VOA: Xin chào Bác sĩ Nguyễn Đan Quế. Trước hết, chúng tôi xin cám ơn Bác sĩ đã có nhã ý dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn hôm nay. Và câu hỏi thứ nhất chúng tôi xin hỏi là: theo nhận xét của ông, một người đã dấn thân cho cuộc vận động dân chủ hóa Việt Nam từ mấy mươi năm qua, phong trào dân chủ Việt Nam năm 2011 so với năm 2010 có những điểm khác biệt như thế nào? 


Bác sĩ Nguyễn Ðan Quế: Thưa anh, so với năm 2010, năm 2011 có khác biệt cơ bản là dân Việt Nam không còn sợ hãi nữa. Chính vì thế mà phong trào dân chủ Việt Nam có bước trưởng thành vượt bực cả về số lượng lẫn chất lượng. Ngoài ra tình hình có nhiều thuận lợi khác nữa, đó là: 


1/ Kinh tế Việt Nam lâm vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong vòng 20 năm: lạm phát trên 20%, vật giá tăng cao, đời sống khó khăn. Đã đành là kinh tế Việt Nam chịu tác động của tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng tỉ lệ lạm phát cao nhất khu vực và cao gấp ba lần so với các nước láng giềng chứng tỏ rõ ràng sự bất cập của nhà chức trách trong việc điều hành nền kinh tế Việt Nam. Hầu hết mọi tầng lớp đều bất mãn, nhất là trí thức, thanh niên, học sinh, sinh viên, hay là nông dân, công nhân. Do đó, số người hưởng ứng và ủng hộ những đòi hỏi phải thay đổi tăng đột biến, không chỉ ở thành phố lớn mà cả ở thôn quê. Và phương cách tranh đấu cũng đa dạng, phong phú hơn. Tôi lấy thí dụ như: kiện đích danh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vi hiến với một Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, tố cáo công an bắt blogger Điếu Cày, bắt bà Bùi Thị Minh Hằng là trái pháp luật, biểu tình chống Trung Quốc xâm lăng Hoàng Sa – Trường Sa, phản đối khai thác bauxite, phản đối chính quyền cho công nhân Trung Quốc vô làm việc bất hợp pháp, phản đối cho thuê rừng đầu nguồn, vân vân… 



2/ Nhân dân Việt Nam bừng tỉnh, không còn tự ti nữa, tự tin hơn khi thấy những tấm gương dân thường ở Bắc Phi – Trung Đông xuống đường lật đổ được độc tài ngự trị cả mấy chục năm.


3/ Tin làm phấn khởi nhất có lẽ là tin trở lại Châu Á – Thái Bình Dương trong chiến lược mới của Hoa Kỳ, do Tổng thống Obama loan báo tại một loạt các diễn đàn hồi cuối tháng 11-2011. 



4/ Cuối cùng là Miến Điện -- một nước cũng độc tài như Việt Nam, cũng chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, đã bất ngờ xoay chiều đi theo con đường dân chủ hóa.  



Trong tình hình mới và được nhân dân hết lòng ủng hộ, tôi tin chắc rằng dù có bị đàn áp thế nào chăng nữa phong trào dân chủ Việt Nam sẽ thành công ngay trong năm 2012 này. Bởi vì phong trào dân chủ Việt Nam đáp ứng đúng nguyện vọng của người dân Việt Nam từ nam chí bắc và hải ngoại, và hoàn toàn phù hợp với tình hình mới của thế giới và vùng Đông Nam Á. Hơn thế nữa, tôi muốn nói thêm, là quyền lợi giới trẻ chiếm 70% dân số bắt đầu tin vào cuộc sống, và đang kháo nhau là đã ngửi thấy mùi hoa sen trên đám bùn lầy hôi tanh. 



VOA: Thưa Bác sĩ, hồi hạ tuần tháng 11, khi ASEAN tổ chức các cuộc họp thượng đỉnh ở Bali, một số các nhà nghiên cứu chính trị ở Mỹ, trong đó có Tiến sĩ Ernest Bower, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, nói rằng các nước ASEAN trong thời gian gần đây đã có những tiến bộ đáng kể trên lãnh vực chính trị. Đại khái họ cho rằng Mùa Xuân ASEAN, tuy không thu hút sự chú ý của dư luận thế giới như Mùa Xuân Ả Rập, đã diễn ra -- với sự chủ động của nhà cầm quyền, ở các nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt nam, và gần đây nhất là Miến Điện. Về phần Việt Nam, họ cho rằng chính phủ đã bắt đầu thực hiện việc tản quyền. Ông nghĩ sao về nhận định này? Và theo ông, xu thế dân chủ hóa ở các nước láng giềng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến phong trào dân chủ ở Việt Nam?



Bác sĩ Nguyễn Ðan Quế: Tiến sĩ Bower có nhận định khá tinh vi, khá tinh tế khi loan báo mùa Xuân ASEAN đã bắt đầu tại vùng đất này của thế giới.


ASEAN, như chúng ta biết, có 2 nhóm khác nhau về trình độ phát triển và thể chế chính trị: nhóm thành lập với Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore, Brunei theo kinh tế thị trường và có thể chế dân chủ rồi và đang ngày càng hoàn thiện hơn.



Đến 1994, ASEAN kết nạp thêm 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Miến Điện theo kinh tế chỉ huy và theo thể chế độc tài. Trước sau gì 4 nước này cũng phải chuyển sang kinh tế thị trường và dân chủ hóa để giống 6 nước sáng lập. Tiến sĩ Bower có nhắc đến động thái đặc biệt mới đây của Miến khi phát đi tín hiệu cải cách dân chủ; lập tức Tổng thống Obama, đang dự Hội nghị Bali, hưởng ứng ngay bằng cách gửi Ngoại trưởng của mình là bà Hillary Clinton đến Miến để thẩm định tại chỗ xem có phải đúng là khí trời vào Xuân thật chưa.



Liên quan đến Việt Nam, Tiến sĩ Bower cho ‘tản quyền’ là một dấu hiệu tích cực có tính chủ động của Hà Nội. Điểm này tôi thấy cần phải làm sáng tỏ, cho rõ thêm: Chúng tôi chỉ coi là dấu hiệu đáng tin cậy khi Cộng Sản gỡ bỏ hạn chế tự do thông tin, tự do phát biểu, thả tù chính trị như Miến Điện đã làm. Còn ‘tản quyền’ của Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ là trao quyền cho đảng ủy các địa phương, để lập thế chân rết khống chế dân ta, bảo vệ độc tài; chứ đây chưa phải là chỉ dấu cho thấy Cộng Sản Việt Nam thực tâm muốn cải cách dân chủ. Động thái quay 180 độ của Miến khiến xu thế dân chủ hóa đột nhiên trở thành mạnh mẽ và cấp bách hơn bao giờ hết để ASEAN có thể phát triển. Hà nội, theo tôi nghĩ, đang rất bối rối trước áp lực tập thể của đa số các nước trong ASEAN. 



Xu thế dân chủ hóa trong khối ASEAN đang áp lực rất mạnh lên Việt Nam. Áp lực là trực diện, nặng ký, thúc ép. Không có một ngoại lệ nào ngoài mẫu số chung dân chủ cho toàn thể khối ASEAN. Chúng tôi đang vận dụng yếu tố tích cực này để dân chủ hóa Việt Nam.


VOA: Hồi đầu năm nay, khi quan hệ Việt-Trung bị căng thẳng nghiêm trọng sau vụ cắt cáp tàu Bình Minh, một tờ báo của Đảng Cộng Sản Việt Nam có đăng một bài bình luận với tựa đề "Trong họa có phúc". Đại khái họ nói rằng họa xâm lăng hiện nay cũng chính là phúc vì nó là một cơ hội để Việt Nam nhận biết một cách rõ ràng ai là bạn, ai là thù, và quyết định một cách dứt khoát những gì cần phải giữ gìn và những gì cần phải vứt bỏ. Theo ông, ai là bạn, ai là thù và Việt Nam chúng ta cần giữ những gì và bỏ những gì?



Bác sĩ Nguyễn Ðan Quế: Tôi rất tiếc là chưa có dịp đọc bài báo này. Nhưng tôi nghĩ rằng thế giới đang có những thay đổi lớn, và có lẽ chúng ta cũng nên thử dùng lối nhìn âm-dương, tương sinh tương khắc để thấy đâu là họa đâu là phúc; đâu là bạn đâu là thù.



Thế giới ngày nay là thế giới tương thuộc, nương nhau cùng phát triển, cần có nhau mới mưu cầu được hạnh phúc. Bất cứ nước nào nhận thức nước mình là một  phần của toàn thể, tất vui vẻ vì được hoan nghênh. Nước nào vì lý do này hay lý do khác, tách mình ra khỏi cộng đồng thì lạc loài.



Cụ thể là trường hợp Trung Quốc và Việt Nam. Thực tế là Trung Quốc và Việt Nam đang vật lộn với kinh tế thị trường và cố lấp liếm, ngụy biện trước những giá trị phổ quát của nhân quyền và dân chủ. 



Hiện tại, chúng ta thấy cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều không chống toàn cầu hóa. Cả hai đang cố gắng tìm cách thích nghi có lợi nhất khi hòa nhập. Vậy thì giữ gì? Bỏ gì? Theo tôi phải bỏ tất cả những gì không thích hợp với toàn cầu hóa và giữ những gì có thể đóng góp cho cộng đồng nhân loại. Nói thẳng ra là cả Việt Nam lẫn Trung Quốc nên bỏ di sản cộng sản, như Liên Xô đã dứt khoát với chủ nghĩa Mác - Lênin. Cả Việt Nam lẫn Trung Quốc nên giữ những giá trị Nhân Bản của dân tộc mình. Những giá trị Nhân Bản của bất cứ dân tộc nào đều phù hợp với giá trị phổ quát của Nhân Quyền và Dân Chủ, bổ sung cho nhau để cùng làm cho đời sống nhân loại tốt đẹp hơn.


VOA: Thưa Bác sĩ, chắc ông cũng biết là kinh tế Việt Nam năm nay tiếp tục bị xuống giốc và trong cuộc họp mới đây, các nhà tài trợ cho Việt Nam đã hối thúc chính phủ ở Hà Nội nhanh chóng thực hiện kế hoạch tái cơ cấu kinh tế. Ông nhận định như thế nào về tình hình kinh tế hiện nay, và theo ông, đời sống kinh tế sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với các nỗ lực dân chủ hóa Việt Nam?



Bác sĩ Nguyễn Ðan Quế: Tôi phải nói ngay là kinh tế giữ vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình phế bỏ độc tài, thiết lập dân chủ tại Việt Nam.


Cộng Sản bỏ kinh tế chỉ huy theo kinh tế thị trường. Nhờ Hiệp định mậu dịch song phương với Mỹ năm 2001 và gia nhập Cơ quan mậu dịch thế giới năm 2007, làn sóng đầu tư và buôn bán với bên ngoài giúp kinh tế Việt Nam khởi sắc. Tầng lớp trung lưu nhanh chóng hình thành, đúng vào lúc internet bắt đầu có mặt tại Việt Nam. Nhưng chỉ vì không có những thay đổi chính trị đi kèm theo ngay, mới ra cơ sự ngày hôm nay.



Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra trước Quốc hội trung tuần tháng 11 vừa qua, chính thức nhìn nhận là phải cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế thị trường và đưa ra bánh vẽ mới: cơ cấu lại toàn bộ hệ thông ngân hàng, cơ cấu lại toàn bộ đầu tư công, cơ cấu lại toàn bộ các tập đoàn và các tổng công ty.  



Tôi nghĩ rằng giữa cơn khủng hoảng mà cải tổ lớn như vậy thì thất bại là chắc chắn, NẾU NHƯ không có cú hích khuyến khích, thúc đẩy, ‘truyền điện’ từ bên ngoài vào như ở Miến Điện.



Việt Nam muốn có được cú hích đó thì phải tôn trọng nhân quyền và dân chủ như Ngoại trưởng Hoa Kỳ và các giới chức khác của Mỹ đã nhiều lần khuyến cáo Việt Nam trong chỗ riêng tư, cũng như công khai, là: muốn nâng quan hệ đối tác với Hoa Kỳ lên hàng chiến lược thì Việt Nam phải tôn trọng tự do internet, tự do phát biểu, khác biệt chính kiến không thể bị bỏ tù, tự do tôn giáo, tôn trọng quyền lợi người lao động… nghĩa là khuyên giới cầm quyền Cộng Sản  Hà Nội phải dân chủ hóa theo ý dân, trong đó có đông đảo người Việt mình ở Hoa Kỳ.



VOA: Thay mặt ban Việt ngữ VOA và thính giả nghe đài, chúng tôi xin cám ơn Bác sĩ đã dành thời giờ cho chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này. Xin chúc ông và gia quyến được bình an, mạnh khỏe và gặp nhiều may mắn trong năm mới.


Bác sĩ Nguyễn Ðan Quế: Chúng tôi xin cám ơn quí vị đã lắng nghe. Xin kính chúc chúc quí vị lễ Giáng Sinh đầm ấm vui vẻ, và sang năm mới Nhâm Thìn sức khỏe dồi dào, hạnh phúc./.