Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Thôi rồi ! Tuần này, Trung Quốc khoan thăm dầu tại Biển Đông , thực sự bước vào giai đoạn áp đặt “đường lưỡi bò”.




Tuần này, Trung Quốc khoan thăm dầu tại Biển Đông



Nguyễn Đăng Thính

Theo báo Chosun (Hàn Quốc), tuần này, Trung Quốc (TQ) sẽ khoan thăm dầu tại Biển Đông. Một giàn khoan nước sâu khổng lồ mang tên Marine Oil 981 lần đầu tiên sẽ được thử nghiệm để chuẩn bị cho việc triển khai khoan thăm dầu trên Biển Đông vào tháng 7 tới.

Giàn khoan này thuộc Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi lớn nhất TQ (CNOOC). Kinh phí xây giàn khoan vào khoảng 6 tỉ nhân dân tệ (923 triệu USD). Dù chưa cập nhật địa điểm cụ thể, nhưng theo một số nguồn tin, nơi TQ tiến hành khoan sẽ là vùng biển Trường Sa.


Dàn khoan khủng "Dầu Khí Hải Dương 981" của Trung Quốc. Ảnh: Tư liệu


Qua hai vụ gây hấn điển hình trong vòng một tuần lễ và hàng loạt  vụ bức hại, hành hung có hệ thống ngư dân Việt Nam, TQ thực sự bước vào giai đoạn áp đặt “đường lưỡi bò”.

Bước vào giai đoạn mới trong chiến lược lấn chiếm Biển Đông, TQ vừa ngang nhiên gây hấn cục bộ vừa tung hứng các xảo ngôn “thiện chí”, niệm thần chú “trỗi dậy hòa bình”, đồng thời tiến hành ngoại giao nụ cười và mua chuộc bằng tiền bạc. Mục đích trước mắt là biến các khu vực không tranh chấp thành có tranh chấp để độc chiếm Biển Đông.

Trước và trong khi Biển Đông chưa hết sóng dữ thì mấy ngày qua, hàng loạt  vụ biểu tình bạo động đã và đang bùng nổ ngay trong nội địa TQ do bất bình đẳng xã hội sâu rộng.

Vậy là ngoài nứt trượt địa-chính trị trên toàn cầu và ngay tại Đông Nam Á (yếu tố khách quan), bức xúc muốn dẹp loạn trong nước và tham vọng đối ngoại (yếu tố chủ quan) có vai trò quyết định trong việc TQ chọn thời điểm hiện nay để khuấy lên các cơn sóng dữ ở Biển Đông.

Nhìn vấn đề từ cội nguồn, thế giới không hề ảo tưởng mỗi khi Bắc Kinh xuống giọng “TQ sẽ không dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp” hay “các vụ tranh chấp nên giải quyết qua thương thuyết với những nước có liên hệ trực tiếp” (người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ hôm 14- 6).

Không! Rõ ràng không thể mắc lỡm bởi lập luận “các quốc gia không liên quan hãy rút lui!” (Báo Quân Giải Phóng ngày 14-6). Quan điểm chống lại “quốc tế hóa” và “đa phương hóa” ấy của TQ từ lâu đã không được các nước chấp nhận.

Hai thượng nghị sĩ hàng đầu của Ủy ban Giám sát Chính sách Đối ngoại của Mỹ ở Đông Nam Á là Jim Webb (Đảng Dân chủ) và James Inhofe (Đảng Cộng hòa) đã đệ trình nghị quyết lên án TQ tại Quốc hội Mỹ. Thượng nghị sĩ Webb cũng đã phê phán chính phủ Mỹ vì lập trường quá yếu đối với các vụ gây hấn của TQ mấy tuần qua.

Các tranh chấp trên Biển Đông với các nước ASEAN thường liên quan đến chủ quyền biển-đảo, tự do lưu thông hàng hải quốc tế và hợp tác hòa bình trong khu vực. Do đặc thù của chúng, cả ba loại vấn đề này không có một vấn đề nào có thể giải quyết ổn thỏa trên cơ sở song phương.

Chính vì tính chất liên quan đến nhiều bên tranh chấp mà Trung tâm Nghiên cứu Các vấn đề chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ sẽ tổ chức một hội thảo quốc tế về an ninh hàng hải ở Biển Đông  trong hai ngày 20 và 21-6.

Bốn vấn đề được đưa ra bàn bạc gồm: Đánh giá về lợi ích, quan điểm của các bên tại Biển Đông; cập nhật các diễn biến trong khu vực; đánh giá hiệu quả của các khuôn khổ, cơ chế an ninh hàng hải hiện nay trên Biển Đông và đề xuất chính sách nhằm tăng cường an ninh trong khu vực này.

Rõ ràng TQ ngày càng leo thang nguy hiểm, đặc biệt với “chiêu” ngoài miệng nói hòa bình nhưng trên thực tế thì đẩy mạnh hiện thực hóa “đường lưỡi bò”. Trước tình thế đó, thế giới đã nhận ra rằng chỉ với “sức mạnh mềm” đơn thuần, không phải lúc nào cũng có thể nói chuyện phải quấy với TQ được.

Trong nhận thức chung ấy, các nước đang theo dõi sát sao hải trình của hàng không mẫu hạm USS George Washington tới Tây Thái Bình Dương, mà trong sứ mệnh của nó có hoạt động tuần tra tại Biển Đông.

Về phần mình, nếu chúng ta phát huy tối đa được sức mạnh của đa phương hóa, TQ sẽ không dễ “múa gậy vườn hoang” ở Biển Đông và Việt Nam sẽ không đơn độc trong công cuộc bảo vệ chủ quyền và lãnh hải của Tổ quốc.

N. Đ. T.

Nguồn: nld.com.vn


http://boxitvn.wordpress.com/2011/06/18/tu%E1%BA%A7n-ny-trung-qu%E1%BB%91c-khoan-tham-d%E1%BA%A7u-t%E1%BA%A1i-bi%E1%BB%83n-dng/


++++++++++++++++++



Quay quắt với mơ ước được ra khơi



Phạm Anh (bài và ảnh)


Tàu cá QNg 95 031 TS của thuyền trưởng Nguyễn Tấn Lự ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn bị Trung Quốc bắt ngày 23.7.2009 và thả về cảng Sa Kỳ – Quảng Ngãi ngày 14.8.2009 sau khi lấy hết Icom, máy định vị và toàn bộ ngư cụ trên tàu.



SGTT.VN – Nhìn nhà của anh Dương Thành Vinh (40 tuổi), không có ai nghĩ là nghèo. Đoán được suy nghĩ của chúng tôi, anh Vinh lắc đầu: “Nát giậu rồi, bây giờ chỉ còn bờ tre thôi chú em ơi!”

Theo anh Vinh, anh có ba lần bị tàu nước ngoài bắt, trong đó hai vỏ tàu cá trị giá khoảng 500 triệu đồng và hiện nay anh đang mắc nợ trên 100 triệu đồng. “Bây giờ anh Vinh đi làm thuê, ăn chẳng đủ, biết lấy đâu tiền trả nợ cho bà con”, vợ anh Vinh, chị Bùi Thị Lành buồn rầu nói.



Thế cùng lực kiệt


Chỉ một bé trai hơn ba tuổi đang ôm anh Vinh, chị Lành nói, đó là con út Dương Thành Quý của anh chị. Vào tháng 6.2009, anh Vinh bị bắt, lúc đó, cháu Quý mới được 7 – 8 tháng tuổi còn đứa lớn nhất nhà là Dương Thị Thu Uyên, đang học lớp 9. Do ba Vinh bị tàu nước ngoài bắt tàu, Uyên cũng nghỉ học luôn trong đợt ấy rồi vào TP.HCM làm thuê phụ mẹ nuôi em.

Trả lời chúng tôi về việc Nhà nước có giúp gì cho anh không sau những lần gặp nạn, anh Vinh nói chủ yếu là giúp gạo ăn và thêm chút tiền của các tổ chức, cá nhân, nhưng không thấm thía vào đâu. Con tàu có công suất 80CV bị Trung Quốc bắt giữ năm 2009, anh đã không lấy lại được, cũng không được hỗ trợ gì. Theo anh Vinh, ở Quảng Ngãi, tàu 90CV trở lên đi đánh bắt xa bờ mới được hỗ trợ. Anh Vinh cho biết hiện anh rất khát khao có được một con tàu mới để ra khơi nhưng thế cùng lực kiệt rồi, anh không biết lấy gì để mua sắm tàu mới.


Khao khát của anh Vinh cũng giống như các thuyền trưởng “rành biển như sân nhà” như: Mai Phụng Lưu, Tiêu Viết Là (thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu)… Các thuyền trưởng này, người thì sau lần bị Trung Quốc giam giữ, đánh trọng thương, giờ đành thúc thủ tại nhà; người thì đi làm thuê cho chủ tàu khác. Họ không biết bao giờ mới được cưỡi sóng ra khơi đánh bắt hải sản trên chính con tàu của mình.

Đến Lý Sơn ngày xưa và bây giờ, thời nào người ta cũng nói về các ngư dân “lừng danh”, nhưng theo hai kiểu khác nhau. Ngày xưa, nhắc đến các nhân vật này, dân đảo Lý Sơn nói: đó là các “đại gia” nghề biển. Còn bây giờ, họ chép miệng: Mấy ông chủ “một thời vang bóng” nay thành làm thuê hết trơn rồi.

Ở thôn Tây, xã An Hải của huyện Lý Sơn, nơi “sói biển” Mai Phụng Lưu ở, ngày trước là nơi tập trung của các chủ tàu cá giàu có. Chừng ba năm trở lại đây, các ông chủ lần lượt “xách gói đi làm thuê cho tàu khác”.



Dương Thành Vinh, thuyền trưởng một thời giờ phải đi làm thuê.



Lo bị bắt lần nữa


Đến đảo Lý Sơn, chúng tôi tìm gặp lại những gia đình từng có tàu bị Trung Quốc và nước ngoài bắt giữ. Đúng thời gian này hai năm trước, đảo Lý Sơn có ba tàu cá bị Trung Quốc bắt giữ, đòi nộp tiền chuộc. Bây giờ, gặp lại những bà mẹ, vợ của các ngư dân năm trước ai cũng già đi trước tuổi. Ở xã An Hải, chúng tôi đến nhà của chị Phạm Thị Bé (26 tuổi), vợ của thuyền trưởng tàu QNg 66 517 TS bị Trung Quốc bắt vào ngày 16.6.2009 (cùng lúc với hai tàu Lý Sơn khác). Chị Bé cho hay, năm 2008, hai vợ chồng chị mượn cha mẹ và vay ngân hàng được 80 triệu đồng, sau đó hùn với bạn chài sắm tàu cá ra khơi. Đầu năm 2009, tàu đi được ba chuyến, có chuyến đủ ăn, có chuyến bị lỗ, tới chuyến thứ tư thì bị Trung Quốc bắt, từ đó, gia đình chị Bé trắng tay. Đến khoảng tháng 6.2009, anh Thạnh chồng chị được thả về sau khi gia đình nộp tiền chuộc và Nhà nước ta can thiệp qua đường ngoại giao. Từ ngày về, anh Thạnh phải làm thuê cho tàu khác kiếm ăn, nuôi vợ và đứa con nay đã hơn ba tuổi.

Chị Bùi Thị Giàu, vợ của thuyền trưởng tàu QNg 66 597 TS Dương Văn Hưởng, bị Trung Quốc bắt giữ, cho hay, gia đình chị đã hùn với người em sắm tàu mới. Tuy nhiên, gia đình chị phải làm ăn vất vả hơn vì nợ nần. Đặc biệt như năm 2009, khi tàu cá bị bắt, gia đình chị phải nộp phạt 70.000 nhân dân tệ. Bây giờ chị Giàu còn phải nuôi ba đứa con và một mẹ già, nhưng tất cả đều trông vào những chuyến ra khơi của anh Hưởng. “Lỡ bị bắt lần nữa, em chẳng biết lấy gì mà sống”, chị Giàu thở dài.

Trở về với biển là mong ước của những ngư dân ở Quảng Ngãi sau khi gặp bão giông hoặc bị tàu nước ngoài bắt giữ, trấn lột và cướp phương tiện hành nghề. Nhưng với hai bàn tay trắng, họ chẳng thể làm được gì…

P. A.

Nguồn: sgtt.vn


http://boxitvn.wordpress.com/2011/06/18/quay-qu%E1%BA%AFt-v%E1%BB%9Bi-m%C6%A1-%C6%B0%E1%BB%9Bc-d%C6%B0%E1%BB%A3c-ra-kh%C6%A1i/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét