Nhưng con giun xéo mãi cũng quằn, có áp bức thì có đấu tranh. Hạnh phúc là đấu tranh; đấu tranh giành những quyền cơ bản của con người và thế là người ta xuống đường. Chính họ - những người yêu nước chân chính - đã châm ngòi nổ cho khối mẫu thuẫn bấy lâu nay tồn tại trong xã hội; chính họ đã chỉ rõ cho nhân dân thấy rằng: nhân dân có quyền được thể hiện lòng yêu nước trên chính mảnh đất mà họ đã đổ xương máu giành lấy. Yêu nước không phải xin nhà nước.
+++++++++++++++++++++
Biểu tình lần thứ 11 đã qua. Người ta lại trở về với cuộc sống thường ngày, với những lo toan của cuộc sống. Chỉ có điều… nhiều người vẫn không may mắn có được những điều bình gì ấy bởi vì đang phải giải trình lòng yêu nước trong bốn bức tường.
Xã hội nào muốn phát triển cũng cần có bộ phận những con người tiên phong đi trước sự phát triển của xã hội về nhận thức và hành động. Khi lòng yêu nước dâng trào, khi lương tâm thức tỉnh thì họ không thể thờ ờ trước những số phận, những mảnh đời đang chịu bất công của xã hội, đặc biệt là vận mệnh quốc gia dân tộc. Đó chính là những người yêu nước chân chính, là người xem bảo vệ quê hương đất nước trước họa xâm lăng chính là lẽ sống cho mình.
Những cuộc biểu tình vừa qua xảy ra ở Hà nội cho thấy một sự thay đổi lớn của nhiều tầng lớp trong xã hội về thực tại của xã hội hiện nay.
Lớp trẻ - thế hệ sinh sau thời chiến- đã có những cách biểu hiện lòng yêu nước tiến bộ đi ra khỏi vòng khuôn khổ của những lời rao giảng, những quy đinh mang tính định hướng: kiểu như yêu nước trên sân khẩu trong ngày chủ nhật vừa qua. Chính internet đã mang đến cho thanh niên Việt Nam một sự thay đổi lớn trong cách nhìn nhận khi tiếp cận với nhiều thông tin trái chiều về các vấn đề của xã hội. Từ đây hình thành tư duy phản biện, thích tìm hiểu sự thật và dẫn đến hành động phản kháng lại những bất công trong xã hội hôm nay. Tuổi trẻ có thể bồng bột nông nỗi nhưng chúng tôi cũng đủ tỉnh táo để biết được đầu là yêu nước nước chân chính, đâu là yêu nước theo kiểu nửa mùa.
Lớp trẻ đã vậy, xã hội cũng chứng kiến sự thay đổi của những người lớn tuổi từng tham gia cuộc chiến, từng theo lí tưởng xây dựng xã hội chủ nghĩa. Người ta thấy nhiều người là đảng viên với tuổi đảng gần bằng tuổi đời bỗng nhiên trao trả thẻ đảng viên, hình như họ đã vỡ mộng về lí tưởng mình đang theo đuổi. Nhân dân nghe thấy những phát ngôn ân tượng của những lãnh đạo cao cấp, nào chúng ta đã mắc lỗi hệ thống khi xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta; Tại sao phát triển kinh tế thị trường lại phải theo định hướng xã hội chủ nghĩa? Rồi thì nhiều văn nghệ sĩ một đời ca ngợi đảng, ca ngợi CNXH bây giờ ở tuổi xế chiều, người ta mới vỡ lẽ, thất vọng quay ra hoài nghi, xét lại. Mà cũng phải cảm ơn những con người này, những sự thật về những ngóc ngách của chế độ mới – những điều mà chính quyền muốn giấu tiệt – được đưa ra ánh sáng qua những trang hồi kí xúc động, chân thực; hóa ra giờ chúng ta mới biết cách mạng nó mang trong mình nhiều thứ cặn bã đến như vậy!
Sự thật thì không thể giấu mãi được, bởi vì… cháy nhà mới ra mặt chuột.
Nếu chỉ nhìn thấy vẻ hào nhoáng bên ngoài của sự thay đổi, của những khẩu hiệu giăng mắc khắp nơi, người ta có thể lầm tưởng về sự tiến bộ trong xã hội hôm nay – tiến bộ theo kiểu khẩu hiệu. Nhưng nhìn kĩ vào bên trong chiếc áo, vẫn thấy được đầy rẫy những bất công, ngột ngạt của xã hội mà người ta có tình lờ đi.
Điều này thì ai cũng biết nhưng vì an phận thủ thường, vì đang đương chức đường quyền người ta mở miệng dễ mắc quai. Lâu dần người ta đâm ra thờ ơ cuộc sống, chỉ lo vun vén cho bản thân gia đình còn người khác, còn xã hội thì mackeno.
Người dân sống chung với bất công thành quen còn chính quyền thì cứ vô tư nghĩ nhân dân sống an phận chả ai dại gì làm cái việc vác tù và hàng tổng trong thời buổi này và hiển nhiên bất công càng nhiều lãnh đạo càng nhiều… lộc.
Nhưng con giun xéo mãi cũng quằn, có áp bức thì có đấu tranh. Hạnh phúc là đấu tranh; đấu tranh giành những quyền cơ bản của con người và thế là người ta xuống đường. Chính họ - những người yêu nước chân chính - đã châm ngòi nổ cho khối mẫu thuẫn bấy lâu nay tồn tại trong xã hội; chính họ đã chỉ rõ cho nhân dân thấy rằng: nhân dân có quyền được thể hiện lòng yêu nước trên chính mảnh đất mà họ đã đổ xương máu giành lấy. Yêu nước không phải xin nhà nước.
Việc nhân dân xuống đường là một thay đổi đáng ngạc nhiên sau hơn 30 thống nhất đất nước và một thời gian dài xây dựng chưa thành xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Sự thay đồi ấy khiến nhà nước lúng túng, chả bao giờ họ nghĩ: những con người an phận bao nhiêu năm giờ lại xuống đường. Sự lúng túng dễ đưa đến những sai lầm. Chưa biết làm sao trước thay đổi… ngạc nhiên này thì chính quyền tìm đến cẩm nang chống biểu tình của Trung Quốc - một cách hành xử… ấu trĩ.
Cảm ơn những con người đã cố tình vinh danh những người yêu nước bằng lệnh cấm, dùi cui thậm chí… còn cho ở trọ miễn phí ở Hỏa Lò. Cảm ơn các anh đã đổi trắng thay đen biến những người yêu nước đều thành... phản động cả. Các anh cứ làm: đàn áp, bắt bớ bôi nhọ cứ việc… nhưng không ai cấm nỗi việc thể hiện lòng yêu nước đang rực cháy trong mỗi người Việt Nam; đơn giản vì đó là lẽ sống, là bản năng, là truyền thống hào hùng của dân tộc.
Chúng tôi không hiểu một đất nước luôn giương cao khẩu hiệu độc lập dân tộc; tự do – công bằng – dân chủ lại đối xử tệ với người yêu nước đến thế.
Không lẽ yêu nước phải xin nhà nước hay sao?
Hoa Sương Tuyết (danlambao) - Bài : Yêu nước phải xin nhà nước?
http://danlambaovn.blogspot.com/2011/08/yeu-nuoc-phai-xin-nha-nuoc.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét