng ta
Cao Văn Hoa
Trong khi sản lượng xi măng đang dư thừa, một số nhà máy xi măng do Nhà nước đầu tư đang rơi vào phá sản thì phải thu hồi ngay văn bản phê duyệt chủ trương đầu tư dây chuyền 2 của nhà máy này . Chấm dứt ngay việc phá rừng phòng hộ!
Trần Hùng
Xi măng cả nước đang thừa công suất. Fico cần gì phá rừng mở rộng nhà máy, ra Thái Nguyên hay Lạng Sơn có nhà máy sẵn chỉ cần vận hành....
vu van khanh
pha rung cho lu tran ve roi lay xi mang xay de chan lu sao?phai chang day la du an pha rung co giay phep. . .?
ha hieu
Cần sự vào cuộc của chính phủ, can thiệp từ Trung ương để cứu những cánh rừng nguyên sinh này. Xi măng hiện nay dư thừa, thị trường tiêu thụ khó khăn do suy thoái kinh tế. Đây là hình thức lập dự án phá rừng để khai thác bán gỗ quý kiếm.
DangTrong
Nhà máy xi măng gần như tỉnh nào cũng cố xây. Xây xong hoạt động thì kêu lỗ. Mỗi lần xây là phá rừng, lấy đất nông nghiệp, phá hại sinh thái gây ô nhiễm môi trường. Vậy mà các ông lãnh đạo cũng cho xây. Làm gì thì cũng phải thực tế và tính toán cho kỹ, đừng bao giờ làm theo những thông số lý tưởng, đưa ra phương án khi gặp sự cố xấu nhất thì mình vượt qua như thế nào....Để sau khi xảy ra rồi thì không đổ lỗi trách nhiệm.
sơn
Ở các nước trên thế giới đã cho ta bài học về phá rừng đặc biệt là rừng nguyên sinh để xây thủy điện. Nhưng sau đó họ phải phá đập thủy điện đi để trồng rừng lại. Thế mà ở Việt Nam không biết rút kinh nghiệm mà lại còn đi phá rừng nguyên sinh làm nhà máy, thủy điện. Mấy ông cán bộ có biết là mất bao nhiêu lâu mới có một khu rừng nguyên sinh không? Nó ảnh hưởng đến biết bao người dân và biết bao nhiêu thành phố như vậy mà vẫn làm thì bó tay. Làm cán bộ thì thấy việc gì có lợi cho dân thì nên làm việc gì có hại cho dân thì tuyệt đối tránh thế mà mấy ông chẳng quan tâm gì đến gì đến tác hại của nó đến dân hết
dang quoc cuong
Du an xay dung nha may xi mang la tot nhung pha rung phong ho la khong the
Minh Hoàng
Một dự án lớn như thế mà không có hồ sơ Báo cáo đánh giá tác động môi trường sao? Nếu có thì phải xử lý người viết báo cáo và người phê chuẩn báo cáo ĐGTĐMT nghiêm túc. Hậu quả của việc mất rừng gây nhiều tổn thất về môi trường rất lớn, ảnh hưởng đến khí hậu, môi trường sống và nhất là mất nguồn nước. Tiền do khai thác từ xi măng có bù lại được không? và liệu nó đã vào túi ai đó rồi thì có móc ngược ra lại để mà bù không? Thủ tướng và chính phủ phải cho ngưng ngay dự án nầy trước khi chưa quá muộn
Trương Lưu
Đề nghị báo chí đồng loạt lên tiếng yêu cầu chính phủ ra lệnh đình chỉ không cho phá rừng phòng hộ đầu nguồn Tây ninh, Dầu tiếng làm nhà máy xi măng. Nếu liều làm phải xử lí kỉ luật cán bộ tỉnh
Nguyễn Trường Linh
Thiết nghĩ nếu mất rừng là mất tất cả. Nhà máy xi măng xây dựng nhiều nhưng khi bán được bao nhiêu?
Tung
Xi măng thì thừa, tập đoàn báo lỗ, dân nai lưng đóng thuế, lũ lụt thì triền miên. Chỉ có gỗ là đắt thôi.
Thanh Van
Cần xem lại luận chứng kinh tế kỹ thuật của hồ Dầu Tiếng, trong đó diện tích rừng đầu nguồn phải đảm bảo là bao nhiêu, nếu diện tích rừng đầu nguồn không đảm bảo thì ảnh hưởng gì đến việc tích và điều tiết nước của hồ Dầu Tiếng. Con người tác động đến thiên nhiên thì thiên nhiên sẽ có tác động đến con người, tùy vào sự tác động đó là tích cực hay tiêu cực.
Đã đến lúc dừng lại việc quy hoạch sử dụng đất tùy tiện, cạn nghĩ !
Trần Ánh
Tôi đề nghị thông qua luật: "Cấm phá rừng dưới bất kỳ hình thức nào" Có chút ít lợi về kinh tế trước mắt nhưng đã gây hại bao nhiêu cho môi trường, và hậu quả về sau là khôn lường.
NGUYỄN VĂN TRỰC
Không biết trước khi trình dự án lên Thủ tướng CP các ngành liên quan mà đặc biệt là UBND tỉnh Tây Ninh và Bộ Xây dựng có tham khảo ý kiến những nhà khoa học hay tổ chức lấy ý kiến phản biện dự án? Để đến nay 2 sự việc xảy ra song song cùng một lúc đó là công trình xây dựng nhà máy và việc phá rừng, hiệu quả kinh tế đâu chưa thấy nhưng hệ quả trước mắt đã được nhìn thấy. Đề nghị tạm dừng ngay việc phá rừng phòng hộ để đánh giá lại tác động môi trường một cách khoa học khách quan, bài bản trước khi phải chuốc lấy hậu quả khôn lường mà chính con người tạo ra thiên tai chứ không phải do thiên nhiên.
Nguyễn Thị Hiền Mai
Việc phá rừng nầy rất, rất quan trọng, có sức tàn phá cực lớn vào môi trường, kinh tế cả nước, đời sống hàng triệu người. Tôi cảm thấy như bị sốc nặng (làm người choáng váng, muốn ói) khi đọc tin nầy.
lê quang minh
Hiện nay cả nước đang dư thừa xi măng không biết làm sao để tiêu thụ cho hết. Nợ của các dự án xi măng chồng chất và chính phủ phải nai lưng ra trả (lấy từ tiền thuế ra). Vậy mà Tây Ninh vẫn quyết liệt phá rừng phòng hộ để xây thêm dây chuyền sản xuất xi măng, nghĩ thật chua xót! Nếu biện minh là dự án này đã được CP phê duyệt thì cũng có thể hủy bỏ vì nó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cái nón che chở cho các tỉnh ven rừng phòng hộ, đặc biệt là TPHCM. Nếu lấy ý nghĩa của phát triển kinh tế mà không chú trọng môi trường thì hậu quả về môi sinh ai sẽ gánh chịu?
thạch nguyễn
RỪNG PHÒNG HỘ LÀ TÀI SẢN QUÍ CỦA QUỐC GIA. CHÚNG TA ĐỀU NHẬN THỨC ĐƯỢC VAI TRÒ VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA NÓ. HƠN HẾT, TRONG TÌNH HÌNH KHÍ HẬU BIẾN ĐỔI PHỨC TẠP NHƯ HIỆN NAY KÍNH MONG CHÍNH PHỦ CÓ BIỆN PHÁP XỬ LÝ KỊP THỜI!
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121010/pha-rung-phong-ho-lam-nha-may-xi-mang.aspx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét