Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

1 Tổ chức quốc tế ra thông cáo yêu cầu Việt Nam chấm dứt việc đàn áp các nhà hoạt động tôn giáo và trả tự do cho 15 người vừa bị bắt gần đây . Họ cho rằng "Hành động của chính quyền đối với những nhà vận động tự do tôn giáo một cách ôn hòa nói trên là một chỉ dấu khá rõ về tình trạng vi phạm nhân quyền đang gia tăng ở Việt Nam".



Và lá thư của 1 bạn trẻ gửi Chủ tịch của Ủy ban Công lý & Hòa bình, Đức Cha Nguyễn Thái Hợp : “Tại sao Cha lại im lặng?” . Những ngày này, người giáo dân nhớ lắm hình ảnh người mục tử can trường Giuse Ngô Quang Kiệt trong những ngày khó khăn nhất tại Khâm sứ – Thái Hà, đã không quản ngài tới thăm các gia đình có người thân bị bắt, đồng thời an ủi họ bằng câu nói nổi tiếng: “Nếu có ai bị bắt vì cầu nguyện, tôi sẽ đi tù thay họ”.



+++++++++++++



Reuters
Thanh Phương

Hôm nay, 30/9/2011, tổ chức bảo vệ nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch ra thông cáo yêu cầu Việt Nam chấm dứt việc đàn áp các nhà hoạt động tôn giáo và trả tự do cho 15 người vừa bị bắt gần đây. Theo Human Rights Watch, các vụ bắt bớ, chủ yếu nhắm vào các tín đồ Công giáo có quan hệ với Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, là một vết đen nữa về mặt tự do tôn giáo của Việt Nam.



Đợt bắt bớ này bắt đầu từ ngày 30/7/2001, với việc công an bắt 3 nhà hoạt động Công giáo tại sân bay Tân Sơn Nhất khi họ vừa từ nước ngoài trở về. Trong 7 tuần tiếp theo, chính quyền đã bắt thêm 12 người. Cho đến thời điểm này, 10 người trong số họ đã bị khởi tố về tội « hoạt động nhằm lật đổ chính quyền », chiếu theo điều 79 bộ Luật Hình sự Việt Nam.



Trong số những người đang bị giam, có anh Lê Văn Sơn, tức blogger Paulus Lê Sơn, bị bắt tại Hà Nội một ngày sau vụ xử phúc thẩm tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ ngày 2/8, sự kiện mà anh đã đến tận nơi theo dõi và đã tường thuật trên trang blog của mình. Một blogger nổi tiếng khác là bà Tạ Phong Tần thì bị bắt ngày 5/9 sau khi đăng bài phân tích tính chất tuỳ tiện và trái pháp luật của việc bắt giữ anh Lê Văn Sơn. Người cuối cùng bị bắt là anh Trần Vũ Anh Bình, bị bắt ngày 19/9 ở Sài Gòn và cho tới giờ vẫn chưa biết lý do của vụ bắt giữ này.



Theo lời ông Phil Robertson, Phó giám đốc đặc trách châu Á của Human Rights Watch, cho rằng : "Hành động của chính quyền đối với những nhà vận động tự do tôn giáo một cách ôn hòa nói trên là một chỉ dấu khá rõ về tình trạng vi phạm nhân quyền đang gia tăng ở Việt Nam".


Trong bản thông cáo, Human Rights Watch cũng đã nhắc lại vụ Linh mục Phạm Trung Thành, Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, ngày 10/7 vừa qua đã bị cấm xuất cảnh khi ông đến sân bay Tân Sơn Nhất để đi dự một hội nghị tôn giáo ở Singapore, nhưng công an không giải thích lý do vì sao vị linh mục này lại bị xếp vào diện « chưa được xuất cảnh ». Hai ngày sau đó, một lãnh đạo khác của Dòng Chúa Cứu Thế là Linh mục Đinh Hữu Thoại cũng bị cấm xuất cảnh ở cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh.


Tổ chức nhân quyền của Mỹ nhắc lại « tự do đi lại là quyền cơ bản của con người, được ghi rõ trong Hiến pháp Việt Nam và được bảo đảm bằng các công ươc quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã tham gia ».


Logo của tổ chức Human Rights Watch



Bài : HRW yêu cầu Việt Nam trả tự do cho các nhà hoạt động tôn giáo

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20110930-hrw-yeu-cau-viet-nam-tra-tu-do-cho-cac-nha-hoat-dong-ton-giao



+++++++++++++++




Thư của một bạn trẻ tân tòng gửi Đức cha Nguyễn Thái Hợp





LTS: Vừa đầy hai tháng kể từ ngày các bạn trẻ thanh niên Công giáo, đa số là giáo dân thuộc giáo phận Vinh, bị bắt, trong số đó, một số bị kết tội “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân theo điều 79 Bộ luật Hình sự”, số khác hiện nay vẫn bặt vô âm tín.



Những ngọn nến được một số giáo xứ thuộc giáo phận Vinh thắp lên hiệp thông với các nạn nhân không biết vì lý do gì đã ngừng cháy. Lời cầu nguyện mời gọi “viếng kẻ tù rạc” của đức tin bỗng nhiên trở nên xa lạ.


Những ngày này, người giáo dân nhớ lắm hình ảnh người mục tử can trường Giuse Ngô Quang Kiệt trong những ngày khó khăn nhất tại Khâm sứ – Thái Hà, đã không quản ngài tới thăm các gia đình có người thân bị bắt, đồng thời an ủi họ bằng câu nói nổi tiếng: “Nếu có ai bị bắt vì cầu nguyện, tôi sẽ đi tù thay họ”.


Những thanh niên công giáo bị bắt vừa qua, đa số thuộc giáo phận Vinh, có xứng đáng được sự lưu tâm chăm sóc, quan tâm của Giáo hội hay không? Câu hỏi của một bạn trẻ Bùi chu hôm nào gửi Đức Tổng Girelli: “Thưa Đức Tổng chúng con phải làm gì?” nghe đắng đót trong lòng.


Tâm sự ấy hôm nay lại một lần nữa được nói lên bởi một bạn trẻ tân tòng: “tại sao Cha lại im lặng?”, nghe còn chua xót hơn bội phần.


Xin gửi tới quý độc giả lá thư này để cùng hiệp thông chia sẻ với gia đình các nạn nhân và nhất là để cùng nguyện cho các vị lãnh đạo Giáo hội Việt Nam can đảm đối diện với sự thật hầu tìm ra một hướng đi cho Giáo hội Việt Nam hôm nay.


Kính thưa Đức Cha,


Trong lời đầu tiên của bức thư này, con kính gửi đến Cha lời chúc sức khỏe và bình an, thánh thiện trong hồng ân Thiên Chúa.


Trọng kính Đức Cha,


Con là một người tân tòng chưa đầy 1 năm tuổi, nhưng con đã rất tự hào vì mình được trở thành người Công giáo. Chúa đã cho mời gọi con và ban thần khí để con dám sống với sự thật và đối diện với chính mình.


Con cũng mới biết đến Cha từ lúc hay tin những anh em công giáo ở Vinh bị bắt. Con thật sự rất ngạc nhiên và thậm chí là hơi buồn khi thấy rằng: với vị trí Chủ tịch của Ủy ban Công lý & Hòa bình như hiện nay tại sao Cha lại im lặng? Có thể bằng nhiều hình thức thông tin và nguồn tin đến với Cha, có nhiều người cho rằng những người bị bắt giam đã “vi phạm pháp luật” (pháp luật của nhà nước ta hiện nay phục vụ lợi ích cho ai, cho nhóm người nào thì con nghĩ, ai cũng thấy cũng hiểu). Nhưng trong tinh thần hiệp thông của người Công giáo con nghĩ rằng: cho dù những người anh em này đã sai theo cách phán xét của chế độ này nhưng đã rất đúng tinh thần Kitô hữu là sống công chính là dấn thân cho sự thật!


Kính thưa Cha,


Có đêm nào trước khi ngủ ngài nghĩ đến những con chiên của ngài đang chịu đựng gian khổ nơi chốn lao tù? Thưa Cha, nếu giáo hội sơ khai cũng bỏ rơi những người anh em của chúng con khi bị giam cầm, tù tội bằng thái độ im lặng và dửng dưng của nhiều vị chủ chăn như hiện nay. Thì hôm nay, làm gì có một hệ thống giáo hội giàu có, sang trọng, quyền thế… để các Ngài rao giảng tình huynh đệ của Chúa Jesus chân đất?


Con đã từng hy vọng rằng biết đâu đó Cha đang âm thầm giải quyết việc bách hại những người công chính này thông qua con đường đối thoại trong những lần gặp gỡ thường xuyên với an ninh. Kết quả của việc này đi đến đâu con chưa được biết, nhưng trước mắt là việc lên tiếng hội thảo về biển đông vừa rồi của câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình phải bị hủy bỏ. Tại sao chúng ta phải im lặng trước những bất công của xã hội, trước những vấn nạn của quốc gia thưa Cha?


Kính thưa Cha,


Có rất nhiều băn khoăn quanh sự im lặng của Cha trước sự bách hại những người công chính hiện nay. Có người đã đặt ra câu hỏi rằng: sự hiệp thông trong giáo hội Việt Nam chưa có, bởi có nhiều người đang đặt lợi ích và cái tôi của cá nhân mình hơn là mục tiêu vì công lý, hòa bình và sự thật.


Trọng kính Cha,


Giáo hội Việt Nam đã được soi sáng bởi tình yêu và lòng công chính, mà tồn tại đến hôm nay. Lẽ nào chúng ta lại bỏ rơi những tín hữu Công giáo rơi vào vòng lao lý vì niềm tin vào công lý nhiệt thành?


Con kính chúc Cha luôn bình an và nhiệt huyết trong hồng ân Chúa Jesus và Chúa Thánh Thần.



Sài Gòn, 28.9.2011


Phaolo Nguyễn Hồ Nhật Thành

Nguồn: Paul Nguyen’s Facebook

http://www.nuvuongcongly.net/cong-ly/th%C6%B0-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%99t-b%E1%BA%A1n-tr%E1%BA%BB-tan-tong-g%E1%BB%ADi-d%E1%BB%A9c-cha-nguy%E1%BB%85n-thai-h%E1%BB%A3p/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét