Những "con dân" bị lãng quên của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và ông Bộ Trưởng Giáo Dục Phạm Vũ Luận
- Bộ trưởng Bộ Giáo Dục có đau lòng trước cảnh này?
- “Sau một chuyến đi dài và khá mệt, ngồi xem lại hình ảnh trong máy, lòng tôi tự nhiên trào dâng niềm xúc cảm khi nhớ lại hơn 50 em nhỏ bằng và nhỏ hơn con út của tôi ngồi học trong lớp không có vách, các em nằm nghỉ ngay trên nền đất và đương nhiên không có bất cứ cái chăn, mảnh đệm nào…”. Đó là những lời của thành viên Xehoi_Options của diễn đàn otofun nói với tôi sau chuyến thăm điểm trường Dìn Phàn Sán, xã Sơn Vỹ, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
- Gọi là trường cho oai thôi …
Phải chăng là sự tình cờ khi trong những ngày chớm đông, Hà Nội còn se lạnh, tôi thu xếp đồ cùng các thành viên trên diễn đàn otofun đến với điểm trường Dìn Phàn Sán, xã Sơn Vỹ, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, một xã biên giới khó khăn nhất của tỉnh.
“Đường khó đi lắm! Đi ô tô đã khó rồi, đi bộ vào một quãng đường còn vất vả hơn. Nhưng đi rồi em sẽ thấy em còn đang hạnh phúc, sung sướng lắm!”. Bác Sơn Rack, một thành viên trên diễn đàn nói với tôi như vậy. Và tôi lặng lẽ xách ba lô theo cả đoàn lên Hà Giang.
Đường ô tô lên xã Sơn Vỹ, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang
Dìn Phàn Sán là một thôn nằm giáp đường biên giới với nước bạn Trung Quốc. Từ Hà Nội đi Hà Giang theo quốc lộ 2 dài 300 km. Đến Hà Giang đi Mèo Vạc theo quốc lộ 4C dài 165 km, rồi Mèo Vạc đến trung tâm xã Sơn Vỹ đi theo tuyến Mèo Vạc – Đồng Văn đến chân Đèo Mã Pí Lèng thì rẽ phải đi dọc sông Nho Quế là đường liên xã dài 50 km.
Hành trình của chúng tôi từ trung tâm xã vào đến điểm trường dài khoảng 7-8 km trong đó 5 km đường ô tô 4 km còn lại là đường dân sinh. Đoạn này chỉ có thể đi bộ. Mà đi bộ cũng còn khó khăn lắm với những người từ thành phố lên. Trời mưa, đường trơn, dốc khó đi, đá tai mèo lổn nhổn, chúng tôi vừa đi vừa ngã dúi dụi.
Chúng tôi phải đi bộ để đến được điểm trường Dìn Phàn Sán
Anh bộ đội ở đồn biên phòng Lũng Làn, dẫn chúng tôi đi cười hiền từ “Các em nhỏ vẫn chạy thoăn thoắt trên đoạn đường này bằng chân trần đấy. Chẳng thấy em nào ngã bao giờ”.
Ngã dúi dụi, tay chân đau ê ẩm, chúng tôi mới đến được điểm trường Dìn Phàn Sán. Ấn tượng đầu tiên của tất cả mọi người đó là ngôi trường. Không, có lẽ phải nói đó là dãy lều tạm thì đúng hơn. Trường Dìn Phàn Sán nằm giữa núi, lơ lửng, cô độc trong gió rét.
Đường đi khó khăn và nguy hiểm
“Gọi là trường cho oai thôi, chứ thế này chỉ là dãy lều tạm lấy chỗ cho các em ngồi học” – Cô giáo Linh, người Chiêm Hóa, Tuyên Quang ứa nước mắt khi thấy đoàn chúng tôi ngỡ ngàng với ngôi trường không ai dám tưởng tượng ra thế này.
Cả điểm trường có 3 lớp tập trung trong một căn nhà tạm cũ kỹ dựng chơ vơ giữa gió núi vùng biên giới. Trường thì chỗ được trình bằng đất, chỗ vách gỗ, chỗ vách tre, phía trên che chắn thêm tre và gỗ để chắn mưa và gió. Nhưng tường đất và tre nứa cũng không che chắn được cho các em khỏi mưa và lạnh nên giáo viên nhà trường đã huy động mua thêm bạt tơ dứa để che chắn mưa rét cho các cháu.
Điểm trường Dìn Phàn Sá
Chỉ có 2 lớp có bàn học. Lớp còn lại của các em hệ Mầm non thì các thầy cô giáo trải bạt cho các em ngồi dưới nền nhà. Lớp của các em hệ Tiểu học được ngăn gió bằng những tấm gỗ hở hoác. Ngồi trong lớp nhưng cứ mưa là sách vở ướt sạch. “Mùa đông gió rét, em ngồi học thì lạnh tay lắm, cứng cả tay, chả viết được chữ nhưng có lớp học là thích rồi. Các bạn khác cũng bị lạnh như em”. Bé Phần, một học sinh của trường hồn nhiên kể với chúng tôi như thế bằng một giọng tiếng phổ thông chưa sõi.
- Ngồi nền đất lạnh, hứng gió rét đi tìm con chữ
Anh Thắng, amind của diễn đàn otofun, cũng là trưởng đoàn đưa chúng tôi lên đây lặng lẽ ngồi ngắm khu trường dột nát, chực đổ trong cái gió hun hút của vùng núi đá. “Có lẽ, nếu không đến đây thì chẳng bao giờ tưởng tượng được các em nhỏ lại khổ đến mức này. Hỏi một cháu bé trong đó, hỏi có muốn uống sữa không, hóa ra cháu còn chẳng biết sữa là gì”.
Lớp học của các em hệ Tiểu học
Điểm trường Dìn Phàn Sán được dựng lên cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của xã Sơn Vỹ có thể được đến trường tìm con chữ. Nhìn vào thời khóa biểu được viết tạm lên giấy học sinh, dán lên tường lớp học mới biết, các thầy cô ở đây cũng đang cố gắng hết sức để các em được sinh hoạt và học tập như các bạn dưới xuôi.
Các em học sinh hệ Tiểu học trong giờ
Cô giáo Hoàng Thị Hồi giáo viên dạy lớp 2 và 3 của trường kể chuyện: Ở đây là xã khó khăn và nghèo của Hà Giang. Các thầy cô giáo để lên đây dạy học cũng rất cực khổ. Nhưng không gì so sánh được với hành trình tìm đến với con chữ của các em học sinh ở đây. Thường thì ở vùng cao, các em đi làm nông hoặc theo bố mẹ lên núi kiếm ăn từ bé. Cho đi học chữ là một việc xa xỉ với các em vì nhà kiếm ăn còn chưa đủ no. Các thầy cô phải trèo đèo lội suối đến từng nhà vận động cha mẹ cho các em đi học.
Nhưng đến được trường học cũng là khó khăn với các em vì thời tiết vùng Sơn Vỹ, Mèo Vạc vô cùng khắc nghiệt. Phải tận mắt nhìn những đôi dép lấm lem, nặng trĩu bùn đất bỏ ở cửa lớp học mới hiểu các em đã phải khó khăn thế nào để đến được lớp học. Chỉ vào đống dép đầy bùn để trước cửa lớp, cô Linh ngậm ngùi: “Lớp học chỉ là nền đất, nhưng các em ấy lúc nào cũng lo bẩn lớp nên toàn bỏ dép ở ngoài, chịu ngồi nền lạnh để giữ cho lớp sạch đẹp” .
Những đôi dép lấm lem bùn đất của các em
Nhưng, những nỗ lực giữ trường, giữ lớp của các em nhỏ và thầy cô giáo ở đây liệu có còn tiếp tục được bao lâu khi mỗi con gió mạnh thổi đến, lớp học của các em lại rung lên, thắt tim các cô giáo vì lo lắng. Và hành trình đi tìm con chữ của các em sẽ còn gian nan đến khi nào khi điểm trường Dìn Phàn Sán vốn không khang trang nay lại càng xuống cấp?
Góc để tài liệu của thầy cô giáo
Học sinh hệ Mầm non được các thầy cô căng thêm bạt để che gió rét. Nhưng các em vẫn ngồi nền đất trên nền bạt dứa
Học sinh hệ Mầm non được các thầy cô căng thêm bạt để che gió rét. Nhưng các em vẫn ngồi nền đất trên nền bạt dứa
“Các em ấy không phải đu dây, không phải bơi qua sông như các em nhỏ miền Trung. Nhưng trẻ miền núi cũng gian khổ lắm! Vượt đèo, lội suối, vượt cái đói cái nghèo để đi tìm ánh sáng của con chữ, để có thể lớn lên giỏi giang như bao bạn nhỏ trên cả nước, các thầy cô giáo và trẻ em ở đây chỉ mong một ngày nào đó, trường của các em được khang trang hơn, được vững chãi hơn. Để sau này, trẻ em ở xã Sơn Vỹ có thể yên tâm đến trường…”.
“Sau một chuyến đi dài và khá mệt, ngồi xem lại hình ảnh trong máy, lòng tôi tự nhiên trào dâng niềm xúc cảm khi nhớ lại các em nhỏ bằng và nhỏ hơn con út của tôi ngồi học trong lớp không có vách, các em nằm nghỉ ngay trên đất và đương nhiên không có bất cứ cái chăn, mảnh đệm nào…”. Đó là những lời của thành viên Xehoi_Options của diễn đàn otofun nói với tôi sau chuyến thăm điểm trường Dìn Phàn Sán, xã Sơn Vỹ, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang… Nhưng với tôi, kể cả con gái chưa lớn bằng các em ở đây, tôi vẫn thấy lòng quặn thắt mỗi khi nghe tin gió bão, mưa giông lại đang ùa lên miền đất biên giới nghèo khó của các em nhỏ. Mong sao các em sớm có một ngôi trường…
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/ban-doc-phap-luat/43275/bo-truong-bo-giao-duc-co-dau-long-truoc-canh-nay-.html
http://diendanctm.blogspot.com/2011/10/nhung-ua-tre-bi-lang-quen-cua-ong-thu.html
DienDanCTM
Posted in: Giáo dục,Xã Hội VN
11:18 - 13/10/2011 DD.CTM2 1 Ý KIẾN
1 COMMENTS:
Nguyễn Phương Tùng:
22:35 13/10/2011Reply
Thủ tướng chính phủ và ông bộ trưởng còn lo chăm sóc cho những công trình tầm mức vĩ đại, các dự án chiến lược hạng nhất Á Châu. Con em của dân ngu cu đen thiếu thốn một chút có sao đâu?
Thời nào rồi mà còn gọi là nước bạn Trung Quốc?
Trả lờiXóaNhiều người dân trong nước bị hơn 700 tờ báo đảng bưng bít thông tin và tuyên truyền láo toét quá lâu về "16 chữ vàng" với "4 tốt", cho nên họ chưa biết rõ được nhiều sự thật về tên láng giềng tàu khựa khốn nạn này.
Trả lờiXóa