Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011

Làm thế, dân người ta càng nổi khùng ra chứ chẳng sợ. Khi dồn người ta tới sự sợ hãi tột cùng, thì người ta sẽ vượt qua sự sợ hãi ấy thôi.




'Đừng tính toán những việc thấp tầm'

Nhà văn Nguyễn Quang Lập
Nhà văn Nguyễn Quang Lập cho rằng chính quyền đang muốn tái lập trật tự trước các trào lưu xã hội.
Một nhà văn, blogger có tiếng từ trong nước cho rằng nhà nước Việt Nam không nên có những toan tính nhỏ nhặt mà ông gọi là "thấp tầm" trong các nỗ lực muốn "ổn định" các phong trào xã hội hiện nay.


Nhà văn Nguyễn Quang Lập, bình luận với BBC sau khi theo dõi phiên xử phúc thẩm với Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ và một phóng sự trên kênh truyền hình quốc gia VTV1 về ông Hà Vũ, cho rằng cách thức "lập lại trật tự" hiện nay mà chính quyền đang lựa chọn tiến hành "không phải là cách thức để làm nên sự ổn định", mà trái lại theo ông chính là "cách làm phá hỏng sự ổn định đi".

Trao đổi với BBC hôm thứ Sáu 05 tháng Tám, ông cho rằng hiện chưa rõ giới chức dự định sẽ kéo dài bao lâu xu hướng cứng rắn với các phong trào phản biện xã hội và bất đồng chính kiến ôn hòa.


Nhà văn Nguyễn Quang Lập: Tôi thấy rằng việc họ tuyên truyền về chuyện của Cù Huy Hà Vũ là việc của người ta thôi. Nếu để chứng minh là họ "xử án đúng", tội danh của ông Vũ là "đúng" thì là việc bình thường. Họ chứng minh hết tất cả.

Nhưng việc họ đưa ra những chứng cứ ngoài cái đó ra, như đem chuyện riêng của ông Vũ ra thì cái đó rất tiểu khí. Nó không đáng.

Nếu anh nói là anh xử đúng, thì anh cứ chứng minh anh đúng đi. Chứ còn việc anh nói vì ông Vũ xấu, tư cách ông Vũ không hay, thì lập tức sẽ bị người ta nghi ngờ. Người ta sẽ nghi ngờ rằng té ra vì ông Vũ xấu, tính cách ông Vũ không hay, vì mình ghét ông Vũ, thì bắt bỏ tù à?

Dân chúng lập tức sẽ nghi ngờ chuyện đó. Một khi mà anh tìm cách tuyên truyền về tư cách riêng của ông Vũ không ra gì, thì lại có phản ứng ngược lại rằng bỏ tù ông Vũ, chỉ vì ông Vũ không ra gì. Chứ không phải là vì ông Vũ phạm pháp. Đó là sự lợi bất cập hại mà những người làm tuyên truyền không khéo, không tốt.


'Phản tác dụng'

"Tại sao lại đem những chuyện cá nhân, riêng tư, gia đình của ông Vũ ra, những chuyện mà không ai kiểm chứng được cả? Lại còn đưa cả những lời của ông Cù Huy Cận nói về ông Vũ như thế nữa. Liệu ông Huy Cận có thực nói như vậy không?"
Nhà văn Nguyễn Quang Lập

BBCVới tư cách một người có hiểu biết về truyền thông, có người nói cách đưa tin của phóng sự của VTV1 là "phiến diện, một chiều,"ông nhận xét thế nào?

Chuyện đưa tin một chiều từ trước tới nay thì vẫn thế thôi, mình cũng không làm sao được. Ở đất nước này, đòi hỏi sự đa chiều thì khó lắm. Thế nhưng việc một chiều thì một chiều, nhưng anh phải làm cho khéo, cho dù luật sư của ông Vũ nói là ông Vũ không có tội, nhưng mình chứng minh được là ông Vũ phạm pháp, thì cứ làm.

Nhưng tại sao lại đem những chuyện cá nhân, riêng tư, gia đình của ông Vũ ra, những chuyện mà không ai kiểm chứng được cả? Lại còn đưa cả những lời của ông Cù Huy Cận nói về ông Vũ như thế nữa. Liệu ông Huy Cận có thực nói như vậy không? Ông Cù Huy Cận cũng là một nhân vật rất quan trọng trong đời sống của dân, đem ra như vậy có đúng không?

Tại sao một người cha có thể nói về con như vậy? Mà những chuyện đó nằm ngoài văn bản, nằm ngoài chuyện phạm pháp hay không phạm pháp. Anh đem ra như vậy, nhân dân sẽ nghĩ vì anh ghét ông Vũ này nên đem ra bắt, bỏ tù thôi. Có phải phản tác dụng không?


BBCPhóng sự được làm khá công phu theo nhiều người nhận xét, theo ông đài truyền hình VTV có định gửi một thông điệp gì đó không cho tân chính phủ Việt Nam?

Cái này tôi không dám chắc, nhưng việc người ta làm tới 15, 16 phút cho thấy đó là ý đồ của họ. Ở đây họ không phải là đưa tin về ông Vũ, mà họ muốn nói về các ông nhân sỹ, các ông ký kiến nghị, rằng các ông sai rồi, các ông không ra gì, các ông không biết gì về thông tin cả, đây mới là thông tin chính thống đây này, các ông ký kiến nghị đòi tự do cho ông Vũ là bậy.

Đó là thông điệp. Còn thông điệp gì của VTV1 gửi tới tân Chính phủ thì tôi không chắc. Nhưng rõ ràng cái này đã được chuẩn bị từ trước, mà chuẩn bị khá công phu.


BBC: Ông vừa nhắc tới kiến nghị trên trang blog Bauxite Việt Nam, một trang blog không chính thống trong nước, bản thân ông cũng là một blogger, tiện đây xin ông cho biết ý kiến của ông về việc báo Quân đội Nhân dân mới có bài báo ví thông tin trên các trang blog được cho là lề trái ở trong nước là "rác rưởi"?

Cái này mà ông Minh (tác giả, đại úy Nguyễn Văn Minh) nói chuyện rác rưởi hay không rác rưởi, thì thiên hạ người ta cười thôi. Chẳng ai thèm đôi co với những luận điệu như thế cả. Vì nó rất phi lý và thiếu văn hóa.

Cho nên chúng tôi không mất thì giờ đi bình luận về chuyện đó. Về blog Bauxite, trong khi anh đã coi người ta là rác rưởi, mà anh còn cố tâm lôi ra để bêu xấu, thì cái đó cũng chỉ chứng tỏ sự tiểu khí của người ta, và chứng tỏ văn hóa thiếu một cái tầm quốc gia. Cái này hàng tôm hàng cá thì được, còn tầm quốc gia thì không được.


'Vượt qua sợ hãi'
Tiến sỹ Luật Cù Huy Hà Vũ (giữa)
Các vụ xử án Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ đang nằm ở trung tâm chú ý của dư luận Việt Nam thời gian này.

BBC:Phải chăng đang có một dấu hiệu nào đó về việc chính quyền sẽ mạnh tay hơn, cứng rắn hơn đối với những tiếng nói phản biện xã hội hoặc bất đồng chính kiến ôn hòa ở trong nước, thưa ông?

Tôi có cảm giác như vậy, tuy tôi không có cơ sở để khẳng định... Một vài người nói rằng các ông cấp trên muốn ổn định để phát triển. Họ biết rằng làm như vậy cũng hơi thiếu dân chủ một chút, nhưng để cho ổn định, phát triển.

Nhưng tôi nghĩ thế này, chúng ta muổn ổn định kiểu đó, thì lại gây ra bất ổn định sâu sắc hơn, mạnh mẽ hơn, chứ không ổn định như thế được.

Tôi ví dụ ở phiên tòa của ông Hà Vũ, để làm cho ổn định, người ta rất dễ dàng làm cho phiên tòa đó yên tĩnh, chặn các lối đi v.v..., thế nhưng các việc đó lại gây ra một sự phản ứng rất mạnh mẽ trong lòng quần chúng. Quần chúng thì người ta ngại nói.

Bản thân tôi cũng ngại nói, nhưng thấy nó khó chịu, bất bình. Anh làm kiểu đó càng làm mất ổn định sâu sắc hơn, chứ không phải là ổn định. Tôi cho rằng những tính toán về an ninh hơi bị sai lầm, rất sai lầm.


BBC: Vậy nhu cầu về thời gian mà người ta muốn 'ổn định' để làm công việc của người ta như ông vừa nói có kéo dài lắm không?

"Làm thế dân người ta chẳng sợ. Mà càng làm dân người ta càng nổi khùng ra. Khi dồn người ta tới sự sợ hãi tột cùng, thì người ta sẽ vượt qua sự sợ hãi ấy thôi."
Nhà văn Nguyễn Quang Lập

Cái này phụ thuộc vào quan điểm của người ta, làm sao tôi biết được. Nhưng định liệu cách đó nói thật là không làm được đâu. Nó càng chỉ làm xa cách giữa quan với dân, xa cách giữa nhân dân với chính quyền thôi.

Các anh càng làm thế thì người ta càng bước qua sợ hãi. Chứ người ta khống sợ hãi đâu. Cái đó phải hiểu một cách sâu sắc như vậy. Chứ đừng tính toán những việc nhỏ nhỏ, mà thấp tầm như vậy. Muốn ổn định phải làm một cách khác. Ai cũng muốn ổn định. Bản thân tôi cũng muốn ổn định và người nào cũng thế. Bản thân dân rất ủng hộ chính quyền về chuyện ổn định. Có ổn định mới phát triển được. Đúng rồi! Nhưng cách làm đó không phải là ổn định mà là cách phá hỏng sự ổn định đi. Việc họ kéo dài hay không kéo dài, bao lâu là việc của họ thôi.

Có thể họ cho lời nói của tôi là phản động thì họ vẫn cứ làm, còn nếu họ nghe được tiếng nói chân thành của các nhân sỹ và những người khác về chuyện này, thì họ sẽ rút kinh nghiệm. Tôi nghĩ rằng trong chính quyền cũng có rất nhiều người cũng có lòng. Họ sẽ nghĩ lại và họ sẽ đấu tranh cho việc này. Ở đây thực sự là xấu hổ, vì nói thật là ai lại làm thế. Làm như vậy thiên hạ người ta cười cho.

Làm thế dân người ta chẳng sợ. Mà càng làm dân người ta càng nổi khùng ra. Khi dồn người ta tới sự sợ hãi tột cùng, thì người ta sẽ vượt qua sự sợ hãi ấy thôi. Còn lại việc gì mình muốn làm thì mình cứ làm, làm sao cũng được hết. Nhưng anh phải xác định được rõ thế nào là sự ổn định. Làm thế nào để ổn định lớn chứ không phải là đe nẹt, bắt bớ, những vụ việc vặt. Làm thế càng hỏng!

Thêm về tin này


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét