Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

Dân Nam Hàn gọi ngư dân Trung Quốc là ‘bọn hải tặc’. Hàng trăm người dân HQ, trong đó có nhiều cựu chiến binh đã biểu tình trước sứ quán TQ tại Seoul để bày tỏ sự phẫn nộ về vụ ngư dân TQ đã giết chết một sĩ quan tuần duyên, một số người biểu tình còn dẫm đạp, xé, đốt cờ TQ. TQ lấy làm tiếc trước các chết của người lính tuần duyên, nhưng không hề đả động gì đến chuyện xin lỗi.

Dân Nam Hàn gọi ngư dân Trung Quốc là ‘bọn hải tặc’




SEOUL, Nam Hàn (AP) -Dân chúng Nam Hàn hôm Thứ Ba phẫn nộ gọi các ngư dân Trung Quốc là “bọn hải tặc,” trong khi Tổng Thống Lee Myung-bak có quyết định sẽ gia tăng tuần tiễu hải phận Nam Hàn sau khi xảy ra việc một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc đâm chết một nhân viên Tuần Duyên Nam Hàn.




Dân Nam Hàn biểu tình bên ngoài Tòa Ðại Sứ Trung Quốc ở Seoul, phản đối vụ thuyền trưởng Trung Quốc đâm chết nhân viên Tuần Duyên Nam Hàn. (Hình: Jung Yeon-je/AFP/Getty Images)





Trong cuộc biểu tình phản đối trước Tòa Ðại Sứ Trung Quốc ở Seoul, một người dân Nam Hàn đã dùng chiếc xe SUV của mình ba lần húc vào chiếc xe buýt của cảnh sát được đậu ở cổng để bảo vệ tòa nhà, trong khi những người khác xé đốt cờ Trung Quốc. Một bài đăng trên trang mạng ở Nam Hàn đưa ra lời kêu gọi bắn tàu cá Trung Quốc vào đánh bắt bất hợp pháp ở quốc gia này cũng được hưởng ứng mạnh mẽ.


Sự giận dữ này bùng ra một ngày sau khi giới hữu trách Nam Hàn nói rằng thuyền trưởng một tàu cá Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp trong hải phận Nam Hàn đâm chết một nhân viên Tuần Duyên và làm bị thương một người khác.


Tờ nhật báo JoongAng Ilbo đăng hàng tít lớn trên trang nhất gọi những ngư dân Trung Quốc này là “bọn hải tặc,” trong khi tờ Chosun Ilbo nói trong một bài quan điểm là Tuần Duyên Nam Hàn phải có thêm tàu tuần và các phương tiện khác, đồng thời phải có thái độ cứng rắn hơn với thành phần ngư dân Trung Quốc được võ trang đầy đủ.


Tổng Thống Lee cho hay trong cuộc họp Nội Các rằng Nam Hàn sẽ có thái độ cứng rắn với thành phần ngư dân Trung Quốc đánh cá bất hợp pháp. Trong khi đó, giới chức Nam Hàn nói rằng chuyến viếng thăm Trung Quốc của ông Park, dự trù diễn ra tháng tới, có thể bị hủy bỏ nếu vụ này không được giải quyết ổn thỏa.


Với khoảng 300,000 tàu đánh cá và chừng 8 triệu thuyền viên, kỹ nghệ đánh cá Trung Quốc được coi là lớn nhất thế giới, mỗi năm đánh bắt một sản lượng hơn 17 triệu tấn. Tuy nhiên, lượng cá trong vùng biển Trung Quốc ngày càng cạn kiệt khiến tàu cá Trung Quốc tiến ra ngoài xa hơn, lấn vào hải phận các quốc gia khác. (V.Giang)


nguoi-viet




++++++++++++++




Ngư phủ Trung Quốc giết lính Hàn Quốc : dân Hàn phẫn nộ



Đoàn biểu tình giương cao khẩu hiệu "Bad China Out" trước sứ quán Trung Quốc tại Seoul (Reuters)
Đoàn biểu tình giương cao khẩu hiệu "Bad China Out" trước sứ quán Trung Quốc tại Seoul (Reuters)

Đức Tâm

Hôm qua 13/12/2011, hàng trăm người dân Hàn Quốc, trong đó có nhiều cựu chiến binh đã biểu tình trước sứ quán Trung Quốc tại Seoul để bày tỏ sự phẫn nộ về vụ ngư dân Trung Quốc đã giết chết một sĩ quan tuần duyên, một số người biểu tình còn dẫm đạp lên cờ Trung Quốc.


Trong khi đó, báo chí Hàn Quốc không ngần ngại coi những các ngư dân Trung Quốc xâm nhập trái phép lãnh hải nước này, giết người là những « tên cướp ». Thậm chí một trang web của Hàn Quốc còn đòi phải trả giá.


Ngày 12/12/2011 vừa qua, tầu tuần tra Hàn Quốc đã bắt giữ hai thuyền đánh cá của Trung Quốc tại Hoàng Hải, cách đảo Socheong 55 hải lý, mà theo Seoul là trong khu vực đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc. Trong lúc đang khám xét chiếc tàu cá thứ nhất thì thuyền trưởng của tàu cá Trung Quốc thứ hai đã lao tới, dùng mảnh kính vỡ và dao đâm chết một sĩ quan Hàn Quốc, làm bị thương một người khác. Hai tàu cá và 9 ngư dân Trung Quốc đã bị bắt giữ.


Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã triệu đại sứ Trung Quốc tại Seoul lên để phản đối. Bắc Kinh chính thức bầy tỏ thái độ lấy làm tiếc về sự cố và hứa điều tra. Tuy nhiên, lời xin lỗi của phía Trung Quốc không làm dịu cơn phẫn nộ của người dân Hàn Quốc.


Nhật báo JoongAng Ilbo chạy trên trang nhất, gọi các ngư phủ Trung Quốc là « những tên kẻ cướp ». Xã luận tờ Chosun Ilbo kêu gọi chính quyền phải trang bị tàu và phương tiện tốt hơn để lực lượng tuần duyên có để ngăn chặn và đáp trả những hành động trái phép của ngư dân Trung Quốc.


Tổng thống Lee Myung-bak tuyên bố là Hàn Quốc sẽ có những biện pháp cứng rắn đối với các hoạt động trái phép của ngư dân Trung Quốc. Seoul cho biết đang xem xét lại khả năng tổng thống Hàn Quốc công du Trung Quốc, được dự kiến vào tháng tới.


Trong thời gian qua, Hàn Quốc đã nhiều lần phải đối phó với nạn ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá trái phép tại Hoàng Hải. AFP cho biết là hồi tháng 10, lực lượng tuần Hàn Quốc đã phải dùng lựu đạn cay và bắn súng đạn cao su nhằm trấn áp các ngư dân Trung Quốc dùng gậy gộc, dao, xẻng để chống trả.


Tháng 12 năm ngoái, một tàu đánh cá Trung Quốc khi bị truy đuổi, đã đâm thẳng vào tàu tuần duyên Hàn Quốc. 
Trong vụ này, hai ngư dân Trung Quốc thiệt mạng. Tháng 9 năm 2008, một lính tuần duyên Hàn Quốc chết đuối khi muốn sang kiểm tra tàu đánh cá Trung Quốc.


Theo hãng thông tấn Yonhap, từ 2006 đến nay, Hàn Quốc đã bắt giữ khoảng 2600 tàu cá và gần 800 ngư dân Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc.


rfi




++++++++++++




Người Hàn Quốc biểu tình phản đối TQ





Hàn Quốc đã tổ chức tang lễ cho người lính tuần dương bị thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc đâm chết trong khi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra trước tòa đại sứ nước này ở Seoul.

Các thành viên gia đình và đồng đội đã khóc trong tang lễ tại thành phố cảng Incheon hôm thứ Tư 14/12 của Lee Cheong-ho, người lính tuần duyên 41 tuổi chết hôm 12/12.


Ba người con của ông Lee đã ôm di ảnh cha khóc nức nở. Ông sẽ được an táng ở nghĩa trang quốc gia.Trong khi đó, các dân biểu Nam Hàn đã kêu gọi ra điều luật đòi chính phủ Trung Quốc phải xin lỗi một cách chính thức và đúng mức.


‘Không khoan nhượng nữa’


Trong khi đó, hơn 200 người đã tụ tập trước tòa đại sứ Trung Quốc hôm 14/12 để phản đối chính phủ Trung Quốc và các ngư dân nước này.


Những người biểu tình, phần lớn là những người hoạt động thuộc phe bảo thủ và có cả các cựu chiến binh, đã hô vang các khẩu hiệu chống Trung Quốc và phá hủy một mô hình tàu cá nhỏ có gắn quốc kỳ Trung Quốc.


"Chính phủ của chúng ta cho đến nay vẫn khoan nhượng với họ, nhưng chúng ta không thể khoan nhượng với họ nữa sau hành động giết người này."
Park Chang-dal, người biểu tình chống Trung Quốc




Họ hối thúc chính phủ Hàn Quốc hành động chống lại tình trạng đánh bắt trái phép của ngư dân Trung Quốc.


“Tàu cá Trung Quốc đã có những hoạt động đánh bắt bất hợp pháp tại vùng Biển Tây của chúng ta trong thời gian dài,” Park Chang-dal, chủ tịch Liên đoàn Tự do Hàn Quốc và là một trong những người tham gia biểu tình, nói.


“Chính phủ của chúng ta cho đến nay vẫn khoan nhượng với họ, nhưng chúng ta không thể khoan nhượng với họ nữa sau hành động giết người này,’ ông nói thêm.


“Chính phủ và nhân dân chúng ta phải hợp tác để chấm dứt các hành động này.”


An ninh cũng đã được tăng cường bên ngoài Tòa đại sứ Hàn Quốc ở Bắc Kinh hôm thứ Tư 14/12 sau khi nó dường như bị bắn súng hơi, một quan chức Hàn Quốc cho biết.


Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói họ vẫn chưa rõ loại vũ khí nào đã được sử dụng trong vụ bắn vỡ cửa sổ tòa đại sứ của họ ở Bắc Kinh hôm thứ Ba 13/12. Không có ai bị thương trong vụ tấn công này.


Trong một bản tin phát đi từ Bắc Kinh, thông tấn xã Yonhap của Hàn Quốc dẫn một nguồn tin cho rằng một viên đạn kim loại có khả năng được bắn ra từ một khẩu súng hơi trong khi không có ai nghe được tiếng đạn.


Hiện vẫn chưa rõ liệu vụ tấn công này có liên quan đến vụ va chạm trên Hoàng Hải hay không.


"Chúng tôi sẽ có những biện pháp căn bản để cho những thảm họa như thế này sẽ không bao giờ xảy ra một lần nữa."
Tổng thống Lee Myung-bak




Chính phủ Hàn Quốc hứa sẽ đưa ra những biện pháp cứng rắn để ngăn chặn tình trạng ngư dân Trung Quốc đánh bắt trái phép.


Tổng thống Lee Myung-bak nói rằng chính phủ sẽ cấp thêm ngân sách cho lực lượng tuần duyên để lực lượng này tăng cường hoạt động tại vùng biển Hoàng Hải.


“Chúng tôi sẽ có những biện pháp căn bản để cho những thảm họa như thế này sẽ không bao giờ xảy ra một lần nữa,” Tổng thống Lee Myung-bak nói trong một bài diễn văn do trợ lý của ông đọc.


Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc thông báo chuyến thăm được dự kiến của Tổng thống Lee Myung-bak đến Trung Quốc có thể phải xem xét lại.


‘Những tên cướp biển’


Tàu tuần duyên Hàn Quốc và tàu cá Trung Quốc

Vụ đâm chết lính tuần duyên làm dư luận Nam Hàn phẫn nộ
Truyền thông Hàn Quốc phản ứng rất giận dữ với vụ việc. 


Họ lên án Trung Quốc đã không hề chia buồn với cái chết của người lính tuần duyên.


Nhật báo Joong Ang Ilbo bình luận vụ việc này có nguy cơ châm ngòi căng thẳng ngoại giao tồi tệ nhất từ trước đến nay giữa hai quốc gia.


Nhật báo này chạy tít ‘những tên cướp biển’ trên trang nhất, trong khi tờ Chosun Ilbo bình luận trong một bài xã luận rằng lực lượng tuần duyên nên có thêm nhiều tàu và có được hành động mạnh bạo hơn trong cuộc chiến chống lại các ngư dân Trung Quốc được trang bị đầy đủ vũ khí.


Giới chức Hàn Quốc nói họ có chiếc áo đẫm máu, hung khí gây án và đầy đủ các bằng chứng khác để cáo buộc viên thuyền trưởng này tội sát nhân.


“Thuyền trưởng tàu cá chối bỏ đã đâm người lính tuần duyên. Nhưng chúng tôi có bằng chứng vững chắc bao gồm quần áo dính máu của ông ta, do đó chúng tôi không có khó khăn gì để buộc tội ông ta,” người phát ngôn lực lượng tuần duyên Hàn Quốc nói với hãng tin AFP.


Các quan chức Hàn Quốc cho biết viên thuyền trưởng Trung Quốc sẽ đối mặt với cáo buộc sát nhân và trong khi 8 người khác trên tàu cá bị buộc tội cản trở người thi hành công vụ.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã triệu tập đại sứ Trung Quốc ở Seoul để phản đối về vụ việc.


Trước đó, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân nói rằng Bắc Kinh đang cố gắng xác minh vụ việc và sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với phía Hàn Quốc khi được hỏi rằng liệu Trung Quốc có bồi thường cho gia đính người sỹ quan tuần duyên hay không.


Không xin lỗi


Ông Lưu Vi Dân phát biểu hôm thứ Ba 13/12 rằng Trung Quốc lấy làm tiếc trước các chết của người lính tuần duyên, nhưng không hề đả động gì đến chuyện xin lỗi.


"Chính phủ Trung Quốc phải có một lời xin lỗi có trách nhiệm và cam kết không tái diễn để cho những hy sinh như thế này… sẽ không bao giờ xảy ra một lần nữa."
Nghị sỹ Hàn Quốc Chung Ok-Nim




Trong khi đó, một nhóm các nghị sỹ Hàn Quốc đang yêu cầu có những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn các ngư dân Trung Quốc đánh bắt trái phép.


Hai mươi nghị sỹ của Đảng Đại dân tộc cầm quyền đã cùng ký tên vào một nghị quyết yêu cầu Bắc Kinh trấn áp việc đánh bắt trái phép của các ngư dân nước này.


“Chính phủ Trung Quốc phải có một lời xin lỗi có trách nhiệm và cam kết không tái diễn để cho những hy sinh như thế này… sẽ không bao giờ xảy ra một lần nữa,” Nghị sỹ Chung Ok-Nim, người đứng đầu nhóm ký kết, phát biểu hôm thứ Tư ngày 12/12.


Bà cũng kêu gọi chính phủ tăng cường lực lượng tuần duyên và cho phép họ sử dụng vũ khí một cách mạnh bạo hơn.


Các tàu cá Trung Quốc thường xuyên bị bắt gặp đánh bắt trong vùng biển Hàn Quốc. Tuy nhiên họ thường xuyên được thả sau khi nộp tiền phạt.


So với 370 tàu cá Trung Quốc bị bắt vì đánh bắt trái phép vào năm 2010, con số này đã tăng lên đến 430 tàu trong năm 2011, theo lực lượng tuần duyên Hàn Quốc.


Họ cũng cho biết những lần chạm trán trước để ngăn chặn tàu cá Trung Quốc thường kết thúc trong bạo lực.


Hồi tháng 10 lực lượng tuần duyên nước này cho biết họ đã phải dùng hơi cay và đạn cao su để chế ngự các ngư dân Trung Quốc dùng dùi cui và cuốc xẻng tấn công họ.


Trong 5 năm vừa qua, tổng cộng hai lính tuần duyên của Hàn Quốc đã bị giết và 28 người khác bị thương trong các chiến dịch truy bắt tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế.


Vùng biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc, nằm giữa Trung Quốc và bờ biển phía tây của bán đảo Triều Tiên, có rất nhiều cua và cá cơm.


Chỉ mới tuần trước, Hàn Quốc đã yêu cầu đại sứ Trung Quốc cố gắng ngăn chặn tình trạng đánh bắt trái phép của ngư dân nước này.


Hàn Quốc cũng đã tăng tiền phạt lên các tàu cá nước ngoài bị phát hiện hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này, một động thái phản ánh rõ ràng sự mất kiên nhẫn của chính phủ Hàn Quốc với sự gia tăng nhanh chóng của các tàu cá Trung Quốc vi phạm.


Với 300.000 tàu cá và 8 triệu ngư dân, Trung Quốc có đội tàu đánh cá lớn nhất thế giới với sản lượng đánh bắt lên đến hơn 17 triệu tấn.


Tuy nhiên với sản lượng đánh bắt ngày càng giảm sút trong vùng biển gần bờ biển Trung Quốc, các tàu cá nước này ngày càng đánh bắt xa bờ để phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong nước.




Các bài liên quan



bbc







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét