Vỡ đê ở ĐBSCL:Vì quên lời cảnh báo của các nhà KH?
Giới khoa học từng cảnh báo nền đất ĐBSCL rất yếu, không nên đắp đê chống lũ triệt để ở những vùng ngập sâu, tuy nhiên các địa phương ở đây dường như đã quên lời cảnh báo.
Tuyến đê bao ở xã Thông Bình (Tân Hồng, Đồng Tháp) bể lúc 2h sáng ngày 3/10 là một cảnh báo đáng quan tâm. Con đê này xây bằng gạch để bảo vệ 800 ha lúa thu đông (vụ ba), khi nước lũ dâng lên thì cũng liên tiếp được xây lên để ngăn nước lũ. Bức tường được chất bao đựng cát bên trong để chống nước lũ xô đổ. Người dân địa phương tự hào gọi đây là “bức tường thành Thông Bình”. Nhưng nó đã bị quật ngã do nước bục dưới chân bức tường.
Điều này, từ lâu các nhà khoa học đã cảnh báo: nền đất ĐBSCL rất yếu, không nên đắp đê chống lũ triệt để ở những vùng ngập sâu như đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp, An Giang và vùng Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên.
Bức “tường thành Thông Bình” bị phá toang sáng 3/10
Nhưng chục năm qua, ĐBSCL không có lũ lớn nên lúa vụ ba được mở rộng không ngừng và các địa phương hầu như đã quên lời cảnh báo của các nhà khoa học. Đê bao đã được đắp lên ở nhiều vùng ngập sâu, ngăn lũ triệt để nhằm bảo vệ lúa vụ ba. Năm nay, từ đầu năm, chủ trương của Bộ NN-PTNT đầu tư 200 tỷ đồng để gia cố đê bao, mở rộng diện tích lúa vụ ba, nhằm có thêm một triệu tấn lúa, thì đê bao chống lũ triệt để càng dài ra. Và lũ lớn tràn về đã phá tung hàng loạt đê bao ở vùng ngập sâu bằng sức của khối nước khổng lồ chênh lệch trong và ngoài để 3-4 mét, không xô đổ bên trên thì khoét ngầm dưới chân.
Vị trí đê Ô Long Vỹ (Châu Phú, An Giang) bể sáng 27/9 đã đẩy mất một ngôi nhà xây tường khang trang Ảnh: Sáu Nghệ
Đê Ô Long Vỹ dài hơn chục cây số còn rất nhiều đoạn đe dọa hàng trăm ngôi nhà Ảnh: Sáu Nghệ
Thiệt hại của gần chục nghìn héc-ta lúa mất trắng đối với nông dân là rất lớn. Các gia đình nông dân thường dồn hết lời lãi của hai vụ lúa trước vào vụ ba, như đánh một canh bạc và trắng tay. Nơi chưa mất trắng thì cũng tốn nhiều công sức giữ đê, bơm nước nên lời lãi chưa biết thế nào. Còn tính chi phí cả xã hội, vụ ba năm nay có thể lỗ.
Tuyến đê ở xã Thường Thới Tiền (Hồng Ngự, Đồng Tháp) cao mấp mé mái nhà Ảnh: Gia Thọ
Đắp đê bao triệt để nơi ngập sâu còn đẩy nước dâng cao nhiều nơi khác, gây ra nhiều dòng nước chảy xiết phá hoại hạ tầng cơ sở kỹ thuật, các đô thị, các khu công nghiệp. Thiệt hại toàn cục có khi lớn hơn nhiều lần lời lãi của lúa vụ ba. Hạ tầng kỹ thuật vùng lũ đã được đầu tư nhiều, dù lũ lớn thì năm nay dân tình không còn nháo nhác như năm 2000, nhưng lại nháo nhác với đê bao bảo vệ lúa vụ ba ở vùng ngập sâu. Khuyến cáo không làm đê bao triệt để ở vùng ngập sâu của các nhà khoa học, qua mùa lũ này, chắc được cân nhắc suy tính.
Sáu Nghệ
http://bee.net.vn/channel/3741/201110/Vo-de-o-dBSCLVi-quen-loi-canh-bao-cua-cac-nha-KH-1814279/
+++++++++++++++
Lúa mất trắng rồi, biết sống sao đây? >< XK gạo “được mùa” lớn
-Hai Kim
- Lúa chìm, nhà ngập biết sống sao đây?
Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long độc canh cây lúa, mất lúa là mất tất cả, mất lúa là mất trắng, mất lúa là đời sống sẽ lâm vào cảnh nợ nần, túng thiếu.
Lúa mất trắng rồi, biết sống sao đây? Đó là câu hỏi đang dằn vặt ngày đêm những nông dân mà ruộng lúa của mình đã chìm sâu trong làn nước bạc.
Hôm bể đê bờ Nam kinh Cả Mũi, tôi tìm gặp bác Phạm Văn Ổi, cụ già 70 tuổi mà cả tháng trời đã cực khổ ngày đêm nắng dãi mưa dầm hộ đê bờ Bắc để cứu lúa, vào nhà, tôi thấy bác rũ rượi như chiếc bong bóng xì hơi, nằm im lìm trên chiếc võng chẳng chút đong đưa, mắt nhìn sững lên trần, vài con ruồi đậu cả trên mặt của bác.
Nghe tiếng tôi vào, bác từ từ ngó lại, bác hỏi:
- Cậu là ai?
Tôi nhắc cho bác, chừng nhớ ra tôi, bác thảng thốt nghẹn lời:
- Mất trắng rồi cậu ơi!
Nhìn bác, nhớ lại đôi mắt rực lên ánh sáng hy vọng trong lúc cực khổ hộ đê nay lờ đờ thất thần, tôi không biết phải nói gì, nên lúng túng ngồi xuống ván cạnh võng của bác.
Rời võng, ngồi xuống ván cạnh tôi, bác Phạm Văn Ổi nói như tiếng thở dài, trút ra những nổi lo lắng dồn nén trong lòng:
- Rồi đây lấy tiền đâu mà trả nợ, lấy gì mà ăn, lấy gì mà làm lúa mùa tới, lấy gì mà tiêu xài!
Cùng là nông dân, tôi hiểu nổi đau của sự “mất trắng”. Tôi cảm nhận được những lo toan, tính toán không có đường ra của bác. Tôi biết sự tiếc xót đến bần thần của việc mất 2ha lúa, mà hơn tháng trường bác đã chăm sóc như chăm sóc con cái trong nhà, gần một tháng trường nữa bác bảo vệ như bảo vệ con cái trong nhà.
70 tuổi vẫn dầm mình hộ đê cứu lúa.
Tôi nhỏ tiếng nói với bác:
- Hôm nay, cháu đến đây để nghe bác nói. Bác có gì muốn nói không?
- Đầu óc của tôi hiện giờ không nhớ được gì, không nghĩ được gì, tôi chẳng biết nói gì nữa. Bác nói.
Im lặng một hồi lâu bác mới nói thêm:
- Cả tháng trường ở ngoài đồng gia cố 2 đê bờ Bắc và bờ Nam cơm nuốt chẳng trôi, hằng ngày làm được gì thì làm: đốn cây bạch đàn, chở cây, đóng cây, kiềng dây, xúc đất vô bao, có lúc thiếu người khiêng cả bao đất nặng để đắp đê, tối đến mấy chú trẻ ở lại canh đê tôi về nhà, về nhà mà có ngủ nghê được gì đâu, mình mẩy ê ẩm, lại cứ chập chờn vì lòng phập phồng lo lắng không yên.
Đêm bờ Bắc bị bể, nghe báo động tôi chạy ra đê, đến nơi tôi thấy không còn cách nào để khắc phục, miệng bể rộng trên 30 m, sức nước đổ vào mạnh như thác, cuốn trôi mọi thứ, tôi chỉ còn hy vọng mong manh hộ đê cứu lúa ở bờ Nam.
Rồi đê bờ Nam cũng bị bể luôn, tôi như người chết rồi, trắng tay rồi, cứ bần thần lo nghĩ không biết sắp tới lấy gì mà sạ, lấy gì mà ăn.
Vẫn muốn hỏi bác về thiệt hại, nhưng thấy nỗi đau của bác quá lớn tôi xin phép cáo từ.
Đến nhà anh Phạm Văn Thạch, người làm 11 ha ở bờ Bắc, anh cho biết thiệt hại như sau:
Xới đất 2 lần: 150.000 đồng
Trục trạc : 120.000 đồng
Thuốc ốc : 40.000 đồng
Tiền công sạ lúa: 35.000 đồng
Xịt cỏ và tiền công: 42.000 đồng
Xịt sâu 2 lần và công: 62.000 đồng
Tiền phân các loại: 820.000 đồng
Giống xác nhận: 435.000 đồng ( 30 kg * 14.500)
Tiền công sạ lúa: 56.000 đồng
Tổng cộng: 1.770.000 đồng.
Tức là chi phí 17.700.000 đồng cho 1 ha.
Tôi hỏi anh Phạm Văn Thạch:
- Nếu được yêu cầu chính quyền trợ giúp anh sẽ yêu cầu thế nào?
- Nông dân mắt trắng thiệt hại gần hai chục triệu một ha, nên nếu Nhà nước hỗ trợ để thoát nghèo ít nhất cũng phải mười triệu một ha. Anh đáp.
- Theo tôi biết mức hỗ trợ cao nhất theo Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 31/12/2009 là 1.000.000 đồng/ha. Anh thấy mức này ra sao?
- Không đủ tiền mua lúa giống! Anh Thạch than.
Còn anh Nguyễn Phước Đồng người có 26 công ruộng, cho biết thiệt hại khoảng 52.000.000 đồng thì bức xúc hơn:
- Nhà nước hổ trợ 1.000.000/ ha chắc tôi không nhận, ít quá, nhận làm chi cho mang tiếng.
Hổ trợ 1.000.000/ ha, nhận làm chi cho mang tiếng.
Anh Tiêu Văn Nhiển mướn 3,8 ha, thì ngoài chi phí khoảng 17.700.000/ ha còn tốn thêm tiền mướn đất 10.000.000 đồng/ha. Anh Nhiển thiệt hai nhiều hơn hết, đến 27.700.000/ ha.
Anh Trần Văn An, người chuyên làm thuê có sổ hộ nghèo than thở với tôi:
- Nước ngập hết đồng rồi, ai mướn gì đâu mà làm, nhà không có xuồng, không biết làm gì mà sống đây, chắc phải đi Bình Dương kiếm việc làm quá!
Anh cũng nhờ tôi hỏi chính quyền giùm, là tại sao nhiều năm nay dù có sổ nghèo nhưng anh không được nhận cứu trợ theo chính sách cho hộ nghèo.
Tôi bỗng nhớ lại, khi đi trên bờ kinh Cả Mũi lúc mới bể đê, tôi loáng thoáng nghe có 2 vợ chồng trẻ nói với nhau rằng chắc đi Bình Dương quá, tôi không hiểu đi để làm gì, bây giờ tôi mới hiểu ra: đồng ngập hết rồi, những người làm thuê, những nông dân nghèo phải đi lên Bình Dương làm thuê kiếm sống.
Theo Văn phòng Ban phòng chống lũ lụt trung ương, tính đến ngày 6/10 đã có 6.073 héc ta lúa bị ngập thiệt hại hoàn toàn.
Trong 6.073 héc ta lúa bị chìm này, có bao nhiêu cảnh đời tuyệt vọng vì túng thiếu bủa vây như cảnh bác Phạm Văn Ổi? Có bao nhiêu tiếng kêu cứu trong âm thầm chờ đợi như tiếng anh Trần Văn An?
Nhà nước có giúp xin giúp nông dân bị thiên tai thoát nghèo, chớ đừng chỉ giúp cho nông dân khỏi đói. Hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha, có khi nông dân tự ái không thèm nhận.
Nông dân bị thiên tai ở Đồng bằng sông Cửu Long không những mong chờ sự hỗ trợ thích hợp của Nhà nước, mà còn cần lòng hảo tâm của mọi người trong và ngoài nước.
Xin mọi người hảo tâm hãy giúp nông dân Đồng bằng sông Cửu Long bị thiên tai trong lúc khốn khó này.
H.K.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Lúa mất trắng rồi, biết sống sao đây?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét