HÀ NỘI (NV) -Một nghị định của chính phủ Việt Nam có hiệu lực từ ngày 20 tháng 10, 2011, nói rằng, “sử dụng vàng, ngoại tệ trong thực hiện mua bán, niêm yết, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ không chỉ bị phạt nặng, mà tang vật cũng sẽ bị tịch thu đưa vào ngân sách nhà nước.”
Một tiệm vàng ở Hà Nội trong buổi mua bán. Việt Nam ban hành nghị định theo đó ai dùng vàng hay ngoại tệ để giao dịch mua bán sẽ bị tịch thu. (Hình: Hoang Dinh Nam/Getty Images)
Báo Thanh Niên hôm 19 tháng 11 cho hay, đây là “nội dung Nghị định 95 của Chính phủ bổ sung, sửa đổi một số điều của Nghị định 202 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.”
“Theo đó, quy định xử phạt từ 50-100 triệu đồng đối với việc 'thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng vàng với nhau không đúng quy định.' Ðồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu số ngoại tệ, tiền đồng hoặc vàng đối với hành vi này.”
Nghị định này cũng quy định, “xử phạt mức 300-500 triệu đồng đối với hành vi 'Niêm yết, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất bằng ngoại tệ, vàng không đúng quy định pháp luật.'”
Theo báo Thanh Niên, dù nghị định đã có hiệu lực 1 tháng qua nhưng không phải người dân nào cũng biết.
Trả lời phỏng vấn của báo Người Việt (qua điện thoại), chủ tiệm vàng Cúc Phụng ở đường Lê Thánh Tôn, Quận 1, Sài Gòn cho biết: “Chúng tôi có biết về nghị định này. Vì có giấy phép kinh doanh về vàng và nữ trang nên chúng tôi không bị ảnh hưởng. Hồi trước, khi chưa có lệnh cấm, chúng tôi có nhận làm trung gian cho các dịch vụ thanh toán bằng vàng, nhưng nay thì bắt buộc phải thông qua ngân hàng nhà nước.”
Trong khi đó, bà Phạm Anh, một người làm nghề trung gian buôn bán địa ốc ở quận Bình Thạnh, Sài Gòn, nói với Người Việt rằng, “Luật Việt Nam làm ra cho có, và nhiều khi nói một đàng nhưng làm một nẻo.”
“Nói một cách nôm na, theo nghị định này, thì ai có vàng hay ngoại tệ thì có quyền giữ. Nhưng khi mua bán hay giao dịch thì phải bán vàng hay ngoại tệ cho các ngân hàng rồi lấy tiền Việt Nam mà giao dịch.”
Theo lời bà Phạm Anh, “hiện nay người ta mua bán bất động sản đa số thanh toán bằng tiền Việt Nam mà ít thanh toán bằng vàng hay ngoại tệ bởi vì giá vàng tăng quá cao và luôn thay đổi, chứ không phải vì cái nghị định kể trên.”
“Nếu thanh toán bằng vàng, thì ngày hôm nay căn nhà mình bán là 100 cây chẳng hạn, ngày mai giá vàng lên thì trị giá căn nhà lại sụt đi vài cây, coi như người bán bị lỗ, nên cứ thanh toán bằng tiền Việt Nam cho tiện.”
Vẫn theo lời bà Phạm Anh, hiện nay số người thanh toán trong giao dịch địa ốc bằng tiền Việt Nam chiếm khoảng 70%, bằng đô la Mỹ khoảng 20% và khoảng 10% là bằng vàng.
- Chỉ có quyền giữ vàng và ngoại tệ
Trùng với nhận xét của bà Phạm Anh, báo Thanh Niên dẫn lời ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân Hàng Nhà Nước chi nhánh thành phố Sài Gòn nói rằng: “Người dân có quyền nắm giữ nhưng khi sử dụng ngoại tệ, vàng làm phương tiện trong thanh toán, niêm yết, quảng cáo hàng hóa dịch vụ là vi phạm pháp luật.”
Vẫn báo Thanh Niên cho hay: “Theo cơ quan công an, ngay sau khi nghị định này có hiệu lực thi hành, cơ quan này đã rà soát vấn đề giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là nhà đất bằng vàng nhưng chưa phát hiện ra vụ nào.”
“Các công tác kiểm tra việc thực hiện mua bán giao dịch bằng ngoại tệ, vàng của cơ quan công an sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới. Ngoài cơ quan công an, ngân hàng nhà nước, cơ quan quản lý thị trường cũng sẽ thực hiện việc kiểm tra niêm yết, quảng cáo hàng hóa dịch vụ bằng vàng trên thị trường.” Báo Thanh Niên cho hay thêm.
- Phản ứng của người Việt ở Mỹ
Dù đang ở Mỹ, nhưng nhiều người Việt vẫn quan tâm đến các vấn đề trong nước, và họ đã đưa ra các nhận xét về nghị định này.
Cô Hồng Nguyễn, cashier ở Little Saigon nói với báo Người Việt, “Ở Việt Nam thì chuyện phải dùng tiền đồng Việt Nam trong giao dịch buôn bán là đúng rồi, cũng như ở Mỹ thì phải dùng đô la vậy. Thực ra thì vì mệnh giá tiền đồng trong nước lớn quá, nghe nói tiền tỉ, tiền triệu ghê quá nên đổi sang vàng hay đô la cho dễ nghe hơn. Giờ họ không cho làm như vậy nữa thì cứ tính ra tiền đồng.”
“Tuy nhiên,” cô nói tiếp, “điều đáng nói ở đây là nhà nước VN lại không quản lý được giá trị của tiền đồng Việt Nam. Nó bị mất giá quá! Chính vì nó bị mất giá nên người ta phải mượn giá trị của vàng hay của đô la làm giao dịch. Thành ra nếu bây giờ đăng một quảng cáo bán nhà bằng tiền đồng Việt Nam, chắc phải đăng là căn nhà giá 1 tỉ và giá này chỉ có thời hạn trong 2 ngày. Vì, tôi lấy ví dụ, hôm nay 1 tỉ có thể tương đương 20 cây vàng, nhưng hai ngày tới, 1 tỉ chỉ còn tương đương có 15 cây thôi.”
Vyvy Nguyễn, một sinh viên du học, phát biểu: “Em nghĩ nếu bây giờ nhà nước qui định tất cả đều phải giao dịch bằng tiền đồng Việt Nam thì chắc cũng được, cứ qui đổi ra tương đương. Và họ phải có cách tính làm sao đó để họ không bị lỗ khi giá đô lên xuống. Ðiều này cũng hơi khó đó. Nhưng bắt làm thì phải làm vậy thôi. Tóm lại cứ qui định sao thì mình làm theo vậy cho chắc ăn.”
Trong khi đó, bà Phú Trần, một người bán hàng cũng ở Little Sagon, nhận xét, “người Việt Nam thì phải dùng tiền Việt Nam chứ, người Việt mà xài tiền đô thì nghe cũng tréo ngoe.”
“Trước giờ tôi từng thấy có những căn nhà ở Việt Nam đăng bán cũng đều ghi giá đồng Việt Nam. Nhưng đến lúc ngồi xuống trả tiền thì tùy theo khách, muốn trả vàng hay đô gì cũng được, cứ tính theo giá thời điểm hiện tại. Còn nếu bây giờ nói rằng giao dịch bằng vàng hay đô sẽ bị tịch thu thì thôi cứ mang vàng hay đô ra bán thành tiền, rồi mang tiền đi chung.”
Bà Phú thắc mắc, “Ðiều tôi thắc mắc là khi mình mang vàng và đô la đi bán để lấy tiền thì có bị bắt, bị tịch thu không? Họ qui định chuyện này như thế nào?”
Cuối cùng bà đưa ra nhận định: “Mấy ông cộng sản này ghê lắm. Cứ để cho người ta ôm cả đống tiền, rồi hô đổi tiền, người ta chẳng còn gì, biết bao người nhảy lầu tự tử vì vụ này rồi. Tiền Việt Nam cứ cả đống cả đống mà giá trị chẳng có bao nhiêu hết. Tóm lại, tôi nghĩ chẳng qua mấy ổng muốn siết chặt lại vấn đề vàng và ngoại tệ thôi.”
K. Nguyên - Ngọc Lan/Người Việt
VIDEO http://www.youtube.com/watch?v=-p4zwZrC8Jo&feature=player_embedded
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=140396&z=1
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét