Bắc Kinh là hai thành phố. Bên này là một thành phố của quyền lực và tiền bạc. Người ta chẳng quan tâm láng giềng họ là ai; họ chẳng bao giờ tin cậy bạn. Bên kia là một thành phố tràn trề tuyệt vọng. Tôi thấy họ trên những chiếc xe buýt công cộng, tôi nhìn vào đôi mắt của họ, và tôi thấy họ chẳng ôm ấp hy vọng gì. Thậm chí họ chẳng thể tưởng tượng nổi mình sẽ có khả năng mua được một căn nhà. Họ đến từ những ngôi làng nghèo xơ xác, nơi mà họ chẳng bao giờ thấy ánh đèn điện và giấy toa-lét.
Mỗi năm hàng triệu người đến Bắc Kinh để xây cầu, xây đường, và xây nhà cho nó. Mỗi năm họ xây thêm một Bắc Kinh có kích thước bằng thành phố này vào năm 1949. Họ là dân nô lệ của Bắc Kinh. Họ sống lây lất trong những cấu trúc bất hợp pháp mà Bắc Kinh sẽ hủy diệt vì nó cứ mãi bành trướng. Ai làm chủ nhà cửa? Những người trong chính quyền, các ông sếp mỏ than, các xì thẩu của những doanh nghiệp lớn. Họ đến Bắc Kinh để ban bố tặng phẩm – và kết quả là các nhà hàng, các quán karaoke, các phòng tắm hơi cứ thế mà giàu kếch sù.
Bắc Kinh bày tỏ với người ngoại quốc rằng họ có thể hiểu được thành phố này, rằng chúng tôi cũng có các công trình kiến trúc cùng loại: Tổ Chim, Tháp đài truyền hình Trung ương CCTV. Quan chức mặc com-lê và đeo cà-vạt như bạn nói rằng chúng ta chẳng khác gì nhau và chúng ta có thể làm ăn. Nhưng họ khước từ mọi quyền lợi cơ bản của chúng tôi. Bạn sẽ thấy nhiều ngôi trường dành cho dân nhập cư đã bị đóng cửa. Bạn sẽ thấy những bệnh viện nơi họ khâu vết thương cho bệnh nhân – và khi phát hiện bệnh nhân không có tiền họ sẽ lập tức tháo chỉ. Đây là một thành phố oa tàng bạo lực.
Điều tồi tệ nhất về Bắc Kinh là bạn không bao giờ có thể tín nhiệm hệ thống tư pháp. Không có tín nhiệm, bạn chẳng thể xác định được điều gì cả; nó giống hệt một cơn bão cát. Bạn không thể xem mình là một bộ phận của thành phố. Chẳng có nơi nào mà bạn có thể tạo dựng được quan hệ, chẳng có nơi nào mà bạn ưa đến viếng thăm. Không có ngõ ngách, khu vực nào được soi rọi bằng một loại ánh sáng nào đó. Bạn chẳng có ký ức gì về bất cứ một loại vật liệu, kết cấu, và hình thái nào cả. Mọi thứ luôn luôn thay đổi, theo ý nguyện của một kẻ nào đó, theo quyền lực của một kẻ nào đó.
Nếu muốn thiết kế Bắc Kinh cho hợp cách, bạn phải giành cho nó một khoảnh không gian để dung chứa nhiều sở thích, để cư dân có thể cộng tồn, để xã hội có được một thực thể hoàn chỉnh. Thành phố là nơi có thể cung ứng nguồn tự do tối đa. Nếu không, nó vẫn còn thiếu thốn.
Một góc Bắc Kinh, qua ống kính của Ngải Vị Vị, tháng Sáu năm 1994. Nguồn: Dainamax Magazine
Tôi cảm thấy ân hận khi nói rằng Bắc Kinh chẳng có nơi nào mà tôi ưa thích nhất cả. Tôi chẳng có ý định đi đâu trong thành phố này cả. Mọi nơi đều quá đơn giản. Bạn chẳng muốn nhìn người bộ hành bước qua vì bạn biết đích xác họ đang nghĩ gì. Không có tính hiếu kỳ. Và thậm chí không ai muốn lý luận với bạn.
Nghệ thuật của tôi chẳng có gì tượng trưng cho Bắc Kinh cả. Tổ Chim – tôi không bao giờ nghĩ đến nó. Sau Thế Vận Hội chẳng ai màng thảo luận về nó vì Thế Vận Hội không mang lại cho người dân niềm vui nào.
Bắc Kinh cũng có vài điều hay. Người ta vẫn sinh con. Vẫn còn một vài công viên đẹp. Tuần rồi tôi lang thang trong một công viên loại đó và có vài người đến trước mặt giơ hai ngón tay cái lên để tỏ ý khen hoặc vỗ vào vai tôi. Sao họ phải làm chuyện đó một cách lén lút như vậy? Không ai muốn lên tiếng. Họ đang chờ đợi gì vậy? Họ luôn luôn bảo tôi: "Vị Vị, xin hãy bỏ nước ra đi". Hoặc là "Cố sống lâu hơn để xem tụi nó chết nhé". Ra đi, hay kiên nhẫn và xem chúng chết như thế nào. Thực sự tôi chẳng biết mình sẽ làm gì.
Ngải Vị Vị phát hiện thủ đô Trung Quốc là một trại tù nơi con người bạo phát cuồng điên
Thử thách gian khổ đó đã khiến tôi nhận thức được rằng trên mảnh vải này còn có nhiều đốm điểm được dấu kín, nơi chúng nhốt người không có thân phận. Không tên tuổi, chỉ là một con số. Chúng chẳng quan tâm bạn sẽ đi về đâu, bạn đã phạm tội gì. Chúng nhìn thấy bạn hay chúng không nhìn thấy bạn, điều đó chẳng tạo nên một khác biệt nào thậm chí chỉ ở mức độ nhỏ nhất. Có cả hàng ngàn những đốm điểm đó. Chỉ có gia đình bạn kêu gào rằng bạn bị mất tích. Nhưng bạn sẽ không tìm được lời phúc đáp từ tổ dân phố hay quan chức, hay từ những tầng lớp cao cấp nhất, tòa án, công an, hay cả chủ tịch nước. Vợ tôi ngày nào cũng viết đơn thỉnh cầu, gọi điện thoại đến sở công an. Chồng tôi ở đâu? Làm ơn cho tôi biết chồng tôi ở đâu. Chẳng có giấy tờ, chẳng có tin tức gì cả.
Đặc tính mãnh liệt nhất của những nơi đó là chúng hoàn toàn bị chặt đứt và loại khỏi ký ức của bạn hay bất cứ thứ gì mà bạn từng quen thuộc. Bạn bị cô lập hoàn toàn. Và bạn không biết mình phải ở đó bao lâu, nhưng bạn tin chắc rằng chúng có thể làm bất cứ điều gì đối với bạn. Chẳng có cách nào thậm chí chỉ để chất vấn điều đó. Chẳng có gì bảo vệ cho bạn cả. Tại sao mình ở đây? Thời gian cứ chập chờn trong tâm trí bạn. Bạn trở nên như thể cuồng điên. Đây là một điều gian nan đối với bất cứ ai. Thậm chí đối với những người có tín niệm mạnh mẽ.
Thành phố này không phải là chuyện về những con người khác, về các công trình kiến trúc hay đường phố, mà chính là cấu trúc tâm linh của bạn. Nếu chúng ta nhớ những gì Kafka đã viết về Lâu Đài của ổng, chúng ta sẽ ý thức được điều đó. Thành phố thực sự chỉ là hoàn cảnh tâm linh. Bắc Kinh là một cơn ác mộng. Một cơn ác mộng vĩnh hằng.
N.V.V.
Nam Hải Trường Sơn theo The Newsweek Daily Beast
Nguồn: namhai-truongson.blogspot.com
–––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––
Trung Quốc kiểm duyệt bài viết của ông Ngãi Vị Vị trên Newsweek
Nhân vật bất đồng chính kiến Trung Quốc, nghệ sĩ Ngãi Vị Vị. Hình: REUTERS
Các giới chức kiểm duyệt ở Trung Quốc đã tìm cách loại bỏ một bài viết của ông Ngải Vị Vị, một nghệ sĩ bất đồng chính kiến nổi tiếng, bằng cách dùng tay xé các trang của bài viết này trên một tuần báo tin tức.
Bài viết, đăng trên số báo đề ngày 5 tháng 9 của tờ Newsweek, hối thúc người dân Trung Quốc lên tiếng chống lại điều mà ông gọi là chính quyền tước đoạt “các quyền cơ bản.” Ông cũng đả kích hệ thống tư pháp Trung Quốc là không đáng tin cậy.
Tuy nhiên, cho tới chiều thứ Sáu những người đọc tiếng Anh vẫn có thể đọc được bài viết này trên mạng, bất chấp sự kiểm duyệt internet vô cùng gắt gao của Trung Quốc.
Nhiều người tin rằng ông Ngải bị cấm không được nói chuyện với giới truyền thông hoặc rời khỏi Bắc Kinh sau khi được thả khỏi nhà giam hồi tháng 6. Nghệ sĩ nổi tiếng thế giới này bị bắt gần 3 tháng sau khi bị tố cáo về tội trốn thuế.
Vụ bắt giữ ông Ngải xảy ra trong lúc Trung Quốc tiến hành một đợt đàn áp những người bất đồng. Mấy mươi nhà hoạt động và luật sư đã bị bắt giam trong lúc những cuộc nổi dậy đòi dân chủ lan rộng tại các nước ở Trung Đông và Bắc Phi.
Các chính phủ Tây phương và các tổ chức nhân quyền đã lên án vụ bắt giữ ông Ngải Vị Vị. Họ nói rằng vụ này có động cơ chính trị và có mục đích trả đũa sự chỉ trích thẳng thắn của ông Ngải đối với các hành động của chính quyền.
Hồi đầu tháng này, ông Ngải đã nói chuyện với tờ Hoàn Cầu Thời báo tại xưởng vẽ của ông ở Bắc Kinh.
Ông cũng đăng một loạt phát biểu trên mạng xã hội Twitter trong đó ông lên án những hành vi tra tấn tinh thần và thể chất mà nhà chức trách Trung Quốc thực hiện với những người cộng sự bị bắt cùng lượt với ông.
Nguồn: voanews.com
http://boxitvn.blogspot.com/2011/09/bac-kinh-la-con-ac-mong-vinh-hang.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét