(Anton. Trần An - TNCG) - Là những người trẻ yêu Giáo hội, yêu quê hương, đất nước, hoàn cảnh gia đình của họ rất khó khăn nhưng họ luôn tích cực tham gia vào các hoạt động Công giáo, đặc biệt là các phong trào Sinh viên Công giáo. Họ sống một cuộc sống đơn sơ, chất phác, luôn đồng cảm với người nghèo, sống trách nhiệm với xã hội. Đó là những điểm chung của những thanh niên công giáo đã bị công an bắt cóc từ cuối tháng 7 cho tới nay.
Vậy là đã hơn hai tháng kể từ ngày những người thanh niên Công giáo đầu tiên bị Bộ Công An bắt cóc tại Sài Gòn. Đến nay, một số gia đình thì có giấy thông báo từ phía công an, một số gia đình khác tự đi tìm tòi và đều đã biết con em của họ đang bị công an bắt giữ, rồi bị cáo buộc cho cái tội danh như: “tuyên truyền, chống nhà nước XHCN – điều 88, Bộ luật hình sự” và “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân – điều 79, Bộ luật hình sự”. Ngoài việc gửi quà, họ không được biết con em của họ đã bị thủ tiêu hay còn sống? Tình trạng sức khỏe ra sao?
Vậy những thanh niên công giáo đó, họ là những con người thế nào? Họ đã làm gì cho giáo hội và xã hội? Hoàn cảnh gia đình của họ ra sao? Những vị chủ chăn đã ở đâu và đã làm gì khi con chiên của họ bị bầy sói uy hiếp tính mạng? Với không ít thắc mắc như vậy, trưa ngày 01/102011, chúng tôi đã quyết định lên đường đến thăm nom và động viên tinh thần một số các gia đình có con em đang bị bắt giữ.
Thiên nhiên quả là khắc nghiệt với vùng đất Miền Trung, đặc biệt là Nghệ An, một vùng quê nghèo, nhưng cũng từ mảnh đất Nghệ An nghèo nàn và khắc nghiệt này đã tạo nên rất nhiều vị anh hùng nổi tiếng như Vua Quang Trung, Phan Bội Châu, Nguyễn Trường Tộ,… thậm chí còn là nơi này còn sinh ra Ông Hồ Chí Minh, một nhân vật khiến cho mọi người còn tốn quá nhiều giấy bút khi nhắc đến tên Ông, và dân tộc Việt Nam được sống trong cảnh bất công, dối trá và khủng bố tràn lan như hiện nay.
Tháng 10, thời tiết khá xấu, chúng tôi bắt đầu xuất phát từ Tp. Vinh trong lúc trời cũng vừa đổ mưa. Trời cứ mưa thế này, chắc bà con ở quê lại ngồi than ngắn thở dài vì vựa lúa đang đến độ mà không thu hoạch được, và số lúa đã thu hoạch về chưa được nắng nào thì đã gặp mưa bão, nên nó đã nảy mầm. Chắc giờ này bà con hẳn đang lo lắng, bồn chồn cho số thóc, và cho thân phận người nông dân của mình. Đối lập với cảnh đó, hai bên đường, thoát thấy những ông cán bộ xã, huyện đang ngồi nhâm nhi chai rượu với thịt chó, còn nhân dân thì “sống chết mặc bay”. Câu chuyện cán bộ đi du lịch khi bão lũ đến (1), hay ăn bớt phần cứu trợ của người dân vùng lũ vẫn xảy ra như cơm bữa tại Việt Nam.
Trời vẫn mưa, nhưng may là con đường từ TP. Vinh dẫn đến Nam Đàn quê hương của Ông Hồ Chủ Tịch, vì con đường dẫn tới quê của Ông được Đảng và Nhà nác (Nhà nước) khá là quan tâm, nên giao thông khá là đẹp. Đi đến Thị trấn Nam Đàn, chúng tôi rẽ vào Giáo xứ Vạn Lộc (Xóm 4 – Xã Nam Lộc – Huyện Nam Đàn – Nghệ An) là quê hương của hai người anh em là anh Trần Hữu Đức và Đậu Văn Dương, hai người bị bắt vào ngày 02/08 tại Vinh. Khi tới đầu làng, một mùi thối của lúa đã bị ngâm úng nước đã bốc lên, đường sá thì bùn bẩn và xói mòn vì mưa dài ngày nên cũng hơi khó đi, cũng là quê Ông Hồ, mà sao đoạn đường này lại khác hẳn so với đường cái. Chúng tôi được biết đã có dự án sửa con đường này, những đã hơn mấy năm mà vẫn chưa thấy có gì thay đổi, chắc là do mấy anh cán bộ xơi hết xi măng, cát sỏi rồi, nên con đường này vẫn là như ngày xưa. Sau khi tìm hỏi người dân ở đây, chúng tôi đã tìm được đến nhà của hai anh, bước vào sân đã thấy một xe lúa được gặt về từ 2 hôm trước nhưng vì trời mưa nên vẫn cứ phải che đậy để chờ thời tiết khô ráo mới “tuốt” được.
Khi chúng tôi bước vào nhà bác Trường (Bố của anh Trần Hữu Đức), chúng tôi thấy gia đình đang có khách, thoáng nhìn túi đồ nghề của vị khách, chúng tôi đã đoán được vị khách đó chắc là một tay phóng viên, nhà báo. Thật bất ngờ, khi chúng tôi được giới thiệu vị khách này chính là blogger Người Buôn Gió, một blog tôi đã nghe danh từ lâu nhưng chưa từng gặp mặt. Anh Gió từ Hà Nội vào đây cũng không ngoài mục đích thăm nom, động viên gia đình.
Hoàn cảnh gia đình của hai anh đều rất là khó khăn, hai anh cùng bước xuống TP.Vinh để tiếp tục sự nghiệp đèn sách vào năm 2007. Hai anh Dương và Đức đều là những sinh viên hiền lành, yêu thích tham gia các công tác xã hội, là thành viên tích cực trong công tác Bảo Vệ Sự Sống (BVSS) của Trung Tâm BVSS Gioan Phaolo II, bên cạnh đó, anh Dương là tổ trưởng tổ Đa Minh Savio tại Cửa Lò (một trong 14 tổ Sinh viên Công giáo tại Vinh), còn anh Đức là tổ trưởng tổ Cao Đẳng Sự Phạm CĐSP, tổ này được sự quan tâm rất đặc biệt của các cấp chính quyền. Cụ thể là lần sách nhiễu đánh đập sinh viên của tổ trong nhiều ngày khi đi sinh hoạt (2). Ngoài những giờ bận học ra các anh còn cùng những bạn sinh viên khác đi lượm ve chai để bán dành dụm tiền cho những người nghèo, hai anh đều là thành viên ban tổ chức 2 khóa học hè anh văn 2010 và 2011 tại giáo xứ Cầu Rầm – Hạt Cầu Rầm,
Ngồi tiếp chuyện với chúng tôi có Bác Trần Đức Trường bố của anh Đức và bác Lan, Mẹ của anh Đậu Văn Dương. Khi chúng tôi trao đổi với hai gia đình, Bác Lan, Mẹ của anh Đậu Văn Dương bức xúc nói rằng: “con của chúng tôi là những đứa con ngoan ngoãn, hiền lành. Chúng tôi không tin chúng nó làm điều gì phạm pháp, chính quyền quá vô lí, bắt con chúng tôi đi mà không có lệnh, gia đình không biết. Đến tận bây giờ vẫn không có giấy báo về cho gia đình dù chỉ là một mẩu giấy vụn”. Tuy rất bức xúc về những việc làm của Nhà cầm quyền Hà Nội nhưng hai bác vẫn tỏ rõ một niềm tin rằng con mình “không có tội”, họ vẫn vui vẻ chờ đợi và cầu nguyện. Được biết sau khi hai người con của giáo xứ bị bắt một thời gian, bà con Giáo dân tại đây có tổ chức chầu thánh thể và thắp nến cầu nguyện cho hai anh, buổi thắp nến do cha Cao chủ trì (3). Sau khi thăm hỏi và động viên gia đình hai bạn trẻ, chúng tôi tiếp tục khởi hành. Trời vẫn chưa ngớt mưa, nhưng chưa xong việc thì chúng tôi vẫn đi, vì trách nhiệm của một người giáo dân với một người anh em đang bị bách hại.
Sau khi rời nhà của Anh Đức và Dương chúng tôi lội ngược hành trình để đến thăm gia đình Anh Đặng Xuân Diệu, người bị bắt vào ngày 30/07 tại sài gòn, chẳng mấy chốc chúng tôi đã tìm đến được giáo xứ Xuân Mỹ “nơi chôn rau cắt rốn” của anh Diệu, từ xa đã thấy ngôi nhà thờ của giáo xứ tọa lạc trên một quả đồi nhỏ, đằng sau là dãy núi hùng vĩ làm cho ngôi làng trông nhỏ bé. Chính nơi đây người anh em nhỏ bé, khiêm nhường Đặng Xuân Diệu đã sinh ra và lớn lên.
Với sự chỉ dẫn của người dân ở đây chúng tôi đã nhanh chóng tìm đến được nhà anh Diệu. Một căn nhà nhỏ cũ kĩ, đơn sơ, dột nát, đã từ lâu chỉ có một mình mẹ của anh sống ở đây. theo lời kể của bà thì bà đã bị bệnh nặng từ cách đây khoảng 3 năm. Thời gian gần đây bà đã khỏe lên, nhưng sau ngày anh Diệu bị bắt, công an ập về nhà để khám xét, vốn bà đã bị chứng bệnh suy nhược thần kinh, nay lại thấy công an nên sợ cùng với tin anh Diệu bị bắt, cho nên bệnh tình cua bà lại càng nặng.
Hôm chúng tôi vào thăm, Bà đã dậy được nhưng cũng không dám ra khỏi nhà. Nhìn vào đôi mắt sâu thẳm và hốc hác của Bà, chắc chắn Bà đang lo lắng cho số phận của con trai của mình, mỗi lần nhớ tới anh, Bà nhìn lên tấm ảnh thời sinh viên của anh để ngắm cho đỡ nhớ, đỡ lo lắng. Một lúc sau, chúng tôi thấy Bà đang soạn giấy tờ của anh Diệu từ lúc đậu đại học vẫn còn cất giữ, vì trời mữa bão, nhà lại bị giột nên bà đem ra để trên bàn. Anh Diệu là con thứ 4 trong nhà mồ côi cha lúc 7 tuổi, từ cấp một đến cấp 3 đều đạt kết quả tốt, khi anh đi thi đại học thì đậu 3 trường và quyết định học đại học bách khoa Đà Nẵng.
Anh là kĩ sư cầu đường tốt nghiệp khoảng vào năm 2000 và đi làm. Ngoài công việc của anh ra anh còn tham gia tích vào công tác BVSS tại Trung Tâm BVSS Gioan Phaolo II (Anh là một trong những người đồng sáng lập ra Trung Tâm). Anh còn là người đồng sáng lập “Quỹ khuyến học” (chúng tôi không nêu tên quỹ, vì làm việc âm thầm sẽ được nhiều ơn ích hơn), những việc làm của của anh thông qua quỹ như: Tổ chức trao học bổng cho những học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, hỗ trợ các khóa dạy hè ở các Giáo xứ, tổ chức trao tặng xe lăn cho người khuyết tật, đóng góp nhiều cho quê hương giáo xứ qua nhiều hình thức…
Nhìn lại sơ qua những chặng đường mà các anh đã đi, chúng tôi đùa nhau rằng: “chắc tại vì các anh đã cướp hết việc tốt đi không để cho các cấp chính quyền có cơ hội làm việc thiện nên họ mới bắt các anh ấy lại để mong ngăn chặn được những việc tốt của các anh rồi họ sẽ có cơ hội để làm việc tốt”. Nếu sự thật là như vậy thì dân ta được hưởng phúc. Được biết, bà con Giáo dân ở đây đã quy tụ về nhà của Anh Diệu để tổ chức thắp nến cầu nguyện cho anh và những anh em khác bị bắt cóc (4), trong khi đó, chúng tôi vẫn chưa thấy Cha quản Xứ ở đây tổ chức thắp nến cầu nguyện cho anh
Chúng tôi trấn an và động viên tinh thần của Bà, hãy tin tưởng vào anh Diệu, anh ấy chẳng làm gì sai, mọi người vẫn cầu nguyện cho anh. Tạm kết ngày làm việc, chúng tôi ra về vì ngà đã tàn. Nhưng chuyến đi vẫn chưa hoàn tất nên đành hẹn đến ngày tiếp theo. Sau khi rời khỏi mảnh đất Xuân Mỹ, chúng tôi chia tay với anh Gió, và hẹn anh ngày mai tiếp tục lên đường.
Anton. Trần An (Thanh Niên Công Giáo)
http://thanhnienconggiao.blogspot.com/2011/10/phong-su-tham-gia-inh-cac-nan-nhan-bi.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét