Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013

Lại hết thuốc chữa với tên Đinh La Thăng. Tiếp tục không coi ý kiến của người dân ra gì. Từ 1/7, xe không chính chủ bị phạt tới 4 triệu. 'Phạt xe không chính chủ là ép dân'. XEM THÊM: Hội chứng "soi túi, móc tiền" của dân.


Thứ hai, 4/3/2013, 14:59 GMT+7
'Từ 1/7 phạt xe không chính chủ là ép dân'

"Thời điểm 1/7 bắt đầu phạt xe không chính chủ là phi thực tế, ép dân vì các quy định hiện nay về sang tên, đổi chủ, trước bạ chưa được chỉnh sửa", ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam chia sẻ.
> Xe không chính chủ bị phạt tối đa 4 triệu đồng / 'Quy định về xe chính chủ sai luật, không khả thi'
Ông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: ĐL

  • - Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến về Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, trong đó có quy định mức phạt đối với người đi xe không sang tên đổi chủ và không nộp phí bảo trì đường bộ. Ông nghĩ sao về nội dung này?
- Với quan điểm của Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam, tôi nghĩ việc xử phạt người đi xe không chính chủ và không nộp phí bảo trì đường bộ là rất cần thiết, song không nên đưa vào Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Hai hành vi này không liên quan đến an toàn giao thông, nên theo tôi cần đưa vào các quy định của pháp luật về hành vi liên quan tới phí và lệ phí.



- Dù dư luận phản đối nhưng Bộ Giao thông Vận tải vẫn dự kiến ngày 1/7 sẽ áp dụng Nghị định sửa đổi này. Là đại diện của Hiệp hội Vận tải ôtô, ông đánh giá thế nào về việc thời điểm này?
- Áp dụng Nghị định từ 1/7 là phi thực tế vì Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an sửa đổi Thông tư 36 để tạo điều kiện cho người dân đi sang tên đổi chủ, song hiện cơ quan này vẫn chưa ban hành. Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu giảm phí trước bạ cho ôtô khi sang tên đổi chủ, song Bộ Tài chính chưa chỉnh sửa.
Về phí bảo trì đường bộ, HĐND các tỉnh, thành phố chưa quyết định mức phí phải nộp với xe máy. Do vậy, tôi nghĩ đến thời điểm 1/7, hàng triệu ôtô, xe máy trên cả nước chưa thể hoàn tất việc sang tên đổi chủ và nộp phí bảo trì đường bộ. Nếu xử phạt từ thời điểm này sẽ là ép dân, sẽ gây phản ứng trong nhân dân.
Việc sang tên đổi chủ hàng triệu phương tiện trong cả nước hoàn thành nhanh cũng phải mất vài năm, có rất nhiều trường hợp như chủ cũ chết, ra nước ngoài... rất phức tạp để chuyển tên. Theo tôi, cần có thời gian dài đủ để người dân hoàn tất việc chuyển tên thì mới nên bắt đầu việc phạt.


- Ông nghĩ sao về mức phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng với chủ xe máy và từ 2 triệu đến 4 triệu đồng đối với cá nhân chủ xe ôtô không sang tên hoặc không nộp phí bảo trì?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia: "Chưa có tài liệu nào chính thức thống kê được số xe không chính chủ, song theo điều tra xã hội học của Ủy ban, con số này không nhỏ, thậm chí lên tới 40%. Có những phương tiện đã qua hàng chục đời chủ mà không biết người chủ đầu tiên là ai, thậm chí chủ trước đã chết. Đây là lỗ hổng trong công tác quản lý".

  • - Tôi cho rằng hợp lý vì mức phạt này thấp hơn so với mức cũ ở Nghị định 71. Song, quan trọng hơn là phải bổ sung mức phạt như quy định người chủ xe phải đi sang tên đổi chủ hoặc truy thu lại mức phí bảo trì mà chủ xe chưa nộp.
Nhiều ý kiến cho rằng, mức phạt vi phạm hành chính quá thấp nên người dân không chấp hành. Song, tôi cho rằng, mức phạt phụ thuộc vào thu nhập của người dân, nếu phạt cao quá thì người vi phạm sẽ tiêu cực với cảnh sát hoặc có cách tiêu cực nào đó để bù lại số tiền đã bỏ ra. Quan trọng là cảnh sát giao thông phải xử phạt nghiêm minh, công khai, không tiêu cực thì sẽ có sức răn đe.


- Nhiều ý kiến cho rằng không nên giao cảnh sát xử phạt người phạt xe không chính chủ vì lực lượng này sẽ quá tải. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
- Tôi cho rằng, không nên giao cho cảnh sát giao thông phạt xe không chính chủ vì ngành công an đã quá tải xử phạt các hành vi vi phạm trong giao thông nên việc phạt hành vi xe không sang tên đổi chủ, không nộp phí bảo trì đường bộ phải giao cho các cơ quan khác. Ví dụ, cơ quan đăng kiểm phát hiện ôtô không nộp phí bảo trì thì không đăng kiểm hoặc báo cho cơ quan khác xử phạt. Các ngành khác cũng phải giải quyết việc này chứ không phải mọi việc xử phạt dồn vào ngành công an.

Dự thảo Nghị định về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định:

- Phạt tiền 100.000 - 200.000 đồng đối với cá nhân là chủ xe môtô, xe gắn máy; 200.000 - 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe môtô, xe gắn máy; Phạt tiền 2 

- 4 triệu đồng đối với cá nhân là chủ ôtô và các loại xe tương tự ôtô, từ 4 - 8 triệu đồng đối với tổ chức là chủ ôtô và các loại xe tương tự ôtô vi phạm một trong các hành vi sau đây: Không làm thủ tục chuyển đổi lại Giấy đăng ký xe theo quy định sau khi đã mua, được cho, được tặng, được thừa kế tài sản là phương tiện; Không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định. Ngoài ra, người vi phạm buộc phải mua hoặc nộp phí theo quy định.

  • Đoàn Loan thực hiện
http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2013/03/tu-1-7-phat-xe-khong-chinh-chu-la-ep-dan/

Thuy Nga Nguyen
Ngu lâu - dốt bền - khó cải tạo - hết thuốc chữa!

_____


Chủ nhật, 3/3/2013, 16:22 GMT+7




Từ 1/7, xe không chính chủ bị phạt tới 4 triệu

- Từ 1/7, những trường hợp không làm thủ tục chuyển đổi lại Giấy đăng ký xe sau khi đã mua, được cho, được tặng, được thừa kế là theo quy định và không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông đối với mô tô, xe gắn may, ô tô, xe đầu kéo sẽ bị phạt từ 100.000 đến 4 triệu đồng.

Đây là một trong những nội dung của Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt do Bộ GTVT vừa hoàn thành.
Nếu được ban hành, dự thảo này sẽ thay thế cho các Nghị định 34, Nghị định số 71… của Chính phủ. 

 Từ 1/7, những trường hợp không làm thủ tục chuyển đổi lại Giấy đăng ký xe từ 100.000 đến 4 triệu đồng.

Tại điều 30 của dự thảo, sẽ phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với cá nhân là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô, từ 200.000 - 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:

Không làm thủ tục chuyển đổi lại Giấy đăng ký xe theo quy định sau khi đã mua, được cho, được tặng, được thừa kế tài sản là phương tiện; Không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định.

Phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng đối với cá nhân là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô, từ 600.000 - 1.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:

Lắp kính chắn gió, kính cửa của xe không phải là loại kính an toàn; Tự ý thay đổi màu sơn của xe không đúng với màu sơn ghi trong Giấy đăng ký xe.

Phạt tiền từ 800.000 - 1.200.000 đồng đối với cá nhân là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô, từ 1.600.000 - 2.400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô vi phạm một trong các hành vi:

Tự ý đục lại số khung, số máy; Tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo hồ sơ đăng ký xe; Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe; Khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được cấp lại biển số, Giấy đăng ký xe.

Phạt tiền từ 2.000.000 - 4.000.000 đồng đối với cá nhân là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô, từ 4.000.000 - 8.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô vi phạm một trong các hành vi:

Tẩy xóa hoặc sửa chữa Giấy đăng ký xe, hồ sơ đăng ký xe, Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc các loại giấy tờ khác về phương tiện; Không chấp hành việc thu hồi Giấy đăng ký xe; biển số xe; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định; Không làm thủ tục chuyển đổi lại Giấy đăng ký xe theo quy định sau khi đã mua, được cho, được tặng, được thừa kế tài sản là phương tiện; Không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định…

Gia Văn
http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/111187/tu-1-7--xe-khong-chinh-chu-bi-phat-toi-4-trieu.html



_____________



XEM THÊM:


TuanVietNam
Thứ 3, 5/3/2013, 2:0 GMT+7



Hội chứng soi túi tiền của dân

Đặc điểm chung của các "kiến nghị" móc túi tiền của người dân là ngoài viện dẫn nước này nước kia đã làm, họ đều lờ tịt đi hoàn cảnh, điều kiện của các nước khác tốt hơn ta gấp nhiều lần.

"Kiến nghị" của ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HH BĐS (Hiệp hội bất động sản) TP.HCM khiến một lần nữa nổi sóng gió dư luận:  Đánh thuế vào lãi suất tiết kiệm gửi Ngân hàng từ mức gởi 500 triệu đồng trở lên!

Để tăng tính thuyết phục cũng như cho khách quan, ông chủ tịch HH này dẫn chứng ở Mỹ và châu Âu "cũng làm vậy"!

Săm soi tới đồng tiền tiết kiệm

BĐS nước ta đang trong cơn khủng hoảng nặng. Ai cũng biết như vậy. Song cái khác là nhiều ngành khác bị khủng hoảng đã nhận được sự cảm thông chia sẻ rất nhiều từ công luận, còn BĐS thì không! Lúc Bộ Xây dựng đưa ra phương án "cứu" BĐS, nhiều ý kiến đã phản đối gay gắt. Cái gì cũng có nguyên do! Việc cứu BĐS bị phản ứng nhiều bởi đây là ngành đã "làm mưa làm gió" suốt một thời gian dài, đẩy giá thị trường nhà ở các đô thị lên mức cao nhất thế giới. Cũng nhờ lợi nhuận khủng bao năm qua, BĐS đã "đẻ" ra hàng loạt đại gia từ bóng tối bước ra.

"Đóng góp" cho nguồn lợi nhuận khổng lồ của BĐS là sự "hy sinh" của bao người dân phải bị thu hồi đất, nhà với giá đền bù thấp so với đầu ra của các dư án BĐS trên mảnh đất của mình. Mức chênh lệch có khi gấp mấy chục lần giữa giá đền bù cho dân và giá bán nền của nhà đầu tư! "Cơ chế" đã ban cho những nhà đâu tư dự án cơ hội quý hơn vàng suốt thời gian dài mà nhiều ngành khác không có được.

Nói cho công bằng thì không phải nhà đầu tư BĐS nào cũng là người được hưởng "ân sủng" như vậy! Song rõ ràng đầu tư và đầu cơ BĐS bao năm qua là cơ hội vàng "một vốn bốn lời" với người tham gia vào.
Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HH BĐS kiến nghị đánh thuế vào lãi suất tiết kiệm gửi Ngân hàng từ mức gởi 500 triệu đồng trở lên. Ảnh minh họa: Ngọc Thắng/TNO
  • Chính nhu cầu đầu cơ quay cuồng như ma trận đã dẫn thị trường BĐS vào cửa tử, kéo theo các nhà đầu tư và đầu cơ. Nhiều người trở thành đại gia sau vài vụ "trúng" dự án nay trở thành con nợ khổng lồ, ôm dự án chịu trận, để lãi mẹ đẻ lãi con.

Làm ăn có thắng có thua là nguyên tắc bất di bất dịch khắp thế giới này. BĐS đã được hưởng lợi từ cơ chế quá nhiều, nay gặp khó khăn xin được "cứu" nghe không thuận chút nào! Xét về tình cảm, lý trí lẫn đạo đức đều không "lọt lỗ tai"! Đó là ký do khiến dư luận có nhiều quan điểm, ý kiến không đồng tình. Bởi nếu "cứu" thì phải dùng tiền ngân sách, tức đồng tiền của dân đóng thuế!

Hơn nữa, nếu vì vai trò quan trọng với nền kinh tế cần phải "cứu", thì hiện nay có rất nhiều ngành, đối tượng cần phải "cứu" hơn, phải tiếp sức cấp bách hơn gấp nhiều lần. 

Chẳng hạn ngành nông nghiệp mà đối tượng chính là nông dân đã đóng góp cho đất nước gần 22 tỷ đô la xuất khẩu trong điều kiện họ vẫn phải "bán mặt cho đất bán lưng cho trời"; xuất khẩu được nhiều ngoại tệ cho đất nước vượt qua cơn khủng hoảng trong khi nông dân thua lỗ!

Trong lúc đó, ông chủ tịch Hiệp hội BĐS lại tung một "đề xuất" chẳng khác chi tiếng sét ngang tai: đánh thuế trên tiền lãi tiết kiệm! Một kiến nghị nặng mùi "nhóm lợi ích", nhòm ngó, săm soi những đồng tiền gửi tiết kiệm của người dân.
Người ta tự hỏi, phải chăng BĐS quen hưởng lợi trên sự "hy sinh" của số đông người dân mà cơ chế tạo ra suốt thời gian dài nên giờ lại mon men muốn hưởng tiếp lần nữa để vượt qua khó khăn?

Ở nước ta chưa ai nghĩ rằng gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng là đầu tư cả. Điều này ông chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cố tình không nói hay ông không biết? Ông chỉ đưa ra dẫn chứng ở Mỹ và các nước khác làm như vậy song ông không biết rằng, các nước ấy đã có hệ thống phúc lợi xã hội rất tốt, đảm bảo cuộc sống cho người mất sức lao động, người về hưu và người thất nghiệp, đau ốm! Còn ở ta, tiền gởi ngân hàng đúng như tên gọi là "tiết kiệm" phòng thân lúc bất trắc, lúc về già, ốm đau.

Cách đây hơn 6 năm, tức năm 2006, trước khi thông qua Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi, Quốc Hội đã bàn về việc này. Ý kiến cuối cùng là không đánh thuế vào tiền gởi tiết kiệm của nhân dân bởi "lợi bất cấp hại".

Thật ra nếu có đánh thuế vào những đồng tiền lãi tiết kiệm chăng nữa thì cũng khó mà ép người dân phải dùng tiền đổ vào BĐS như thâm ý của ông chủ tịch BĐS. Hậu quả họ sẽ quay trở lại đưa đồng tiền trú vào vàng như truyền thống trước đây. Hoặc là cất giữ trong tủ...

Hội chứng "móc tiền" dân

Dường như đã thành "căn bệnh", để giải quyết một mục tiêu hay tăng lợi nhuận, không ít người ngay lập tức nghĩ đến "móc" tiền từ túi người dân. Nhiều trường hợp, chiêu "móc túi" này được gọi bằng cái tên mỹ miều là "huy động sức dân".

Ở mức độ nào đó thì việc "huy động sức dân" là cần thiết vì Nhà nước "sống" được là do dân nuôi. Nhưng lạm dụng như thời gian qua, thành "hội chứng" thì không bình thường nếu không gọi đáng báo động!

Ở từng ngành, từng lĩnh vực, từng nghề cụ thể thì chiêu "móc túi" biến hóa khôn lường tùy lúc tùy thời.

Nhắc đến ngành điện lực người ta liền nghĩ tới căn bệnh "tăng giá" triền miên. Dù danh xưng là công ty song nhờ độc quyền nên ngành điện dễ dàng áp đặt mọi chuyện lên đầu "thượng đế"! Mặc dù không phải lần nào đề xuất tăng giá điện cũng được Bộ Công thương và Chính phủ thông qua song chưa năm nào người sử dụng điện thoát khỏi nạn tăng giá. Có năm "ông" điện tăng tới 3 lần mà vẫn chưa hài lòng! Điệp khúc "giá điện trong nước vẫn thấp hơn giá một số nước" là chiêu bài để "ông" này "móc túi" người tiêu dùng.

Tiếp theo là "ông" xăng dầu. "Ông" này có vẻ đàng hoàng hơn "ông" điện lực một chút vì có lúc giảm giá, song cơ bản vẫn là "lùi một bước để tiến ba bước".

Đáng sợ nhất là "ông" giao thông vận tải với khẩu hiệu nổi tiếng "Đóng phí giao thông đường bộ là yêu nước"! Vì không phải là doanh nghiệp nên "ông" này không tăng giá mà "soi" vào túi tiền của người dân bằng chiêu "phí".

3 năm nay "ông" này đề xuất ra nhiều loại phí đánh vào phương tiện đi lại của người dân.  Chiếc xe máy, xe ô tô lâu nay đổ xăng đã phải gánh phí đường bộ 1.000 đồng/lít, nay đề xuất thu thêm "phí duy trì bảo hành đường bộ", tức phí đè lên phí để rút tiền của người dân. Phương tiện đi lại chẳng khác gì đôi chân, sống chết gì cũng phải đi làm, đưa con đi học nên dù vô cùng ấm ức, người dân cũng phải chịu.

Tiếp đến là đề xuất phạt xe không chính chủ. Dù đã bị phản ứng kịch liệt phải dừng lại, nhưng nay Bộ này vẫn "kiên trì" kiến nghị nữa với mức phạt rất cao cho "xe không chính chủ" mà không quan tâm đến nguyên nhân đằng sau việc người dân phải chấp nhận đi xe không chính chủ.

Đặc điểm chung của các "kiến nghị" móc túi tiền của người dân là ngoài viện dẫn nước này nước kia đã làm, họ đều lờ tịt đi hoàn cảnh, điều kiện của các nước khác tốt hơn ta gấp nhiều lần. Tỷ dụ như việc thu phí chồng phí giao thông đường bộ, đường sá thiên hạ tốt hơn, các trạm thu phí không dày đặc bủa vây như ta... Sâu xa hơn là trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của những cơ quan chức năng của họ cao hơn, sáng tạo hơn nhiều lần thì không thấy đề cập, hoặc cố tình lờ đi.

Nói ra để thấy rằng, có sự không công bằng giữa người dân và các cơ quan quản lý, doanh nghiệp độc quyền và tổ chức Hiệp hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã công khai tuyên chiến với "lợi ích nhóm" và những biến tướng vô cùng của nó. Nói rộng ra, ngoài việc "huy động sức dân" thì chính các cơ quan quyền lực, tổ chức kia phải phát huy trách nhiệm của mình, trong đó không kém quan trọng là lo cho dân chứ không phải chỉ chăm chăm "móc" túi của dân!

Duy Chiến
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/111293/hoi-chung-soi-tui-tien-cua-dan.html

Thuy Nga Nguyen
Con ơi nhớ đến câu nàyCướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét