Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

Vì sao lên án họ (công nhân) ? Hãy hiểu về Bình Dương .





Rùa Vàng : Vài tháng ở Bình Dương

14/05/2014

Công nhân Bình Dương biểu tình. Ảnh: Internet

Nghỉ hè năm 2006, em theo một anh kế toán cùng phòng trọ vào khu công nghiệp Sóng Thần làm công nhân 2,5 tháng để kiếm tiền đóng học phí. Trước có sống với nhiều bạn bè làm công nhân, khi mình là công nhân mới thấy đời sống thật của họ.

Rùa làm việc tại công ty D.A gia công đồ gỗ xuất khẩu cho Plantation Grown Timbers của Úc, ông chủ lâu lâu xuống xưởng một lần, lần nào ông xuống lại nổi cơn lôi đình, quát mắng, chửi bới lung tung vì những lý do hết sức lãng xẹt. Một hôm ông ta chửi một công nhân có kinh nghiệm 10 năm làm gỗ, sau 30 phút lăng mạ ông ta đuổi việc người công nhân đó luôn. Gần như ko có ai trong số khoảng 150 người từ quản đốc đến công nhân không bị chửi.


Buổi sáng khi mặt trời còn đang bận tiễn chân chú Cua rời WB, thì ở Bình Dương công nhân đã lò mò thức dậy đi làm, tối mặt trời lặn lâu lắm rồi họ mới về nhà. Trên đường về ghé qua chợ đêm mua đại cái gì đó rồi nấu cơm, ăn uống tắm giặt nữa là đến 21h. Trong nhà ko ti vi, báo chí và chẳng có đồ đạc gì có giá trị, ngoài mấy chiếc xe đạp, một nồi cơm điện, một bếp ga mini, một bình nước lọc. Đời sống công nhân đơn điệu và buồn tẻ một cách kinh ngạc. Chỉ lâu lắm mới có một đoàn pê đê đến biểu diễn ở ven KCN họ mới có dịp kéo nhau đi chơi.

Về lương, em mới vào làm lương 870.000đ một tháng, ngày nào cũng tăng ca đến 20h tối mới về và làm 4 chủ nhật, tiền công tháng đầu tiên em kiếm đc 1.200.000đ. Tháng thứ 2 lương cơ bản sẽ lên 960.000 ngàn, những tưởng tháng này kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng tháng đó giám đốc kêu công ty lỗ nay giảm lương, ai muốn làm thì làm không làm thì thôi, vậy là tháng thứ hai em cũng chỉ kiếm đc 1.200.000 ngàn.

Sau hai tháng rưỡi, thì chuẩn bị vào học kỳ mới, em chào mấy công nhân trong tổ rồi về. Phải nói họ bất ngờ khi biết em là sinh viên đi làm thêm, nhiều cô chú nắm tay dặn dò học hành cho tốt, một cô bé còn chạy theo chúc anh này kia. Thời gian ngắn ngủi nhưng cũng tiếp xúc được với nhiều anh chị em công nhân, mỗi người mỗi quê, mỗi người một hoàn cảnh nhưng ai cũng tốt và yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là với một tay sinh viên lơ ngơ lần đầu đi làm thuê như em.

Phải nói một chút về công đoàn công ty. Chủ tịch công đoàn là do giám đốc tự chỉ định. Công ty em là kế toán trưởng kiêm chủ tịch công đoàn. Vì thế ko có chuyện công đoàn đứng về phía công nhân để đấu tranh. Thường công đoàn làm những việc sau: thăm công nhân đau ốm, sinh đẻ.v.v… Còn trung gian đàm phán như bác A nói thì có lẽ chỉ ở các nước tư bản đang giãy chết, nơi mà chính quyền là của giai cấp tư sản.

Nhiều bức xúc tích tụ thì công nhân bãi công lẻ tẻ, tự phát như năm 2008, 2009. Những vụ như thế theo quan điểm của nhà nước là những vụ mất an ninh, trật tự. Và đây là lúc công đoàn tỉnh, huyện có việc để làm, việc quan trọng nhất là tuyên truyền để công nhân đi làm trở lại. Thế nào trong báo cáo cuối năm, công đoàn coi đó làm một thành tích xuất sắc.

Xung quanh các khu công nghiệp, có hàng trăm ngàn dãy phòng trọ cho công nhân. Ở đó có những băng giang hồ, nghiện ngập thường xuyên cướp giật, trấn lột thậm chí cưỡng bức những công nhân tội nghiệp vừa mới lĩnh lương chưa kịp mừng. Và nếu Phòng nhì Hoa Nam nắm bọn này để làm nòng cốt rồi kích động công nhân thì việc đập phá vượt khỏi tầm kiểm soát chắc chắn sẽ xảy ra.

Cuối cùng, các còm sĩ cũng đừng trách những người công nhân cho dù hậu quả ở Bình Dương có lớn đến thế nào đi nữa. Họ đến từ những vùng quê mà ở đó chỉ học hết lớp 5, nhiều người khá có thể học hết cấp 2, cấp 3. Suốt ngày vùi đầu vào máy móc chỉ để kiếm chút tiền bèo bọt nuôi sống bản thân. Họ không đọc báo, blog, ko vào Hang Cua để chém gió, ko biết khái niệm lề trái, lề phải. Và vì vậy làm sao họ có thể nghĩ ra những mưu đồ sâu xa của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Nếu có trách, có lên án, mọi người hãy nhìn đâu đó, trong một căn phòng lạnh đóng kín, trong những xe hơi bóng lộn hay những toà nhà văn phòng trị giá hàng nghìn tỷ tiền thuế. Ở đó những người tự cho mình là đại diện cho những người công nhân nhưng chưa bao giờ biết công nhân cần gì, nghĩ gì, làm gì.

http://hieuminh.org/2014/05/14/mot-ban-doc-hay-hieu-ve-binh-duong/


TIN TỨC TỔNG HỢP MỚI ( NHẤN F5 ĐỂ XEM CẬP NHẬT) http://bietkichxaxu.blogspot.com/2013/09/tin-tuc-tong-hop-ang-cap-nhat.html





__________




Thùy Linh

14/05/2014

Tôi rất thương những người công nhân ở Bình Dương và nhiều nơi khác. Tôi không đồng ý với bạo lực mà họ gây ra, nhưng thẳm sâu trong trái tim tôi chỉ chan chứa sự thông cảm, thấu hiểu hành vi của họ. Họ sinh ra, lớn lên, được dạy dỗ, và sống trong XH mà bạo lực CM, bạo lực của nền chuyên chính vô sản là động lực phát triển. Họ được tôn vinh là lực lượng nòng cốt, đội ngũ tiên phong của CMVS, thậm chí trở thành biểu tượng trên lá cờ CS. Nhưng đến lúc này, ngoài nông dân thì họ là tầng lớp nghèo đói nhất, thất học nhiều nhất, bị áp bức nhiều nhất từ hai phía: chính quyền và giới chủ... Trong họ, sau nhiều năm, chỉ còn là những căm hờn, uất ức bị kìm nén. Đã đến lúc áp xuất đó bùng nổ, bất kể vì lý do gì. Mọi lời ta thán họ về hành động bạo lực dường như vô nghĩa. Những người đã có thể giúp họ (và sẽ tránh được chuyện xách động vừa cong) như Minh Hạnh, Chương, Hùng đã bị nhà cầm quyền bắt tù... Đừng trông chờ tính kiềm chế ở họ như những người chúng ta hàng ngày ngồi máy lạnh, vào FB, đọc chuyện trên trời dưới bể để tìm cho mình cách ứng xử văn minh...

Sau đây nhiều công nhân sẽ bị thất nghiệp, nhiều người bị bắt, rất có thể bị hàm oan nữa... Ai sẽ giúp họ???

Tôi không ngại các doanh nghiệp nước ngoài nhìn Việt Nam xấu đi. Còn gì xấu hơn nữa đâu? 

Xin đừng chia sẻ những gì làm tổn hại đến những người công nhân, những người dưới đáy XH mà nếu họ vùng lên thì họ không mất gì ngoài xiềng xích...

https://www.facebook.com/linh.thuy.75873708/posts/444459945698604


_____________



Nguyendinh Bon

14/05/2014

Vì sao lên án họ?


Sự việc đêm qua ở Bình Dương nếu chỉ là tự phát thì ai chịu trách nhiệm? Tất nhiên câu hỏi này trong xã hội này là vô ích. Nhưng cần nhắc cho những ai chê trách người công nhân, hàm ý họ vô học hay bị dẫn dắt bởi "những kẻ" nào đó thấy rằng nhà cầm quyền đã đối xử với người công nhân, giai cấp mà họ ca ngợi trên mây xanh ra sao?

Giai cấp nào ăn cơm có dòi đến ngất xỉu và khóc vì uất hận? Giai cấp nào đi ỉa cũng phải xin phép? Giai cấp nào ăn những thứ thừa thãi, độc hại nhất vì nó rẻ tiền nhất bán trên vỉa hè? Giai cấp nào trả tiền điện, tiền nước cao nhất vì phải ở nhà trọ? Giai cấp nào không có tiền cưới nhau phải sống chung tạm bợ? Giai cấp nào đau đớn phá thai nhiều nhất?

Trùng trùng oan khổ, không nói hết được. Nhìn ngoài họ vẫn nói cười, bởi họ vẫn phải sống, nhưng bên trong khối căm hờn như thuốc nổ! Hãy nhớ, đừng dùng miệng lưỡi cáo chồn dã thú mà mạt sát công nhân!

https://www.facebook.com/dinhbon.nguyendinhbon/posts/667753243278997


_____________________



Gió Lang Thang

14/05/2014


Mình có một thời lang bạt đến các khu công nhân, và thấm thía nỗi vất vả của họ. Một căn phòng 12m2, gần chục người ở. Đi làm tăng ca ngày 12-14g/ngày. Nếu làm 8 tiếng chỉ đủ tiền ăn và sinh hoạt rất tằn tiện. Thời gian 4-6g làm thêm mới có tiền gửi về nuôi con, nuôi bố mẹ già ở quê. Công nhân ở các khu CN ở Bến Cát, Linh Trung, Sóng Thần, Tân Thới Hiệp,...phần lớn đều từ miền Bắc vào, tập trung nhiều nhất ở các vùng Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị,... Những vùng nghèo nhất nước. Đối với họ, đi làm xong về ngủ vì quá mệt, rất ít được tiếp cận thông tin, báo chí, internet. Họ cũng không hề có những tổ chức tư vấn về sức khoẻ, luật pháp, sinh sản nên có rất nhiều vấn đề. Khi xảy ra mâu thuẫn giữa chủ và công nhân, Công đoàn đến nhận phong bì của các công ty rồi về. Và sự đè nén, uất ức của họ đến hôm nay như một cơn khát, và sự việc bạo lực hôm nay như hậu quả tất yếu của sự đè nén đó. Có thể một ngày kia, bạo lực sẽ chấp dứt, nhưng di chứng của nó để lại sẽ không dễ giải quyết chút nào. 

Giá như, con người đối xử với nhau bằng tình người hơn, mọi việc sẽ không như thế. Và có thể tệ hơn rất nhiều...

https://www.facebook.com/giogiolangthang/posts/755358994484624



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét