Tôi tốt nghiệp chuyên ngành Tài Chính Ngân Hàng với loại khá. Tôi tự tin với tấm bằng sau 4 năm miệt mài và học hành nghiêm túc. Tôi bước vào đời với những ước mơ và hoài bão cống hiến cho xã hội những kiến thức mình lĩnh hội khi còn ngồi trong giảng đường Đại Học. Tôi hiểu hơn ai hết trong tấm bằng ấy thấm đảmnhững khổ nhọc của ba mẹ mình. Mồ hôi, nước mắt, nợ nần, lo lắng và cả những kỳ vọng của ba mẹ tôi đong đầy trong tấm bằng tốt nghiệp Đại Học loại khá của tôi.
Tạm thời quên đi những kỷ niệm đẹp thời sinh viên đầy màu hồng, gác lại một bên ngày ra trường nhận bằng trong bộ quần áo xúng xính với những hoa tươi và nhiều lời chúc tốt đẹp, chúng tôi những sinh viên mới ra trường lao vào chuyện kiếm việc làm.
Tôi tìm kiếm các thông tin tuyển dụng trên các phương tiện truyền thông. Tôi đọc báo, lên internet vào các web tuyển dụng. Gia đình tôi làm nông ở quê không có ai quen biết hay làm ông này bà nọ trong họ hàng để cho tôi nhờ vả. Rồi cuối cùng tôi cũng tìm được một thông tin tuyển dụng từ một ngân hàng. Xét thấy mình đáp ứng đủ điều kiện làm một giao dịch viên ở ngân hàng đúng với khả năng và nghiệp vụ của mình. Tôi nhanh chóng hoàn thành một bộ hồ sơ và đem nộp. Tôi hồi hộp chờ đợi đến ngày người ta gọi đi phỏng vấn. Ước mơ có việc làm, có thu nhập cá nhân, có cuộc sống tự lập đang đến gần với tôi.
Những ngày chờ đợi sao có vẻ quá dài. 4 năm đèn sách là 4 năm tôi "cày" trối chết. Không đi làm thêm, không có kỳ nghĩ hè, về tết cũng ôm một đống giáo trình mà học. Thời gian chờ đợi như kéo dài ra. Đến ngày hết hạn nộp hồ sơ hơn 1 tháng cũng chẳng có tăm hơi gì. Địa chỉ nhà tôi không có thư, hộp thư email của tôi vẫn trống rỗng, điện thoại di động luôn mở nhưng không có tin nhắn nào từ ngân hàng tôi nộp hồ sơ. Trong hồ sơ tôi ghi đầy đủ những tin tức cá nhân của tôi. Quá nóng lòng, tôi điện thoại hỏi thăm một nhỏ bạn cùng nộp hồ sơ như tôi. Cô bạn của tôi cũng chờ đợi nhưng bạn ấy biết nhiều tin tức hơn tôi. Một sự thật đau lòng đang hé mở.
Người bạn của tôi bảo tôi rằng đừng chờ nữa và rủ tôi đi tìm một chỗ nào tuyển dụng mà nộp hồ sơ tiếp. Vì ngân hàng mà chúng tôi nộp hồ sơ đăng báo tuyển dụng chỉ là một hình thức mua bán công việc làm mà thôi. Mọi công việc đều có biểu giá của nó. Tiếp tân: 40 triệu đồng, giao dịch viên ngân hàng 60 triệu đồng, thu ngân 80 triệu đồng, giao dịch ngoại hối 100 triệu đồng. Người ta đã gọi điện thọai cho bạn của tôi và ra giá như vậy. Có lẽ cô bạn của tôi có ngoại hình hơn tôi nên được người ta "chiếu cố quan tâm" điện thoại thông báo còn hẹn hò đi cà phê nưa. Nhưng cô bạn của tôi là người có đạo và gia đình rất lễ giáo gia phong nên từ chối các đề nghị khiếm nhã này.
Sự thật đau lòng sau những lời hoa mỹ quảng cáo trên tờ báo nổi tiếng nhất nước này như vậy sao? Trên giảng đường và giáo trình người ta không dạy chúng tôi những "giao dịch ngoài luồng" như thế này. Những sinh viên mới ra trường như chúng tôi gia đình đã nợ nần chồng chất lãi mẹ đẻ lãi con chưa biết hồi nào trả xong giờ lấy đâu ra những số tiền tính bằng bằng chục triệu cỡ đó? Vào làm với mức lương như thông báo thì bao giờ mới trả nỗi số tiền "lệ phí ban đầu" này. Sau thời gian thử việc chưa chắc chúng tôi sẽ được nhận vào chính thức thì số tiền "tự nguyện không biên lai, hóa đơn" này sẽ về đâu?
Dân học ngân hàng như chúng tôi nghe số tiền ấy đã hoa mắt nhưng không khủng khiếp bằng một người quen của tôi học Y Khoa trên thành phố xin làm ở các bệnh viện trung tâm. Người ta không tính bằng chục triệu mà đơn vị là " cây". Chợ Rẫy: 25 "cây", Trung Tâm chấn thương chỉnh hình: 15 "cây", Ung Bướu: 12 "cây", Bình Dân: 15 "cây", Từ Dũ: 20 "cây". Về các trung tâm y tế quận, huyện thì rẻ hơn tùy khu vực nội hay ngoại thành. Ai muốn rẻ thì về các phòng khám ở các xã vùng sâu vùng xa. Bài học đầu tiên sau khi ra trường của đám sinh viên cô thân cô thế như chúng tôi sao chua xót quá!
Rồi chúng tôi sẽ khởi nghiệp bằng cách nào đây? Nhắm mắt lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc như các cô bạn tôi thì đâu cần miệt mài 4 năm đèn sách. Nhắm mắt lấy chồng để có tiền giúp gia đình đáo nợ ngân hàng liệu có thành sự thật? Nhiều cô dâu khi lấy chồng xuất ngoại thì nguyên vẹn nhưng về nhà trong chiếc quan tài lạnh hay thân thể đầy vết tích. Liệu rồi đây trên hành trình tìm việc chúng tôi sẽ khám phá ra những mặt trái nào nữa sau các lời rao tuyển dụng?
Tôi bắt gặp được ánh mắt lo âu của ba tôi và nghe những tiếng thở dài của mẹ tôi. Tôi có quá bi quan lắm không khi tình hình kinh tế ngày càng khủng hoảng? Năm tới nữa sẽ có nhiều sinh viên mới ra trường thêm liệu chúng tôi còn cơ hội nào cạnh tranh lành mạnh nữa không? Ngoài những con đường đi sau về tắt cho những công việc rao tuyển có lối nào đường hoàng cho chúng tôi kiếm một việc làm tử tế chăng? Chúng tôi, những sinh viên mới ra trường đang cần một việc làm ổn định.
Có ai nghe những lời tâm tình của chúng tôi không? Lạy Trời cho những tiếng kêu nhỏ bé này không bay vào cõi hư vô.
Cần Thơ ngày 30.7 2011