Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

Để lực lượng xuống đường đông đảo, hãy đến với công nhân, họ cũng là công dân Việt Nam, họ cũng có quyền biết về tình hình đất nước, họ cũng có quyền yêu nước và quyền xuống đường cùng những công dân khác biểu hiện lòng yêu nước.






Thưa các Bác, các anh chị, các bạn.

Tôi theo dõi những cuộc xuống đường bày tỏ lòng yêu nước từ ngày 5/6 đến nay với nỗi lòng hồi hộp, lo âu và kính trọng. Hồi hộp khi đọc các lời kêu gọi của các bạn trẻ: sẽ có bao nhiêu người tham gia? Hà Nội, Sài Gòn? Còn Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh và các thành phố khác ra sao?



Lo âu: vì các lực lượng an ninh „ chỉ biết còn đảng, còn mình” đã bị lưu manh hóa, côn đồ hóa, chắc chắn sẽ đàn áp. Bao nhiêu người sẽ bị bắt, bị đánh đập, bị tù đày?


Kính trọng: Những con người đã vượt qua nỗi sợ, dũng cảm xuống đường để chặn bàn tay của bọn cướp nước và bán nước. Kính trọng các bậc trưởng lão, các bậc đàn anh trí thức thực thụ như bác Hoàng Tụy, bác Nguyễn Trọng Vĩnh, bác Nguyễn Quang A, bác Phạm Toàn, bác Huệ Chi, bác Phạm Duy Hiển,v.v... Kính trọng các anh chị văn nghệ sỹ; Kính trọng các bác xích lô, xe ôm; kính trọng các bạn thanh niên, sinh viên, kính trọng các cháu nhỏ năm bảy tuổi, mồ hôi nhễ nhại vẫn theo mẹ, theo cha hiên ngang cầm biểu ngữ trên đường phố. Tuy nhỏ tuổi, nhưng các cháu được kính trọng hơn nhiều, hơn nhiều so với những người tuy tuổi tác đáng bậc ông nội, ông ngoại các cháu, bằng cấp cũng đầy mình, nào là giáo sư, tiến sỹ, nào là đại tướng, trung tướng, mũ cao áo dài, chức này tước nọ đã cam tâm quỳ gối trước kẻ thù, dâng đất, dâng biển cho giặc, nhưng lại ác độc với người dân, cướp bóc, đàn áp dân lành.


Chủ nhật nọ nối tiếp theo chủ nhật kia, càng ngày càng thêm nhiều Nguyễn Tiến Nam, Phan Nguyên, Nguyễn Văn Phương,v.v. Khi có người bị bắt, những người biểu tình đã bao vây đồn công an, buộc họ phải thả người; Khi bị lôi lên xe buýt, chở đến nơi xa để khủng bố tinh thần, đã yêu cầu công an phải chở mình về địa điểm bị bắt giữ, lợi dụng quãng đường đi bộ tiếp tục biểu tình.


Hai năm trước, Phạm Thanh Nghiên trưng biểu ngữ "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam" ngay trong sân nhà mình, bị nhà cầm quyền tuyên án 4 năm tù. Đầu năm ngoái, giữa những đêm trước tết, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương cùng những anh chị em rải truyền đơn kêu gọi lòng yêu nước, bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ, bị nhà cầm quyền truy bắt, đánh đập tàn nhẫn và tuyên án Đỗ thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương 7 năm tù, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng 9 năm tù. Cách đây không lâu, các bạn trẻ khắp cả nước cũng chỉ dám lén lút trong đêm, dán và rải biểu ngữ "HS-TS-VN".


Nhưng, những chủ nhật vừa qua, giữa "thanh thiên, bạch nhật", tại hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn  đã có hàng ngàn lượt người xuống đường, với nhiều loại biểu ngữ được dương lên, dù trời nắng nóng, dù dùi cui, nhà tù hăm dọa, từng đoàn người vẫn đi, vẫn hiên ngang với tiếng hô "đả đảo…", tiếng kèn, tiếng hát hào hùng vẫn rền vang giữa phố phường. Cuộc tranh đấu bảo vệ lãnh thổ, vì tự do đã tiến được một bước dài. Dân tộc Việt Nam chắc chắn sẽ trường tồn.


Tuy nhiên, những cuộc xuống đường về sau, số lượng người tham gia không nhiều như chúng ta mong đợi. Trừ các Bác, các anh chị, các bạn kiên cường, tham gia từ đầu đến cuối, phần đông vẫn đang chờ thời.


Chờ thời, phần lớn là những bạn sinh viên hoặc bị các "ông thầy xã hội chủ nghĩa" khống chế bằng những lời đe dọa đuổi học hoặc đang mơ ước sau khi ra trường sẽ tìm được việc làm ổn định, "dính vào chính trị" thì sẽ gặp khó khăn;


Chờ thời, phần lớn là những trí thức, những công chức nhà nước đang ăn theo chế độ, dù lương bổng của họ chỉ là một phần bố thí nhỏ nhoi trong gia tài của đất nước, từ tiền thuế của dân, tiền ăn cướp của dân, tiền khai thác tài nguyên do bọn quan tham chiếm dụng. Họ thừa biết, nếu đất nước vào tay giặc, thì chỗ dung thân còn khó huống gì việc làm hay bổng lộc. Họ biết, nhưng họ muốn người khác đấu tranh thay họ, vào tù thay họ, hy sinh thay họ. Họ chỉ xuống đường khi thắng lợi đã cận kề và họ sẽ là những người đả đảo cộng sản hăng nhất, đòi treo cổ cộng sản hăng nhất, lớn tiếng nhất ca ngợi chế độ dân chủ và nhanh nhất trong việc lập các đảng chính trị với những cái tên và cương lĩnh rất mỹ miều nhằm tranh cử.


Để lực lượng xuống đường đông đảo, các anh chị, các bạn cần chú ý đến một lực lượng hùng hậu là gần 10 triệu công nhân đang bị bóc lột tệ hại và đối xử bất công trong các nhà máy, xí nghiệp đặc biệt là các công ty tư nhân với chủ là người nước ngoài. Họ bị một cổ nhiều tròng: bị chủ bóc lột, tìm mọi cách quỵt lương, ăn ở và sinh hoạt trong những khu nhà ổ chuột, bẩn thỉu;  bị nhà nước ăn cướp vô hình bằng lạm phát,bằng tăng giá thực phẩm, cúp điện, cúp nước vô tội vạ; bị công an và chính quyền địa phương đồng lõa với giới chủ đàn áp,đe dọa, bắt bớ khi họ phản đối giới chủ, đòi hỏi quyền lợi chính đáng.



Nhưng, khi đã bị dồn đến bước đường cùng, họ buộc phải tự vệ để dành quyền sống.


Đình công là phương tiện tranh đấu bất khả xâm phạm của công nhân.


Từ năm 1995 đến nay, trên khắp cả nước Việt Nam đã có gần 3000 cuộc đình công của công nhân, năm 2005: 356 vụ; 2006: 387 vụ; 2007:541 vụ; 2008: 762 vụ; 2009:216 vụ; 2010:385 vụ; 6 tháng đầu năm 2011 đã có 336 vụ. Tất cả các cuộc đình công đều do công nhân tự tổ chức, nhiều cuộc đình công có trên 10 ngàn người tham gia, đặc biệt là cuộc đình công ngày 5 tháng 3 năm 2010 tại công ty Pouchen tại xã Hóa An, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Trên 10 ngàn công nhân đã đồng loạt xuống đường, yêu cầu giới chủ tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc, không quỵt lương công nhân. Chính quyền địa phương và lực lượng cảnh sát thay vì ủng hộ những đòi hỏi chính đáng của công nhân thì lại đàn áp đe dọa cuộc đình công. Khi cảnh sát bắt đi một công nhân mà họ cho là người tổ chức, hàng ngàn người đã bao vây cảnh sát, bắt buộc phải thả người bị bắt, (tình huống giống như công an Tràng Tiền bắt bạn Nguyễn Tiến Nam), trước áp lực của đám đông, anh công nhân được thả và lập tức băng rôn "Công nhân đại đoàn kết” được dương lên. Đã có nhiều cuộc đình công diễn ra như vậy. Phần lớn yêu sách của họ được đáp ứng, hay ít nhất giới chủ phải gặp gỡ "Ban đại diện công nhân” để bàn bạc và thỏa hiệp.


Mới đây thôi, từ 21 đến 28 tháng 6 năm 2011, tại nhà máy Pou Yuen của Đài Loan ở Sàigòn đã có một cuộc đình công lớn, lúc cao điểm lên tới toàn bộ 90 ngàn công nhân, để đòi tăng lương. Theo báo chí ở Đài Loan, có 20 công nhân lãnh đạo đình công bị bắt.


Giai cấp công nhân đã vượt qua nỗi sợ, khi cuộc sống của họ bị đe dọa.


Đừng tưởng rằng những cuộc đình công đó do Công đoàn tổ chức. Không, hoàn toàn không. Công đoàn là cánh tay nối dài, là công cụ của đảng cộng sản, được thành lập nhằm thực hiện đường lối, chủ trương của đảng CS chứ không phải nhằm bảo vệ quyền lợi của công nhân. Chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động VN, ông Đăng Ngọc Tùng là ủy viên trung ương đảng CS, lãnh đạo công đoàn các cấp cũng là cán bộ đảng CS. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Nghị định cấm đình công, chắc chắn ông Đặng Ngọc Tùng không dám trái lệnh. Những cuộc đình công đó do công nhân tự tổ chức và hàng ngàn người, hàng chục ngàn người đã đồng lòng vì quyền lợi chung, nghe theo Ban đại diện, đình công trong trật tự và không bạo động. Nếu không có khả năng tổ chức, nếu không có sức thuyết phục trong lời nói và việc làm thì không thể quy tụ được hàng chục ngàn người tham gia. Nhiều cuộc đình công đã bị đàn áp, máu của công nhân cũng đã đổ, nhưng tinh thần đoàn kết của công nhân đã được nhân lên.


Đáng tiếc rằng, anh chị em công nhân đã tranh đấu đơn độc, không được sự chú ý quan tâm của các thành phần xã hội khác.


Giờ đây, nguy cơ mất nước đã cận kề, mai đây nếu giang sơn rơi vào tay giặc, họ lại bị thêm một tầng áp bức, chắc chắn tệ hại hơn nhiều so với những gì họ phải chịu đựng hiện nay.


Họ cũng là công dân Việt Nam, họ cũng có quyền biết về tình hình đất nước, họ cũng có quyền yêu nước và quyền xuống đường cùng những công dân khác biểu hiện lòng yêu nước. Nhưng, những thông tin về nguy cơ mất nước không đến được với họ, vì họ phải làm việc cật lực trong nhà máy với 10 đến 15 tiếng một ngày, họ không có điều kiện tiếp cận Internet để biết được thông tin.Trên 700 tờ báo nhà nước, đài truyền hình nhà nước đã đánh lừa họ về mọi mặt, cả về sự an toàn và tương lai nước Việt.


Chúng ta, những người Việt yêu nước cần chú ý đến họ hơn, mang đến họ những tin tức về nguy cơ mất nước, động viên, giúp đỡ họ khi miếng cơm của họ bị giới chủ cướp đi. Họ sẽ được khích lệ rất nhiều, nếu những cuộc đình công của họ được cả xã hội chú ý. Họ sẽ rất sung sướng nếu khi đình công tranh đấu vì quyền lợi chính đáng, họ nhận được sự đồng tình, một chai nước khoáng, một lời động viên và chắc chắn họ sẽ kiên trì đến cùng, giới chủ bắt buộc phải trả lại sự công bằng cho họ.


Khắp đất nước ta, chỗ nào điều kiện sống và làm việc của công nhân cũng khốn khổ như nhau: Vĩnh Phú, Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, Sài Gòn… và tinh thần tranh đấu của họ cũng đã được thử thách qua các cuộc đình công.


Hãy đến với công nhân bằng những tờ truyền đơn ngắn gọn, dễ hiểu. Công nhân làm việc tập trung, ăn ở tập trung, tiếp xúc với họ không khó. Khi họ đã hiểu được nguy cơ mất nước, chắc chắn tình yêu Tổ quốc của họ cũng không kém chúng ta. Ngày chủ nhật, chỉ cần công nhân một vài nhà máy xuống đường, lực lượng người yêu nước đã có cả chục ngàn người. Dòng thác đó tràn xuống sẽ cuốn phăng mọi cản trở.


Người Việt yêu nước khắp thế giới, đêm ngày hướng về Tổ quốc, Cảm phục những người con của Mẹ Việt Nam đã vượt qua nỗi sợ, hiên ngang trước bạo quyền, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết sẽ mang lại tự do.

Warszawa, 19/07/2011

Trần Ngoc Thành

gửi Dân Làm Báo


http://danlambaovn.blogspot.com/2011/07/thu-gui-nhung-nguoi-viet-nam-yeu-nuoc.html?utm_source=BP_recent