Vấn đề đặt ra là nếu không có người phản biện, lập trường của Bắc Kinh, dù không có cơ sở, cũng có thể bị ngộ nhận là đúng đắn.
Trung Quốc tung 'học giả' đi tuyên truyền cho chủ quyền tại Biển Đông
Nghe (16:58)
Thêm vào danh mục của tôi
Tải về
Embed
Lính Hải Quân Việt Nam trên một hòn đảo thuộc Quần Đảo Trường Sa. Ảnh chụp ngày 16/04/2010
REUTERS/Stringer
Thụy My / Trọng Nghĩa
Như thông lệ từ hai năm gần đây, mỗi lần có hội nghị khoa học trong đó có đề cập đến Biển Đông là mỗi lần các đại biểu Trung Quốc bị chất vấn về tấm bản đồ hình lưỡi bò của Bắc Kinh. Quan điểm chủ quyền lịch sử, mà Trung Quốc nhấn mạnh để bảo vệ các đòi hỏi của họ, thường xuyên bị các học giả quốc tế đánh giá là không có sức thuyết phục.
Bất chấp điều đó, Bắc Kinh vẫn tiếp tục tìm mọi cách để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền của họ, không chỉ bằng các hành động quyết đoán cụ thể trong vùng Biển Đông, mà còn tung các chuyên gia đi mọi nơi để tuyên truyền cho lập trường của Trung Quốc, đồng thời phản bác quan điểm của các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Vấn đề đặt ra là nếu không có người phản biện, lập trường của Bắc Kinh, dù không có cơ sở, cũng có thể được coi là đúng đắn, với những tác động khó lường cho các quốc gia tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông.
Thủ đoạn này của Bắc Kinh mới đây đã bị giáo sư Ngô Vĩnh Long, một nhà nghiên cứu kỳ cựu về Biển Đông thuộc trường Đại Học Maine (Hoa Kỳ), công khai vạch trần nhân một cuộc hội thảo được tổ chức tại Washington, có sự tham gia của một phái đoàn Trung Quốc rất hùng hậu.
Đó là cuộc hội thảo diễn ra trong hai ngày 21-22/10/2011, do hai hiệp hội hòa bình tại Mỹ là American Friends Service Committee và Historians Against The Wars tổ chức. Với chủ đề chung là Hòa bình ở Châu Á – Thái Bình Dương, hội nghị này đã quy tụ nhiều học giả đến từ các nước Châu Á để bàn luận về các phương cách tránh việc quân sự hóa trở lại khu vực này.
Tình hình Biển Đông căng thẳng trong thời gian gần đây, lẽ dĩ nhiên, đã nổi bật trong chương trình nghị sự, được đề cập đến trong hai tiểu ban (panel), một đề cập chung đến Đông Nam Á và một dành riêng cho Biển Đông.
Tại hai cuộc thảo luận này, các đại diện Trung Quốc có mặt đông đảo, với các « chuyên gia » học hàm học vị đầy mình. Họ đã tranh thủ diễn đàn để tuyên truyền cho lập trường của Bắc Kinh tại Biển Đông, đặc biệt là tính chất đúng đắn của tấm bản đồ hình lưỡi bò mà Trung Quốc đã dùng làm cơ sở cho đòi hỏi chủ quyền rộng khắp của mình.
Là diễn giả người Việt duy nhất trong cả hai cuộc họp, giáo sư Ngô Vĩnh Long đã trình bày quan điểm của Việt Nam về Biển Đông, đồng thời phản bác từng điểm một các lập luận của đại diện Trung Quốc.
- Học giả Vương Hàn Lĩnh "cãi chày cãi cối"
Trả lời phỏng vấn của Ban Việt ngữ RFI, giáo sư Long đã không tránh khỏi phẫn nộ trước các lý lẽ, bị ông coi là « cãi chày cãi cối » của diễn giả Trung Quốc, chủ chốt là ông Vương Hàn Lĩnh, Giám đốc Trung tâm phụ trách Đại dương và Luật Biển, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc.
Theo giáo sư Ngô Vĩnh Long, nhân vật này đã ngang nhiên gọi là « nói láo » trước cử tọa, khi khẳng định ba điểm phi lý :
1/ Việt Nam không có, hay là chưa có vùng kinh tế đặc biệt từ thềm lục địa trở ra ; 2/ Đường chữ U ra đời từ năm 1947, trong lúc Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) chỉ mới có từ năm 1982, nên không thể áp dụng cho tranh chấp Biển Đông ; 3/ Việt Nam đã ký kết với Trung Quốc nguyên tắc chỉ giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách song phương mà thôi.
Đối với Giáo sư Ngô Vĩnh Long, các lập luận trên đây hoàn toàn vô lý, nhưng điểm đáng ngại là diễn giả Trung Quốc này « đã dùng chức tước, địa vị, rồi nói là đã có hàng trăm bài nghiên cứu được công bố, cho nên nhiều học giả (Mỹ) đến nghe đã bị khớp, và nếu không có những người khác phản biện lại, chứng minh khác đi, thì người ta tin là thật ».
Sau đây là bài phỏng vấn giáo sư Ngô Vĩnh Long sau cuộc hội thảo tại Washington :
Giáo sư Ngô Vĩnh Long - Đại học Maine (Hoa Kỳ)
07/11/2011
by Trọng Nghĩa
Nghe (12:51)
Ngô Vĩnh Long : Hội thảo chia ra làm 2 phần : một phần về miền Bắc Châu Á, và một phần kia về Đông Nam Á : có một panel thảo luận chung về Đông Nam Á, rồi sau đó có một cuộc họp riêng về Biển Đông. Cái vấn đề quan trọng là nội dung tham luận của những người Trung Quốc được đưa sang.
Trung Quốc đưa sang một nhóm người rất hùng hậu – mười mấy người - trong đó có những người như bà Yan Junqi (Nghiêm Tuyển Kỳ), Phó chủ tịch Quốc hội Trung Quốc, Chủ tịch Tổ chức Phát triển Dân chủ của Trung Quốc, Phó chủ tịch Tổ chức Hòa bình và Giải trừ Quân bị của Trung Quốc. Tôi đưa ví dụ để cho thấy họ đưa người hùng hậu như thế nào.
Người thứ hai là Ding Yifan (Đinh Nhất Phàm), Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Toàn cầu. Người thứ ba là Xu Zhensui (Từ Trấn Tuy), Tổng thư ký Quỹ Hòa bình và Phát triển của Trung Quốc, do chính chính phủ Trung Quốc lập ra vào tháng 2 năm nay, để trao đổi gọi là (giữa) nhân dân Trung Quốc với nhân dân của tất cả các nước khác.
Còn người được đưa ra đóng tuồng hai lần tên là Wang Hanling - tiếng Việt là Vương Hàn Lĩnh. Anh này là giám đốc Trung tâm phụ trách toàn bộ các vấn đề đại dương và Luật Biển, đã được chính phủ Trung Quốc đưa vào Liên Hiệp Quốc, làm ở bộ phận ứng xử đặc biệt điều khoản 2 của Luật Biển Liên Hiệp Quốc. Anh ta là người giỏi nhất về Luật Biển của Trung Quốc, đến nói chuyện ở hội thảo này, và hai lần được đưa ra để đấu với tôi trong hai panel (tiểu ban).
RFI : Thưa giáo sư, như vậy thì quan điểm của ông Vương Hàn Lĩnh là như thế nào ?
Ngô Vĩnh Long : Quan điểm của hắn như thế này, mà hắn nói mấy lần. Đó là Việt Nam không có, hay là chưa có vùng kinh tế đặc biệt từ thềm lục địa trở ra, tức là EEZ. Bởi vì nếu muốn có vùng kinh tế đặc biệt, thì phải xin các nước chấp nhận. Nhưng mà Việt Nam chưa xin, tức là Việt Nam không có EEZ.
Đường chữ U được Trung Quốc thiết lập từ năm 1947, vì thế cho nên Luật Biển của Liên Hiệp Quốc, tức là UNCLOS, chỉ mới được đưa ra năm 1982, tức nhiên là không áp dụng được trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.
Vấn đề thứ ba là việc ký kết giữa Việt Nam với Trung Quốc vừa qua là giải quyết mọi vấn đề (chỉ bằng đường) song phương thôi, không có nước thứ ba nào can dự vào hết. Rồi hắn lại nói thêm, giải quyết song phương với Trung Quốc là rất có lợi cho tất cả mọi người, vì Trung Quốc là nước lớn, cũng giống như anh cả cho nên đối đãi với người khác rất là tốt.
Ví dụ như là vừa qua trong vấn đề phân chia ở Vịnh Bắc bộ, thì Việt Nam được 52%, còn Trung Quốc chỉ có 47% thôi - Tôi không biết tại sao 47 chứ không phải là 48% - như thế tỏ ra Trung Quốc rất tốt, thương thuyết song phương với Trung Quốc là có lợi nhất. Vừa qua việc Việt Nam sang ký kết với Trung Quốc cho thấy Việt Nam biết vấn đề này là có lợi nhất.
Hắn cũng nói thêm, khi có tranh chấp chồng lấn, thì giữa hai nước thương thảo với nhau thôi, hay giữa các nước thương thảo với nhau. Rồi sau đó khi đồng ý rồi mới nộp lên Liên Hiệp Quốc, chứ không có chuyện tự nhiên có EEZ riêng cho mình đâu !
- Vì không hiểu vấn đề Biển Đông nên dễ tin vào lập luận của "chuyên gia" Trung Quốc
Tôi thì tôi bác bỏ hết tất cả những lập luận này ở đó. Vấn đề là như thế này : Nhiều người Mỹ không biết các vấn đề về Đông Nam Á như thế nào, họ không biết vấn đề Biển Đông như thế nào. Mà nhiều người Mỹ lại không muốn chính phủ Mỹ bành trướng sang bên Đông Nam Á hay là Á châu. Cho nên khi Trung Quốc đưa những cái người gọi là chuyên gia này kia đi mà nói như vậy đó, là nhiều người họ tin lắm !
Thành ra nếu không có những người khác đến nghe, đến nói, thì người Mỹ, mặc dầu họ là những chuyên gia, nhưng họ cũng không hiểu, nên họ tin. Nhưng mà sau khi tôi trình bày, tôi bác bỏ hết những chuyện ‘’cãi chày cãi cối’’ – xin lỗi là phải dùng từ ngữ này – của các học giả Trung Quốc này, thì những người Mỹ sau đó họ mới đến họ nói với tôi : Ồ, nếu mà không có anh, thì chúng tôi không hiểu vấn đề gì hết. Những điều anh vừa nêu lên, về những việc mà Trung Quốc đã và đang làm trong khu vực, làm chúng tôi rất là bối rối !
Vấn đề bây giờ là, Việt Nam không có đủ người để đi nói thẳng nói thật với người Mỹ là Trung Quốc đang làm gì. Trong khi đó, Trung Quốc đưa không biết bao nhiêu cao thủ, đi từ chỗ này đến chỗ kia.
Sau cái hội thảo của chúng tôi, thì cái nhóm này lại đi đến một trường đại học khác, trong đó có trường đại học ở Hoa Thịnh Đốn, trong hai ngày, và cũng nói những vấn đề này. Bởi vì, ở đại học không phải là một hội thảo về hòa bình, cho nên họ lại còn trịch thượng và ngang ngược kinh khủng ở đó nữa. Nhưng mà, lẽ dĩ nhiên là tôi không có trên panel nên cũng không phản đối được.
RFI : Thưa giáo sư, chẳng hạn như lập luận của ông Vương Hàn Lĩnh, là đường chữ U có từ năm 1947, Luật Biển của Liên Hiệp Quốc có từ năm 1982 thành thử ra không có giá trị đối với cái đường chữ U đó. Như vậy đánh giá của giáo sư về lập luận đó như thế nào ?
Ngô Vĩnh Long : Trước hết, vấn đề đường chữ U đưa ra là do một học giả của chính phủ Tưởng Giới Thạch ngày xưa. Họ chỉ đưa ra thôi, mà hồi đó là cái đường chữ U đó không phải có 9 đoạn, nó đến 11 đoạn lận. Nhưng họ chỉ nói như vậy thôi, chứ không phải là một quốc gia đưa ra. Mà có đưa ra đi nữa, thì vấn đề là như thế này. Theo luật quốc tế, thì cái gì được đồng ý sau mới là cái quan trọng nhất, chứ không phải cái gì mà tự nhiên anh nói trước. Bởi vì anh đồng ý sau, ví dụ như về UNCLOS, thì đây là cái chuyện mà anh phải thi hành. Chứ còn cái chuyện một người học giả nói chơi chơi năm 1947, rồi anh đem ra sử dụng là không đúng.
Thứ hai nữa là đường chữ U nó chiếm các thềm lục địa của các nước khác, trong đó đặc biệt là của Việt Nam, mà nó cũng không có ranh giới phân chia gì rõ ràng hết. Thì theo luật, vấn đề này không được !
- Biến các vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp, rồi đòi thương thuyết tay đôi !
Nhưng mà cái cách của Trung Quốc là như thế này. Bây giờ chả cần biết, cái vùng nào mà chưa tranh chấp hay là không có tranh chấp, thì Trung Quốc làm cho ra thành tranh chấp ! Khi làm ra tranh chấp thì hai nước phải giải quyết. Là họ nghĩ như vậy. Bởi vì hai nước giải quyết rồi mới đưa ra Liên Hiệp Quốc, chứ còn trước đó không được đưa ra Liên Hiệp Quốc. Thì cái cách cãi chày cãi cối, hay là chẻ (sợi) tóc (làm tư) là như vậy.
Tôi nói thẳng ở hội nghị, là các anh đến đây để tìm các giải pháp hòa bình, nhưng mà (thật ra) các anh đến đây để tuyên truyền và chẻ tóc. Các anh làm như vậy là không đúng !
Từ đó tôi mới phân tích vấn đề Trung Quốc bây giờ bành trướng và đế quốc như thế nào. Mọi người nghe, có vẻ họ cũng thấy là Trung Quốc đã quá lố.
RFI : Có một vấn đề mà ông Vương Hàn Lĩnh này đã đưa ra vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Quan điểm của ông ta không đúng ở điểm nào, thưa giáo sư ?
Ngô Vĩnh Long : Nó không đúng ! Thật ra là tự động cái vùng đặc quyền này nước nào cũng có thể có được, ít nhất là 200 dặm. Nhưng mà trong những hoàn cảnh, ví dụ như ở Việt Nam chẳng hạn, có một vùng biển khơi rất là rộng, mà không có tranh chấp. Thì Việt Nam có quyền xin cái vùng đặc quyền kinh tế này lên cho đến 350 dặm.
Vấn đề bây giờ là Việt Nam đã xin nhiều vùng được đến 350 dặm, thì ở đây là Liên Hiệp Quốc họ chưa xét về vấn đề này, chứ không phải là Việt Nam chưa có vùng kinh tế đặc biệt. Nhưng vì Liên Hiệp Quốc chưa xét việc này, thì Trung Quốc nói là Việt Nam chưa có vùng kinh tế đặc quyền, vì vậy cho nên Trung Quốc tha hồ mà vẽ cái đường lưỡi bò chiếm cái vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam.
Thì Trung Quốc chơi ngang như vậy, để nếu mà Việt Nam sợ mà thương thuyết song phương, thì họ nói, thấy chưa, hai nước đang thương thuyết song phương như thế, để khi thương thuyết xong rồi mới đưa ra Liên Hiệp Quốc. Tức nhiên là Trung Quốc mua thời gian và dọa nạt Việt Nam.
- Phản bác chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông là một vấn đề đấu tranh chính trị
Thành ra cái vấn đề này là phải đem ra cho thế giới biết. Không những đem ra Liên Hiệp Quốc, mà phải đem ra tất cả các tổ chức, càng nhiều tổ chức quốc tế càng tốt, để nói cho người ta biết những chuyện này. Chính phủ Việt Nam không nên song phương đàm phán với Trung Quốc, hay là không cho những cá nhân hay những tổ chức của người Việt Nam đem những chuyện này ra trình bày với dư luận thế giới. Bởi vì vấn đề này không phải là vấn đề luật pháp nữa, mà vấn đề tranh đấu chính trị. Cho nên, nếu mà nghĩ đến việc thương thuyết về luật này kia, thì Trung Quốc tha hồ mà nó chẻ tóc cái vấn đề này.
RFI : Quan điểm của ông Vương Hàn Lĩnh này, về thỏa thuận nguyên tắc vừa được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc, là Việt Nam đã chấp nhận vấn đề giải quyết song phương. Cái đó cũng không đúng phải không, thưa giáo sư ?
Ngô Vĩnh Long : Cái đó không đúng, và tôi đã nói thẳng ở ngay đó. Tôi đem ra bản dịch tiếng Anh, bản dịch chính thức của Trung Quốc. Tôi nói, đây nè, chuyện nào mà giữa Trung Quốc với Việt Nam, thì vấn đề đó sẽ đàm phán song phương. Nhưng chỗ nào có dính đến quyền lợi của các nước thứ ba, thì phải hỏi ý kiến của các nước đó. Tức nhiên là vấn đề này không phải là đàm phán song phương. Cái gì song phương thì đàm phán song phương, cái gì dính líu đến người khác thì đa phương.
Tôi nói, một lần nữa anh không đi thẳng vào vấn đề, anh cứ tiếp tục anh chẻ tóc. Đi đến một cái hội thảo như thế này mà anh làm cái chuyện như thế, thì tôi nghĩ là sẽ không tìm được giải pháp hòa bình trong khu vực.Thì hắn đỏ mặt lên, hắn không biết nói cái gì. Bởi vì đúng là hắn nói láo trước mặt không biết bao nhiêu người !
Tôi nghĩ rằng, vấn đề này không phải là vấn đề riêng của ông Vương Hàn Lĩnh, mặc dầu ông này coi hết những vấn đề về biển đảo của Trung tâm về các vấn đề biển đảo và Luật Biển của Trung Quốc. Nhưng tôi nghĩ đây là vấn đề chính sách chính thức của Trung Quốc. Mới vừa ký một cái thỏa thuận với Việt Nam, mực chưa khô đã đi nói láo với các hội thảo, hội nghị trên thế giới !
Tôi nghĩ, vì thế cho nên Việt Nam cần phải làm sao vận động được thế giới trên vấn đề này. Vì như tôi đã nói, đây là vấn đề vận động chính trị. Chứ nếu mà im, thì thế giới tưởng là thật như vậy, mà trong khi Trung Quốc thì đưa đi không biết bao nhiêu người - ở Mỹ, như tôi đã biết, vừa qua có cả chục cái hội thảo như vậy, ở chỗ này chỗ kia - thì Việt Nam sẽ không vận động được sự ủng hộ của thế giới trong vấn đề này …Nếu Việt Nam mà không tranh thủ được, thì tôi nghĩ sẽ rất là mệt đấy.
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20111107-bac-kinh-tung-%C2%AB-hoc-gia-%C2%BB-di-tuyen-truyen-cho-doi-hoi-chu-quyen-cua-trung-quoc-tai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét