Chiến sĩ công an: tự điển mới định nghĩa ác ôn
Ngày còn nhỏ, những lần học văn, hay học lịch sử, mỗi lần nghe thầy, cô giáo nhắc đến hai từ “chiến sĩ”, là trong tâm trí tôi sáng lên niềm tự hào, yêu mến và biết ơn những con người đã vì tổ quốc mà chịu mất mát, đau thương. Rất nhiều người trong số họ đã gửi lại tuổi xanh của mình nơi chốn rừng núi hoang vu hay nơi biển đảo xa xôi, mà đến bây giờ, người thân của họ còn chưa tìm được phần mộ của một phần da thịt mình.
Mỗi lần đi qua một nghĩa trang liệt sĩ, tôi thường cúi đầu trong thinh lặng để tưởng nhớ những người lính đã đổ máu cho tôi và thế hệ sau được sống trong hòa bình.
Năm đầu tiên về làm ở một cơ quan nhà nước, có nhiều đồng nghiệp của mình làm việc không có hiệu quả nhưng cuối năm lại được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Tôi thật sự ngỡ ngàng, không phải vì bản thân cái hão của danh hiệu, mà bởi hai từ chiến sĩ đứng trước danh hiệu thi đua của họ.
Xưa nay, hễ nói đến chiến sĩ, là người ta nghĩ ngay đến những con người ngày đêm miệt mài trên chiến trường, hay nói ngắn gọn hơn, nhắc đến chiến sĩ là người ta nghĩ đến chuyện đánh nhau. Thế thì mấy ông nhà giáo đánh nhau với ai trên tỉnh mà nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh? Khi tôi hỏi các đồng nghiệp của mình câu đó, mọi người chỉ biết cười trừ mà thôi. Nhưng lòng tôi thật sự chua chát lắm.
Còn một thứ chiến sĩ nữa trong muôn vàn chiến sĩ tại xã hội lạm phát ngôn từ này đó là “chiến sĩ công an”!
Khi nghe nhắc đến những “chiến sĩ công an”... mọi người nghĩ ngay đến những hình ảnh đánh, giết người man rợ của họ mà nạn nhân là những người dân trong tay không có một tắc sắt.
Chỉ có một em nhỏ ở Huế lấy 3,1 triệu của cô mình mà công an đánh đánh em đến bầm dập cả hai mông. Mới đây, trên các trang báo của Vietnamnet, Lao động,... có đăng tải thông tin, một phụ xe là anh Nguyễn Văn Nam khi bị công an Nghệ An giữ xe lại “làm khó”, anh yêu cầu công an lập biên bản giữ xe thì nhận được câu trả lời bằng một vật nhọn đâm vào đầu khiến anh phải nhập viện ngay sau đó.
Công an đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng khi ông tháo mũ bảo hiểm ra để nghe điện thoại. Công an dùng súng bắn vào đôi trai gái đang đi trên đường vì họ quên không đội mũ bão hiểm. Công an thuê côn đồ hành hung dân ở Nam Định. Công an xịt hơi cay vào một thanh niên đi đường và vu cho anh tàng trữ ma túy khi người dân đưa anh đến nhập viên trong tình trạng anh bị bất tỉnh và trên người chỉ có hai điện thoại di động...và mới đây nhất Công an đánh trọng thương và cưỡng bức hàng nghìn hộ dân ở Câu Hà, Điện Bàn, Quảng Nam và đập phá nhà cửa của họ, làm cho họ phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất.
Càng ngày, với dùi cui, roi điện và súng ống trong tay, các “chiến sĩ” công an ngày một lập được nhiều thành tích đáng... sợ. Trong suốt 8 tuần vừa qua, khi những ngưởi yêu nước xuống đường biểu tình để phản đối Trung Quốc xâm lược Việt Nam, thì các “chiến sĩ” công an đã thi đua lập được nhiều thành tích bằng nhiều hình thức khác nhau: Đại úy Minh đạp vào mặt anh Nguyễn Chí Đức khi anh bị bốn công an khiêng, quẳng lên xe buýt như quẳng súc vật. Công an đánh đập, bắt bớ, bóp cổ người biểu tình mà không chứng minh được họ phạm vào tội gì…
Chưa hết, công an còn gây khó khăn, trở ngại về chỗ ở, việc làm khi những người yêu nước thực thi quyền được lên tiếng của họ. Không thể kể hết các “thành tích” ghê tởm và nhục nhã của công an nhân dân ngày một dày lên trên các mặt báo cả lề trái và lề phải hiện nay.
Tôi thực sự không biết, trong các trường Đại học an ninh, công an được đào tạo thế nào để họ có thể lạnh lùng đánh đập dân mình một cách dã man đến thế? Mỗi lần ra đường nhìn các khẩu hiệu treo đầy trên cây, hay những lần đến trụ sở công an làm việc, tôi luôn nhìn thấy khẩu hiệu “Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, hoặc đâu đó trên tường treo 6 điều Bác Hồ dạy công an, trong đó có điều 4 là lễ phép, kính trọng nhân dân. Điều gì đã làm cho công an ngày càng lộng quyền đến thế để mỗi lần nghe nhắc đến công an là người dân lại lắc đầu ngao ngán như một nỗi kinh hoàng, khiếp sợ?
Tôi còn nhớ rất rõ, ngày xưa, khi còn đi học, trong tiết học bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, có đoạn kể về tội ác của quân thù đến nỗi nước đông hải cũng không rửa sạch được tội của chúng đã gây ra cho nhân dân ta. Thế mà khi chúng “như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng, thì nhân dân ta đã tha chết và còn cấp lương thực và phương tiện cho về nước.
Còn ngày nay, nhân dân ta đã làm chi nên tội mà công an lại thẳng tay đàn áp, đánh đập, bắt bớ họ đến thế? Sao dân mình khổ thế? Khổ mà không biết kêu ai. Ngư dân ra biển thì bị bọn Trung Quốc đánh đập, cướp hết sản phẩm lao động. Nông dân sống trên cạn thì bị bọn Trung Quốc xông vào đánh cả làng như ở Thanh Hóa. Sao những lúc đó, công an không xuất hiện cho nhanh để giải cứu nhân dân thoát khỏi tay bọn Trung Quốc?
Đi đâu cũng được nghe tuyên truyền rằng, Việt Nam tôn trọng nhân quyền, Việt Nam đang sánh vai với các cường quốc năm châu. Nhưng không biết là họ sánh vai kiểu gì, khi hành động “công an trị” ngày càng bộc lộ tính man rợ, thậm chí kinh khủng hơn cả Mafia như ở Ý. Vì nhóm xã hội đen đó còn có luật là không được đụng đến trẻ em và phụ nữ.
Ông Nguyễn Đức Nhanh, giám đốc công an Hà Nội mới đây đã trả lời trên báo Pháp luật rằng: “phải xử thật nặng người chống đối công an thi hành công vụ”. Ông nêu lên chuyện cô gái tát công an và ông “hết sức bức xúc về những hành vi coi thường pháp luật này”.
Sau đó, trên tờ Dân trí, đăng tải thông tin, cô gái này bị khởi tố vì “chống đối người thi hành công vụ, bị phạt tiền gần 3 triệu, bị giữ xe 10 ngày, và cô gái đó và gia đình đã xin lỗi công an.
Có một cô gái tát công an thì ngay lập tức cô bị khởi tố, bị phạt tiền, bị o ép đủ thứ. Thế mấy anh công an đạp vào mặt anh Đức khi anh bị bốn công an không chế, có hình anh rõ ràng trên mạng, sờ sờ ra đó, không ai chối cãi được, thì công an im lặng làm ngơ? Sao những người phụ nữ và trẻ em xuống đường biểu tình chống họa xâm lăng Trung Quốc thì công an bóp cổ, đánh đập họ? Sao không thấy có tòa án nào khởi tố những hành động man rợ đó của công an cho dân nhờ? Sao cô Kim Tiến kêu oan cho cha cô đến khản cả cổ, kiệt cả sức vì công an đánh chết cha cô, thì câu trả lời là sự im lặng hèn nhát, trơ trẽn của phía công an?
Sao ông Nhanh không cho khởi tố và bắt giam những hành động lộng quyền, đàn áp nhân dân của công an nhân dân mà ông là một thành viên? Hay ông chỉ nói lấp liếm cho qua chuyện với khẩu hiệu quen thuộc “giáo dục chấn chỉnh cán bộ chiến sỹ về thái độ, tác phong, tư thế, điều lệnh. Khi tiếp xúc với nhân dân, người sai phạm, công an phải có tính chuyên nghiệp trong xử lý, vừa bảo vệ được tính mạng của mình, vừa thi hành được công vụ, vừa làm cho kỷ cương luật pháp được nghiêm”.
Tôi cầu mong đừng bao giờ phải nghe thêm một lời nào như thế nữa từ phía công an.
Khi tôi viết những dòng này thì ngày 27.7 đang đến rất gần, ngày thương binh liệt sĩ. Ngày để mọi người vinh danh, biết ơn các chiến sĩ đã ngã xuống vì tổ quốc Việt Nam thân yêu. Ngày để mọi người nhớ lại công lao của các chiến sĩ hai miền đã chiến đấu anh dũng, đã ngã xuống trên đất này mà tôi thấy trong đoàn biểu tình hôm 24.7, có nhiều người đã nâng niu khi cầm trên tay tờ giấy có tên của các anh đã hi sinh.
Vì thế, làm ơn đừng đặt hai từ chiến sĩ trong sáng trước hai chữ công an không tương xứng. Chiến sĩ là người lính đánh nhau với giặc ngoại xâm. Còn chiến sĩ công an thì làm ngược lại: đánh đập nhân dân, thậm chí đánh đập đàn bà, trẻ em.
Vì thế, nếu gọi họ là chiến sĩ tôi sợ xúc phạm đến anh linh của các chiến sĩ thực sự đã chiến đấu, đã hi sinh cho tổ quốc, mà ngày mai, cả nước Việt Nam nghiêng mình tưởng nhớ đến họ trong niềm biết ơn sâu sắc.
http://nhuhoacomay.multiply.com/journal/item/95/95
++++++++++++++++++
THƯ THỨ 2 GỬI ÔNG NGUYỄN ĐỨC NHANH, GĐ CÔNG AN TP HÀ NỘI
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——*——
Hà Nội, ngày 25 tháng 07 năm 2011
Kính gửi: Ông Nguyễn Đức Nhanh
Giám đốc Công an thành phố Hà Nội
1.Chúng tôi những người tham gia và ủng hộ các cuộc biểu tình yêu nước, phản đối Trung Quốc gây hấn tại biển Đông ghi nhận và hoan nghênh Công an thành phố Hà Nội (CATPHN) đã không sử dụng vũ lực đối với người tham gia biểu tình yêu nước trong buổi sáng Chủ nhật 24/7/2011 vừa qua.
2.Tuy nhiên, chúng tôi hoàn toàn không tán thành việc một số nhân viên an ninh đã ngấm ngầm hoặc công khai gây phiền nhiễu sinh hoạt bình thường của một số công dân nhằm ngăn cản họ thực hiện quyền biểu tình được Hiến pháp quy định.
3. Chúng tôi cũng muốn nhắc lại sự việc đáng tiếc xảy ra trong hai cuộc biểu tình tự phát gần đây đã bị CATPHN trấn áp, đặc biệt là cuộc biểu tình diễn ra sáng ngày 17/07/2011. Chúng tôi tiếp tục đề nghị ông Giám đốc CATPHN trả lời trước công luận về mấy nội dung sau:
a. Căn cứ theo quy định nào của Pháp luật, CATPHN đã bắt giữ người mà không có lệnh hợp pháp trong cuộc biểu tình ngày 17/07/2011 (ít nhất 46 người).
b. Bức ảnh bốn Công an “khiêng” một công dân trong cuộc biểu tình trên đã được nhiều hãng thông tấn Quốc tế truyền tin khắp thế giới. Công dân này bị “khiêng” đến một chiếc xe buýt và một nhân viên an ninh mặc thường phục trên xe buýt đã dùng chân đạp vào mặt, miệng công dân đó nhiều lần. Video Clip về cảnh này cũng được truyền khắp trên Internet.
Hiện nay, quần chúng nhân dân đã xác định được danh tính của nhân viên an ninh trong video clip nói trên là Minh, đội phó đội an ninh, công an quận Hoàn Kiếm.
Chúng tôi đề nghị Ông chỉ đạo xác minh thông tin trên, nếu đúng thì phải xử lý theo quy định của pháp luật, nếu sai thì công bố để không ảnh hưởng đến uy tín của CA TPHN. Nếu việc xác định của nhân dân là đúng thì anh Minh có dấu hiệu phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”(quy định tại điều 281 Bộ luật Hình sự). Hành vi của anh Minh thỏa mãn các dấu hiệu pháp lý của tội phạm này, cụ thể: anh Minh, 1) Là người có chức vụ, quyền hạn; 2) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng vũ lực trái công vụ, gây thiệt hại về thể chất và nhân phẩm cho nạn nhân, gây phẫn nộ trong nhân dân; 3) Phạm tội với lỗi cố ý, với động cơ coi thường pháp luật, coi thường nhân dân, chà đạp, cản trở việc thực hiện quyền tự do dân chủ của nhân dân.
Minh phạm tội với hai tình tiết tăng nặng quy định tại điểm d và điểm h khoản 1 điều 48 Bộ luật Hình sự: Phạm tội có tính chất côn đồ và phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được.
Tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” không phải là trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại theo quy định tại điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự. Vì vậy, cơ quan điều tra phải chủ động khởi tố vụ án, không phụ thuộc vào ý chí của người bị hại. Sự tha thứ cao thượng của người bị hại (nếu có) đối với người phạm tội chỉ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, chứ không phải là lý do để cơ quan điều tra không khởi tố vụ án hình sự.
Nếu Ông không giải quyết sớm văn thư này, chúng tôi sẽ buộc phải sử dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để yêu cầu cấp cao hơn sẽ xử lý cá nhân anh Minh và những vị lãnh đạo khác có liên quan của Công an Quận Hoàn Kiếm và CA TPHN.
Kính chào Ông!
Những công dân Việt Nam tham gia và ủng hộ các cuộc biểu tình yêu nước, phản đối Trung Quốc gây hấn tại biển Đông tại Hà Nội ký tên:
Nguyễn Huệ ChiPhạm Duy Hiển
Nguyễn Nguyên Bình
Chu Hảo
Trần Nhương
Phạm Xuân Nguyên
Nguyễn Thị Hồng Ngát
Trần Kỳ Trung
Nguyễn Xuân Diện
Lê Dũng
Nguyễn Tiến Nam
Hoàng Cường
Đặng Bích Phượng
AnhBaSam Blog