Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

Tổng thống Philippines, Benigno Aquino, sẽ đưa ra lời kêu gọi các nước thành viên trong tổ chức ASEAN hậu thuẫn cho một kế hoạch của Philippines nhằm đối phó với Trung Quốc trong tranh chấp Biển Ðông.



Manila cho biết là bằng mọi giá sẽ bảo vệ lãnh thổ và các nhà đầu tư dầu khí.








MANILA (TH) -Tổng thống Philippines, Benigno Aquino, sẽ đưa ra lời kêu gọi các nước thành viên trong tổ chức ASEAN hậu thuẫn cho một kế hoạch của Philippines nhằm đối phó với Trung Quốc trong tranh chấp Biển Ðông.

*
Hai sĩ quan Hải Quân Malaysia (trái) và Philippines (phải) thảo luận trong một cuộc tập trận chung giữa hai nước. (Hình: Jay Directo/AFP/Getty Images)




Theo hãng thông tấn AFP, ông Aquino sẽ tham dự cuộc họp thượng đỉnh ASEAN mở rộng sẽ gồm cả Hoa Kỳ và Trung Quốc được tổ chức ở đảo Bali, nước Indonesia bắt đầu từ Thứ Năm tới đây.


Ông sẽ nhấn mạnh đến giải pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp trùng lặp giữa các nước trong khu vực trên biển Ðông (mà Philippines gọi là biển Tây Phi).


Gần đây, Philippines bắn tiếng muốn biến khu vực biển tranh chấp thành một phu vực “hòa bình, tự do, hữu nghị và hợp tác.”
Ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nước Việt Nam khi đến Manila ngày 26 tháng 10, 2011, từng tuyên bố ủng hộ ý kiến của Philippines.


Philippines, Việt Nam, Trung Quốc, Ðài Loan, Malaysia và Brunei tranh chấp quần đảo Trường Sa và các vùng biển chung quanh. Riêng Việt Nam và Trung Quốc còn tranh chấp quần đảo Hoàng Sa và vùng biển chung quanh.


Tuy nhiên, Trung Quốc lại ngang nhiên tuyên bố gần hết Biển Ðông gồm cả hai quần đảo vừa nói nằm trong vùng “Lưỡi Bò.” Việt Nam cũng như Philippines chỉ còn rẻo biển gần bờ dù cả hai nước nằm ở phía Ðông và phía Tây của Biển Ðông (theo cách gọi của Việt Nam).


“Philippines kêu gọi ASEAN vận động tổ chức họp giữa các nước tranh chấp Biển Ðông, kể cả Trung Quốc, bàn thảo các lời tuyên bố chủ quyền và xác định những vùng tranh chấp cũng như không tranh chấp cho mục đích thành lập khu vực hợp tác.” Bản văn của Philippines dự trù đưa ra tại Hội nghị ASEAN sắp tới viết như vậy. “ASEAN phải đóng vai trò quyết định vào lúc này nếu muốn đạt ước vọng trở thành lãnh đạo trên thế giới.”


Tranh chấp Biển Ðông nóng hẳn lên trong năm nay khi Trung Quốc cho tàu cản trở các hoạt động dò tìm dầu khí của Việt Nam và Philippines. Bản nguyên tắc ứng xử trên Biển Ðông từng được ký kết từ năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc đến nay vẫn chỉ là tờ giấy không ai tôn trọng. Hiện một bộ qui tắc ứng xử đang được nghiên cứu để hình thành nhưng chưa biết bao giờ có và áp dụng.


Trung Quốc thì luôn luôn đòi hỏi thảo luận tay đôi với từng nước để dễ dùng thế thượng phong nước lớn mà áp đảo, giành lấy phần hơn.


Theo bản tin AFP, thứ trưởng Ngoại Giao của Philippines, Erlinda Basilio, cho hay Tổng Thống Aquino sẽ dùng tất cả các cơ hội để nêu đề nghị của Philippines khi tham dự hội nghị ở Bali, dự trù sẽ có mặt Tổng Thống Mỹ Barack Obama.


Hồi tháng 10, báo Global Times của Bắc Kinh đe dọa các nước láng giềng chuẩn bị tinh thần để nghe tiếng đại bác nếu muốn tranh chấp chủ quyền biển đảo với họ.


Hồi tuần qua, người ta thấy phổ biến trên mạng youtube một video clip chiếc tàu Cảnh Sát Biển của Việt Nam đâm một chiếc tàu tuần biển của Trung Quốc.


Trong khi cả hai phía Việt Nam và Trung Quốc không đưa ra lời bình luận gì về chuyện này, một tùy viên quân sự của một tòa đại sứ ở Hà Nội nói rằng: “Chúng tôi từng nghe lâu nay từ phía Việt Nam rằng có rất nhiều vụ đụng tàu và quấy nhiễu hơn là một số ít vụ được báo cáo.”


Ông này cho hay ông không biết khi nào xảy ra chuyện đó.
“Từ những chiếc tàu của hai bên, có vẻ như nó mới xảy ra gần đây.”


Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hôm 8 tháng 11, Ðại Tá Phạm Thanh Hóa, chính ủy Hải Quân vùng 4 cho báo Người Việt biết, 'chiếc tàu đâm vào tàu hải giám Trung Quốc là lực lượng Cảnh Sát Biển Việt Nam.'


Một số đoạn video dài từ 2'44'' đến 6'25'' cho thấy chiếc tàu của Cảnh Sát Biển Việt Nam đuổi theo chiếc hải tuần của Trung Quốc rồi đâm vào bên hông. Không thấy lời qua tiếng lại giữa thủy thủ đoàn của hai chiếc tàu. Trước khi đụng, người ta thấy những người trên tàu Việt Nam nhắc nhở nhau “bám chặt vào,” “mặc quần áo vào,” “Nó có cả con gái nữa. Nó quay (video) mình, mình quay nó.”


Ðoạn video tới nay, không biết do ai tung ra nhưng chắc chắn phải có nguồn gốc từ chiếc tàu Cảnh Sát Biển Việt Nam nói trên.
Tàu Trung Quốc từng đụng chìm nhiều tàu đánh cá của Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp, không kể những tàu bị bắt về đảo Phú Lâm rồi đòi tiền chuộc.


Một viên chức Hải Quân Hoa Kỳ cao cấp cảnh cáo hồi tuần qua tại Hongkong rằng những vụ đụng độ nhỏ ở khu vực tranh chấp có thể dẫn đến những tính toán chiến lược lầm lẫn.


Còn ông Ian Storey, một chuyên gia các vấn đề quốc phòng ở Singapore cảnh cáo rằng đoạn video đó “nêu những câu hỏi quan trọng về tranh chấp biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc.”


“Tại sao lại phổ biến video đâm tàu vào lúc này? Nó xảy ra ở đâu? Tại sao Trung Quốc không phản đối? Và quan trọng hơn hết, vụ việc xảy ra bao giờ? Có phải nó xảy ra sau khi lãnh đạo hai nước gặp nhau hồi tháng 9 khi hai nước cam kết tháo gỡ căng thẳng?”


Theo lời ông Stoney nói với báo SCMP thì “không có câu trả lời rõ rệt cho những câu hỏi vừa kể ở lúc này.”


Theo công ty trinh thám tư nhân Exclusive Analysis ở London thì đoạn video nói trên được phóng lên youtube từ ngày 28 tháng 10, 2011 đã được các mạng xã hội Việt Nam và Trung Quốc lấy lại rồi loan truyền với những bình luận kích động lòng yêu nước. (TN)


VIDEO http://www.youtube.com/watch?v=DclQcUCx3o4&feature=player_embedded








http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=140112&z=1




+++++++++++++++++++++++++++++++++



Philippines dứt khoát bác bỏ đòi hỏi mới của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông



Dân biểu Philippines và một số quân nhân đến đảo tranh chấp Pagasa, tỉnh Palawan, khẳng định chủ quyền của Manila . Ảnh ngày 20/07/2011

REUTERS/Rolex Dena Pena/Pool/Files

Tú Anh


Vùng biển và đảo mà Bắc Kinh tranh giành nằm ngoài khơi tỉnh Palawan có 80 km và cánh Hoa lục 800 km.


Manila cho biết là bằng mọi giá sẽ bảo vệ lãnh thổ và các nhà đầu tư dầu khí. Tham vọng của Trung Quốc muốn lấn sát vào bờ biển Philippines sau khi tuyên bố chủ quyền trên 80% biển Đông mà họ gọi là Nam hải sẽ được Manila thảo luận với ngoại trưởng Mỹ vào thứ tư tới đây.



Theo hãng AP, Thứ trưởng bộ năng lượng Philippines Jose Layug Jr hôm nay 14/11/2011 cho biết Trung Quốc đã phản đối kế hoạch của Manila cho thăm dò dầu khí tại vùng biển nằm cách tỉnh Palawan không tới 50 hải lý. Đây là những địa điểm sát cạnh Philippines nhất trong số các khu vực bị Bắc Kinh xem là chủ quyền của Trung Quốc.


Philippines chia khu vực tây bắc đảo Palawan ra làm 15 lô, mời nước ngoài thăm dò dầu khí.


Ngày 04/07/2011, sứ quán Trung Quốc tại Manila phản đối chính phủ Philippines và khẳng định lô số 3 và số 4 là thuộc chủ quyền Trung Quốc.


Đảo Palawan nhìn ra biển Đông nơi mà Bắc Kinh nói là thuộc chủ quyền của họ.


Bắc Kinh đã yêu cầu Manila hủy bỏ kể hoạch thăm dò dầu khí tại hai nơi này.


Thứ trưởng bộ năng lượng Philippines cho biết là Manila đã nói với Bắc Kinh là toàn thể vùng biển này nằm cách Philippines không đến 50 hải lý và còn cách Trung Quốc đến 500 hải lý thì không thể là của Trung Quốc được.


Cũng theo lời thứ trưởng Jose Layug thì 15 lô nói trên không thuộc vùng tranh chấp ở Trường Sa.


Theo AP, thái độ mỗi ngày mỗi hung hăng của Bắc Kinh và nhất là với đòi hỏi mới này càng làm cho Philippines kiên quyết hơn đưa vấn đề ra Liên Hiệp Quốc.


Trong khi chờ đợi, Philippines sẽ thảo luận về tham vọng mới của Bắc Kinh với ngoại trưởng Mỹ nhân dịp bà Hillary Clinton đến Manila vào thứ tư tuần này.


Còn theo AFP, Philippines cũng nhân hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Bali trong tuần này để vận động Asean lập một mặt trận chung đối đầu với tham vọng bá quyền của Bắc Kinh.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20111114-philippines-dut-khoat-bac-bo-doi-hoi-moi-cua-trung-quoc-ve-chu-quyen-tai-bien-dong



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét