Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

Đã có đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn để ban hành Luật Biểu Tình.


Cho đến thời điểm này thì rõ ràng sự phát huy đời sống dân chủ trong xã hội, cùng với những bức xúc trong xã hội thì người dân lại thấy nó (biểu tình) là một nhu cầu. Thực tế thì nó đã diễn ra và vì chưa có luật biểu tình nên người dân không thể hiện quyền của mình mà Nhà nước cũng không có cơ sở quản lý việc biểu tình của người dân. (ĐBQH Dương Quốc Trung)



++++++++++++




Luật biểu tình - lợi khí của cả dân lẫn nhà nước


Một trong các dự án luật đầu tiên được các ĐBQH đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng luật, bổ sung pháp lệnh năm 2012 là Luật Biểu Tình.

AFP photo

Ba học sinh biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội vào ngày 24 Tháng 7 2011.





Quyền biểu tình đã được qui định tại điều 69 Hiến pháp 1992. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có luật để thực thi quyền đó. Mời quý vị nghe cuộc trao đổi giữa Quỳnh Chi và ĐBQH Dương Trung Quốc, người cho rằng đã có đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn để ban hành Luật Biểu Tình. 



Quyền cơ bản



ĐBQH Dương Trung Quốc: Quyền biểu tình là quyền biểu hiện ý kiến con người đối với những vấn đề chung của đời sống xã hội. Có thể nói rằng cho đến nay nó là một cái quyền cơ bản. Ở Việt Nam, quyền biểu tình được đặt ra như một cái đòi hỏi từ khi những người yêu nước Việt Nam chống thực dân Pháp.


Ngay sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, khi đất nước chưa có Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sắc lệnh về quyền biểu tình. Việc này nhằm đáp ứng nhu cầu của dân chúng để họ có thể biểu thị thái độ của mình đối với đất nước. Do nhiều hoàn cảnh khác nhau, trong đó có việc đất nước bị đặt trong chiến tranh một thời gian dài làm cho đất nước phải biểu thị bằng những chính sách thích ứng. Chính vì thế mà có lẽ quyền được biểu tình đã không được nhiều người quan tâm. 


Quỳnh Chi: Ông có nói về sắc lệnh 31 ra đời ngày 13 tháng 9 năm 1945 được ký bởi ông Hồ Chí Minh, lúc đó là Chủ tịch chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Xin phép được hỏi ông, điều thứ nhất của sắc lệnh này nêu ra rằng “những cuộc biểu tình phải khai trình trước hai mươi bốn giờ với các ủy ban nhân dân sở tại trong thời kỳ này”. Xem ra thì sắc lệnh cho thấy việc biểu tình không cần xin phép mà chỉ cần khai báo thôi đúng không ạ?


ĐBQH Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ đó là một thuật ngữ thôi. Về căn bản thì cuộc biểu tình phải được thông báo cho giới cầm quyền để người cầm quyền có thể tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền của mình, đồng thời có thể kiềm chế những hành vi có thể đi quá giới hạn cho phép. 


Quỳnh Chi: Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng từng có ý kiến cho rằng sắc lệnh này cần được tôn trọng vì Quốc hội Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chưa tuyên bố nó vô hiệu. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào thưa ông?


Quyền biểu tình là quyền biểu hiện ý kiến con người đối với những vấn đề chung của đời sống xã hội. Có thể nói rằng cho đến nay nó là một cái quyền cơ bản.
ĐBQH Dương Trung Quốc



ĐBQH Dương Trung Quốc:Tôi nghĩ về mặt lý thuyết thì điều đó là không sai, bởi một sắc lệnh mà chưa bị bãi bỏ bởi một luật nào thì nó còn giá trị về pháp lý. Thế nhưng đã 60 năm trôi qua rồi, quan trọng hơn hết vẫn là có một bộ luật phù hợp với thực tiễn đất nước để đảm bảo được trật tự an toàn xã hội và cũng đảm bảo được quyền của mỗi người.


Quỳnh Chi: Theo ông, vì sao việc luật hoá quyền biểu tình tại thời điểm này là cần thiết?


ĐBQH Dương Trung Quốc: Cho đến thời điểm này thì rõ ràng sự phát huy đời sống dân chủ trong xã hội, cùng với những bức xúc trong xã hội thì người dân lại thấy đó là một nhu cầu. Thực tế thì nó đã diễn ra và vì chưa có luật biểu tình nên người dân không thể hiện quyền của mình mà Nhà nước cũng không có cơ sở quản lý việc biểu tình của người dân.



Lợi cả đôi đường



Quỳnh Chi: Có ý kiến cho rằng những cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc trong thời gian gần đây chính là khởi nguyên của những ý kiến đòi hỏi về luật biểu tình. Và có thể thấy rằng luật hoá quyền biểu tình nhằm đảm bảo quyền lợi dân chúng. Thế về khía cạnh Nhà nước thì luật biểu tình sẽ mang đến điều lợi nào cho những người lãnh đạo?




ĐBQH Dương Trung Quốc: Việc biểu tình vì vấn đề Biển Đông cũng là việc tập trung vào lúc này thôi, thực sự những bức xức xã hội đã tồn tại từ rất lâu rồi. Chẳng hạn những năm 90 thế kỷ trước, có việc biểu tình ở Thái Bình. Lúc đó việc biểu tình còn mới mẻ và người lãnh đạo địa phương còn chưa quen với việc người dân chống lại mình. Tuy nhiên, khi đã qua sự kiện đó rồi thì chúng ta thấy được 2 mặt: thấy được những cá nhân cực đoan để xử lý và thấy được những vấn đề tiêu cực liên quan đến hành pháp.


Phải nhìn nhận rằng biểu tình là một lợi khí của Nhà nước, nhất là khi nhà nước được xây dựng trên nguyên tắc của dân, do dân và vì dân.

Phải nhìn nhận rằng biểu tình là một lợi khí của Nhà nước, nhất là khi nhà nước được xây dựng trên nguyên tắc của dân, do dân và vì dân. 

ĐBQH Dương Trung Quốc


Tôi thấy khi những cuộc biểu tình diễn ra mà Nhà nước biết cách điều khiển được nó thì đôi khi lại thực hiện được mục tiêu của mình. Ví dụ những qui định như giờ giấc, địa điểm, cả những yếu tố kỹ thuật liên quan, nội dung liên quan…Nhà nước có thể dựa vào những yếu tố này để giảm những tiêu cực. Nó là cơ sở để các cơ quan hành pháp có thể hành xử đúng theo luật qui định. Và người dân cũng giám sát được hành động ấy của nhà nước.


Quỳnh Chi: Xin cám ơn ông đã dành thời gia cho  đài Á Châu Tự Do. 


2011-08-18




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét