Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

♥♥♥♥♥ Bộ Tranh Việt Nam Anh Hùng Dân Tộc do Viet Toon thực hiện. ( Album:December 7, 2011 )

Nước Đại Việt ta từ trước,. 

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,. 

Nước non ... Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,. 

Song hào kiệt thời nào cũng có.

BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO-NGUYỄN TRÃI  (...1380–19/9/1442)



Mẹ Âu Cơ bảo vệ lãnh thổ! Y phục dựa theo y phục đồng bào miền núi và vương miện trên trống đồng. Quyền trượng có hoa sen làm đài nâng 2 nhành lúa trĩu hạt bao quanh bản đồ Việt nam - tượng trưng cho dân tộc Việt nam. Tranh vẽ theo lối fantasy và vẽ nhân dịp đồng bào biểu tình chống Trung Cộng tại Sài gòn và Hà nội tháng 5, và 6, 2011


Cha Lạc Long Quân bảo vệ lãnh hải! Tranh vẽ theo lối fantasy và vẽ nhân dịp đồng bào biểu tình chống Trung Cộng tại Sài gòn và Hà nội tháng 5, và 6, 2011. Cha Lạc Long Quân cầm giáo loại săn cá của ngư dân. Bán thân là rồng.


Hai anh em dũng tướng nhà Lê là Đinh Lễ - Đinh Liệt. Tranh vẽ theo lối truyện tranh tân thời với hai con hổ tượng trương cho hai mãnh hổ tướng Đinh Lễ, Đinh Liệt.


An Dương Vương Thục Phán chém yêu tinh gà trắng xây thành Cổ Loa với sự trợ giúp của thần Kim Qui. Gà trắng có lúc là biểu tượng của Tàu. Tranh vẽ theo lối fantasy art. Y phục của An Dương Vương phỏng tác theo hình ghi khắc trên trống đồng.


Bùi Thị Xuân tại pháp trường. Tranh ghi nhận lại phút oanh liệt của bà. Nhưng thể hiện theo lối fantasy art và luật phối cảnh của truyện tranh hiện đại với hàm ý bà như đã hoàn thành xong vai trò và nhẹ nhàng, thanh thản trở về trời.


Chinh phụ tiễn chồng tòng chinh - Lệnh vua hành quân trống kêu dồn, Quan với quân lên đường, Đoàn ngựa xe cuối cùng, Vừa đuổi theo lối sông. Phiá cách quan xa trường, Quan với quân lên đường, Hàng cờ theo trống dồn Ngoài sườn non cuối thôn, Phất phơ ngập trời bay....(Hòng Vọng Phu 1)


Chinh Phụ bế con trông chồng với bối cảnh thác Bản Giốc Cao Bằng, đây cũng là nơi có đá Vọng Phu - Có ai xuôi vạn lý nhắn đôi câu giúp nàng, Lấy cây hương thật quý, thắp lên thương tiếc chàng. (Hòng Vọng Phu 2)


Đặng Dung dưới trăng mài gươm là một hình ảnh bi hùng trong lịch sử và thi ca (qua bài thơ Thuật Hoài nổi tiếng của ông) Tranh vẽ theo lối phối cảnh truyện tranh hiện đại. Hình ảnh thân thể Đặng Dung lực lưỡng tráng kiện không chỉ miêu tả ông thực vốn là người giỏi võ nghệ mà còn ý kêu gọi người Việt nam phải văn võ song toàn. (body and mind)


Đặng Tất - Tướng tài đời hậu Trần (cha của Đặng Dung) Ông đã lãnh đạo quân đội nhà hậu Trần đánh tan quân Minh tại trận Cô Bô - 1 chiến tích oanh liệt của ông. Tranh vẽ lại cảnh Đặng Tất tại Cô Bô. Y giáp dựa vào y giáp nhà Trần.


Đinh Tiên Hoàng Đinh Bộ Lĩnh được biết tới tài năng quân sự khi còn nhỏ tuổi đã bày trò cỡi trâu đánh trận. Tranh vẽ theo lối fantasy art với ý tưởng đưa hình ảnh cỡi trâu và cờ lau gắn bó với Đinh Bộ Lĩnh. Tranh cũng muốn đưa ý niệm thần thánh hóa những anh hùng lịch sử Việt nam, không chịu thua kém Trung Hoa.


Đinh Công Tráng và Phạm Bành cùng nghĩa quân tại căn cứ Ba Đình được bao bọc bởi lũy tre dày. Lá cờ của triều Nguyễn và phong trào hưởng ứng hịch Cần Vương.


Vua Gia Long Nguyễn Ánh - Thống nhất đất nước sau bao năm dài gian khổ chiến tranh, nội chiến. Tranh vẽ theo di ảnh của ông. Dùng bối cảnh kinh thành Huế vì ông lập kinh đô tại Huế (giảm thanh thế của Thăng Long) và ảnh bản đồ đất nước vào triều đại của ông. Hai chữ Việt Nam tên đất nước cũng từ triều của ông mà có tới nay.


Hồ Quý Ly và con Hồ Nguyên Trừng. Thời đại nhà Hồ được biết đến bởi Những cải cách mới và nhất là sự phát minh súng thần cơ (hỏa pháo cải tiến) và thuyền cổ lâu (thuyền chiến lớn có hai tầng)


Hoàng Diệu trong trận tử chiến giữ thành Hà Nội. Di ảnh của ông được dùng trong tranh. Bộ y giáp của triều Nguyễn còn lưu lại tại viện bảo tàng. Cảnh Pháp đánh thành Hà Nội phỏng theo tranh vẽ của sách sử của Pháp


Hùm Thiêng Yên Thế Hoàng Hoa Thám. Dùng di ảnh thật của ông đưa vào tranh.


Hội Nghị Diên Hồng
Tranh thể hiện tinh thần quật khởi, bất khuất và yêu độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.


Tiếp nối truyền thống anh hùng. Tranh thể hiện tráng sĩ Sát Thát trao lại thanh giươm bảo quốc trừ dân cho thế hệ trẻ ngày nay.


Vua Hùng. Biểu tượng của nền văn minh lúa nước và đồ đồng thời đại nhà nước Văn Lang.


Công chúa Huyền Trân. Một cuộc hôn nhân đổi lấy bờ cõi từ Chiêm Thành cho Đại Việt. Cảnh vẽ công chúa Huyền Trân tại Chiêm Thành chuẩn bị cho hôn lễ, lòng buồn hướng về quê hương


Khúc Thừa Dụ và Khúc Hạo được xem có công trong việc cải cách hành chính và đặt cơ sở cho nền độc lập sau này. Y phục vẽ theo tượng của hai vị tại đền thờ.


Lạc Long Quân và Âu Cơ. Tranh vẽ theo lối fantasy art với Lạc Long Quân nửa người là thân rồng. Tay ông cầm loại giáo thường dùng của ngư dân (thuận theo thuyết ông dắt 50 con mở mang miền biển) Y phục của Âu Cơ dựa vào hình vẽ trên trống đồng và của người Tây Nguyên. Tay cầm bó lúa tượng trưng cho ngành trồng trọt, nông nghiệp (thuận theo thuyết bà dắt 50 con mở mang trên đất liền) Hình ảnh bông lúa cũng hàm ý nói đến nền văn minh lúa nước Hòa Bình


Lê Chân - Một trong những nữ anh thư lừng danh nước Việt. Bà là người có nhan sắc, giỏi võ nghệ lại có tài thơ phú. Bà được Trưng Vương phong là Thánh Chân công chúa và bà rất giỏi thủy chiến. Tranh vẽ theo lối fantasy một trận thủy chiến của bà.


Lê Đại Hành Lê Hoàn - Vẽ theo lối fantasy art. Ông từng trông giữ thập đạo quân (thập đạo tướng quân) dưới thời vua Đinh. Cho nên tranh vẽ với bối cảnh đoàn hùng binh. Phía trên có rồng hiện ra tượng trương cho sự trỗi dậy của một Đại Cồ Việt. Các cờ hiệu lấy từ các linh vật được tạo ra trong khu đền thờ thời tiền Lê và tiền Lý.


Lê Lai dũng cảm mặc áo bào của Lê Lợi đột phá vòng vây của quân Minh


Vua Lê Thái Tổ Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh. Tranh vẽ theo lối fantasy art. Có thần Kim Qui dâng Thuận Thiên Kiếm. (Trên mai rùa có ký hiệu của Ngũ Hành Âm Dương: gợi ý về các khám phá hiện nay cho thấy thuyết này cũng có phần bắt nguồn từ Việt nam). Trong tranh có các chiếc lá với dòng chữ "Lê Lợi Vi Quân, Nguyễn Trãi Vi Thần" theo kế sách của Nguyễn Trãi.


Lê Văn Duyệt - người có công mở mang đất đai nông nghiệp vùng miền nam. Ông là người điều hành việc đào kênh Vĩnh Tế.


Lý Nam Đế Lý Bí và Triệu Quang Phục. Y giáp được phỏng theo các tranh vẽ thường thấy của họa sĩ Việt nam.


vua Lý Thái Tổ nằm mộng thấy rồng bay - dời kinh đô và đặt tên là Thăng Long. Tranh vẽ theo lối fantasy art với một số đặc trưng của Thăng Long


Lý Thường Kiệt và bài thơ Nam Quốc Sơn Hà bản dịch của Việt Toon - Hình Lý Thường Kiệt được phỏng theo các pho tượng Hộ Pháp Thần tại chùa cổ Việt Nam. Ví ông cũng như các vị anh hùng Việt nam là những vị thần thánh giáng trần bảo vệ non sông. Bức tranh này được làm đặc biệt để yểm trợ tinh thần yêu nước, gìn giữ giang sơn tổ tiên đặc biệt hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.


Lý Thường Kiệt và bài thơ Nam Quốc Sơn Hà bằng tiếng Hán - Hình Lý Thường Kiệt được phỏng theo các pho tượng Hộ Pháp Thần tại chùa cổ Việt Nam. Ví ông cũng như các vị anh hùng Việt nam là những vị thần thánh giáng trần bảo vệ non sông.


Lý Thường Kiệt và bài thơ Nam Quốc Sơn Hà bằng tiếng Hán, với bối cảnh trận chiến tại Như Nguyệt, nơi ông sử dụng bài thơ để khích lệ lòng quân - Hình Lý Thường Kiệt được phỏng theo các pho tượng Hộ Pháp Thần tại chùa cổ Việt Nam. Ví ông cũng như các vị anh hùng Việt nam là những vị thần thánh giáng trần bảo vệ non sông.


Mai Hắc Đế Mai Thúc Loan. Vẽ theo lối fantasy art. Y phục Mai Hắc Đế theo y phục của người Tây Nguyên. Ông mạng Thủy nên dùng màu đen và cỡi trên lưng con Huyền Vũ. Gợi ý niệm về Kinh Dịch / Ngũ Hành mà theo một số học giả ngày nay phát hiện cũng có phần khởi xuất từ Việt nam. Trong tranh là thác Bản Giốc. Thác nước của Việt nam.


Ngô Vương Ngô Quyền và trận đánh đi vào lịch sử trên sông Bạch Đằng. Tranh vẽ theo lối fantasy art và luật phối cảnh của lối truyện tranh mới. Y giáp được dựa theo một số tranh cổ và sự tưởng tượng. Bàn tay vung ra nắm đấm với ý nói: sẽ đập tan mọi cuộc xâm lược.


Chúa Nguyễn Hoàng (triều Nguyễn) người có công khai phá, mở rộng bờ cõi đất nước xuống phía Nam. Tranh miêu tả chúa Nguyễn cùng dân di cư xuống miền Nam. Y phục dựa theo tượng của ông tại đền thờ.


Nguyễn Huỳnh Đức. Ông là một trong những hổ tướng của vua Gia Long (Ngũ hổ tướng Gia Định). Cảnh vẽ Nguyễn Huỳnh Đức đã dũng cảm cứu Nguyễn Ánh khi ông bị quân Tây Sơn vây (lúc Nguyễn Ánh còn trẻ) Trong rừng sâu, Nguyễn Ánh đã gối đầu lên đùi Nguyễn Huỳnh Đức ngủ vì tin cậy vào vị tướng này.


Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi tại ải Nam Quan. Không chỉ nói về giai thoại Nguyễn Phi Khanh buộc Nguyễn Trãi quay về tìm cách phá giặc cứu nước mà còn muốn lồng vào tranh hình ảnh ải Nam Quan thuộc chủ quyền Việt nam. Bàn tay chỉ của Nguyễn Phi Khanh cũng nhấn mạnh ý này.



Nguyễn Thiện Thuật cùng nghĩa binh căn cứ Bãi Sậy trong cuộc kháng chiến chống Pháp, hưởng ứng Hịch Cần Vương. Tranh vẽ mô phỏng theo di ảnh của ông.



Nguyễn Trãi sau khi đại thắng quân Minh đang thanh thản gác kiếm viết lại bài Cáo Bình Ngô lừng danh. Tranh vẽ theo lối fantasy art. Dòng chữ viết thẳng lên trời như là những dòng thiên thư. Bối cảnh là một phần vách núi ảnh thật của ải Chí Linh nơi quân Lam Sơn đánh tan tác quân Minh. Trong tranh còn có cây vải và con rắn gợi ý tới vụ án "Lệ Chi Viên" sau này của ông.



Nguyễn Tri Phương đôn đốc quân chống giặc Pháp đang tấn công thành - Tranh vẽ dựa theo di ảnh chân dung của ông



Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân cải trang thương buôn đột kích đốt cháy tàu Pháp trên sông Vàm Cỏ. Di ảnh chân dung ông được dùng trong tranh và các bó đuốc lá dừa đặc trưng của miền Nam



Nguyễn Xí - Một trong những khai quốc công thần của nhà Hậu Lê



Phạm Ngũ Lão đan sọt bên vệ đường. Bối cảnh kiến trúc lấy từ khu lăng tẩm lịch sử của nhà Trần.



Phan Đình Phùng và Cao Thắng. Hình vẽ được họa theo di ảnh của Phan Đình Phùng. Cao Thắng bên cạnh, tay cầm súng trường vì ông là người đã sáng chế súng cho nghĩa quân



Phùng Hưng - Bố Cái Đại Vương. Tranh vẽ theo truyền thuyết ông đánh hổ dữ.



Phùng Thị Chinh - một nữ tướng thời Hai Bà Trưng. Tương truyền bà vừa sanh xong đã dẫn quân đánh giặc. Tranh vẽ theo lối fantasy art và ronmanticism, một tay bồng con, một tay cầm kiếm đôn đốc quân sĩ tiến lên.



Quang Trung Nguyễn Huệ đang tiến quân đánh phá giặc Thanh vào dịp tết (có cành đào đất Bắc) Bộ trống trận danh tiếng của nghĩa quân Tây Sơn. Hình ảnh Nguyễn Huệ được vẽ theo các di ảnh còn lưu lại.



Thánh Gióng - Cỡi ngựa sắt phun lửa



Tô Hiến Thành - Chống Chân Lạp xâm lược, chinh phạt Chiêm Thành



Tống Duy Tân - Tranh vẽ dựa theo di ảnh của ông.



Trần Bình Trọng thà chết không hàng. Với lối vẽ fantasy art muốn đưa ý niệm "Sinh vi tướng, tử vi thần" của các anh hùng Việt nam. Khi họ chết hồn phách tạc vào non sông để bảo vệ đất nước. Hình ảnh mãnh hổ như "chúa tể sơn lâm" và cũng là hình ảnh dùng chỉ cho các vị tướng sóai (hổ tướng). Bức gông xiềng vươn dậy từ núi rừng = nước Việt Nam dù bị cai trị ngắn hay dài rồi cũng sẽ có ngày bùng lên quật khởi



Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đang viết bài hịch lưu truyền muôn đời: Hịch Tướng Sĩ. Phía sau là bối cảnh trận đánh oanh liệt tại sông Bạch Đằng. Y giáp phỏng theo tượng ông tại Sài gòn và tranh vẽ trên tiền của Việt Nam Cộng Hòa



Trần Nguyên Hãn - danh tướng của khởi nghĩa Lam Sơn, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đánh thắng quân Minh xâm lược và lập thành nhà Hậu Lê. Tranh phỏng theo tượng Trần Nguyên Hãn trước chợ Bến Thành.



Trần Nhật Duật - danh tướng nhà Trần. Tranh miêu tả trận đánh oanh liệt đi vào lịch sử của ông - trận Hàm Tử



Trần Quang Diệu - Một trong những mãnh tướng trụ cột của nhà Tây Sơn (Tây Sơn thất hổ tướng). Tranh vẽ theo lối hiện đại phỏng theo di tượng của ông tại đền thờ



Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải đang điều quân tại trận thủy chiến lừng danh: Chương Dương. Y giáp dựa vào y giáp của Trần Hưng Đạo nhưng chọn vải cá để nhấn mạnh về cuộc thủy chiến quan trọng này.



Trần Quốc Toản tay bóp nát trái cam khi không được tham dự hội nghị quân sự cao cấp tại Bình Than.



Dạ Trạch Vương Triệu Quang Phục. Vua đầm lầy! Tranh vẽ theo lối fantasy art với hình ảnh một Xà Vương theo phò giúp Triệu Quang Phục (đầm Dạ Trạch có nhiều rắn là một yếu tố gây trở ngại cho các cuộc tấn công của giặc)



Bà Triệu - Tranh vẽ theo lối fantasy art thể hiện lời nói hào hùng của bà "đạp sóng dữ, chém cá kình". Trong bức vẽ này dùng y phục của bà theo y phục thường thấy của tranh vẽ tiên nữ, cũng với ý niệm các anh hùng Việt nam cũng như thần tiên giáng trần.



Bà Triệu - Tranh vẽ theo lối fantasy art thể hiện lời nói hào hùng của bà "đạp sóng dữ, chém cá kình". Trong bức vẽ này dùng y phục của bà theo y phục áo dài khăn đóng



Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định - Vẽ phỏng theo di ảnh của ông



Việt Nam Anh Hùng - Con Rồng Cháu Tiên - Trai Gái Tài Sắc Vẹn Toàn - Tinh Thần Đại Việt Trường Tồn



Việt Nam Anh Hùng - Con Rồng Cháu Tiên - Trai Gái Tài Sắc Vẹn Toàn



Võ Đình Tú. Một trong Tây Sơn thất hổ tướng. Ông còn được biết đến bởi tài nghệ sử dụng côn thật giỏi nên có danh gọi là "Côn Thần Võ Đình Tú". Cảnh vẽ lại ông đã múa côn đỡ gạt mưa tên của quân Nguyễn Ánh khi quân đội của ông bị tấn công. Không một mủi tên nào phạm được vào người ông. Y giáp dựa theo y giáp các tượng thờ ngũ hổ tướng nhà Tây Sơn



Yết Kiêu- Ông là một gia tướng giỏi của Trần Hưng Đạo, có biệt tài bơi lặn. Tranh vẽ lại hình ảnh một trận chiến của ông.



Hai Bà Trưng cưỡi voi chín ngà với trống đồng và biểu tượng mặt trời mọc





++++++++++++++++++++++



Viet Toon, chúng tôi muốn khơi lên ngọn lửa


Hoàng Vi Kha - Nguyễn Bảo Tư giới thiệu



Nguyễn Bảo Tư - Đối với trẻ em Việt Nam, truyện tranh từ nhiều thập kỷ đã là món ăn tinh thần. Thế nhưng cho đến nay, truyện tranh Việt vẫn còn rất non trẻ và không được quan tâm đúng mức. Kết quả là trẻ em Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, ít có những cuốn truyện tranh Việt hấp dẫn, và thế là các em phải tìm đọc truyện tranh của nước ngoài.

Nhóm Viet Toon ra đời với mong mỏi đem lại một luồng gió mới cho truyện tranh Việt Nam. Nếu truyện tranh Việt hấp dẫn hơn, các em sẽ ham đọc hơn. Từ đó có thể hướng các em thích tìm hiểu thêm về đất nước, con người và lịch sử Việt Nam hơn.

Hoàng Vi Kha, một trong những người chủ trương Viet Toon, đưa ra một số quan điểm của nhóm về một đường hướng mới. Mời bạn đọc theo dõi một phần bài viết “Viet Toon, chúng tôi muốn khơi lên ngọn lửa” của Hoàng Vi Kha - Bài viết đã được đăng trên nguyệt san “Kỷ Nguyên Mới” số 127.


Viet Toon, chúng tôi muốn khơi lên ngọn lửa


Vào thời niên thiếu của tôi, trẻ em Việt chỉ có 3 tờ báo thiếu nhi: báo Nhi Đồng, báo Khăn Quàng Đỏ và báo Thiếu Niên Tiền Phong. Tất cả bài vở trong 3 tờ báo ấy đều cùng mang một mục đích: tẩy não. Họ muốn nhồi sọ trẻ em những tư tưởng chính trị hơn là giáo dục đạo đức, ngay cả giải trí cũng không có. Chính thế, tôi nhớ rõ bọn trẻ chúng tôi vẫn thích thú tìm đọc các loại truyện tranh bị gọi là “tàn dư văn hóa đồi trụy” như Tintin, Tí Hon Thần Lực, Obelix và Asterix, hoặc các cuốn truyện bày bán tại vỉa hè. 


Đó là những cuốn truyện tranh vẽ lại những tuồng tích cổ, những giai thoại lịch sử, những truyện cổ tích Việt nam. Truyện in trên loại giấy vàng xấu, không màu. Nhưng nét vẽ đẹp hơn nét vẽ trong các báo Khăn Quàng Đỏ, Nhi Đồng. Nội dung dĩ nhiên là thu hút trẻ em hơn rồi. Bởi thế mà hầu như tại các vỉa hè ở các trường tiểu học lớn tại Sài Gòn đều có những người “đánh đống” truyện tranh như thế để bán. 


Gọi là “đánh đống” vì họ đổ đống mớ truyện tranh ấy trên một mảnh nylon chứ không sắp xếp cho ngay ngắn. Lý do: làm như vậy sẽ dễ dàng gom sách chạy khi bị công an đuổi. Đúng thế. Khi nhìn thấy các truyện tranh này thu hút trẻ em hơn, chính quyền đã ra lệnh truy quét cái mà họ gọi là “truyện tranh nhảm nhí” (truyện tranh vẽ lại các sử tích, các truyện cổ tích của Việt Nam mà cho là nhảm nhí?)


Những năm sau này, vì phải “cởi mở”, phải nới lỏng, cho nên các loại truyện tranh từng bị đả kích và hủy diệt đã được cho phép in ấn và thậm chí còn cho phép phát triển khắp nơi!


Vài năm gần đây, ngành truyện tranh đã cố gắng thoát được khỏi “chiếc khăn quàng đỏ”, đưa truyện tranh đến gần hơn với trẻ em qua một vài bộ truyện được cho là thành công như Thần Đồng Đất Việt. Thế nhưng truyện tranh Việt nam vẫn chưa tạo được sức hấp dẫn. Có lẽ vì các nguyên do: 


1. Lối vẽ truyện
2. Nội dung truyện,
3. Sự xâm nhập vô tội vạ của truyện tranh ngoại quốc. (nhất là của Nhật qua lối vẽ Manga)


Tranh Viet Toon
Nguồn: Viet Toon

Theo tôi, chính vì truyện cho thiếu nhi và truyện tranh còn quá nghèo nàn đã tạo cơ hội cho truyện tranh của Nhật thống trị. Tôi đã suy nghĩ nhiều, rất nhiều. 


- Sao mình cứ mãi chọn mộc mạc, giản dị mà không dám chọn giàu mạnh như các xứ sở khác? Tại sao quê hương không là cung vàng, điện ngọc mà cứ là giản dị “chùm khế, cầu tre” nghèo nàn? Người dân tại các làng quê họ đâu muốn đời đời kiếp kiếp đi cầu khỉ, chèo con đò nhỏ. Tại sao mình lại cứ ràng buộc vào các hình ảnh ấy mà không chọn hình ảnh mạnh mẽ hơn? Những siêu nhân của Mỹ hay của Nhật đâu có chọn mộc mạc, giản dị vì chính những mẫu hình sáng tạo đó nói lên sức mạnh, nói lên sự hùng cường.


- Tại sao trong văn hóa, văn học của Trung Hoa, họ dám “phong thần” các nhân vật lịch sử của họ, coi vua là con trời, coi tướng là sao trên trời hóa thân thì tại sao mình lại không thể thần thánh hóa người Việt mình, cho họ là những thiên thần giáng thế với sứ mệnh bảo vệ dân tộc? Tại sao thờ Quan Công rộng rãi mà không thờ Trần Hưng Đạo?


- Tại sao trẻ em nhìn tranh vẽ của nước ngoài lại trầm trồ vì bị thu hút bởi cá tính mạnh mẽ, đẹp rực rỡ, lộng lẫy màu sắc, còn tranh vẽ của mình thì vẫn mãi “áo vải mộc mạc”, tụi nhỏ không thèm nhìn đến.


- Tại sao các icon như Xmen, SuperMan, v.v… lực lưỡng, khỏe mạnh từ tinh thần cho tới thân thể thì trong khi các anh hùng Việt nam lại cứ mãi ốm o khiêm tốn theo kiểu quân tử Trung Hoa. Phải chăng như thế mình vẫn bó buộc mình với ông Khổng Tử mà không dám hay không thể tự chọn cho mình những định nghĩa riêng cho anh hùng, cho “quân tử”?


- Ở khía cạnh lịch sử, nước mình bị ảnh hưởng Trung Hoa quá nhiều. Dù rằng các thời đại tuyên bố độc lập, nhưng thiển nghĩ các quan phục, áo giáp, v.v… cũng không khác gì nhiều so với họ. Vua quan cho tới thời Nguyễn cũng mũ mão, cân đai, áo rồng, áo phụng, áo hổ, v.v… như văn hóa Trung Hoa. Cái khó là làm sao có sức sáng tạo trong đó. Vẫn y giáp như thế nhưng không trùng với triều đại nào bên Trung Hoa cả.


- Trong sự sáng tạo này, ngoài yếu tố về lịch sử, tại sao không đan vào tính trừu tượng theo kiểu “fantasy art” vốn luôn có sức hấp dẫn trẻ em.

- Truyện tranh, họa phẩm, sân khấu, điện ảnh v.v… có tác dụng không nhỏ trong việc phổ biến văn hóa, lịch sử. Những tác phẩm mang tính văn học mỹ thuật hơn là biên khảo lịch sử thường lại là cách giáo dục, tuyên truyền lịch sử rộng rãi và dễ dàng nhất. 


- Với 1000 năm bị Trung Hoa đô hộ và nhất là bị chính sách nham hiểm hủy diệt văn hóa bản xứ, đồng hóa văn hóa của Trung Hoa, Việt nam khó mà thoát khỏi những tập tục mang nét Trung Hoa. Huống chi, những tài liệu sử học gần đây cho thấy có không ít điều của Việt nam đã bị Trung Hoa nghiễm nhiên nhận là của họ. Thế nên, trong cách suy nghĩ của nhiều người Việt ngày nay còn luôn phảng phất bóng dáng Trung Hoa. Cứ hễ nhìn thấy cái chi có nét như Trung Hoa là cho rằng xuất phát từ Trung Hoa. Tại sao không dám có suy nghĩ đó là hoàn toàn Việt Nam.


- Trong khi đó tại Trung Hoa, họ nhồi sọ dân của họ rằng Việt Nam luôn là một vùng đất thuộc về Trung Hoa và tất cả những văn hóa Việt Nam chẳng qua chỉ là cóp nhặt từ văn hóa Trung Hoa. Ngay cả chả giò và phở mà bây giờ Trung Hoa cũng muốn cuỗm bản quyền. Phở thì họ cho là có xuất xứ từ “HongKong beef noodle”, còn chả giò thì họ cũng làm chả giò rồi bảo đó là sản phẩm của Trung Hoa. Tại sao mình không dám ngang nhiên xác định chính mình? Tại sao không dám vượt thoát khỏi cái suy nghĩ theo kiểu nước nhỏ. Đừng nghĩ rằng điều gì đó vì nhìn giống Trung Hoa là cóp nhặt, là ảnh hưởng của Trung Hoa mà hãy nghĩ “cái này là của Việt Nam - bọn bây bắt chước hoặc bọn bây có cái của bọn bây, nhìn kỹ đi, không giống đâu.” 


Tại sao chúng ta không thể thoát khỏi tư tưởng nước nhỏ, vượt thoát suy nghĩ đóng khung, đánh đổ cái hình ảnh của Trung Hoa trong lòng để mỗi sáng tạo là mình dám nói: đó là của mình dù có nét giống nhưng không phải là của Trung Hoa.


Chúng ta không phủ nhận nền văn hóa lâu đời của Trung Hoa và sức ảnh hưởng. Nó giống như các nền văn hóa lớn thời cổ đại như Hy lạp, Ấn độ, Ai Cập, Maya có sức ảnh hưởng đến các nước láng giềng. Tuy nhiên, dù có nét giống nhau, nhưng phù điêu ở Thái, người Thái vẫn bảo là của Thái, phù điêu ở Cam bốt, người Cam bốt vẫn bảo chính gốc Cam bốt ...


Tại sao Việt Nam không dám nhận “của Việt Nam” mà cứ bị ám ảnh bởi suy nghĩ “giống Trung Hoa”, tại sao không dám nghĩ ngược lại “Trung Hoa giống mình”. Hay là vì chúng ta còn quá thiếu những tác phẩm lớn, giá trị cao để có thể tạo được niềm tin trong quảng đại quần chúng? 


Từ bao suy nghĩ tương tự như thế, cho nên tôi nhất định phải dựng các anh hùng Việt Nam


1. Hùng dũng, mạnh mẽ cả trí tuệ và thân thể 

2. Y giáp cũng uy phong, lẫm liệt không chịu thua kém Trung Hoa vì chẳng phải mình cũng có các triều Lý, Trần, Lê, v.v.. cũng vững mạnh lắm sao?

3. Thần thánh các bậc anh hùng Việt Nam theo kiểu fantasy art (*) để đánh đổ các thần tượng của Trung Hoa (như Quan Công, như Khổng Minh) vì người Việt cũng đâu có thua.


Từ những suy nghĩ đó mà Viet Toon đã ra đời như một khởi điểm cho việc thực hiện các ý định:


1. Khích lệ họa sĩ Việt Nam đi tìm sáng tạo cho riêng mình - không bị ảnh hưởng bởi hoạt họa Nhật. Lối vẽ phải theo kịp trào lưu, phải đa dạng, phải đánh vào đúng ý thích của các lứa tuổi nhưng phải tạo trường phái riêng, không mang hơi hám của Manga. Vẽ tranh phải xem như là thực hiện một tác phẩm mỹ thuật. Đòi hỏi sự sáng tạo qua từng đường nét, từng mảng màu, từng chi tiết. Phải khiến cho người xem nhận ra rằng người họa sĩ thật sự bỏ tâm huyết đầu tư vào trong từng trang truyện. Chứ không kiểu qua loa, kiểu chạy theo đơn đặt hàng 


2. Khích lệ để có thêm nhiều sáng tác giá trị cho tuổi thơ và thanh thiếu niên Việt Nam. Nội dung truyện phải nhiều sáng tạo, phải hoàn toàn tự do, thậm chí có thể vượt thoát khỏi những bó buộc hiển nhiên, hoàn toàn đi theo cảm hứng và tưởng tượng. 


Tôi thích câu nói “every thing is possible in cartoon”. Nội dung truyện có sự phong phú, đa dạng thì không chỉ thu hút người xem mà còn có thể khích động trí tưởng tượng


3. Giúp thế hệ trẻ tìm đến lịch sử, văn hóa Việt Nam qua các hình ảnh, truyện tranh do người Việt Nam thực hiện. Khích động việc giảm bớt sử dụng các điển tích Trung Hoa. Đề cao các sử tích Việt Nam. Sáng tạo những biểu trưng đặc biệt cho riêng Việt Nam để trở thành phổ biến và có thể được biết tới bởi các quốc gia khác.

4. Ước muốn trở thành nơi vận động, yểm trợ cho các vị biên khảo sách và tài liệu lịch sử với tinh thần: viết đúng, viết trung thực


5. Góp phần dấy lên tinh thần ái quốc và tự hào dân tộc trong lòng người Việt nam ở khắp mọi nơi qua việc thực hiện các tranh vẽ anh hùng dân tộc theo lối vẽ mới.


Viet Toon chỉ muốn khơi lên các ý niệm ấy. Chúng tôi không đi làm công tác của một người biên khảo lịch sử. Dĩ nhiên không ai phủ nhận giá trị xác thực của lịch sử. Những điều đó phải được ghi chép đúng đắn. Viet Toon đơn giản chỉ là những người giúp cho món sử trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn, lôi cuốn, dễ nuốt. Việc đưa các dữ kiện lịch sử trở nên quảng đại, phổ thông thì không thể phủ nhận sự đóng góp của các lãnh vực khác mà đứng đầu là phim ảnh, sách báo, và cả video game. Chưa chắc ghi chép vanh vách chuyện gì xảy ra vào thời Tam Quốc có thể thu hút được nhiều người bằng tiểu thuyết Tam Quốc Chí, và dẫu truyện Tam Quốc Chí cực hay vẫn không dễ dàng đến với đông đảo người xem mọi giới bằng các bộ phim liên quan như phim Xích Bích.


Làm sao mà thế hệ trẻ bị thu hút mà cầm lấy cuốn sách, tập tranh của chúng ta chứ không cầm tới cuốn sách Manga của Nhật hoặc cuốn truyện của Trung Hoa. Có cầm lấy rồi thì mới đọc. Có đọc mới hiểu biết, mới ghi nhớ. Có ghi nhớ thì mới có lưu truyền. Có lưu truyền mới có tự hào qua các thế hệ. 


Mặt khác, Viet Toon cũng mong khơi lên nhiều thật nhiều những sáng tác dựa vào lịch sử Việt Nam. Không chỉ ở văn học, mà còn ở sân khấu, điện ảnh và hội họa. Bớt dùng điển tích Trung Hoa, tạo dựng và dùng nhiều hơn điển tích của Việt Nam. Các họa sĩ đầu tư tâm huyết cho các tác phẩm hội họa qua các sử tích Việt nam. Nếu có những bức vẽ về Troy khiến người thưởng lãm phải trầm trồ và tìm hiểu về Troy, thì làm sao chúng ta không thể có những bức vẽ tầm vóc tương xứng, miêu tả sử sách Việt Nam để thế giới biết thêm về Việt Nam. Các hãng sản xuất phim không chỉ tạo thêm nhiều phim lịch sử có phẩm chất cao mà trong phim nên có những đoạn chạy chữ vắn tắt nói về thời đại, sử liệu.


Càng có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật, càng có sự phổ biến rộng rãi,càng dễ gieo vào các thế hệ mai sau lòng tự hào dân tộc. Cho nên Viet Toon sẽ cố gắng tranh cùng sức ảnh hưởng của Trung Hoa để phổ biến rộng rãi hơn văn hóa Việt Nam tại hải ngoại.


Hiện nay, nhờ những bức vẽ mà Viet Toon đã và đang thực hiện mà một số bạn đồng nghiệp người Mỹ của tôi mới biết tới Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Triệu Thị Trinh, Ngô Quyền, An Dương Vương. Quan trọng hơn, họ nhìn ra rằng không chỉ có Trung Hoa mới có các nét văn hóa “phương Đông” ấy. Bây giờ, khi nhìn vào bất kỳ hoa văn hoặc họa phẩm mang nét Á Đông nào họ không còn phán ngay “Trung Hoa” mà cẩn thận quan sát và dọ hỏi “của nước nào vậy”. Đó chính là điều mà anh em Viet Toon mong muốn. Chúng tôi muốn làm một cuộc cách mạng tư tưởng: phá vỡ sự ám ảnh của Trung Hoa và dám tự khẳng định “đó là của chính mình”, của Việt Nam.


Chúng tôi biết để thay đổi cách nhìn, cách suy nghĩ đã gắn bó quá lâu trong đầu là điều không dễ và đòi hỏi thời gian. Nhưng cần phải làm thôi. Phải xóa dần đi sức ảnh hưởng của Trung Hoa khỏi Việt Nam. 


Nếu trong tư tưởng không chịu ảnh hưởng thì cách sống sẽ không bị chi phối, ràng buộc. Phải làm sao càng nhiều người Việt biết tới sử tích Việt Nam hơn sử Trung Hoa. Phải làm sao người Việt nam khắp toàn cầu luôn tự hào và người ngoại quốc sẽ cẩn thận hơn khi phán đoán một điều nào đó đến từ phương Đông. Cách mạng mà - phải có ý tưởng để thay đổi và dám uống thuốc liều để thực hiện ý tưởng đó thì mới có thể khơi lên một cuộc đổi mới. Nhưng một mình Viet Toon hoặc một mình văn sĩ, họa sĩ nào đó không đủ sức. Cái quan trọng là ý thức và sự yểm trợ mạnh mẽ của tòan dân. Thay vì phê bình, chỉ trích thì hãy cùng làm chứ đừng tẩy chay, đừng bêu rếu. Hoặc làm hay hơn, làm tốt hơn. Nếu mỗi chúng ta biết đây là trách nhiệm của mình thì sẽ dốc lòng hướng dẫn con cháu, và người ngoại quốc hiểu biết thêm hơn về Việt Nam. 


Có được sự hưởng ứng và đồng tâm ấy thì mới tạo ra động lực khuyến khích sáng tác và thổi bùng lên cuộc cách mạng trong tư tưởng. Để mai sau, nếu có so sánh, thế hệ Việt nam sẽ dùng các hình ảnh hoàn tòan Việt nam “bất khuất như Trần Bình Trọng”, “tài trí như Nguyễn Trãi”, “đẹp như Kiều Nguyệt Nga”... Có nhiều khi mình nghĩ khó mà không làm, hoặc nghĩ rằng đó là điều không thực tiễn mà gạt đi thì cái cũ nó vẫn còn nằm mãi đó. Khi 18 người thề nguyện sống chết bên nhau kháng Minh tại Lũng Nhai đó là điều khó, và quá xa vời nhưng có ai ngờ 10 năm sau lại lập ra nhà hậu Lê!



Vài nét về Viet Toon


Viet Toon gồm những người yêu thích lịch sử Việt Nam, yêu thích các câu truyện cổ tích, dân gian trong kho tàng văn học Việt Nam, yêu thích truyện tranh và hơn hết yêu thích và quan tâm đến trẻ em Việt nam. Mọi người đến với nhau vì có cùng mơ ước “Tạo một bước đi mới trong việc sáng tác truyện dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng Việt Nam. Khích lệ thế hệ trẻ tại hải ngoại lòng tự hào và niềm tin dành cho bản thân cũng như cho quê hương, nguồn cội”.

Triễn lãm tranh “Việt Nam Anh Hùng”
Viet Toon sẽ tổ chức buổi triễn lãm tranh chủ đề “Việt Nam Anh Hùng” tại phòng triễn lãm Verizon Gallery thuộc khuôn viên trường NOVA.

Thời gian
từ 6 tháng 12, 2011 tới 4 tháng 1, 2012

Địa điểm
NOVA Community College
Ernst Community Cultural Center
8333 Little River Turnpike
Annandale, VA 22003
Vào cửa miễn phí


Ra mắt Viet Toon, 36/02/2011, YouTube.





Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập và minh hoạ. 

(*) Fantasy Art: Là một kiểu vẽ, mô tả những cảnh trí, ý tưởng, động vật, thực vật, v.v. của thế giới thần thoại và siêu nhiên. Thế giới này tuy có khi gần giống với thế giới khoa học giả tưởng hay kinh dị, nhưng vẫn có những sắc thái riêng biệt.




1 nhận xét:

  1. một hành động thiết thực thể hiện niềm tự hào dân tộc,
    hãy cổ vũ cho tinh thần bất khuất của người con nước Nam anh hùng,
    chúng ta đồng lòng vì trời Nam của người Nam ...

    Trả lờiXóa