Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

"Nếu gọi là lương, thì đó là lương ăn cướp!"


LƯƠNG ĂN CƯỚP


Theo Kiểm toán Nhà nước, lương bình quân hàng tháng trong năm 2010 của toàn công ty mẹ EVN là 13,7 triệu, của cơ quan văn phòng tập đoàn là gần 30 triệu. Tháng trước, ông Tổng GĐ EVN “đau lòng” với mức lương 7.3 triệu/ tháng trong năm 2009 của ngành điện. 




  Ông lấy mức lương 2009 để “đau” chứ không phải của năm 2010 hay 2011, không phải vì ông ngu hay ông quan liêu, mà chẳng qua vì ông nói ra ngượng mồm. Nếu biết Kiểm toán Nhà nước công bố lương 2010 của ngành ông sớm thế này, ông “đau” luôn 30 triệu cho xong. “Đau” mấy thì rồi ông cũng phải kêu lỗ.




 Mà ông kêu lỗ cũng chỉ để đòi tăng giá, mà tăng giá lại để tăng lương cho ngành. Lần này cũng kêu lỗ xong, ông tuyên bố từ 20-12-2011 giá điện tăng 5% . Không thế, lương ngành điện sang năm lấy tiền đâu mà tăng.




 Khách hàng dùng điện, những người đóng tiền tháng nuôi ngành điện thì thu nhập ngày càng giảm. Lương bình quân của CB CNVC hiện nay chỉ gần 3 triệu, còn thu nhập của nông dân còn thấp hơn nhiều.




 Lương của giáo viên giảng dạy ĐH mới vào nghề, khoảng 3 triệu, GV phổ thông khoảng 2,5 triệu. Mới năm ngoái, GS Ngô Bảo Châu từng được mời chào một mức lương “ưu tiên” là 5 triệu/tháng.




 Đau xót nhất là lương của GV hợp đồng. Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh, GV tiểu học tại Trường TH Kim Phượng từ năm 1997 với mức tiền công 290.000 đồng/tháng. Sau hơn 12 năm đứng lớp, hiện mức tiền công cô nhận là 1.000.000 đồng/tháng. 



 Thầy giáo Mai Hoàng Hiệp, dân tộc Tày, GV hợp đồng đã 7 năm, tiền công hiện nay là 1.000.000 đồng/tháng.





 Tại trường Mầm non xã Phúc Trạch, Hương Khê, Hà Tĩnh, cô Trần Thị Hương, cô Nguyễn Thị Mậu, cô Lê Thị Dân đều được nhận 852.000đ/tháng (chưa trừ bảo hiểm), trong đó 611.000đ từ ngân sách nhà nước và 241.000đ từ ngân sách địa phương.




  Ngành điện kêu kinh doanh lỗ, sao không tự giảm lương, sao không nhận mức lương tương xứng với chất lượng phục vụ của ngành. Mà ngành điện lại lấy sự lỗ, lấy sự kém cỏi trong phục vụ của mình để tạo cớ tăng giá, đồng thời tự ban một mức lương phi lý. Dựa thế độc quyền, ngành điện đã bán hàng theo kiểu cưỡng ép người mua.




 Kiểu tăng giá của ngành điện là tăng hai lần. Tăng trực tiếp trong giá điện và tăng gián tiếp qua mặt hàng khác. Điện tăng giá, mặt hàng khác cũng sẽ a dua tăng theo, trong đó có mặt hàng đồ điện.




 Trong khi sự tăng lương nhỏ giọt của các ngành khác thực chất là giảm lương. Phụ cấp thâm niên nghề giáo, nghe rang đi rang lại chẳng thấy, mà tiền xăng với tiền điện vừa nói là họ tăng ngay.




 Ngành điện "đau lòng" với mức lương 30 triệu/tháng, ngành giáo dục im lặng với mức lương 1 triệu đồng, kể ra cũng có lý do. Vì giá điện dù có tăng 50% thì dân vẫn phải mua, học phí thì không tăng học sinh vẫn bỏ học. Các hộ nghèo không muốn con học khuya, vì lo tốn điện. Nhiều gia đình ở nông thôn, đang lâm vào cảnh thiếu ăn.




 Để biến tiền mọi người thành tiền của mình, ngành điện cố tìm cách giải thích. Nhưng giải thích kiểu họ, thà im lặng mà tăng giá, người mất tiền đỡ bực hơn.




 EVN là một doanh nghiệp nhà nước, được dựng nên bởi tiền thuế của dân. Vì vậy, lương của ngành điện phải căn cứ vào lãi của kinh doanh và phải chịu sự quản lý của nhà nước. Thực chất tiền EVN  chia nhau, là tiền móc từ túi của toàn dân, những người chủ thật sự của ngành điện. Nếu gọi là lương, thì đó là lương ăn cướp!


http://vn.360plus.yahoo.com/trandinh_tro/article?mid=2922



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét