Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

Thượng Nghị Sĩ Mỹ sẽ đến Việt Nam và bàn về Biển Đông . Và Trung Quốc định dùng tàu sân bay xử lý tranh chấp lãnh thổ



Thượng Nghị Sĩ Mỹ Jim Webb sẽ đến Việt Nam và bàn về Biển Đông

Thượng nghị sĩ Jim Webb, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ (Reuters)


Trọng Nghĩa

Thượng Nghị Sĩ Mỹ Jim Webb, một nhân vật nổi tiếng với thái độ kiên quyết lên án việc chính quyền Trung Quốc dùng sức mạnh tại vùng Biển Đông sẽ lần lượt đi thăm 4 nước Thái Lan, Singapore Indonesia và Việt Nam, từ ngày 12/8 đến 25/8. Theo thông cáo báo chí, ông Jim Webb sẽ thảo luận về « các tranh chấp lãnh hải trong vùng Biển Đông », đồng thời với các vấn đề an ninh khu vực khác.

Hồ sơ Biển Đông và các hành động hung hăng của Trung Quốc gần đây được cho là sẽ nổi bật trong các buổi thảo luận của Thượng Nghị Sĩ Jim Webb nhân chuyến công du châu Á lần này.

Trong bản thông cáo báo chí được văn phòng của ông công bố hôm qua, 10/08/2011, vị Chủ Tịch tiểu ban Đông Á – Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ sẽ hội đàm với nguyên thủ quốc gia và giới chức đặc trách đối ngoại, thương mại và quốc phòng của các nước ông ghé thăm, cùng như là sẽ tiếp xúc với các nhà ngoại giao Mỹ, các học giả và giới lãnh đạo doanh nghiệp.

Theo hãng tin Pháp AFP, tại Thái Lan, Thượng Nghị Sĩ Jim Webb sẽ gặp cựu thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva, cũng như các quan chức trong nội các mới của tân thủ tướng Yingluck Shinawatra. Là yếu nhân Hoa Kỳ đầu tiên tiếp xúc với giới lãnh đạo mới tại Thái Lan, ông Webb sẽ đề cập đến triển vọng quan hệ Mỹ - Thái cũng như kết quả cuộc bầu cử vào tháng trước.

Tại Singapore, theo chương trình dự kiến, Thượng Nghị Sĩ Mỹ sẽ có buổi tiếp xúc với cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu, và thảo luận với giới lãnh đạo nước này về quan hệ song phương cũng như các nỗ lực của khu vực trong việc chống tệ nạn buôn người.

Vấn đề Trung Quốc gây căng thẳng với các nước láng giềng ở Biển Đông cũng sẽ nổi bật trong các cuộc thảo luận của ông Jim Webb tại Singapore về vấn đề chủ quyền trên biển. Hồ sơ này được cho là sẽ tiếp tục nổi bật trong các cuộc gặp gỡ của Thượng Nghị Sĩ Mỹ với giới lãnh đạo Indonesia và Việt Nam khi ông đến Jakarta và Hà Nội.

Thông cáo báo chí từ văn phòng Thượng Nghị Sĩ Jim Webb nói rõ là tại hai chặng Indonesia và Việt Nam, ông sẽ thảo luận về « các tranh chấp lãnh hải trong vùng Biển Đông », đồng thời với các vấn đề an ninh khu vực khác.

Cho đến nay, quan điểm cứng rắn của Thượng nghị sĩ Jim Webb đối với các hành động quyết đoán của Trung Quốc trong vùng Châu Á - Thái Bình Dương rất rõ ràng. Chính ông là một trong những người đề ra một nghị quyết phản đối Trung Quốc được Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua hồi tháng 6 vừa qua.

Văn kiện mang tính chất biểu tượng này đã lên án việc tàu hải quân và tàu hải giám của Trung Quốc sử dụng vũ lực trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông, và kêu gọi một giải pháp đa phương để giải quyết hòa bình tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải trong vùng.

Gần đây hơn, hồi thượng tuần tháng 8, Thượng Nghị Sĩ Webb cùng 11 người đồng viện, đã cùng lên tiếng yêu cầu Hoa Kỳ đình chỉ mọi khoản viện trợ phát triển cho Trung Quốc. Trong một bức thư gửi tới Ủy Ban ngân sách Thượng Viện Mỹ, 12 Thượng Nghị Sĩ ký tên đã yêu cầu cắt bỏ tất cả các khoản viện trợ phát triển mà Hoa Kỳ vẫn dành cho Trung Quốc.

Đối với các tác giả bức thư, không nên lấy tiền đóng thuế của dân Mỹ biếu không cho Trung Quốc khi mà Bắc Kinh đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và có khả năng giành ngôi vị số một của Hoa Kỳ trong thời gian tới đây.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20110811-thuong-nghi-si-my-jim-webb-se-den-iet-nam-trong-vong-cong-du-dong-nam-a


+++++++++++++


Trung Quốc định dùng tàu sân bay xử lý tranh chấp lãnh thổ

Trung Quốc cho chạy thử hàng không mẫu hạm Varyag (REUTERS)

Trọng Nghĩa

Hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc vừa được cho chạy thử vào hôm qua, 10/08/2011. Cho đến nay, Bắc Kinh luôn luôn xác định rằng tàu Varyag chỉ được dùng vào việc huấn luyện. Thế nhưng, một hôm sau khi chiếc Varyag được hạ thủy, Bắc Kinh đã gián tiếp đe dọa là có thể sử dụng chiếc tàu sân bay này trong các tranh chấp vùng biển.

Trong một bài viết đăng trên trang web Bộ Quốc phòng Trung Quốc, một biên tập viên cao cấp của tờ Giải Phóng Quân Báo, cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc đã không ngần ngại cho rằng chiếc tàu sân bay của Trung Quốc cần phải được dùng vào các chiến dịch bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Trên trang web mang tên jz.chinamil.com.cn, nhà báo này đã tự hỏi : “Đóng tàu sân bay để làm gì nếu chúng ta không có đủ dũng khí và quyết tâm sử dụng phương tiện này để xử lý các tranh chấp lãnh thổ ?”. Đối với phóng viên này : “Việc dùng tàu sân bay hay bất cứ loại tàu chiến nào để giải quyết tranh chấp là một điều hợp lý”.

Nhà báo của tờ Giải Phóng Quân Báo viết tiếp : “Lý do đóng tàu sân bay là để bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc trên biển một cách hiệu quả hơn. Chúng ta sẽ tự tin hơn và nhiều quyết tâm hơn trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ sau khi có được hàng không mẫu hạm”.
Lời lẽ đầy tính hăm dọa này đã trái người hẳn với các tuyên bố đầy tính trấn an của các giới chức lãnh đạo Trung Quốc từ trước đến nay khi nói về chiếc tàu này, theo đó thì họ chỉ dùng con tàu vào mục tiêu nghiên cứu và huấn luyện, và sự tồn tại của phương tiện chiến tranh mới này không hề thay đổi chính sách quốc phòng mà Bắc Kinh tự nhận là hiếu hòa.
Theo giới phân tích, bài viết này có thể được xem là một tín hiệu hù dọa mới của Trung Quốc nhắm vào các nước đang có tranh chấp với họ tại vùng Biển Đông như Việt Nam hay Philippines chẳng hạn, hay tại vùng biển Hoa Đông như Nhật Bản. Bắc Kinh từng mượn lời các phương tiện truyền thông trong tay họ để tung ra các tín hiệu hăm dọa nhắm vào Philippines hay Việt Nam trong thời gian gần đây.

Hãng tin Pháp AFP nhận định : báo chí hay các trang web nhà nước Trung Quốc luôn luôn được kiểm tra chặt chẽ, do đó bài viết được đăng tải hôm nay chắc chắn đã được thông qua ở cấp cao hơn, cho dù là không hẳn là phản ánh đúng quan điểm chính thống của Bắc Kinh.

Theo AFP, một số chuyên gia phân tích độc lập cho rằng Trung Quốc đang muốn lợi dụng việc chiếc tàu được hạ thủy để chơi trò chiến tranh tâm lý trong khu vực, vào lúc mà họ đang tranh chấp chủ quyền với hầu hết các nước có cùng một vùng biển với họ.

Dụng tâm của Trung Quốc lẽ dĩ nhiên, cũng được Hoa Kỳ theo dõi tìm hiểu. Vào hôm qua, Washington đã bày tỏ thái độ quan ngại trước vụ Trung Quốc hạ thủy tàu Varyag (mà tên Trung Quốc có thể là Thi Lang) với danh nghĩa là cho chạy thử.

Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ, bà Victoria Nuland đã cho rằng cần phải hiểu rõ vì sao Trung Quốc cần đến một phương tiện như hàng không mẫu hạm. Đối với phía Mỹ, vấn đề đáng quan ngại vì Trung Quốc thiếu minh bạch trong lãnh vực quốc phòng, trong việc trang bị vũ khí cũng như trong ngân sách quân sự của họ.

Vào lúc Trung Quốc khai trương chiếc tàu sân bay đầu tiên của họ ở phía bên Hoàng Hải và bắn tiếng hù dọa các láng giềng, Hoa Kỳ đã cho hàng không mẫu hạm của mình đến Biển Đông tập luyện, thậm chí ghé cảng một số nước Đông Nam Á.

Chiếc tàu sân bay nguyên tử George Washington, biểu tượng của hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ hiện đang ghé cảng Thái Lan trong một chuyến viếng thăm hữu nghị. Theo hãng tin Mỹ AP, ngày thứ bảy 13 tháng 8 sắp tới, hàng không mẫu hạm này sẽ ghé thăm Việt Nam, neo lại ngoài khơi Thành phố Hồ Chí Minh.

Đến Việt Nam khoảng một tháng sau ba chiến hạm khác, sự kiện này, theo AP, chứng tỏ mối quan hệ quân sự ngày càng được tăng cường giữa Mỹ và Việt Nam vào lúc Hà Nội đang phải đối phó với các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông.


http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20110811-trung-quoc-dinh-dung-tau-san-bay-xu-ly-tranh-chap-lanh-tho

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét