Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

Còn nhiều, họ có thể làm rất nhiều việc, nếu họ thích. Thời điểm này, dường như chỉ có mỗi việc chống lạm phát, nâng cao mức sống người dân, là họ không thèm làm hoặc không làm được thôi. Thành phố ấy, bây giờ không còn là của chúng tôi nữa.








Thành phố ấy, bây giờ không còn là của chúng tôi nữa.

Đăng bởi: Nguyễn Quang Lập

Đoan Trang


Ngày đầu thu. Nắng vàng vọt. Lòng trống rỗng.



Hai năm trước, vào những ngày này, cũng vậy. Nắng chói chang, mây trời xanh ngăn ngắt, mà tôi chỉ thấy mệt mỏi và trống rỗng tận cùng. Lúc ấy, tôi mới thực hiểu tâm trạng của người viết câu thơ: “Tôi bước đi không thấy phố, không thấy nhà. Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ”.



Chưa bao giờ tôi cảm nhận điều ấy rõ như thế: Thành phố quê hương tôi, bây giờ không còn là của tôi nữa.



Thành phố quê hương tôi, nơi mà tôi thuộc từng mảnh tường cũ gạch tróc vữa bong, từng góc phố lộn xộn hàng quán, từng khung cửa sổ thời Pháp, từng mảng bóng cây xà cừ xanh sẫm mỗi mùa đông để rồi sang xuân bừng sáng trở lại… Thành phố mà tôi và những bạn bè “Tây An Nam” của tôi gắn bó và nâng niu đến mức không muốn tàn hại dù chỉ một chiếc lá, một viên gạch lát đường, vì chúng tôi luôn cảm nhận Hà Nội và Việt Nam giống như một cơ thể đã quá mong manh lại còn đang bị băm nát thêm.



Tình cảm ấy có lẽ khó được gọi là niềm ái quốc, mà chúng tôi chỉ dám coi đó là sự gắn bó thôi. Chúng tôi đã quen thuộc với vẻ đẹp, sự đáng yêu, trong trẻo, và cả những cái chật chội, nhếch nhác của quê hương. Càng nhìn, càng chứng kiến, càng trải nghiệm, chỉ càng thấy thương hơn…



* * *



Thành phố ấy, bây giờ không còn là của tôi nữa. Nó giống như là cõi riêng của những kẻ  tay đeo băng đỏ, miệng chỉ chực phồng lên thổi còi “quen quét”; của những nhân viên an ninh, công an, đồng phục và thường phục, ngút ngàn tự tin; của những nhân vật mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy, mặt trơ trán bóng, bụng tích dần lớp mỡ dày …



Trong cái cõi ấy, họ có toàn quyền làm điều gì họ thích. Họ có thể bỏ vài chục tấm biển “cấm tụ tập đông người” vào trong thùng xe, lượn phố, rồi thích thì thả biển xuống vườn hoa, công viên, hồ nước, chân tượng đài Lý Thái Tổ. Họ có thể thộp ngực, xốc nách, xách tay những thanh niên không tấc sắt lên xe buýt, “hốt về bóp”, mà miệng vẫn leo lẻo: “Đây là chúng tôi mời, không phải bắt”. Trời đất ạ, trong chúng ta, có ai mời người khác đi đâu bằng cách ấy bao giờ chưa?



Với chiếc mũ bảo hiểm to rộng mang tên “an ninh quốc gia”, họ có thể nghe điện thoại, bẫy email, bẫy chat… của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào họ quan tâm. Những việc ấy, ở nước khác, để được làm còn cần phải có tòa án, viện kiểm sát v.v. cho phép, nhưng ở cõi riêng của họ, nhiều khi chỉ cần cái thẻ ngành là đủ.



Còn nhiều, họ có thể làm rất nhiều việc, nếu họ thích. Thời điểm này, dường như chỉ có mỗi việc chống lạm phát, nâng cao mức sống người dân, là họ không thèm làm hoặc không làm được thôi.



Thành phố ấy, bây giờ không còn là của chúng tôi nữa.



Rút từ “Trời vào thu, Việt Nam buồn lắm em ơi” , blog Đoan Trang



http://quechoa.info/2011/08/24/thanh-ph%E1%BB%91-%E1%BA%A5y-bay-gi%E1%BB%9D-khong-con-la-c%E1%BB%A7a-chung-toi-n%E1%BB%AFa/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét