Thứ Tư, 17 tháng 8, 2011

Liệu có còn ai dám bước lên tàu du lịch khi khám phá ra việc “tiết kiệm” của giới chủ tàu khi lên đời các ... tàu cá?




VIỆT NAM (TT) - Vụ chìm tàu tại Vịnh Hạ Long đầu năm nay và tàu du lịch Dìn Ký tại Lái Thiêu mới đây làm xấp xỉ 30 người thiệt mạng đã làm “nhát gan” những ai thích du lịch bằng tàu tại Việt Nam. Có nhiều sông ngòi, bãi biển, khắp 3 miền đất nước Việt Nam đầy các loại hình kinh doanh tàu du lịch, nhiều nhất tại Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Cần Thơ...


Một chiếc tàu cá “lên đời” sắp thành tàu du lịch. (Hình: báo Lao Ðộng)



Tiết lộ mới đây của một ông chủ xưởng đóng tàu tại thị xã La Gi, Bình Thuận càng làm khiếp đảm giới thích ngồi tàu du lịch ăn uống và đi một vòng khám phá vùng sông nước.


Báo Tuổi Trẻ cho biết, ông chủ xưởng Ba Tâm đã từng báo động kiểu kinh doanh chụp giựt của giới nhà hàng - tàu du lịch khi biến tàu cá thành tàu du lịch. Ông này nói: “Kiểu dáng, kỹ thuật thiết kế hai loại tàu đánh cá và du lịch rất khác nhau. Trọng lực tàu cá tập trung ở khoang giữa dùng để chứa cá trong khi tàu chở khách và tàu du lịch trải đều trọng lực để giữ thăng bằng vì du khách thường di chuyển lộn xộn trên tàu.”


Theo ông Ba Tâm, tàu cá được sửa thành tàu du lịch rất dễ lật chìm trước sóng to, gió lớn vì du khách di chuyển trên boong khiến trọng tâm của tàu thay đổi.


Mặc dù đã được báo động từ trước, giới chủ nhà hàng vẫn tiếp tục mua tàu cá cũ để sửa thành tàu chở khách du lịch.


Cũng theo báo Tuổi Trẻ, một trong những nơi rầm rộ “lên đời” tàu cá là khu bến Ðiệp và phường 5 thành phố Vũng Tàu. Các loại tàu cá cũ được đưa về nằm ụ tại đây để biến thành tàu du lịch.

Tàu du lịch chở người ở vùng sông nước miền Tây. (Hình: báo Tuổi Trẻ)


Một số thợ làm việc tại ụ sửa tàu ở phường 5, thành phố Vũng Tàu kể chuyện chỉ mất một thời gian ngắn để biến chiếc tàu cá cũ kỹ thành chiếc tàu du lịch màu sắc lộng lẫy. Công việc này được giao cho nhóm thợ khoảng 30 người chia nhau các công đoạn: cắt lớp vỏ gỗ mới để vô khớp ván tàu cũ; trét keo các kẽ hở... Những đoạn ván gỗ mục của thân tàu được cắt bỏ để thay bằng những miếng ván mới.


Một chủ xưởng đóng tàu tên Ninh cũng cho hay, với một chiếc tàu cá được “lên đời” thành tàu du lịch chỉ tốn 1 tỉ đồng, tương đương khoảng 50,000 đô, trong khi tiền mua chiếc tàu du lịch mới “cáu” nhiều gấp 3 lần.


Liệu có còn ai dám bước lên tàu du lịch khi khám phá ra việc “tiết kiệm” của giới chủ tàu?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét