Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

”Để khác với con vật, con người không thể im lặng chỉ vì miếng ăn”


Trong suy nghĩ của nhiều người ngoài ngành, qua phản ánh của phim ảnh, nghề báo đẹp như được một phủ lớp hào quang. 

Nhà báo được tiếp xúc với số lượng người cực lớn, trong đó có nhiều quan chức cao cấp, văn nghệ sĩ nổi tiếng. Nhà báo có thể “dồn” một ông cốp tới lúc phải đắng họng, có thể vạch trần những âm mưu xấu xa, có thể bá vai bá cổ một nhà văn chụp ảnh, hay ôm hoa đứng bên các nghệ sĩ. Nhà báo có xu hướng là người quảng giao, rất hiểu biết, nói chuyện hay ho, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, giữa biết đủ ngóc ngách của xã hội. Nhà báo có xu hướng thông minh, hài hước, dũng cảm, biết chụp ảnh. Nghề báo là nghề đầy vinh quang và có cả sự phiêu lưu mạo hiểm… 

Đó là suy nghĩ của nhiều người ngoài ngành về nghề báo và nhà báo. Tất nhiên, không phải 100% ý kiến đánh giá đều như vậy. Ở thái cực kia, người ta lại nghĩ nhà báo Việt Nam là cái lũ đầu rỗng, nỏ mồm chém gió và nói phét, đã thế lại đểu, chỉ giỏi vặt tiền doanh nghiệp, nói tục chửi bậy thì kinh khiếp mà viết lách thì không bài nào sạch lỗi. 

Người ta cũng có thể nghĩ nhà báo Việt Nam là một lũ cừu, cứ sểnh ra là viết sai, viết láo, viết không có lợi cho tình hình chung, làm phương hại tới quan hệ giữa Việt Nam và một quốc gia nào đó. 

Người ta còn nghĩ nhà báo Việt Nam là một bọn bồi bút, bọn lưỡi gỗ tuyên truyền phản dân hại nước, ngậm miệng ăn tiền. Không đếm được có bao nhiêu lời mạt sát “lề phải” trên mạng: “não nhẵn”, “óc phẳng”, “hèn hạ”, “ngu xuẩn”, “vô lương tâm”… 

Tuy nhiên, không thể tóm gọn diện mạo của cả làng báo Việt Nam trong một vài tính từ tích cực hay tiêu cực nào. Vì họ có tất cả những gương mặt ấy, khía cạnh ấy. Và dù thế nào đi nữa, trong đội ngũ các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa-tư tưởng (cách gọi khác của từ “đàn cừu”), vẫn luôn có những nhà báo lề phải ngày đêm lặng lẽ mang những gì tốt đẹp nhất mình có thể tìm được đến cho độc giả. 

Tôi kính phục họ - những nhà báo trung thực, giấu sự phản kháng vào trong thầm lặng. Thật tiếc là, dẫu vô cùng muốn viết về họ, nhưng ngay cả lúc này, tôi vẫn cứ phải giấu tên các nhà báo ấy, để họ ở yên trong trận tuyến của họ - vì lẽ mọi lời nói ám chỉ đến họ đều có thể trở thành thông tin chỉ điểm. 


“Nhưng chúng ta không thể bỏ mặc thế giới này…” 


Họ trước hết là những người rất thông minh, sắc sảo. Và chúng ta đều hiểu là, một người có đầu óc thông minh, sắc sảo, biết xét đoán và biết phản biện, sẽ không bao giờ chấp nhận sự định hướng, lừa mị, bưng bít. Không thể che mắt họ bằng lối nhồi sọ của thế kỷ trước. 

Họ cũng “phản động” chẳng kém bất kỳ nhà báo tự do, blogger lề trái nào. Nhưng trong hoàn cảnh của họ, họ không thể thoải mái viết bài phê phán, chỉ trích rồi đưa lên mạng tùy thích. Họ im lặng, cố gắng mang đến cho độc giả những thông tin tốt nhất có thể có được, thông qua một lối diễn đạt nhẹ nhàng nhất, và chỉ thầm ước mong: rồi độc giả sẽ hiểu. 

Không có họ, ai là người đưa những thông tin đầu tiên về đại dự án bauxite 2009 ở Tây Nguyên ra công luận? 

Không có họ, ai đưa những phát ngôn “đỉnh cao trí tuệ” trong chính trường Việt Nam lên mặt báo? Ai ghi lại những câu nói “bất hủ”, phản ánh trình độ (ít nhất là khả năng tư duy logic, khả năng diễn đạt) đáng báo động của một bộ phận không nhỏ quan chức nước nhà? 

Không có họ, ai phản ánh về những vụ dân thường chết trong đồn công an một cách bí hiểm? Cho dù nhiều sự việc đau lòng như thế có thể chẳng đi về đâu, nhưng ít nhất, cũng nhờ có họ mà chuyện đã được đưa ra công luận. 

Không có họ, ai viết về mãi lộ? về lũ lụt, tai nạn, tiền cứu trợ bị bớt xén hay hàng cứu trợ toàn bột giặt? về những tai nạn thảm khốc – cho thấy một xã hội đầy rủi ro, tỷ lệ tử chắc chắn là cao hơn mức 6/1.000 người dân rất nhiều? về những bê bối trong trường học, bệnh viện? về một Vinashin vỡ nợ? Tất nhiên, việc báo chí viết về Vinashin hay các bê bối tương tự rất có thể chỉ là kết quả của những đấu đá nội bộ “trên thiên đình”, trong đó báo chí được sử dụng làm công cụ, vũ khí để bắn giết nhau, nhà báo chỉ là những con tốt mà thôi. Nhưng dù sao thì lũ tốt đen ấy cũng đã làm được công việc đưa một phần sự thật ra ánh sáng. 

Cũng có những lúc lề trái và lề phải “phối hợp tác chiến” một cách rất hoàn hảo. Hình ảnh những người dân đi đầu trong đoàn biểu tình mùa hè năm 2011, giương cao tờ báo Thanh Niên với hàng chữ nổi bật trên trang nhất: “Không chủ trương trấn áp người biểu tình yêu nước”, có đủ nói lên sự ủng hộ ngấm ngầm của lề phải cho lề trái chăng? Tôi nhớ ở đâu đó, một độc giả bình luận: “Báo Thanh Niên đã góp sức để người dân thể hiện lòng yêu nước một cách an toàn – và quý báo cũng… an toàn!”. 

Họ cũng ra đi. Ra đi nhiều lắm. Cứ sau mỗi vụ tờ báo nào đó bị xử lý, rất có thể là lại có hàng loạt người “bay”. Nhất là với cái thứ văn hóa đổ vấy của người Việt Nam, khi một loạt bài được “trên” biểu dương, thì lãnh đạo tòa báo hưởng, mà khi loạt bài bị “đánh” thì chỉ có thằng đánh máy, con sửa mo-rát là chết, mà lại là chết trong âm thầm, không ai hay biết. 

Cũng nhiều người tự động bỏ đi, vì chán ngán, vì bế tắc. Một trong những người ấy đã gửi tôi một dòng tin nhắn mà không bao giờ tôi quên được: “Nhưng chúng ta không thể bỏ mặc thế giới này cho những kẻ mà ta khinh bỉ”. (1) 


Vì nhân dân 


Năm 2009, trong một bài về “Chuyện làm báo ở Sài Gòn trước 1975”, tôi đã viết: “… nghề báo thì bao giờ cũng vậy, là niềm vui, là nỗi buồn, là lòng nhiệt tình của tuổi trẻ và cả những giọt nước mắt”. Đó thực chất là điều tôi muốn nói về báo chí Việt Nam sau năm 1975. Tôi không biết trong cuộc chiến thầm lặng chống lại sự bưng bít, bóc trần cái xấu, thúc đẩy sự minh bạch, bao nhiêu nhà báo đã lau nước mắt. 

Chiều 2/8/2011. Ngày ấy, ở Hà Nội diễn ra hai sự kiện: phiên xử phúc thẩm TS. Luật Cù Huy Hà Vũ và cuộc họp giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, với nội dung thông báo kết quả điều tra vụ “đạp mặt người biểu tình”. 

Cảm giác “lạnh người” khi nghe tin ấy: Bộ Công an tổ chức họp báo ngay tại Thành ủy Hà Nội (giữa trung tâm thủ đô) để thông báo kết quả điều tra, và trước đó, tin đồn ít nhiều rằng đã có những cuộc tiếp xúc, điều đình giữa công an và người biểu tình bị đạp mặt – anh Nguyễn Chí Đức. Chúng tôi đều hiểu rằng, không có lý gì mà công an tự tin đến thế. Chắc là sẽ có một diễn biến gì đó… 

3 giờ chiều, từ ngoài đường, tôi gọi điện cho bạn (vừa ở cuộc họp báo ra): 

- Tình hình sao rồi mày? 

- Xong rồi. Họ bảo tay Đức chống đối, ngồi bệt xuống đất, nên công an phải khiêng lên xe đưa về đồn. Ông Đức cũng bảo không bị ai đánh, viết tường trình nói rõ thế rồi. 

- Còn cái clip kia? 

- Không xác định được có phải là giả không. 

- Thế bây giờ mày định…? 

- Thì về viết bài, có thế nào viết như thế chứ còn định gì. So what? (thế thì sao) 

- So what cái cục cứt! – chưa bao giờ tôi thô lỗ như thế trên điện thoại di động. – Mày định thế nào? Mày muốn cứ thế mà tương vào bài à? Mày không hỏi Chí Đức lấy một câu à? 

- Mày muốn gì? Có giỏi thì mày viết đi, viết xem có đăng được không? 

Hai người chửi nhau một trận nảy lửa trên điện thoại. 

- Đừng có vô lý thế. Mày phải hiểu là không thể khác được. Trong trường hợp này tao chỉ có thể làm hết sức mình là phản ánh lại đúng sự việc qua lời của công an, và sẽ ghi rõ là “theo kết luận điều tra”. Thông tin được chừng nào tới người đọc tốt chừng ấy. Mày viết theo kiểu đa chiều, lấy ý kiến Chí Đức, xem có đăng được không? Sao cáu kỉnh vô lý thế? Có phải lỗi của tao không? 

Đến lượt tôi ngồi bệt xuống đất, tay run bắn lên vì giận. Phải, chính tôi mới là kẻ vô lý. Tại sao tôi lại gầm lên trên điện thoại, lại văng tục với bạn tôi – nhà báo mà tôi nể phục, quý trọng, nhà báo mà tôi vẫn thường yêu mến bảo: “Như John Lennon và Paul McCartney, hai ta song kiếm hợp bích”. Tại sao tôi lại nói bạn như thế, trong khi cả hai đều hiểu ai là những kẻ phải chịu trách nhiệm về tất cả chuyện này. 

Bất cứ người làm báo chuyên nghiệp nào cũng hiểu quá rõ rằng, “trung thực, khách quan, công bằng” là các nguyên tắc đạo đức hàng đầu; và nếu ở một nền truyền thông đa chiều như phương Tây, thì sau khi dự một cuộc họp báo của cơ quan công an như thế, việc tiếp theo phóng viên phải làm là phỏng vấn “phía bên kia”, tức là nạn nhân Nguyễn Chí Đức, để xem anh có ý kiến như thế nào, có thực anh đã viết tường trình khẳng định mình không bị đạp mặt hay không. 

Nhưng báo chí nước mình nó khác, khác ghê lắm. Mà chẳng riêng báo chí, nói chung là cái nước mình nó khác. Video clip ghi lại hình ảnh vụ đạp mặt không được thừa nhận một cách thản nhiên. Cuộc họp báo của cơ quan công an, tổ chức tại Thành ủy Hà Nội, không có mặt Nguyễn Chí Đức, cũng không mời bất cứ một ai trong số những người đã ký kiến nghị đề nghị xử lý nghiêm vụ đạp mặt công dân. Kết luận chỉ hàm ý đơn giản là Nguyễn Chí Đức ăn vạ. Hỡi ôi, cả một hệ thống xông vào vùi dập một công dân! Và chúng tôi đã chẳng thể làm gì để bảo vệ công dân ấy. 

Nhưng bạn tôi nói đúng. Chúng tôi không làm khác được. Trong một nền báo chí được định hướng chặt chẽ, sát sao. Trong một nền truyền thông nơi “quyền bình luận” của nhà báo bị triệt tiêu sạch sẽ – đừng hỏi vì sao báo chí (lề phải) Việt Nam bao năm qua không có nổi một cây viết bình luận cho ra hồn; phóng viên, nhà báo đâu có cái quyền ấy; nó là quyền của lực lượng “chống âm mưu diễn biến hòa bình” kia. Trong một nền truyền thông nơi báo chí bị coi như công cụ, nhà báo không khác gì con chó, khi nào bảo sủa thì sủa, bảo im thì im. Thì người làm báo phải lựa chọn. Hoặc là im lặng để cố gắng đưa được thông tin tới bạn đọc chừng nào tốt chừng ấy. Hoặc ra đi. 

Và trong cuộc chiến lặng thầm đưa thông tin tới bạn đọc, nhiều nhà báo chỉ còn biết gạt nước mắt, thở dài mỗi khi bị hiểu nhầm, bị nghe chửi (oan) là “lưỡi gỗ”, “chó lợn”, “ngu xuẩn”… Đôi khi, họ làm tôi nhớ đến một câu hát buồn: 

“Many times I’ve been alone, 
and many times I’ve cried. 
Many ways you’ve never known, 
but many ways I’ve tried…” (2) 


Ngước mắt nhìn trời… 


Năm 2011 khép lại bằng một vài sự kiện, trong đó có chuyến về nước của GS. Trịnh Xuân Thuận, nhà vật lý thiên văn người Mỹ gốc Việt. Một trong những nhà báo thầm lặng mà tôi cũng rất yêu mến, khi tôi hỏi “có theo sự kiện này không”, đã trả lời: “Khi thất vọng với mặt đất thì là lúc nên nhìn lên trời”. 

Dẫu là một câu nói đùa, nhưng nó đúng. Nhìn lên trời cũng là một cách để bớt ức chế với mặt đất. Nếu không ngước mắt nhìn trời, họ – những nhà báo vẫn cố gắng bám trụ với nghề, chấp nhận cay đắng, chấp nhận sự định hướng của một lực lượng mà năng lực truyền thông hẳn nhiên là thua xa họ – sẽ không chịu nổi bao nhiêu bụi bặm, rác rưởi. 

Thôi thì chúng ta có thể hy vọng rằng, mọi việc được làm trên thế giới này đã được tiến hành bằng hy vọng. 

Bài : Giọt nước mắt của lề phải


https://www.facebook.com/notes/doan-trang/gi%E1%BB%8Dt-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-m%E1%BA%AFt-c%E1%BB%A7a-l%E1%BB%81-ph%E1%BA%A3i/10150435371448040

______________


Ghi chú: 

1. Tiểu thuyết “Suối nguồn” (The Fountainhead, 1943) của Ayn Rand. 
2. Ca khúc “Con đường dài và khúc khuỷu” (The Long and Winding Road, 1970) của “The Beatles”. 
3. “Everything that is done in the world is done by hope” (Martin Luther). 

Ảnh: "Ký giả đi ăn mày". Nguồn: "Hồi ký không tên" của Lý Quý Chung


++++++++++++


Sự ích kỷ của làng báo

Mình rất cảm kích bài viết Vì sao CA TP HCM chưa bắt Hoàng Khương? của Phan Lợi ( Cũng không rõ là Phan Lợi hay Phan Muôn), nói về trường hợp thu thẻ nhà báo và đình chỉ công tác nhà báo Hoàng Khương: “Xung quanh việc này Báo CAND và ANTG đăng nhiều bài chỉ trích cách thức tác nghiệp của Hoàng Khương, đồng thời đề nghị xử lý nghiêm hành vi gài bẫy CSGT của nhà báo này, cho rằng đã cấu thành tội đưa hối lộ.”

Mình rất nhất trí với phân tích của Phan Lợi là,” Theo cách “lên tiếng” này, khả năng sau khi được báo CAND “dọn đường”, cơ quan CSĐT Công an TP HCM sẽ khởi tố bị can (và có thể bắt) nhà báo.” Trước tình hình khẩn cấp như vậy, đáng lẽ Hội nhà báo và báo Tuổi trẻ phải ra sức tìm hiểu thực hư trước khi quyết định thu hồi thẻ nhà báo và đình chỉ công tác Hòang Khương, thì họ đã làm rất nhanh, dường như ngay tức thì đẩy Hoàng Khương đến chỗ mất việc mất nghề. Nói như Phan Lợi là đã ” rất nhanh ghi bàn”, thảm hại thay.

Mình không quen Hoàng Khương, chưa gặp anh lần nào, cũng ít khi đọc bài của anh viết. Nhưng vì cùng hành nghề với nhau mình thấy xót xa quá. Cái ông phó chủ tịch Hội nhà báo bảo rằng: “khi anh phát hiện ra có hành vi đưa, nhận hối lộ giữa người thi hành công vụ và người vi phạm thì cách tốt nhất là anh nên trình báo cơ quan có thẩm quyền để bắt quả tang và xử lý cả người đưa và nhận hối lộ”, hi hi thế thì còn gì là nhà báo. Ông này có lẽ chưa bao giờ đi viết bài chống tiêu cực. Cái điều mà ông nói là nghĩa vụ của một công dân. 

Nhà báo ngoài nghĩa vụ công dân còn là nghĩa vụ của nhà báo, họ phải bí mật đến phút cuối cùng trước khi bài báo được tung ra. Nếu nhà báo biết việc tiêu cực mà đi trình báo với  cơ quan có thẩm quyền thì đảm bảo đến 99% phần trăm không bao giờ bài báo được tung ra nữa. Đó là một sự thật mà bất kì ai hành nghề báo đều biết,   ở ta hay thế giới đều thế cả. Người ta bí mật cho đến khi bài báo được tung ra là để thực hiện đồng thời cả hai nghĩa vụ: công dân và nhà báo.

Về nghĩa vụ công dân, nói như  Phan Lợi rất đúng: “tố giác của công dân” và “tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng” có giá trị pháp lý ngang nhau, không cái nào “to” hơn cái nào.”  Hơn nữa, tố giác công dân trên báo chí bao giờ cũng hiệu quả gấp nhiều lần tố giác cho ai đó, ở nơi nào đó. Bởi vì đó là sự tố giác công khai và minh bạch nhất.  Không một nhà báo nào ngu xuẩn đến nỗi thấy tiêu cực lại đi tố giác kiểu như  ông phó chủ tịch Hội nhà báo đã nói cả, ngoài trừ đây là việc nhỏ không đáng viết một bài báo. 

Đối với các nhà báo đi chống tiêu cực thì vấn đề là mục đích chứ không phải hành vi.  Để tóm gọn được một vụ tiêu cực, rất nhiều khi nhà báo phải ” bạn bè, cảnh hẩu”, phải ăn nhậu chơi bời, thậm chí có thể tham gia vào những việc tiêu cực kia, kể cả việc nhận và đưa hối lộ. Đấy là việc nguy hiểm nhưng vì mục đích trong sáng người ta dám làm và dám chịu trách nhiệm. Cũng như hoạt động tình báo vậy, nếu không ăn nằm với địch, không khen địch chửi ta, thì làm sao có thể có được những nguồn tin quí giá?

Thực hư việc Hoàng Khương là thế nào, anh ta chống tiêu cực hay lợi dụng việc chống tiêu cực để trục lợi, cần phải xem xét một cách hết sức cẩn trọng, bởi vì nó hệ lụy đến sinh mạng chính trị và cuộc sống của một nhà báo. Cái cách sút tung lưới đồng nghiệp quá nhanh của báo Tuổi trẻ và Hội nhà báo khiến người ta nghi ngờ, không biết mấy ông này làm báo hay làm bồi bút, bảo vệ đồng nghiệp hay bảo vệ cái ghế của mình?  Và các nhà báo nữa, hơn hai nghìn nhà báo mà chỉ có Phan Lợi lên tiếng thôi sao?

 ”Để khác với con vật, con người không thể im lặng chỉ vì miếng ăn”, hôm nay nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã nói với mình như thế.


quechoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét