+++++++++++++
WESTMINSTER (NV) -Ba bản công điện của Tòa Ðại Sứ Mỹ năm 2010, ngay sau khi xảy ra vụ đàn áp Công Giáo ở Ðồng Chiêm, cho thấy phía Mỹ đánh giá hành xử của nhà cầm quyền Việt Nam như côn đồ.
Giáo dân Ðồng Chiêm dựng một Thánh giá bằng tre để thay thế Thánh giá bị nhà cầm quyền triệt hạ. (Hình: Vietcatholic.net)
Vụ Ðồng Chiêm được xem là quan trọng tới mức đại diện Bộ Ngoại Giao Mỹ qua Việt Nam đã tiếp tục nhắc lại.
Bản công điện của Tòa Ðại Sứ Mỹ ngày 12 tháng 1, 2010 và bị Wikileaks tiết lộ, cho thấy Tòa Ðại Sứ Mỹ bày tỏ sự quan ngại về hành động đàn áp Công Giáo ở Ðồng Chiêm.
Hàng trăm công an và côn đồ phá sập Thánh giá ở giáo xứ Ðồng Chiêm, giáo phận Hà Nội, ngày 6 tháng 1, 2010. Các nguồn tin Công Giáo đáng tin cậy nói người ta đã dùng lựu đạn cay để giải tán giáo dân và đến 12 người bị thương. Giáo phận ở Hà Nội gọi việc triệt phá Thánh giá là “phạm thánh” và mô tả hành động đàn áp giáo dân là “hành động man rợ và bất nhân.” Nhà cầm quyền địa phương và Bộ Công An thì nói giáo xứ Ðồng Chiêm đã vi phạm pháp luật khi dựng Thánh giá trên đất công nên họ có quyền thi hành pháp luật cũng như chối không có dùng bạo lực đàn áp giáo dân.
Bức công điện nói tham tán chính trị của Tòa Ðại Sứ Mỹ nói với cầm quyền Việt Nam là họ có tin tức đáng tin cậy là công an đã dùng bạo lực và khuyến cáo nhà cầm quyền Hà Nội đừng nên làm phức tạp thêm cho các nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước. Ðại sứ Mỹ lập lại điều này khi ăn trưa với thứ trưởng Bộ Công An ngày 13 tháng 1, 2010. “Theo nguồn tin trong Giáo hội Công Giáo,” bức công điện viết, “vào khoảng 2 giờ sáng ngày 6 tháng 1, 2010, từ 600 đến 1,000 công an, an ninh, và 'côn đồ' địa phương, một số võ trang với súng, gậy, lựu đạn cay, chó của cảnh sát, vây các giáo xứ Nghĩa Ái, Túy Hiền và Ðồng Chiêm.” Công điện cho biết:
“Họ chận đường lên Núi Thờ (gần xã An Phú thuộc huyện Mỹ Ðức, Hà Nội) và bắt đầu triệt hạ Thánh Giá. Giáo dân Ðồng Chiêm yêu cầu lực lượng công an ngừng lại nhưng không được.”
Nhóm người này, được công điện gọi chung là “công an/an ninh/cá nhân có vũ trang,” quây quanh chân núi và bắn lựu đạn cay vào một số giáo dân. “Khoảng 12 giáo dân bị đánh trong đó 2 người bị thương nặng phải đi bệnh viện,” công điện cho biết. Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội ra bản tuyên bố xác định là chủ ngọn núi và gọi hành vi triệt hạ Thánh Giá là một hành động “phạm thánh.” Ngày 8 tháng 1, công điện nói: “10 giám mục ở miền Bắc ra bản tuyên bố gọi việc triệt hạ Thánh giá và đàn áp giáo dân là 'hai cách của chính sách mà nhà cầm quyền sử dụng để giải quyết các tranh chấp tôn giáo.'”
Cũng ngày hôm đó, Ủy Ban Nhân Dân huyện Mỹ Ðức phản bác lại là Thánh giá đã được xây dựng bất hợp pháp từ tháng 3 năm 2009. Bộ Công An gọi điện thoại mời Tham Tán Chính Trị Tòa Ðại Sứ Mỹ gặp Ðại Tá Châu, công điện nói. Cuộc gặp mặt diễn ra ngày 10 tháng 1, 4 ngày sau vụ Ðồng Chiêm.
Ðại Tá Châu muốn “đính chính” các tin tức loan truyền tại Việt Nam và hải ngoại qua các nguồn thông tin nhằm “vu cáo” nhà cầm quyền và thành tích cải thiện tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Ðại Tá Châu không tự nói, mà đọc một tờ giấy mà ông nói đã được lãnh đạo Bộ Công An thông qua, để cung cấp quan điểm “chính thức”: Ông nói giáo xứ Ðồng Chiêm đã dựng Thánh giá hồi tháng 3, 2009 với sự yểm trợ của Giáo Hội Công Giáo trên đất thuộc thẩm quyền địa phương. “Hành vi trái phép” này vi phạm các luật lệ của Việt Nam. Ông này nói cha xứ địa phương đã cầm đầu hàng trăm tu sĩ, nữ tu, giáo dân chống nhà cầm quyền địa phương và nhà cầm quyền không dùng bạo lực để giải tán. Chỉ có 2 người bị thương nhẹ mà lại là hậu quả của sự xô xát giữa những người đó và người đứng xem.
Tham tán chính trị Tòa Ðại Sứ Mỹ trả lời là có các tin đáng tin cậy cho biết công an dùng bạo lực nhưng Ðại Tá Châu phủ nhận. Tham tán nói chính phủ Việt Nam có quyền bảo vệ pháp luật. Ðại diện tòa đại sứ lưu ý là thái độ của Hoa Thịnh Ðốn rất buồn khi thấy nhân quyền ở Việt Nam xấu đi thời gian gần đây, đặc biệt hai vụ Ðồng Chiêm và tu viện Bát Nhã ở Lâm Ðồng xảy ra gần với nhau.
Bản công điện kết luận là không tin những lời Ðại Tá Châu nói công an không dùng bạo lực cũng như không gây thương tích cho giáo dân.
Tuy nhiên, bản công điện nói rằng ở lúc này còn sớm để biết chắc vụ việc Ðồng Chiêm là tôn giáo hay tranh chấp đất đai. Bản công điện ký tên Ðại Sứ Michalak nói nghi ngờ vụ việc trộn lẫn cả hai. Dù sao, cách thức giải quyết vụ việc của nhà cầm quyền, từ Bát Nhã đến Ðồng Chiêm đều có tính cách “côn đồ,” đe dọa làm lu mờ các tiến bộ đã đạt được ở những lãnh vực tự do tôn giáo quốc tế khác, ông viết.
Hai tuần sau vụ Ðồng Chiêm, bức công điện ngày 20 tháng 1, 2010 của Ðại Sứ Michalak gửi về Washington nhận định vụ đàn áp Bát Nhã (cuối năm 2009) và vụ Ðồng Chiêm có dấu hiệu như nằm trong chiến dịch đàn áp nhân quyền khi gần đến dịp chuẩn bị cho Ðại Hội Ðảng vào đầu năm 2011. Tuy nhiên, công điện này nhận định rằng cả hai vụ việc căn bản là tranh chấp đất đai nên không hội đủ tiêu chuẩn được qui định bởi đạo luật có từ năm 1998 (International Religious Freedom Act).
Vụ Ðồng Chiêm được nhắc lại trong phiên họp giữa Nguyễn Bá Hùng, vụ trưởng Vụ Mỹ Châu của Bộ Ngoại Giao CSVN với ông Scot Marciel, phụ tá thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ, theo công điện 10 tháng 2, 2010. Ông Marciel tái xác nhận sự cam kết về bang giao với Việt Nam nhưng lưu ý ông Hùng là những vụ bỏ tù các người bất đồng chính kiến, sự giải quyết các vụ Bát Nhã và Ðồng Chiêm kém cỏi, có thể dẫn đến các nghi ngờ về sự cam kết cải cách của Việt Nam về một nhà nước pháp quyền.
Ðón đọc ngày mai: Bí thư Thanh xử Thiếu tướng Thanh
Liên lạc tác giả: NamPhuong@nguoi-viet.com
....
TríchBài : Ở Ðồng Chiêm, nhà nước hành xử như côn đồ
Nam Phương/Người Việt
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=137786&z=321
VIDEO : http://www.youtube.com/watch?v=e1Mr6GbWluI&feature=player_embedded
++++++++++++
Cuộc vận động đưa VN trở lại danh sách CPC
Theo công luận quốc tế và giới truyền thông hải ngoại thì quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo tại Việt Nam bị hạn chế, bị kiểm soát gắt gao, chỉ những tôn giáo do nhà nước dựng lên và quản lý mới được hoạt động.
Photo courtesy of wordpress.com
Ông Nguyễn Tấn Lạc tại buổi lễ ra mắt Ủy Ban Vận Động CPC
Vậy tại sao Hà Nội không bị Hoa Kỳ đưa tên vào danh sách CPC, tức là những quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo? Đỗ Hiếu trao đổi với ông Nguyễn Tấn Lạc, Điều Hợp Viên Ủy Ban Vận Động Đưa CSVN Trở Lại Danh Sách CPC, từ California.
- Lý do
Đỗ Hiếu: Xin ông cho biết về mục đích, thành phần nhân sự và hoạt động của Ủy Ban Vận Động CPC?
Ông Nguyễn Tấn Lạc: Ủy Ban Vận Động CPC được thành lập với mục đích chính là tranh đấu cho tự do tôn giáo. Ủy ban vận động đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC vì đây là một mục tiêu tranh đấu gần cận nhất có thể đạt được, để vận động Bộ Ngoại Giao hay quốc hội Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở vào danh sách CPC, làm áp lực với Việt Nam phải tôn trọng tự do tôn giáo. Về thành phần nhân sự thì chúng tôi có rất nhiều các vị cố vấn tại Vùng Hoa Thịnh Đốn cũng như các nơi khác, rất quen thuộc, là những vị nhân sĩ, giáo sư trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Chúng tôi bắt đầu chính thức hoạt động ngày 12 tháng 12, 2010, ngày ra mắt Ủy Ban tại Nam California. Xin nhắc lại mục đích chính của chúng tôi là để vận động và tranh đấu cho tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Đỗ Hiếu: Theo ông vì sao Hà Nội không bị Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đưa tên vào danh sách CPC?
Ông Nguyễn Tấn Lạc: Sở dĩ kỳ này Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chưa đưa Việt Nam vào lại danh sách CPC, là không ngoài quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ, vì Hoa Kỳ muốn duy trì mới quan hệ gần cận với Việt Nam, khuyến khích, giúp Việt Nam đẩy mạnh sự thay đổi trong nước. Đó là điều không có gì ngạc nhiên, vì quyền lợi của Hoa Kỳ, mặc dù Bộ Ngoại Giao Mỹ nhìn nhận là còn rất nhiều vấn đề vi phạm tự do tôn giáo cũng như về nhân quyền ở Việt Nam.
Hoa Kỳ chưa đưa Việt Nam vào lại danh sách CPC, điều đó dễ hiểu, nhưng chúng tôi nhìn thấy rằng, đúng ra Bộ Ngoại Giao hay chính phủ Hoa Kỳ thấy quyền lợi của Hoa Kỳ cũng là quyền lợi của nhân dân Việt Nam, mà người dân Việt Nam đã bị cộng sản cai trị dưới một chế độ độc tài suốt ba phần tư thế kỷ qua, người dân không hề được hưởng quyền tự do căn bản, mà trong đó tự do tôn giáo là cái quyền cao nhất, thiêng liêng nhất thì đáng lẽ ra Hoa Kỳ nên đưa Việt Nam trở lại CPC.
Sau khi đã cho ra khỏi danh sách này mấy năm, sự vi phạm tự do tôn giáo vẫn còn và rất trầm trọng, mỗi ngày một nhiều hơn. Quan niệm của Hoa Kỳ không sai, nhưng cũng nên cân nhắc rằng quyền lợi của nhân dân Việt Nam là quan trọng, trong mối bang giao giữa hai nước, chứ không phải là quyền lợi của đảng cộng sản Việt Nam, hay là nhà cầm quyền Việt Nam.”
- Kết quả
Đỗ Hiếu: Như vậy, công cuộc vận động của cộng đồng Người Việt hải ngoại và của Ủy Ban vận Động CPC có hy vọng đạt được kết quả như mong muốn hay không?
Cuộc đi bộ vì tự do tôn giáo Việt Nam tại California sáng 24/01/2010. Photo courtesy of danviet.de
Ông Nguyễn Tấn Lạc: Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn, dù Bộ Ngoại Giao Mỹ không đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC, nay chúng tôi vẫn còn tiếp tục vận động Bộ Ngoại Giao để xét lại việc này. Chúng tôi rất đồng ý với ông Chủ Tịch Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ, cũng như dân biểu Ed Royce, dân biểu Sanchez và nhiều dân biểu khác đều nhìn nhận rằng quyết định vừa rồi của Bộ Ngoại Giao là một sai lầm, vì thế chúng tôi phải đẩy mạnh công cuộc vận động một lần nữa, mong rằng Bộ Ngoại Giao Mỹ sẽ xét lại, hay ít ra cũng có một số biện pháp làm áp lực buộc Việt Nam phải tôn trọng tự do tôn giáo một cách đúng đắn để cho người dân trong nước được hưởng quyền tự do tôn giáo thực sự và những quyền tự do căn bản khác.
Đỗ Hiếu: Nếu không bị Washington đưa vào lại danh sách CPC thì có cách nào khuyến cáo nhà cầm quyền Việt Nam, để yêu cầu họ cho các tôn giáo chân chính được sinh hoạt thật sự tự do?
Ông Nguyễn Tấn Lạc: Nếu Hoa Kỳ không đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC, tôi nghĩ là Bộ Ngoại Giao vẫn có thể áp dụng những biện pháp khác, trong đó có những khuyến cáo hay những đòi hỏi, vẫn có thể làm được, yêu cầu Việt Nam phải tôn trọng, cải thiện quyền tự do tôn giáo, bằng nhiều cách khác nhau.
Đó là tùy theo sự khéo léo về ngoại giao qua vị đại sứ mới, có những khuyến cáo hay biện pháp đòi hỏi Việt Nam phải cho các tôn giáo thực sự đã có ở Việt Nam, hàng mấy nghìn năm qua, trước khi có đảng cộng sản, được tự do hoạt động. Những tôn giáo đã có từ lâu đời ấy, trước khi hoạt động đều phải xin phép nhà cầm quyền Việt Nam, là điều rất phi lý.
Hoa Kỳ vẫn có thể áp dụng một số biện pháp nếu như chưa muốn đưa Việt Nam vào lại CPC, đã có dự trù từ những khuyến cáo này đến khuyến cáo khác, và cần nhấn mạnh rằng quyền lợi của Hoa Kỳ và quyền lợi của người dân Việt Nam là tối thượng và chính phủ Việt Nam cần phải lắng nghe tiếng nói của người dân trong nước, cũng như những khuyến cáo từ chính phủ Hoa Kỳ mà chấm dứt những hành vi đàn áp tôn giáo trong nước.
Dù được che đậy dưới bất cứ hình thức khéo léo gì, như các vụ lấy đất của Nhà Thờ để dùng vào những mục đích khác, hay ngăn cản sinh hoạt tôn giáo, bắt các tôn giáo lúc nào cũng phải xin phép, trình báo nội dung những buổi lễ cầu nguyện. Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ cần lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa, điều đó sẽ buộc Việt Nam phải thi hành chính sách tự do tôn giáo một cách đúng đắn.
Đỗ Hiếu: Xin cám ơn ông Nguyễn Tấn Lạc, Điều Hợp Viên, Ủy Ban Vận Động Đưa Cộng Sản Việt Nam Trở Lại Danh Sách CPC đã dành thời giờ cho đài chúng tôi.
Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/campaign-put-vn-back-cpc-list-dh-09282011162549.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét