Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

Thư cám ơn của Sinh viên Từ Anh Tú ở Thái Nguyên. Tú vẫn khẳng định giá trị đa nguyên, đa đảng. ------ Một sinh viên trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên bị đuổi học vì hoạt động dân chủ .

- Thứ bảy, ngày 11 tháng sáu năm 2011 
Sinh viên Từ Anh Tú bị đuổi học khỏi trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên vì đọc tin chống Trung Quốc xâm lấn VN . Chống TQ là vi phạm pháp luật Việt Nam? http://bietkichxaxu.blogspot.com/2011/06/sinh-vien-tu-anh-tu-bi-uoi-hoc-khoi.html

Thursday, June 30, 2011

Thư cám ơn của Sinh viên Từ Anh Tú

Kính thưa các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước,

Kính thưa toàn thể quý vị và các bạn !

Tôi là Từ Anh Tú – Sinh viên bị đuổi học vì tìm hiểu tin tức trên mạng và ủng hộ phong trào dân chủ hóa cũng như bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc.

Trong thời gian qua tôi đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn, thư gửi đến thăm hỏi động viên từ toàn thể quý vị và các bạn không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. Vì vậy, tôi nghĩ rằng mình cần phải viết một điều gì đó để bày tỏ sự cảm ơn những tình cảm mà mọi ngư ời đã dành cho mình trong thời gian qua.

Thưa quý vị và các bạn !

Khi bị buộc thôi học, tôi đã nghĩ rằng mọi việc đã kết thúc nhưng những lời động viên, lời khuyên chân thành và sự ủng hộ của quý vị và các bạn trong thời gian qua đã giúp tôi hiểu rằng: mọi việc trong cuộc sống của tôi không phải đã kết thúc mà mới chỉ bắt đầu. Và dù bị buộc thôi học một cách phi lý nhưng giờ đây tôi không cảm thấy buồn chán hay thất vọng vì tôi vẫn giữ được bản chất sống của mình là sống làm sao cho cuôc sống có ý nghĩa và trách nhiệm đối với xã hội.

Bị buộc thôi học nhưng giờ tôi thấy thật sự thanh thản khi vẫn giữ và sống đúng với lương tâm của chính mình. Và quan trọng hơn tôi không làm ngơ và luôn quan tâm trước những bất công đang hiện hữu trong đời sống xã hội. Đó là sự bất công ngày một chồng chất hầu như không được giải quyết, tệ nạn tham nhũng ức hiếp dân lành ngày một trắng trợn, đạo đức xã hội ngày một suy đồi, lãnh hải lãnh thổ là xương là máu của ông cha để lại đang bị gậm nhấm, chủ quyền đất nước ngày một bị đe dọa nghiêm trọng … làm cho lòng tôi bồn chồn, lương tâm tôi day dứt. Là một con dân nước Việt khi đất mẹ đau thương không lẽ nào tôi không được quyền quan tâm và như quý vị đã biết lương tâm của tôi bị đe dọa, ngăn chặn dẫn đến bị một quyết định buộc thôi học trái đạo lý và pháp lý của ông Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn.

Con người ta sinh ra có cả phần xác và phần hồn tôi nhất định không để phần hồn bị tước đoạt như những người bị tước đoạt và biến thành một thứ công cụ vô tri, vô giác của kể ác. Sự việc xảy ra đối với tôi, làm tôi nhận thức rõ hơn, sâu sắc hơn về giá trị của dân chủ và nhân quyền, giá trị đa nguyên đa đảng một sản phẩm trí tuệ vô cùng quý giá của nhân loại. Chỉ có giá trị sản phẩm đó được hình thành trong XH người dân mới thục sự được làm chủ đất nước của mình, mới đem và soi ánh sáng vào nơi tăm tối, mới có công bằng văn minh, thì nhân dân mới có được tự do hạnh phúc thực sự, đất nước mới thoát khỏi tụt hậu, chủ quyền mới bảo vệ được.

Qua những dòng viết này tôi xin được bày tỏ lòng cảm ơn tới sự đồng cảm, ngậm ngùi ứa lệ chia sẻ của các bạn cùng lớp, cùng trường và các thầy cô giáo trong trường, những bà con hàng xóm đối với tai nạn lương tâm mà tôi đang phải gánh chiu có nguyên nhân gốc của nó mà tôi đã giải bày trên.Và tôi cũng xin bày tỏ sự cảm ơn đến quý vị, bạn bè thân hữu gần xa đã quan tâm chia sẻ động viên giúp đỡ tôi trong vụ tai nạn lương tâm này mà bản thân cũng như gia đình đang phải gánh chịu.

Tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm đặc biệt của các phóng viên đài RFA, CTM,.. giúp tôi lên tiếng, các trang web đã đăng tải những thông tin vụ việc tai nạn lương tâm đến với tôi.

Một lần nữa tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm chia sẽ, động viên, giúp đỡ của quý vị và các bạn.

Bắc Giang, ngày 29 tháng 06 năm 2011

Người bày tỏ cảm ơn !

Từ Anh Tú


_________


Một sinh viên trường y ở Việt Nam bị đuổi học vì hoạt động dân chủ


Một sinh viên trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên phổ biến trên internet đơn khiếu nại kêu cứu về việc bị nhà trường buộc phải thôi học vĩnh viễn và bị chính quyền khủng bố tinh thần sau khi anh đọc những bài viết về dân chủ và công khai cổ súy phong trào dân chủ trong nước. Trao đổi với Tạp chí Thanh Niên, sinh viên Từ Anh Tú từ Bắc Giang thuật lại câu chuyện của mình.
Sinh viên Từ Anh Tú
Sinh viên Từ Anh Tú
CỠ CHỮ

Anh Tú: Những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc tôi bị đuổi học xuất phát từ việc tôi đã đọc 4 bài viết trên mạng tại một quán nét trước cổng trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên. Tôi bị công an tạm giữ ngày 16/5.



Trà Mi: Bốn bài viết đó nội dung thế nào khiến bạn gặp rắc rối như vậy?


Anh Tú: Một bài viết về việc dân oan ở Vinh khiếu kiện, một bài về sinh viên Nguyễn Anh Tuấn công khai việc anh có những tài liệu liên quan tới Cù Huy Hà Vũ, một bài về cuộc đình công ở một nhà máy tại Hà nội, và một bài nói về vụ của ông Cù Huy Hà Vũ.



Trà Mi: Trước đó bạn có các hoạt động nào bị chú ý không?



Anh Tú: Cuối năm 2010, tôi tham gia viết, vẽ khẩu hiệu Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam (HS-TS-VN) tại một số nơi quanh các trường đại học, cao đẳng ở thành phố Thái Nguyên. Tôi cũng có một bài viết lên mạng kêu gọi mọi người tham gia hưởng ứng phong trào đó. Công an họ phát hiện, họ cũng bắt giữ, thẩm vấn tôi trong nhiều ngày.



Trà Mi: Ngoài việc tham gia vẽ khẩu hiệu HS-TS-VN, viết bài về Hoàng Sa-Trường Sa, và đọc 4 bài viết về dân chủ ‘nhạy cảm’ như vậy, bạn có những hoạt động nào khác nữa cũng có thể gây ra những khó khăn cho bạn hay không?



Anh Tú: Năm 2007, tôi cũng có đăng ký tham gia đảng Dân chủ thế kỷ 21 của ông Hoàng Minh Chính. Tôi cũng gặp gỡ một số nhà dân chủ hiện đã bị bắt ở tù như Trần Anh Kim.



Trà Mi: Những hoạt động bạn vừa cho biết là những hoạt động quan tâm đến dân chủ và muốn tham gia hòa mình vào phong trào dân chủ, một việc rất ‘nhạy cảm’ở Việt Nam. Lý do nào khiến bạn tiếp tục quan tâm đến những lĩnh vực này dù bạn đã gặp không ít khó khăn?



Anh Tú: Đó là các quyền cơ bản của con người. Tôi muốn mình có đầy đủ những quyền đó. Chính vì vậy, tôi muốn thực hiện và đấu tranh dân chủ cho Việt Nam. Những quyền cơ bản của con người cần phải được tôn trọng, nhưng nhiều khi họ áp đặt thái quá. Tôi muốn đấu tranh để dành lại những quyền đó.



Trà Mi: Ý thức đấu tranh, đòi hỏi, quan tâm đến dân chủ của bạn xuất phát từ khi nào?



Anh Tú: Có lần tôi được đi bầu quốc hội năm 2006, tôi thấy nó giống như một trò hề. Đa số mọi người đi bầu mà không biết mình bầu cho ai. Tôi nghĩ các hành động của tôi đã làm chính quyền sợ rằng tôi sẽ tuyên truyền cho rất nhiều những người khác, làm cho mọi người hiểu ra những quyền lợi cơ bản nhất của mình.



Trà Mi: Ngược lại, về phần mình, khi bạn có những hành động đó, bạn có sợ những hiểm nguy, rắc rối sẽ đến với bản thân mình thế nào không?


Anh Tú: Tôi ý thức rằng đến lúc họ phát hiện, họ sẽ gây khó khăn cho tôi, nhưng chắc chắn tôi sẽ không bao giờ dừng bước vì tôi muốn có một xã hội tự do và công bằng hơn.



Trà Mi: Nhưng để tiến tới những điều bạn vừa nói, đã có không ít người phải hy sinh. Gương của các nhà dân chủ, kết cục của họ như thế nào, Tú có biết điều đó không? Khi quan tâm đến vấn đề này, suy tư, trăn trở nhất của bạn là gì?


Anh Tú: Tôi hoàn toàn ý thức được rằng có thể một ngày nào đó mình cũng sẽ như những người đó, nhưng khát vọng đấu tranh cho một xã hội tự do-công bằng luôn cháy bỏng trong tâm trí tôi. Chính vì vậy, tôi sẽ tiếp tục.



Trà Mi: Có thể nói trăn trở lớn nhất của bạn không phải là những khó khăn mà bạn có thể gặp phải, mà chính là làm thế nào để nền dân chủ Việt Nam được cải thiện hơn. Ngoài việc bị buộc thôi học, còn những sự việc nào xảy ra với bạn sau khi bạn có các hoạt động liên quan tới dân chủ?



Anh Tú: Công an gây rất nhiều sức ép lên gia đình tôi, đưa ra những lời đe dọa đến  gia đình. Tôi đã phải làm việc rất nhiều lần với chính quyền. Còn về phía nhà trường, sau khi nhận được quyết định bị buộc thôi học, tôi có làm đơn khiếu nại. Trường có mời tôi lên gặp một buổi vào ngày 24/6.


Trà Mi: Những vấn đề họ đặt ra, những yêu cầu mà phía nhà trường và chính quyền đề ra với bạn là gì?


Anh Tú: Xoay quanh 2 vấn đề, một là đơn khiếu nại của tôi. Tôi yêu cầu hiệu trưởng phải nói rõ tôi đã vi phạm điều gì trong các khoản 6,7,8 (những điều học sinh-sinh viên không được làm). Thứ hai, tôi cũng yêu cầu hiệu trưởng phải hủy quyết định buộc tôi thôi học.



Trà Mi: Họ hồi đáp yêu cầu của bạn thế nào?


Anh Tú: Họ nói tôi có thắc mắc gì hãy đến cơ quan an ninh điều tra Thái Nguyên. Họ chỉ biết là tôi đã vi phạm.



Trà Mi: Trong văn bản chính thức buộc bạn thôi học, họ ghi lý do thế nào?



Anh Tú: Họ nói tôi vi phạm điều 6, 7, 8 trong quy chế những điều học sinh-sinh viên không được làm.



Trà Mi: Trong những buổi làm việc với chính quyền, họ có nói bạn vi phạm điều gì cụ thể không?


Anh Tú: Họ bảo tôi vi phạm điều 88, tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam.



Trà Mi: Đối với những người vi phạm điều 88, nếu có đầy đủ chứng cớ, cơ sở kết luận, thì họ truy tố. Đó là điều thường thấy ở Việt Nam. Còn đối với trường hợp của bạn, họ nói thế nào?



Anh Tú: Họ thường nói muốn tiếp tục tạo điều kiện cho tôi được học và trở thành một người tốt hơn.



Trà Mi: Điều họ nói là ‘tạo điều kiện cho bạn học tập’ với quyết định buộc bạn thôi học, bạn hiểu thế nào về sự mâu thuẫn này? Và bạn có tìm lời giải đáp từ phía những người hữu trách không?



Anh Tú: Họ nói tôi đã nhiều lần vi phạm, không thể sửa đổi được. Họ nói tôi đang được sống trong một môi trường xã hội chủ nghĩa do đảng cộng sản lãnh đạo, thì phải theo đảng cộng sản, không được chống lại.



Trà Mi: Điều 88 quy định ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’ là một cái tội. Những việc bạn làm bị quy vi phạm điều 88, quan điểm cá nhân của bạn ra sao?



Anh Tú: Những việc tôi làm hoàn toàn đúng pháp luật. Tôi chỉ đấu tranh cho một xã hội tự do hơn, công bằng hơn. Luật pháp Việt Nam cũng không cấm người ta bàn luận về chính trị. Giữa hiến pháp và điều 88 có sự mâu thuẫn rất lớn. Hiến pháp thì nói người ta có quyền đọc và tự do tìm hiểu thông tin trong khi điều 88 lại quy định cụ thể rằng không được tuyên truyền chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa. Tôi nghĩ làm việc gì cũng phải đặt lương tâm của mình lên hàng đầu. Tôi làm những việc đó theo đúng lương tâm và trách nhiệm của mình đối với tổ quốc. Chính họ, chứ không phải tôi, là người vi phạm. Quyền tự do tìm hiểu, trao đổi thông tin là những quyền cơ bản nhất của con người. Chính quyền không được cấm người ta đọc hay ép buộc người ta theo một lề lối nào đó. Tôi đang đấu tranh cho sự tự do của đất nước Việt Nam và tôi hy vọng sẽ có nhiều người cùng tôi đấu tranh cho một đất nước Việt Nam tự do và dân chủ hơn. Xã hội dân chủ hơn sẽ không gây hại cho bất kỳ ai, kể cả đảng cộng sản. Tôi không chắc tôi sẽ được ở ngoài hay vào tù trong thời gian nữa. Nhưng dù ở tù hay ở ngoài, tôi sẽ vẫn tiếp tục con đường đấu tranh cho một đất nước Việt Nam tự do, dân chủ hơn. Đó là sự lựa chọn của tôi. Khi đấu tranh cho việc chung lớn hơn, mình sẽ phải hy sinh những cái tôi cá nhân của bản thân mình.



Trà Mi: Bạn dự định thế nào cho tương lai khi mà giờ đây con đường học vấn của bạn đang gặp trở ngại?



Anh Tú: Chắc chắn tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới, nhưng mình phải vượt qua thôi. Cũng có một số người muốn giúp tôi về công việc, nhưng tôi vẫn còn đang suy nghĩ.


Sự ủng hộ từ công luận


Sau khi đơn khiếu nại của Anh Tú được công khai trên các trang mạng internet, nhiều người đã bày tỏ sự ủng hộ đối với người sinh viên năm hai trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên này. Trong số này có cụ bà Lê Hiền Đức, một tiếng nói khẳng khái chống tiêu cực được nhiều người biết đến và cũng là một cựu giáo chức 30 đóng góp trong ngành giáo dục Việt Nam:

“Tôi Lê Hiền Đức, 80 tuổi, rất quan tâm đến vấn đề tiêu cực trong ngành giáo dục Việt Nam. Tôi nghĩ không phải 1 cháu Tú, mà hàng ngàn, hàng triệu sinh viên vào mạng đọc tài liệu. Chính tôi cũng đọc. Còn như thế nào là lề trái, lề phải, tôi không bàn luận. Các cháu có quyền tìm hiểu mọi thông tin trên mạng, nhưng nó có làm gì phản động hay không. Đấy mới là chuyện. Chứ còn đọc mà vi phạm thì bây giờ đừng cho nối mạng, cấm hết tất cả đi. Ngay cháu Nguyễn Anh Tuấn còn tự thú rằng đã đọc và lưu trữ tài liệu này kia cơ mà. Còn cháu Tú có thể không biết cách tự thú, chứ nếu biết, tôi chắc cháu cũng tự thú thôi. Đuổi một em để làm tiếng chuông báo cho các em khác đừng làm theo, tôi thấy bất công quá. Tôi bức xúc là vì chuyện đuổi học em Tú.”

Ngoài sự chia sẻ về tinh thần, sinh viên Từ Anh Tú cũng nhận được nhiều đề nghị giúp đỡ từ những người đồng cảm, trong đó có ông Hoàng Văn Trung, chủ một doanh nghiệp về kỹ thuật ở Hà Nội. Ông Trung đã mời Anh Tú về làm việc cho công ty mình. Ông nói:

“Tôi chỉ đứng góc độ là một quan sát viên, một người cảm tình. Tôi rất phục cái tâm của em Tú. Hành động của em cần để mọi người học tập. Tôi muốn giúp đỡ em, mời em đến doanh nghiệp tôi làm. Tôi rất cảm kích những con người dân chủ đã hy sinh quyền lợi cá nhân để làm việc lợi ích cho dân, cho nước. Tôi rất quý trọng họ. Em là một trí thức trẻ mà em có nhận định như vậy là đúng. Xã hội này là đúng như thế. Hệ thống cộng sản này thiết lập một nhà nước độc tài quá, càng ngày càng làm dân khổ. Tôi thấy cần phải có thay đổi, cần có lớp trẻ làm việc đấy. Thực tế em chỉ có tư tưởng ôn hòa thôi. Em không phải là người dùng bạo lực làm gì thiệt hại tới ai cả. Tư tưởng thế là tốt. Xã hội cần đổi mới tốt lên cần phải có những người đối kháng. Những người trẻ dám nghĩ, dám làm như thế, tôi rất phục. Điều 88 của nhà nước chẳng qua để chụp mũ cho mọi người khiếp sợ. Những người hiểu biết thì họ không sợ, như luật sư Cù Huy Hà Vũ đấy. Nếu họ sợ thì họ đã không làm. Ông Vũ dũng cảm làm điều như thế, mọi người vẫn ủng hộ ông. Bao nhiêu bức xúc vì bao nhiêu cái hệ thống cộng sản đã đem lại cho cả dân tộc. Những người có lương tâm với dân tộc, với đất nước, không ai không đồng lòng, ít nhiều trong tư tưởng, chưa kể tới hành động. Không được vùi dập một thanh niên có tư tưởng tốt cho dân tộc, dân chủ như thế. Đất nước vẫn còn nhiều thanh niên như thế thì tương lai nước mình sẽ tốt lên.”



Câu trả lời từ giới hữu trách


Giới hữu trách liên quan tới việc đuổi học sinh viên Anh Tú cả phía nhà trường và phía chính quyền đều từ chối bình luận. Cô Nông Hoàng Gia, thành viên trong Hội đồng Kỷ luật của trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên, nói:

“Việc này mời chị đến trường. Chúng tôi cũng chỉ là cán bộ ở trường. Trả lời việc này chính xác phải là những người có trách nhiệm.”

Thầy Hoàng Việt Ngọc, thuộc Phòng Quản lý học sinh-sinh viên của trường, cũng từ chối khéo:

“Cái này đến trường tôi trả lời chị nhé.”

Hỏi thăm một trong những người chỉ đạo việc bắt giữ và thẩm vấn sinh viên Anh Tú là công an Dương Văn Tuấn, Trà Mi cũng nhận được hồi đáp tương tự:

“Tôi chỉ trả lời những ai đến đây làm việc trực tiếp với tôi thôi nhé.”

Quý thính giả có ý kiến ra sao về trường hợp của sinh viên Từ Anh Tú? Xin chia sẻ với Tạp chí Thanh Niên trên website: www.voatiengviet.com. Các bạn trẻ muốn trực tiếp tham gia những chủ đề thảo luận trên Tạp chí Thanh Niên của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, xin email số phone về vietnamese@voanews.com. Trà Mi sẽ liên lạc mời các bạn góp tiếng. Tạp chí Thanh Niên xin tạm dừng tại đây để hẹn tái ngộ cùng quý vị vào giờ này, tuần sau.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét