THỰC TRẠNG LAO ĐỘNG TRUNG QUỐC TẠI VIỆT NAM?
A Trung (trái) - một công nhân Trung Quốc - với công việc khá đơn giản là ráp giàn giáo cùng với nhiều công nhân Việt Nam - Ảnh: VIỄN SỰ (báo Tuổi Trẻ)
Mấy ngày gần đây báo chí Việt Nam đưa tin nhiều hơn về vấn đề lao động Trung Quốc tại Việt Nam. Và ngay trong sáng nay 11/08/2011, trong buổi tiếp xúc cử tri của các đại biểu quốc hội, nhiều cử tri đã nói lên bức xúc về tình trạng lao động Trung Quốc tại Việt Nam[1]. Vậy đâu là thực trạng của lao động Trung Quốc tại Việt Nam?
Lao động bất hợp pháp
Báo Tuổi Trẻ hôm nay cho hay 1.051/1.728 lao động Trung Quốc đang làm việc không có giấy phép tại dự án Nhà máy Đạm Cà Mau ở xã Khánh An, U Minh, Cà Mau.[2]
Ông Nguyễn Tiến Hải – phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết đây không phải là lần đầu phát hiện tình trạng này. Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và xã hội đã nhiều lần kiểm tra và lần nào cũng có lao động Trung Quốc làm việc bất hợp pháp và lần sau luôn cao hơn lần trước.
Thống kê của Tổng cục 3, Bộ Công an năm 2009 thì đã có ít nhất 35.000 lao động Trung Quốc tại Việt Nam[3], còn số người Hoa ở Việt Nam hiện nay khoảng 800.000 người. Số liệu người lao động trên chỉ lấy từ thông tin do các doanh nghiệp cung cấp, chủ yếu là các doanh nghiệp ở Sài Gòn, Bình Dương.
Hiện nay chưa có thống kê chính thức nào về số lượng lao động Trung Quốc tại Việt Nam. Nhưng chắc chắn con số sẽ rất cao. Năm ngoái số lượng khách du lịch vào Việt Nam cao kỷ lục khoảng 4.2 triệu người, trong đó Trung Quốc cao nhất với bình quân mỗi tháng từ 60.000-90.000 người. Đó là chưa kể một số nhập cư trái phép qua đường bộ. Thủ đoạn của họ là giả vờ đi du lịch, thăm thân nhân rồi tìm cách gia hạn ở lại Việt Nam để làm việc.
Lao động không có tay nghề
Quy định của Việt Nam không cho phép thuê người người nước ngoài làm lao động phổ thông. Thế nhưng dường như với lao động Trung Quốc là một ngoại lệ.
Mới đây qua kiểm tra ở nhà máy allumin Nhân Cơ – Đaknông đã phát hiện ra hơn 60% những công nhân ở đây không có một chút bằng cấp nào. Mặc dù theo đăng kí thì 190/312 người làm việc ở đây là công nhân kỹ thuật cao nhưng tất cả họ đều không có bất kì giấy tờ chứng minh nào. Ngay cả những lao động được đăng ký là chuyên gia hay kỹ sư nhiều năm kinh nghiệm cũng chỉ là qua lời nói suông của các nhà thầu Trung Quốc[4].
Ở nhiều nhà máy, xí nghiệp tình trạng công nhân không có chuyên môn, tay nghề được thuê làm những công việc thông thường cũng diễn ra. Đáng nói hơn họ còn được nhận lương cao hơn là lao động trong nước với cùng một công việc.
Khó kiểm soát
Tình trạng người Trung Quốc lộng hành đã gây nên nhiều bức xức trong dân chúng. Năm 2009 đã xảy ra một vụ làm người dân trong nước phải kinh hãi. Gần 200 lao động Trung Quốc đã ngang nhiên cầm gậy gộc, ống nước xông vào đánh đập nhà cửa, xe cộ, và tất cả ai họ gặp ở Nghi Sơn, Thanh Hóa[5].
Công nhân Trung Quốc còn gây nhiều bất ổn ở nhiều vùng gần nơi họ sống. Ăn nhậu xong rồi quậy phá, hay làm chuyện đồi bại với con gái vùng lân cận là không thiếu.
Đã có nhiều đám cưới không đăng kí giữa người công nhân và con gái Việt Nam diễn ra. Tình trạng này càng ngày càng gia tăng Đặc biệt là từ khi Trung Quốc trúng thầu dự án khai thác bô-xit ở Tây Nguyên, thì số lượng lớn người Trung Quốc lại có cơ hội tuồn vào Việt Nam một cách công khai và gia tăng thêm nhiều bất ổn.
Ở Sài Gòn, Bình Dương, Lâm Đồng, Đaknông, Ninh Bình, Quảng Ninh ngày càng có nhiều quán xá phục vụ riêng người Tàu, người nói tiếng Tàu đã xuất hiện nhiều hơn. Ví dụ như ở Bình Dương gần đây đã mọc lên khu phố của người Hoa với hơn 120.000 người.
Nhiều nhân sĩ yêu nước đang lo lắng về sự băng hoại văn hóa Việt khi những người công nhân này ra các vùng dân lân cận. Có người nói thẳng đây là chính sách giải quyết tình trạng “ế nam giới” và thất nghiệp tại nước họ và sâu xa hơn có thể đây chính là âm mưu “Hán hóa” thâm độc từ ngàn năm nay của Trung Quốc.
Phản ứng của Việt Nam
Phản ứng của người dân trước hiện tình lao động Trung Quốc được nhập cư ào ạt vào Việt Nam là rất gay gắt. Thế nhưng phản ứng của chính quyền Việt Nam là rất chậm và hầu như không hiệu quả.
Chính quyền Việt Nam đã thừa nhận việc quản lý người lao động Trung Quốc là rất khó khăn phức tạp. Một đằng công tác quản lý còn yếu kém, mặt khác dường như chính quyền đang sợ đụng chạm đến chính sách ngoại giao với Trung Quốc.
Người ta tự hỏi lao động trong nước thì dư thừa, hàng trăm ngàn sinh viên có chuyên môn tay nghề ra trường thất nghiệp, có sinh viên đã phải đi bán các cơ quan nội tạng để sống[6], tại sao không giải quyết cho họ mà lại đi thuê lao động nước ngoài???
Người ta cũng đang thắc mắc có phải chính quyền Việt Nam quá ưu đãi Trung Quốc không khi có những chính sách quá thông thoáng với họ?
Chẳng hạn như Trung Quốc dễ dàng trúng thầu các dự án quốc gia như khai thác Bô-xít, các xây dựng đập thủy điện, xây dựng đường cao tốc, các tuyến đường huyết mạch, các dự án xây dựng cơ bản khác và còn được khai thác rừng tới 50 năm…
Nhiều người lo sợ rằng sự kiểm soát của Trung Quốc ở các vùng kinh tế trọng điểm, các khu vực mang tính chiến lược có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia hay không? Lo ngại ấy là có lý vì từ ngàn năm nay Trung Quốc luôn muốn thôn tính Việt Nam, càng có cơ sở hơn khi gần đây Trung Quốc liên tục xâm phạm, sách nhiễu đòi chiếm trọng vùng biển Đông của Việt Nam.
Càng lo hơn khi chính quyền cộng sản Việt Nam đã ký những công ước cắt đất bán biển chẳng hạn như công ước bán Hoàng Sa-Trường Sa của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhượng hàng trăm ngàn mét vuông đất biên giới qua các lần cắm cột mốc biên giới….
Với thực trạng lao động người Trung Quốc đang diễn biến phức tạp như hiện nay, cộng với những mối nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Nhiều nhân sĩ trí thức đã kiến nghị chính phủ cần xem xét mối giao hảo với thằng “anh hai” thâm hiểm. Những người này chỉ ra rằng chỉ có “chơi với Mỹ” thì những mối nguy căn bản nhất của Việt Nam mới được giải quyết. Tuy nhiên khi đề xuất những đóng góp thực tâm này họ lại bị gặp những liên lụy không đáng có và nổi bật có người còn bị tù như luật sư Cù Huy Hà Vũ gần đây.
Chỉ cần với những chính sách kinh tế linh hoạt đặt ưu tiên cho người Việt hơn và có những kế sách lâu dài khôn ngoan là nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có thể giúp các lao động trong nước và cải thiện được nền kinh tế nước nhà. Nhưng với những gì đang xảy ra trước mắt liệu người lao động còn có thể tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hơn như các quan chức thường hứa?
[1]
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/450658/Cu-tri-buc-xuc-ve-lao-dong-nuoc-ngoai-khong-phep.html
[2] http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/450330/Hon-1000-lao-dong-Trung-Quoc-lam-viec-khong-phep.html
[3] http://vietnamnet.vn/xahoi/laodong/2009/07/860963/
[4] http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/450657/Lao-dong%C2%A0TQ-tai-Nhan-Co-Phan-lon-khong-co-bang-cap.html
[5] http://www.youtube.com/watch?v=UKgmg08XKYs
[6] http://dantri.com.vn/c20/s20-506522/pha-duong-day-ban-than-quy-mo-lon-sang-trung-quoc.htm
http://baokhongle.wordpress.com/2011/08/12/th%E1%BB%B1c-tr%E1%BA%A1ng-lao-d%E1%BB%99ng-trung-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%A1i-vi%E1%BB%87t-nam/#more-2772
+++++++++++++++++
Lao động Trung Quốc đe dọa an ninh Việt Nam
Nam Nguyên, phóng viên RFA
Hơn 1.000 lao động Trung Quốc làm việc không phép ở công trường nhà máy đạm Cà Mau, vài trăm lao động Trung Quốc không nghề không phép làm việc tại dự án bauxite Nhân Cơ Đak Nông.
Mới chỉ đơn cử hai dự án có người Trung Quốc trúng thầu đã thấy giật mình, trong khi dọc chiều dài đất nước còn bao nhiêu dự án khác. Tình trạng buông lỏng quản lý hẳn đã đến mức báo động, vì chính Chủ tịch Nhà nước Trương Tấn Sang cũng phải lên tiếng phàn nàn.
Làm việc bằng visa du lịch
Theo VnExpress, Trước lo ngại của cử tri quận 4 TP.HCM về lao động Trung Quốc không có giấy phép tại 2 dự án xây dựng nhà máy alumin ở Tây Nguyên, sáng 11/8 Chủ tịch Trương Tấn Sang nói rằng đơn vị chức năng đã có lỗi khi giám sát, kiểm tra không tốt.
Báo chí Việt Nam từng ghi nhận tình trạng ở những dự án mà người Trung Quốc trúng thầu, doanh nghiệp của họ mang theo toàn bộ lực lượng lao động phổ thông kể cả nhà bếp. Chúng tôi nêu câu hỏi với PGSTS Hồ Uy Liêm, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam về tình trạng được cho là báo động đỏ. Từ Hà Nội PGSTS Hồ Uy Liêm đáp:
“Nơi nào mà các dự án Trung Quốc tham gia đấu thầu và thắng thầu và bắt đầu xây dựng thì họ đều đưa công nhân của họ vào. Rất đáng ngại là bên cạnh công nhân kỹ thuật, họ đưa rất nhiều công nhân phổ thông không có tay nghề vào. Điều này hoàn toàn không mong muốn và rất đáng lo ngại. Trên thế giới bất kỳ nước nào không chỉ riêng ta với Trung Quốc đâu.
Người Việt Nam sang nước khác làm việc mà thực hiện không đúng hợp đồng thì dĩ nhiên họ đuổi những công nhân không có tay nghề về thôi. Ta với TQ cũng thế, không nói vấn đề tranh chấp này nọ mà trong hợp đồng kinh tế nói rất rõ chỉ chấp nhận công nhân kỹ thuật TQ vào thôi, tất nhiên cả các kỹ sư nữa nhưng họ lại đưa vào công nhân phổ thông, công nhân không có tay nghề, điều này không thể thể chấp nhận được. Chưa nói đến chuyện các công nhân ấy vào không phải theo hợp đồng lao động mà phần lớn theo visa du lịch.”
Trong tuần qua các báo mạng như Tuổi Trẻ, Lao Động, VnExpress,
VietnamNet đều đưa tin về việc phát hiện hơn 1.000 lao động Trung Quốc làm việc không phép tại dự án Nhà máy đạm Cà Mau.
Người Việt mất việc làm?
Được yêu cầu nhận định về tình trạng lao động Trung Quốc làm việc không phép không những làm mất cơ hội làm việc của người Việt Nam mà còn có thể gây những ảnh hưởng xấu về nhiều mặt. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, trưởng ban tuyên truyền Hội Luật gia TP.HCM nhận định là, người lao động Trung Quốc sang đây rất nhiều bởi vì họ không có công ăn việc làm. Trong một số ngành nghề sử dụng lao động nước ngoài thì trước hết họ phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Luật Sư Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh:
Nếu một số doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài như trường hợp ở Cà Mau, thì nó sẽ phá vỡ chính sách lao động của Việt Nam và nó sẽ gây mất ổn định trật tự xã hội.
LS Nguyễn Văn Hậu
“Nếu để tình trạng lao động như thế này thì thứ nhất nó sẽ phá vỡ trật tự xã hội của Việt Nam. Thí dụ người lao động nước ngoài làm việc ở TP.HCM hay các tỉnh là do yêu cầu công nghệ cao, chỉ những nghề nào mà do công nghệ cao hay về khoa học kỹ thuật mà Việt Nam không có thì mới sử dụng lao động đó. Nếu một số doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài như trường hợp ở Cà Mau, thì nó sẽ phá vỡ chính sách lao động của Việt Nam và nó sẽ gây mất ổn định trật tự xã hội. Tôi nghĩ là phải xử lý chế tài thật nặng doanh nghiệp đó thì mới làm gương cho các doanh nghiệp khác. Vấn đề của chúng ta là chỉ nên sử dụng lao động nước ngoài trong một số lãnh vực mà Việt Nam không có thôi, chứ lao động đơn giản thì Việt Nam rất nhiều. Và người lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam thì chỉ tuyển dụng trong một thời hạn nhất định và phải có kế họach có chương trình, dù là công nghệ cao thì cũng phải đào tạo để người Việt Nam có thể sớm làm được công việc đó, Việt Nam phải có chính sách về vấn đề này.”
Mỗi lần kiểm tra là mỗi lần phát hiện vi phạm, ông Dữ Minh Huân, Trưởng phòng chính sách lao động và bảo hiểm xã hội của sở Lao động và Thương binh Xã hội Cà Mau nói với nhà báo Tiền Phong Online như thế. Phạt hành chính về hành vi tuyển dụng lao động thì các nhà thầu đều nộp phạt, ngoài ra đã quyết định trục xuất 16 người nhưng không giám sát được việc này.
Buông lỏng quản lý
Đại tá Trần Như Tâm, Trưởng phòng An ninh kinh tế Công an Cà Mau nói: “Công an quản lý an ninh trật tự và tạm trú chứ cũng không nắm được lao động có phép hay không phép”. Cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất là Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội thể hiện là, mình chưa biết gì về tình trạng lao động Trung Quốc tới hơn ngàn người làm việc không phép ở dự án Nhà máy đạm Cà Mau. Ông Nguyễn Xuân Hòa Thứ trưởng của Bộ đã nói với báo Tuổi Trẻ Online là chưa nhận được báo cáo nào như thế.
Đối với các thông tin vừa nói, Luật sư Nguyễn Văn Hậu nhận định:
“Những người có trách nhiệm trước hết sẽ bị xử lý chế tài theo qui định của Luật lao động Việt Nam là xử phạt qui định hành chính vì đã sử dụng lao động không đúng. Thứ hai nếu họ là doanh nghiệp Nhà nước thì họ có thể bị xử lý kỷ luật theo Luật cán bộ công chức. Thậm chí nếu còn gây ra những tác hại khác thì tùy trường hợp họ có thể bị tước quyền kinh doanh vì đã vi phạm nghiêm trọng pháp lệnh lao động. Đặc biệt luật lao động có một chương về lao động của tổ chức, cá nhân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Luật lao động Việt Nam có điều chỉnh những vấn đề này, nếu những người vào đây làm chui không đóng thuế, không có sổ lao động, trốn tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các phúc lợi khác của người lao động, nếu bị phát hiện thì doanh nghiệp có thể bị chấm dứt họat động, xử phạt về vi phạm hành chính còn những người lao động thì có thể bị trục xuất về nước sở tại.”
Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng, chúng tôi rất mong cơ quan quản lý Nhà nước phải chấn chính lại. Họ đã hứa rất nhiều lần nhưng bây giờ tình hình có vẻ càng ngày càng đáng lo.
TS Hồ Uy Liêm
Báo chí tràn ngập thông tin về tình trạng lao động Trung Quốc, chẳng cần giấy phép ồ ạt đổ bộ theo các nhà thầu Trung Quốc. Có một thực tế là người Trung Quốc đã thắng 90% các dự án tổng thầu ở Việt Nam. Theo báo chí Việt Nam thì đã đến lúc phải báo động về tình trạng này. PGSTS Hồ Uy Liêm, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh:
“Chắc chắn, đây là một vấn đề rất nghiêm trọng, chúng tôi rất mong cơ quan quản lý Nhà nước phải chấn chính lại. Họ đã hứa rất nhiều lần nhưng bây giờ tình hình có vẻ càng ngày càng đáng lo ngại hơn.”
Theo Lao Động Online, công tác quản lý lao động Trung Quốc tại dự án alumin Nhân Cơ Đăk Nông đã bộc lộ một số bất cập. Nhà báo Tuổi Trẻ thì đưa tin. Trong số 312 lao động TQ đang xây dựng Nhà máy alumin Nhân Cơ được nhà thầu Chalieco Trung Quốc đăng ký với danh nghĩa công nhân kỹ thuật cao thì 190 người ‘không tấm giấy lận lưng’ cả về giấy phép lẫn bằng cấp về kỹ thuật cao, những người này là lao động phổ thông không phép.
Vào tháng 9 sắp tới sẽ có thêm 600 lao động Trung Quốc từ dự án Tân Rai Lâm Đồng chuyển về dự án Nhân cơ Đăk Nông. Lúc ấy trên mái nhà Đông Dương sẽ có 1.000 lao động Trung Quốc đóng chốt. Đâu đó ở đồng bằng sông Hồng, ở miền Trung, nhiều tỉnh xuất hiện công nhân Trung Quốc đổ bộ khuấy động cảnh làng quê thanh bình. Hẳn là các nhà quản lý của Việt Nam phải biết rõ điều này.
Theo dòng thời sự:
- Việt Nam ngừng hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc
- Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng kinh tế đến các quốc gia ĐNÁ
- Nhà thầu Trung Quốc bất chấp lệnh cấm thi công
- Làm ăn với Trung Quốc: Vụ Rio Tinto
- Quản lý lỏng lẻo lao động nước ngoài làm việc ở VN
- Trung Quốc đưa công nhân trái phép sang Việt Nam
- Đi sai một nước cờ chiến lược?
- Công nhân Trung Quốc đã hiện diện ở Tây Nguyên
- Hàng ngàn công nhân Trung Quốc đang có mặt tại Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét