LTS: Ngay sau khi nhận được tin báo về cuộc khám xét ‘ào ào như sôi’ ngày hôm qua, chúng tôi đã gọi điện tới thăm hỏi gia đình tác giả Huỳnh Ngọc Tuấn, Huỳnh Thục Vy và Huỳnh Trọng Hiếu nhưng cuộc gọi chất lượng rất kém và bị ngắt quãng giữa chừng nên bản tin ngày hôm qua chưa tường thuật được đầy đủ sự việc. Phóng viên Thanh Quang của RFA sau đó đã phỏng vấn được tường tận hơn. Diễn biến của buổi chiều qua được chính tác giả Huỳnh Ngọc Tuấn kể lại như sau:
—————————————-
Ảnh FB Trầm Tử
Gia đình nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn ở Tam Kỳ, Quảng Nam, bị công an sách nhiễu suốt ngày hôm qua (11/08), tịch thu nhiều máy móc làm việc và đồ đạc.
- Tịch thu tài sản cá nhân
Theo ông Huỳnh Ngọc Tuấn, từng ở tù 10 năm vì tranh đấu cho tự do dân chủ, thì ông và 2 con là Huỳnh Thục Vy và Huỳnh Ngọc Hiếu – 2 cây bút và bloggers nổi tiếng, là đối tượng bị hạch hỏi trong vụ đàn áp mới nhất này.
Qua cuộc trao đổi với Thanh Quang, ông Huỳnh Ngọc Tuấn kể lại:
Lúc 8 giờ thì có khoảng 200 công an, 50 công an ập vô nhà tôi đề mà khám xét, 50 công an chốt ở đầu đường, 50 công an chốt ở cuối đường, và sau lưng nhà tôi là một con đường nhỏ họ chốt 50 công an nữa, thì người ta mới ập vô đọc cái lệnh nói tôi là phát tán trên mạng những bài vở chống lại đảng, chống nhà nước gây mất đoàn kết dân tộc, cho nên họ cứ việc tịch thu cái phương tiện đó. Họ xông vô nhà. Cái nhà tôi thì nhỏ mà quá đông người đi, thì em gái tôi là cô Hường ra ngăn chận họ lại, nói là
“Các anh vô ít ít thôi. Ai làm việc cần thiết thì vô, chứ còn các anh vô không còn chỗ nào mà cựa được hết.” Chỉ người là người không à. Lúc đó thì Hiếu nó về. Thuần đồng ý là con trai tôi về thì lấy camera ra để quay, thì không biết giành giựt thế nào đó giữa Hiếu và mấy tay công an, tôi không thấy sự kiện đó nhưng tôi nghe nói là họ ngăn cản, họ gạt tay làm nó rớt ra. Sau đó phải dùng điện thoại di động để mà ghi hình lại.
Lúc đó thì có hai người cháu của tôi nữa là Huỳnh Phương Thảo và Huỳnh Ngọc Lễ ở gần đó, cách đó khoảng 200 mét, mới chạy qua, mới dùng điện thoại để chụp hình, thì cô an ninh của tỉnh Quảng Nam là Nguyễn Thị Thu Ba mới chận lại, không cho các cháu tôi chụp hình, thì em gái tôi phản đối, nói là “Đây là nhà của tôi, tôi có quyền làm điều đó. Nếu các anh làm điều đúng thì các anh không sợ gì cái chuyện người ta chụp hình”. Cãi vã rồi thì cuối cùng họ để cho hai cháu nó chụp hình.
Thanh Quang: Như anh vừa kể thì lúc công an đọc lệnh khám xét cho rằng anh phát tán trên mạng bài vở chống đảng, chống nhà nước, thế anh phản ứng ra sao?
Nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn: Thì tôi nói với họ là những bài vở của tôi nói cái quan điểm cá nhân của tôi, nó đúng cái tinh thần của Điều 69 Hiến Pháp, tức là cái quyền tự do ngôn luận và quyền tự do tư tưởng. Tôi không làm sai phạm một điều gì của hiến pháp cũng như là tôi hoàn toàn tuân thủ Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự & Chính Trị. Còn cái việc mà các anh đến nhà tôi để mà tịch thu phương tiện học hành, làm việc của tôi thì cái đó là một điều trái hiến pháp, trái pháp luật; nhưng mà các anh làm thì tất nhiên các anh phải chịu.
Thanh Quang: Thế còn hai người con của anh là Huỳnh Thục Vy và Huỳnh Trọng Hiếu – các blogger gây nhiều chú ý trên mạng – thì sao ạ ?
Nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn: Họ buộc Thục Vy phải ký xác nhận số bài viết của Thục Vy, và buộc Hiếu phải xác nhận một số bài viết của Hiếu. Vy và Hiếu xác nhận trong đó, nhưng bé Vy nói là “Những bài này là những bài có nội dung tốt chứ không phải nội dung xấu. Tôi phản đối chuyện kết luận đây là nội dung xấu.” Sau đó họ mới tháo hết đồ. Họ thu của tôi hai giàn máy computer để bàn, một máy in laser hiệu Canon, một giàn loa nhỏ nhỏ để nghe nhạc, một USB, ba cuốn sổ.
Thanh Quang: Dạ. Như vậy là khoảng thời gian họ khám xét nhà anh rồi lập biên bản, hành động như vậy trong khoảng bao lâu?
Nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn: Dạ. Nó kéo dài đến 10 giờ trưa, tức từ 8 giờ đến 10 giờ hay 10 giờ rưỡi.
Thanh Quang: Trong khoảng 2 tiếng rưỡi đó họ có hành động nặng tay hay khiếm nhã như thế nào không, thưa anh?
Nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn: Dạ. Họ ăn nói bậy bạ lắm, nhứt là cái anh bạn Quang Thái đó, tức là anh lãnh đạo công an Quảng Nam trong vụ khám xét này. Anh ta nói bừa bãi lắm. Anh ta ăn nói xách mé rất là vô văn hóa. Con gái tôi biểu “Các anh im đi. Các anh đừng có ăn nói xách mé, đừng ăn nói hỗn hào.”
Thanh Quang: Thưa, họ có yêu cầu anh và thân nhân tới đồn công an như thế nào không?
Nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn : Dạ. Lần này họ không có yêu cầu. Khi họ vô lúc 8 giờ đến 10 giờ rưỡi thì họ không có yêu cầu đến đồn công an. Họ tịch thu đồ xong, họ giao cho mình cái biên bản, rồi họ đi về. Sau khi họ đi về tôi qua nhà ông anh tôi để tôi thông báo với bạn bè cho người ta biết sự việc thì bên nhà ông anh tôi người ta cắt mạng internet. Bên tôi cũng bị cắt mạng internet luôn. Tôi mang máy về tôi thử cũng không được. Điện thoại bàn cũng bị hư luôn, bị cắt luôn.
Khủng bố tinh thần
Thanh Quang: Thưa anh, tình hình gia đình anh trong buổi chiều đó ra sao ạ?
Nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn: Lúc 2 giờ tôi và cháu Hiếu lên dịch vụ internet Tam Kỳ, tôi trùm áo mưa kín mít, tôi nghĩ là chẳng ai thấy đâu. Tôi vô trong dịch vụ internet, tôi vừa gửi được một lá thư cho Đàn Chim Việt nhờ chị Mạc Việt Hồng thông báo với bạn bè. Có mấy dòng viết rất là sơ sài, thì công an ập vô. Công an ập vô thì cháu Hiếu thoát khỏi màn hình. Công an ập vô mới yêu cầu mở lại email đó ra. Tôi phản đối.
Tôi nói “Cái chế độ này có luật pháp không hay là các anh chơi kiểu luật rừng? Thư tín là cái quyền tự do được luật pháp bảo vệ. Các anh biểu tôi mở email cho anh coi là làm sao? Tôi phản đối” .
Tôi đứng dậy ra về, họ chận lại, không cho đi. Họ nói “Các anh không được đi đâu hết, ra đứng đây.”
Tôi nói “Các anh muốn bắt tôi thì các anh phải có phép chứ, có lệnh chứ. Cái xã hội này, cái chế độ này không còn luật nữa à?”
Hắn nói “Tôi không cần nói nhiều với anh nữa. Anh cứ đứng im đó.”
Tôi nhìn quanh tôi thấy hai xe công an chốt hai đầu, nó xuống khoảng 200 đứa nữa.
Thanh Quang: Lúc đó là trước dịch vụ internet?
Nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn: Dạ. Lúc đó là ở tại dịch vụ internet, ở đường Phan Châu Trinh, Tam Kỳ. Người dân lúc đó người ta ùn tới, tới ba bốn trăm người, giao thông tắt nghẽn.
Thanh Quang: Lúc đó là mấy giờ?
Nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn: Buổi chiều, lúc đó là đúng là 2 giờ rưỡi, anh. Thì họ yêu cầu tôi về đồn công an làm việc.
Tôi nói “Tôi chẳng có việc gì để làm với các anh cả. Các anh bắt cóc thì các anh cứ bắt, chứ còn các anh muốn bắt đúng pháp luật thì các anh đưa cái lệnh bắt đây, tôi sẽ đi theo các anh thôi chứ có gì đâu.”
Họ nói “Chúng tôi không bắt. Chúng tôi mời anh đi.”
Tôi nói “Mời tôi không đi vì đi hay không là quyền của tôi. Tôi chẳng có việc gì để đi làm việc với các anh cả.”
Thanh Quang: Dạ. Thế rồi sau đó họ có cho anh về không?
Nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn: Sau đó họ cũng không cho tôi đi. Họ cứ chận xe tôi lại ở đó.
Thanh Quang: Anh vừa nói là có sự hiện diện của hàng trăm dân trong lúc đó thì họ có can thiệp gì không ạ?
Nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn : Lúc đó thì dân tập trung đến có thể năm sáu trăm người. Tôi la lên, tôi nói “Tôi là Huỳnh Ngọc Tuấn. Lý do công an tỉnh Quảng Nam ngày hôm nay mà khủng bố tôi là vì tôi viết những bài trên mạng Đàn Chim Việt. Tôi nói về sự nhu nhược của chế độ cộng sản Việt Nam đối với Trung Quốc để mất Hoàng Sa và Trường Sa, cái thái độ hèn mạt và bán nước của chế độ cộng sản Việt Nam. Và đây là lý do mà người ta chận người ta bắt tôi. Nhưng mà bắt tôi mà có lệnh thì tôi đồng ý, còn bắt không lệnh thì tôi không đồng ý. Cho nên tôi yêu cầu đồng bào ở lại giúp đỡ cho tôi.”
Thì trong đồng bào có người hô lên : “Thật là vô lý! Bắt người mà không có lệnh là vô lý. Không đi đâu hết. Anh cứ ở đó.”
Lúc đó thì hai chiếc xe ở hai đầu đầy nhóc công an. Công an đổ xuống dọc đường. Giao thông tắc nghẽn. Họ thấy họ không thể nào mà áp giải tôi đi được vì nhân dân đông quá. Dân người ta phản đối. Thì thấy tình thế như vậy họ bắt đầu rút. Nhưng tôi biết là họ rút nhưng không xa đâu, thì tôi chờ khoảng 15 phút nữa tôi thấy họ rút hết rồi. Dân chúng họ nói : “Bây chừ anh lo về đi chớ tụi nó phục giữa đường tụi nó bắt anh đó”.
- Nguy hiểm rình rập
Thanh Quang: Thế chặng chót đó có suôn sẻ không anh? Hay là anh bị công an phục kích nữa?
Nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn: Thì tôi chạy được xuống khoảng 200 mét đến đoạn đường vắng công an giao thông ấp tới liền. Sáu thằng công an giao thông ập tới. Hắn bảo tôi là kiểm tra giấy tờ. Tôi mở giấy tờ ra, đưa toàn bộ giấy bằng lái xe đủ thứ hết, thì hắn nói là cái xe này thuộc sở hữu của bà Nguyễn Thị Quang, tức bà ngoại của Huỳnh Trọng Hiếu, bà gia của tôi đó. Thì cái xe này của bả, bả cho Hiếu nó đi.
Hắn nói là cái xe này là bất minh nên yêu cầu hai anh về đồn công an để giải quyết. Thì tôi nói với hắn là tôi phản đối chuyện này. Bằng lái có, chứng minh nhân dân có, bảo hiểm có, giấy sở hữu xe có này, còn anh nói bất minh thì anh cứ gọi vô công an của Núi Thành để xác minh số xe này, người này có đúng hay không. Trong vòng 5 phút người ta làm cho anh chớ có cần chi anh đưa tôi về đồn công an.
Tôi nói cái kịch bản này anh vừa mới bắt tôi đó không được bây giờ anh quay lại đây các anh đòi bắt tiếp. Việc làm của các anh trơ trẽn quá.
Cãi vã miết thì dân chúng bắt đầu xúm tới làm tắc nghẽn giao thông nữa. Lúc này có khoảng hai đến ba trăm người và cái cầu thì nó hẹp. Mọi người xúm tới đông quá lúc đó tôi sợ cái cầu sụp nữa. Thì sau đó dân phản đối. Người dân nói giấy tờ người ta đầy đủ tại sao các ông đòi bắt? Khôn hồn sao các ông không bắt các xe lớn kìa.
Bọn công an thấy dân phản ứng như vậy thì cuối cùng họ mới để cha con tôi về đến nhà.
Thanh Quang: Như vậy thì liệu trong những ngày sắp tới gia đình anh có thể gặp khó khăn hay là phải ứng phó với sự trù dập của phía cầm quyền ra sao?
Nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn : Dạ. Chắc chắn là bây giờ tôi thì tôi không sợ vì tôi sẵn sàng nói chuyện với họ, tôi sẵn sàng đối đầu với họ, bất cứ chỗ nào cũng được, ở ngoài đường hay ở rừng rú hoang vu cũng được. Nhưng mà tôi lo nhứt là cháu Huỳnh Thục Vy với Huỳnh Trọng Hiếu. Chắc chắn là khi bước ra đường tôi sợ là bị bao vây hết. Không đi ra được, đi ra là nó chặn nó bắt.
Thanh Quang : Anh có nhận xét như thế nào về hành động của phía công an, của phía cầm quyền không ạ?
Nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn: Họ cay cú vì những bài viết của tôi trên mạng. Họ bực tức vì chuyện tôi tham gia ký tên vô cái yêu sách đòi thả tù nhân lương tâm. Và họ cũng đe dọa em gái tôi là Huỳnh Thị Hường. Họ nói là “Còn có bà Hường nữa nè. Bà cũng tham gia ký tên vô cái yêu sách đó. Tôi chưa nói chuyện của bà đó.” Thì cô em gái tôi nổi nóng lên chỉnh cho nó một chập rồi nó về. Cái thứ hai là những bài viết của Huỳnh Thục Vy được đồng bào trong nước ngoài nước người ta quý, người ta yêu quý lắm cho nên làm cho người ta (chính quyền) khó chịu. Người ta khó chịu vì cháu Thục Vy được yêu quý. Tôi biết đó là lý do mà người ta nhắm vô khủng bố Thục Vy.
Thanh Quang: Dạ thưa nhân đây anh thay mặt gia đình có muốn lên tiếng gì với công luận trong và ngoài nước hay không?
Nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn: Trước hết tôi xin cảm ơn Đài Á Châu Tự Do đã cho tôi cơ hội để mà trình bày về hoàn cảnh bị sách nhiễu, bị khủng bố, bị đàn áp trắng trợn, thô bạo bởi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hiện nay đối với gia đình tôi. Tôi yêu cầu họ phải trả lại những phương tiện đó cho các con tôi để học tập, cũng như các phương tiện để cho tôi sử dụng. Họ trả lại bằng tiền. Tôi tuyên bố với họ là đồ gì ra khỏi nhà tôi là tôi sẽ không bao giờ nhận lại vì tôi không biết họ đã đưa cái gì vào trong đó.
Tôi mong rằng qua Đài Á Châu Tự Do đánh động được sự chú ý của công luận, các tổ chức bảo vệ nhân quyền, sự chú ý của chính phủ Hoa Kỳ, sự chú ý của Liên Minh Châu Âu, để mà giúp đỡ gia đình tôi, nhất là các cháu Huỳnh Thục Vy, Huỳnh Trọng Hiếu, để mà đề phòng những rủi ro về tai nạn hay sự trả thù đối với hai cháu. Còn bản thân tôi thì tôi cũng không lo. Tôi hoàn toàn không có lo lắng gì bản thân tôi hết. Tôi chỉ mong là công luận quốc tế giúp đỡ để bảo vệ Huỳnh Thục Vy và Huỳnh Trọng Hiếu.
Thanh Quang: Dạ. Xin cảm ơn anh.
Nguồn: RFA
http://www.danchimviet.info/archives/45545
+++++++++++++++++++++
Hình ảnh CA khám nhà, khủng bố gia đình tác giả Huỳnh Ngọc Tuấn, Huỳnh Thục Vy & Huỳnh Trọng Hiếu.
http://bietkichxaxu.blogspot.com/2011/11/tuong-thuat-vu-ca-kham-nha-khung-bo-gia.html
+++++++++++++++++++++++
Đừng chà đạp những nhà báo công dân
Huỳnh Ngọc Tuấn
Anh Huỳnh Ngọc Tuấn (1963) và các con: Huỳnh Thục Vy (1985), Huỳnh Trọng Hiếu (1989) hoàn toàn không tham gia một tổ chức đảng phái chính trị nào, họ chỉ là những nhà báo công dân thể hiện tinh thần trách nhiệm trước xã hội. Đâu thể vì những bài viết đăng trên Đàn Chim Việt và một số trang web, blog khác mà vội chụp lên đầu họ cái mũ “phản động, chống phá”. Quả là hàm hồ khi một quan chức tỉnh Quảng Nam phát biểu trong buổi họp báo ngày 8/11, cho rằng các bài viết của cha con anh Tuấn: “có nội dung chống Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân” mà không trưng được một bằng chứng cụ thể nào trước công luận. Hay phải chăng, có thể xem màn hăm he bắt bớ tại tỉnh lỵ Quảng Nam vốn nhằm thị uy cùng ai đó [?] trước vòng 16 cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt được tổ chức tại Washington (09 – 10/11)?
Không thể xem Việt Nam hiện nay là quốc gia có dân chủ khi liên tục xảy ra tình trạng đàn áp giới truyền thông bất đồng chính kiến. Đã sang thế kỷ XXI rồi, đâu thể giở ra mãi cái trò đểu: nếu không buộc được dân đen im lặng thì lại rồng rắn dắt nhau đến nhà họ để tịch thu đồ đạc và vu khống.
Ông Chủ tịch tỉnh Quảng Nam à, đêm về nằm gác tay lên trán thử nghĩ: suy tư của người trên Đại Lộc quê ông có khác gì với ba cha con anh Tuấn… Nước cửa biển Tam Thanh đâu ra nếu không chảy từ những dòng sông xanh mượt dưới rặng tre như Thu Bồn, Vu Gia… Nếu cha con người ta rặt phường bán nước hại dân thì cứ đem bắn tắp lự. Còn nếu suy nghĩ của cha con anh Tuấn cũng không khác gì với bà con quê mình thì ông nên nghĩ lại đi ông. Rút bớt lính mật vụ về cho gia đình người ta sống với. Tổ tiên ta ngày xưa vì không chịu nổi thói cường hào nơi quê cũ, sống chẳng yên thân cùng đám tham quan đê tiện mà theo lịnh vua Lê vượt đèo Hải Vân đi mở đất. Tiền bối dân xứ Quảng không nhược, hậu sinh cõi đất mở rộng về phương Nam sao hèn. Nửa đêm giật mình thức giấc nhớ lại chuyện xưa: trận thử lửa đầu tiên hai thời Pháp Mỹ đều nổ trên đất Quảng. Cú gây hấn cắt cáp của Tàu vừa rồi lại là ngoài khơi tỉnh Phú Yên; liệu lần sau Tàu không cắt cáp mà rầm rộ đổ quân vào bờ thì thử nghĩ là ở đâu hả ông… Lúc đó pháo to, tàu sắt có cự được không; hay chiến lũy kiên cố nhất chính là lòng dân. Kẻ ở trên cao tầm nhìn chẳng hẹp, mắc chi mà vội co chân đạp bỏ dân đen. Lòng dân là ý trời, diễn như vậy có người chẳng chịu, song làm sao có thể phủ nhận: lòng dân là một tồn tại khách quan so với ý đảng cộng sản. Bởi lòng dân với ý đảng cộng sản là một thì đẻ thêm làm chi cái ý đảng – cho nó rách việc phải không ông?
Lòng dân như đất bốn mùa, mưa thì đất ướt, nắng thì đất khô. Quy luật tự nhiên ngàn xưa vốn vậy, hà cớ chi bó rọ lòng dân Việt Nam phải phụ thuộc vào ý chí một đảng chính trị nào đó. Dân đẻ ra đảng chớ nào có chuyện ngược lại. Giết chết tiếng nói của các nhà báo công dân là tệ lắm ai ơi. Quyền được tự do ngôn luận vốn chẳng ai thèm nhập khẩu từ Tây hay Mỹ, quyền này đối với dân ta dám có lẽ ngàn năm; vì vậy trong bốn cái học hàng đầu của người Việt, học nói mới nằm tiếp ngay sau học ăn.Ăn mà không nói sao đặng thành con người. Trong các bài viết của cha con người ta không có những thông tin sai lệch, sự giả định và tiên đoán thiếu cơ sở. Ba cha con anh Tuấn đang thực thi những trách nhiệm rất cần thiết trong xã hội Việt Nam. Những mong muốn đời thường dân ta thì bình dị, cụ thể đâu mênh mông như khái niệm “XHCN”, chẳng ai thấy mô hình ấy đâu là đâu.
Trong lúc các cha con anh Huỳnh Ngọc Tuấn chưa bị truy tố thì hàng loạt báo chí quốc doanh như Sài gòn giải phóng, Pháp luật Việt Nam, Tiền phong… bằng như lời lẽ kích động đã cất dàn đồng ca kết tội cha con anh. Định hướng dư luận theo kiểu quy chụp này chỉ thể hiện đúng bản chất một chế độ toàn trị. Hôm nay đâu phải những gì viết thành bản văn khiến người đọc phải bận tâm suy nghĩ thì cái đó là phải thành “chống phá”. Một khi người không đau đáu ưu tư về cuộc sống thì chẳng thể nào viết được về cuộc sống; chẳng thể vì vài điều hiểu chưa tới nào đó mà đi xổ toẹt vào các bài viết của cha con anh Tuấn là phản động. Bộ một lần bỏ tù anh Huỳnh Ngọc Tuấn 10 năm (1992 – 2002) đến nỗi vợ chết không thấy mặt chồng, bỏ lại đàn con nheo nhóc sống cảnh mồ côi chưa đủ sao ai ơi?!
Các cơ quan hữu trách cần có một cái nhìn tích cực hơn trong vấn đề này. Cách làm của ba cha con anh Tuấn cần xem như những hành động phản ánh thực trạng xã hội cách nhiệt tình mà không phải người dân bình thường nào cũng làm được.Trong những bài viết của nhà anh Tuấn, độc giả có thể tìm thấy sự nhạy bén thông tin, vốn kiến thức sâu rộng và quan trọng hơn: những tấm lòng yêu nước thiết tha. Một nhà nước bóp chết tiếng nói của công dân là một nhà nước khủng bố. Nếu xem báo chí công dân (civic journalism) là một xu hướng phát triển nhân quyền của thế giới thì những gì chính quyền Việt Nam đang làm cùng gia đình anh Huỳnh Ngọc Tuấn là một hành vi đi ngược xu hướng phát triển thời đại.
Ngày 10/11/2011
© Huỳnh Việt Lang
© Đàn Chim Việt
THEO DÒNG SỰ KIỆN:
Vụ án trung tá công an đánh chết người giữa chốn công quyền: Phép thử công lý và đạo lý của CHXHCN Việt Nam?
Luật biểu tình: Lợi ích công cộng và quyền công dân hay một hài kịch mới?
Cộng sản, hậu cộng sản, hai thể chế, hai cách ứng xử với đối lập chính trị
Điều quan trọng để cho một cuộc xuống đường thành công: Công tác tổ chức
Công đoàn, lực tạo công bằng và hòa bình đang bị quỉ che mắt
Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu: Dưới Cặp Mắt Công An Nhân Dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét